Sinh con vào tháng Bảy có sao không?
Hỏi: Tôi là Phật tử, sắp có em bé, dự sinh cháu vào tháng 8 (tức tháng Bảy âm lịch). Tôi nghe một số người nói, nếu sinh bé vào tháng Bảy âm lịch sẽ không tốt, dễ mang bệnh tật vì là tháng “âm”.
Đáp:
Trong dân gian, có lẽ do ảnh hưởng của tín niệm sai lầm tháng Bảy là tháng cô hồn, tháng ‘âm’ nên từ đó quy kết thành tháng không tốt cho sinh con, tháng kinh doanh ế ẩm, tháng nhiều xui rủi trong việc mua xe, đầu tư và đi lại ban đêm và giao thông nói chung v.v… Người ta cứ truyền tai nhau, rồi mặc nhiên tin tưởng vào tháng ‘âm’ xui rủi mà dường như không có lý luận hay căn cứ nào cụ thể và chính xác cả.
Từ một vài người do không hiểu biết, mê tín, tà kiến rồi cứ thế truyền trao cho nhau kinh nghiệm sai lạc này trải qua nhiều thế hệ, nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều lệch chuẩn tín ngưỡng, khiến cho không ít người bị mê muội theo tin tháng Bảy - một tháng có ý nghĩa nhân văn, tháng báo hiếu - là tháng u ám, xui rủi, ma quỷ, thậm chí là chết chóc.
Bạn là Phật tử cần tin hiểu Chánh pháp, nêu cao chánh kiến để an trụ trong chánh tín. Thứ nhất, theo quan điểm Phật giáo, Đức Phật dạy không có năm, tháng, ngày, giờ nào tốt hay xấu mà lúc nào thân khẩu ý của ta khởi ác thì thời điểm ấy rất xấu (với ta) và ngược lại thì tốt.
Thứ hai, Phật giáo không có quan niệm tháng Bảy là tháng “âm”, tháng cô hồn (dù có tổ chức cầu siêu cho ông bà cha mẹ thân nhân quá vãng và thí thực âm linh cô hồn). Tháng “âm” hay tháng cô hồn là quan niệm dân gian, có chút ảnh hưởng Phật giáo nhưng theo hướng tiêu cực.
Đạo Phật xem tháng Bảy là tháng báo hiếu, báo ân (bốn ân sâu nặng bao gồm ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân quốc gia-xã hội, ân tín thí). Tri ân và báo ân là nét đẹp nhân văn cao cả nhất, là đạo đức căn bản của người đệ tử Phật. Đức Phật dạy, vong ân bội nghĩa là trọng tội nên trong tháng Bảy, lễ hội Vu lan Báo hiếu răn dạy mọi người về hạnh hiếu để lo báo đền.
Thứ ba, sinh con vào tháng Bảy hay bất cứ tháng nào trong năm có thể tốt hay xấu hoặc bình nếu tính theo thuyết Tử vi hay Ngũ hành xung khắc kỵ hạp. Người Phật tử có chánh kiến không tin những thuyết này mà chỉ tin vào Nhân quả-Nghiệp báo.
Nếu thừa hưởng nghiệp cũ (cả biệt nghiệp lẫn cộng nghiệp) tích cực thì sinh con ra là hạnh phúc của con và gia đình, ngược lại là sự bất hạnh. Nghĩa là do nghiệp cũ của người con tương tác với cộng nghiệp gia đình (và những chuyển hóa của nghiệp mới về sau) mà có kết quả vui buồn tốt xấu khác nhau chứ không phải do sinh vào tháng Bảy hay bất cứ tháng nào.
Thành ra, sinh con vào tháng nào là nhân duyên của con. Sinh tử vốn vô kỳ (không hẹn, không định được). Không nên dùng các biện pháp khoa học để can thiệp giờ sinh hay tử, như thế là cưỡng duyên.
Người Phật tử nên tùy duyên, nhân duyên thế nào thì thuận theo thế nấy. Điều mà mẹ nên chuẩn bị cho con là ngoài việc giữ gìn sức khỏe thai sản thì cần giữ tâm thiện lành, làm nhiều việc phước thiện để hồi hướng cho con. Sau khi sinh con và nuôi dưỡng thì cần quan sát tâm tính để hướng đạo theo Phật pháp và chuyển nghiệp cho con được bình an, tốt đẹp.
Theo Giác Ngộ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Từ trong nội tâm phát nguyện làm một người tốt mới là chân sám hối
Hỏi - Đáp 15:05 14/11/2024Cách sám hối như thế nào vậy? Trước đây, đối với vấn đề này tôi đã từng thỉnh giáo qua với đại sư Chương Gia là phải lạy mấy bộ kinh sám hối phải không? Hay cầu xin Phật Bồ-tát tha thứ? Đại sư Chương Gia lắc đầu, nói: “Không phải như vậy!”.
Vì sao khi phá thai, trách nhiệm nhân quả của người mẹ nặng hơn?
Hỏi - Đáp 09:00 13/11/2024Hỏi: Xin hỏi về tội phá thai, vì sao tất cả tội lỗi đều đổ lên thân của người mẹ? Lẽ nào người làm cha không chịu chút nhân quả nào?
Người trẻ phải sống bằng trí tuệ trong tình yêu và hôn nhân
Hỏi - Đáp 14:50 12/11/2024Hỏi: Con và chồng con kết hôn với nhau, cuộc sống lúc đầu rất hạnh phúc. Nhưng sau anh ấy lại ăn chơi sa đọa, đi bồ bịch ở bên ngoài. Làm sao con có thể đối diện với con người bạc tình bạc nghĩa như vậy?
Thay đổi tượng thờ có phạm tội bất kính?
Hỏi - Đáp 16:30 11/11/2024Hỏi: Nhà tôi lâu nay thờ tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm, nhưng nay tôi muốn chuyển sang thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca, chẳng biết có được phép không? Có gì bất kính không? Và nếu thay được thì cách thức thế nào? Sau đó tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm phải làm sao?
Xem thêm