Sự cứu rỗi của gã giang hồ nhờ chú Đại Bi
“Chỉ cần niệm Phật và đọc làu làu trang giấy này mà tiêu tan được nỗi uất hận dâng trào trong lòng sao?”, vừa đọc ông vừa nhớ tới người đàn bà và con dao cắm ngập lút cán trên ngực con gái mình!
Buôn gỗ, tìm trầm, bảo kê quán xá, đòi nợ thuê, mua bán ma túy… ông được các đại ca nể nang bởi việc gì ông cũng nhận làm và làm rất ngon lành. Sau mỗi phi vụ, điểm xả hơi của ông là khu đèn đỏ.
Vợ ông, cô gái hiền lành vì đem lòng thương gã giang hồ mà bị gia đình từ mặt, không còn hơi sức để ghen tuông và cũng không còn nước mắt để khóc, bà đi chùa cầu xin cho mình gánh hết mọi tội trạng của chồng.
Có người tới chùa với tấm lòng trong như ngọc, nhẹ nhàng. Có người tới chùa với đầy nỗi niềm, nặng trĩu. Nhưng không ai giống kiểu như bà, bà cố hết sức để lặng lẽ, nhưng mà cứ mỗi khi bà đi qua một ngôi chùa khác thì chỉ vài ba bữa sau người ta đã biết bà là vợ của gã giang hồ đầy tai tiếng. Mỗi khi bà xuất hiện thì mọi ánh mắt âu lo hướng về phía thùng tiền công đức như là nó sắp mọc cánh bay đi.
Thị xã có sáu ngôi chùa thì bà đã chuyển việc lễ Phật của mình đến ngôi chùa thứ sáu. Rồi thì chẳng còn ngôi chùa nào khác để lẩn tránh, bà đành phơi mặt ra, cắn răng chịu mọi điều tiếng xì xào.
Thùng tiền công đức vẫn còn nguyên đó, lời xì xào thành ra là “Tiền cúng dường của vợ gã giang hồ có phải là tiền sạch không? Có xứng đáng được chung thùng công đức với mọi người không?”. Bà vội rụt lại, tờ tiền trong tay bà run bần bật. Người ta không tin nhưng Phật chắc là tin, bà thề với Phật đây là tiền lương con gái đi làm công nhân xí nghiệp may cho mẹ.
Chắc là Phật chứng giám cho thành tâm của bà cho nên gần suốt cả đời bà năn nỉ van xin mà chồng cứ hứa rồi quên, nay bà chỉ nói một câu “Ông coi chừng đời cha ăn mặn đời con khát nước”
Vậy mà chồng giật mình. Nhìn lại hai đứa con lớn phổng hồi nào không hay, đứa con gái hiền lành nhu mì như mẹ không làm ông lo lắng nhưng mà đứa con trai đã bắt đầu hút xách cờ bạc và đã biết hùng hổ cãi lại “ Ba khác gì con mà nói?”
Lần đầu tiên trong đời ông muốn mình khác đi để con trai mình cũng khác đi. Lần đầu tiên ông biết sợ. Sợ cho con.
Ông tuyên bố chia tay giang hồ, về làm bảo vệ xí nghiệp may.
Vậy mà ông đã không bảo vệ được con gái mình là công nhân ngay tại xí nghiệp may đó.
Chú Đại Bi là gì? Chú Đại Bi 3 biến, 5 biến, 7 biến, 21 biến
Đứa con gái ngoan hiền đi ra cổng xí nghiệp vừa lúc cuộc đánh ghen ập tới. Ai đó hét lên: “Nhầm rồi, không phải con nhỏ đó”, thì đã muộn, lưỡi dao đã cắm phập vào ngực, máu chảy thẫm áo.
Con gái hiền ngoan của ông chết ồn ào như một tay anh chị giang hồ vì đâu phải ai cũng biết cái chết này oan khuất.
Vợ ông nức nở:
– Tôi cầu xin gánh tội thay cho ông mà nào ngờ con gái mình mới là người trả nợ cho ông đó.
Tang lễ con gái, lần đầu tiên ông biết bài chú Đại Bi cũng như lần đầu tiên đoàn Phật tử đến nhà ông mà tâm không phân biệt, họ nhận ra vợ chồng ông cũng như họ, niềm đau nỗi khổ phận người không chừa riêng ai.
Thành tâm tụng chú Đại Bi để người chết được siêu thoát, sư cô nói, nhưng nhà chùa và Phật tử giúp chỉ là tha lực, người nhà mới là tự lực, mới là quan trọng nhất.
Hoàn lương quá muộn, ông chưa kịp làm gì cho con gái. Ừ, thì tự lực. Bốn mươi chín ngày đêm ông tụng chú Đại bi như món quà muộn màng tặng cho con gái, có kịp để con gái được đến cõi an lành không?
Ông muốn tin là có.
Ai cũng thuộc lòng bài chú, vợ ông cũng đã thuộc lòng, chỉ một mình ông phải cầm tờ giấy. Bài chú in riêng cho ông chữ cỡ to và đậm, để ông dễ đọc không bị mỏi mắt và lỡ mà cặp kính lão thị có quên đâu đó thì ông cũng vẫn đọc được.
Thật ra ông vấp váp không phải vì không có cặp kính lão thị mà vì cứ vừa đọc vừa hỏi lung tung trong đầu “ Mình đang làm gì đây?”, “Chỉ cần niệm Phật và đọc làu làu trang giấy này mà tiêu tan được nỗi uất hận dâng trào trong lòng sao?”, vừa đọc ông vừa nhớ tới người đàn bà và con dao cắm ngập lút cán trên ngực con gái mình!
Trì chú Đại bi thoát khỏi tà thuật
Rồi ông nhìn thấy con trai mình trừng trừng nhìn quan tài em gái hạ xuống huyệt, đường gân quai hàm nó cắn lại hằn dấu căm hận, tay nó bốc từng nắm đất quăng xuống như phóng dao.
Ông rùng mình…
“Không ! Lạy Phật ở trên cao, đứa con gái hiền ngoan chết đi trong oan ức là quá đủ rồi, ông sẵn sàng đọc chú Đại Bi suốt cả quãng đời còn lại, cho con trai mình được an lành, ông sẵn lòng tha thứ cho người đàn bà ghen tuông nhầm lẫn đó.”
Sau tang lễ, giang hồ nghe ngóng đợi ông ra tay trả thù. Đợi hoài không thấy động tĩnh gì, giang hồ cười cợt ông già rồi, mỏi gối chùn chân rồi. Lại nghe nói ông nhốt con trai trong phòng và tự ông cất giữ chìa khóa.
Giang hồ thở dài, coi như ông hết thời thật rồi.
Quả là hết thời rồi, vì chìa khóa còn trong túi ông mà con trai biến ra khỏi phòng từ lúc nào không biết, đến khi gió đập cánh cửa sổ ông mới nhìn thấy mấy thanh song cửa bị bẻ gãy.
Ông hối hả lùng tìm con trai khắp nơi. Nghe phong phanh người đàn bà đó đang trốn ở đâu là ông tìm tới. Chú Đại Bi giúp con gái ông siêu thoát vậy có giúp ông tìm ra con trai mình trước khi nó ra tay không?
Ông tự hỏi và tự hy vọng, vừa chạy xe trên đường ông vừa lẩm bẩm ” Ta-bà-ha, ta-bà-ha, ta-bà-ha…” Không có tờ giấy ông không đọc trọn vẹn được, lạy Phật, nếu con trai con qua được tai nạn này, con hứa sẽ thuộc đầy đủ.
Âm thanh gào rú đinh tai nhức óc, những cái xe phân khối lớn lao tới.
Ông vội tấp vô lề đường và sững sờ thấy cái đứa bị truy đuổi là con trai mình.
– Ba ơi, cứu con.
Con trai ông nhảy xuống xe và chạy tới sau lưng ông, lưng nó dựa vô lưng ông, cái thế này là cặp bài trùng. Ông nghiến răng. Cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng. Ông phải bảo vệ con trai mình. Chợt cảm thấy điều gì đó… ờ, lần đầu tiên hai cha con đứng gần nhau đến vậy, chạm vào nhau… Lần đầu tiên ông nhìn thấy rõ từng sợi râu quanh mép con trai mình. Lần đầu tiên ông nhìn tận đáy mắt con trai mình. Nó đang rất sợ hãi. Giang hồ không biết sợ hãi. Biết sợ hãi chỉ là giang hồ vặt thôi.
Vặt. Thằng con trai của ông chỉ giang hồ vặt. Vẫn còn kịp ngừng lại.
Những mặt mũi bặm trợn chạy xe thành vòng tròn vây quanh cha con ông.
– Tụi mày muốn gì? – Ông quát to – Con trai tao đã làm gì tụi mày hả?
– Nó không làm gì tụi này – Một gã cười nham nhở – Tụi này nhận tiền người ta thuê để thịt nó.
Ông đau khổ nhìn con trai:
– Mày làm gì ai mà ra chuyện này?
Con trai ông lắc đầu:
– Có làm gì đâu, con vừa ngừng xe trước quán cà-phê là tụi nó lao ra, con chạy.
Gã đầu đảng cười rách mép:
– Có gì đâu mà người ta chịu chi trăm triệu để tóm mày hả?
Nghiến răng, ông suy tính rất nhanh, mình là đồ bỏ đi rồi…
Ông nhìn gã có vẻ là đầu đảng:
– Mạng đổi mạng. Xí xóa. Tao chết thay con tao, được chưa? – Quay nhìn con trai, ông nói nhanh – Về nhà với má đi con.
Tiếng điện thoại reo chát chúa. Gã đầu đảng áp điện thoại vô tai, nhướng mắt “ bắt được nó rồi hả? Ờ ờ… nó chịu nhận tội rồi hả?”. Nhét điện thoại vô túi, gã nhìn ông cười cười “Xin lỗi, nhầm, không phải con trai ông”.
Những cái xe gầm rú xa dần bỏ lại hai cha con giữa đường. Ông thở phào:
– Lang thang giữa đường dễ bị tai bay vạ gió.
Ngừng, rồi ông nói thêm, như năn nỉ:
– Thôi, về nhà đi con.
Ông không mong con trai chịu nghe lời mình ngay, ông chuẩn bị để khóa tay nó lại mà kéo đi theo mình.
Đứa con trai nhìn ông bằng ánh mắt rất lạ:
– Lúc nãy… ba nói… để ba chết thay cho con hả?
Giọt nước mắt của con trai rơi xuống tay ông nóng ấm.
Người đàn ông tiếp tục kể chuyện đời mình cho tôi nghe trong quán cơm chay.
– Hồi đó, ra tòa, thấy mấy đứa con của người đàn bà đó khóc quá chừng, cũng tại ông chồng trăng hoa mới xảy chuyện chứ người ta cũng tội nghiệp. Vợ chồng tôi làm đơn xin giảm án cho người ta mau được về với bầy con.
Bây giờ thì ông đã thuộc làu làu chú Đại Bi.
– Con trai tôi bây giờ làm công nhân kỹ thuật ở xí nghiệp may, coi như là suất của em nó để lại cho nó. Năm nào nó cũng được bình xét tiên tiến loại A, cô à – Ông cười lộ hàm răng sún mấy cái – Linh thiêng ghê hả cô… mà hồi đó tôi chỉ mới thuộc mấy tiếng ” Ta-bà-ha” thôi đó.
Ông nhiệt thành ngước nhìn lên trời, có lẽ trong mắt ông, Đức Phật luôn ở trên cao.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Ăn chay hồi hướng cho cha mẹ được khỏi bệnh
Tư liệu 12:20 28/10/2024Thái Phúc là một nông dân sống Trong thị trấn Tân Trang, Đài Bắc, Đài Loan. Cha của anh tên là Thái Qua Tử, bị bệnh hen suyễn đã lâu, mỗi khi đến mùa đông, tiết trời se lạnh, bệnh cũ bắt đầu hành hạ, nhiều khi dường như đứt hơi.
Hành thiện sâu dày thoát nạn động đất
Tư liệu 10:50 28/10/2024Sau khi được cứu sống ông Tường mới biết toàn bộ tòa nhà nơi mình sinh sống đều bị vùi lấp trong đống gạch ngói, duy chỉ có một góc phòng khách của ông có khe hở, còn những gian phòng khác trong nhà ông đều bị san thành bình địa giống như cả tòa nhà.
Ba cách thuyết minh Bát Chánh đạo
Tư liệu 23:50 26/10/2024Trong Kinh tạng Nikaya, khi Đức Phật nói trực tiếp về Bát Chánh đạo, thì lộ trình theo thứ tự là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, hay nói gọn lộ trình đó là Tuệ - Giới - Định.
Xem thêm