Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 04/05/2021, 15:04 PM

Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời đánh dấu một sự kiện lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha bao đời của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên Phật giáo thống nhất trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Sau khi toàn thể Đại biểu thảo luận và thống nhất thông qua bản Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua chương trình hoạt động và hoàn tất việc giới thiệu và suy tôn Hội đồng Chứng minh, cũng như giới thiệu thành phần và thực hiện suy cử Hội đồng Trị sự xong, thời khắc trọng đại Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được ra đời, đánh dấu một sự kiện lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng thiết tha bao đời của Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên Phật giáo thống nhất trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên một Giáo hội Phật giáo Việt Nam lấy “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” làm phương châm hành động.

Đại hội đã cung nghinh suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cung thỉnh suy cử Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đại hội đã suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thành phần nhân sự lãnh đạo Trung ương Giáo hội tại nhiệm kỳ I (1981-1987) như sau:

– Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 50 vị Hòa thượng, Trưởng lão tiêu biểu của các tổ chức, Giáo hội và hệ phái, trong đó Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có: Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ; Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Phó Pháp chủ kiêm Giám luật; cùng quý Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hòa thượng Thích Ấn Lâm, Hòa thượng Maha Saray, Hòa thượng Thích Mật Hiển, Hòa thượng Thích Huệ Thành đồng làm Phó Pháp chủ và Hòa thượng Thích Nguyên Sinh làm Chánh Thư ký. 

Toàn cảnh Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

– Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 49 vị Hòa thượng, Trưởng lão tiêu biểu của các tổ chức, Giáo hội và hệ phái, trong đó Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có: Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch; cùng với 9 vị Phó Chủ tịch; trong đó nhị vị Hòa thượng Thích Thế Long và Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Phó Chủ tịch Thường trực; Hòa thượng Thích Thiện Hào; Hòa thượng Thích Thanh Chân, Hòa thượng Thích Bửu Ý, Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Hòa thượng Thích Giác Nhu, Hòa thượng Châu Mum đồng là Phó Chủ tịch; Hòa thượng Thích Minh Châu là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; Thượng toạ Thích Thanh Tứ làm Phó Tổng Thư ký; Thượng toạ Thích Từ Hạnh làm Phó Tổng Thư ký. Trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội.

Về cơ cấu tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ I (1981-1987) có các ban và chuyên ngành cụ thể như sau:

1/ Ban Tăng sự Trung ương do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban.

2/ Ban Giáo dục Tăng Ni do Thượng tọa Thích Thiện Siêu làm Trưởng ban.

3/ Ban Hướng dẫn nam nữ cư sĩ, Phật tử do Thượng tọa Thích Thanh Hiền làm Trưởng ban.

4/ Ban Hoằng pháp do Thượng tọa Thích Trí Quảng làm Trưởng ban.

5/ Ban Nghi lễ do Thượng tọa Kim Cương Tử làm Trưởng ban.

6/ Ban Văn hóa do đạo hữu Võ Đình Cường làm Trưởng ban.

Ngoài ra, còn có các bộ phận trực thuộc Trung ương Giáo hội như bộ phận Tài chính do đạo hữu Tăng Quang và Thượng tọa Thích Thanh Chỉnh phụ trách; Thủ quỹ do Thượng tọa Thích Thuận Đức và đạo hữu Nguyễn Thị Thanh Quyên phụ trách; bộ phận Kiểm soát do Ni sư Thích Nữ Huỳnh Liên và đạo hữu Tống Hồ Cầm phụ trách…

Chư tôn giáo phẩm cùng nhất tâm đảnh lễ Tam bảo trước phiên khai mạc Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Chư tôn giáo phẩm cùng nhất tâm đảnh lễ Tam bảo trước phiên khai mạc Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Những tấm gương gắn kết Đạo và Đời

Như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chính thức hình thành, hoạt động với bản Hiến chương gồm: Lời nói đầu, 11 Chương và 46 Điều, được 165 Đại biểu thống nhất thông qua. Bản Hiến chương do Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Trí Thủ thay mặt đoàn Chủ tịch hội nghị, Thượng tọa Thích Minh Châu thay mặt đoàn Thư ký hội nghị ký, 9 vị Trưởng đoàn của 9 tổ chức hệ phái tham dự Hội nghị cùng ký tên, công nhận gồm: 1/ Trưởng đoàn Đại biểu Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam Hòa thượng Thích Nguyên Sinh; 2/ Trưởng đoàn Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thượng tọa Thích Thiện Siêu; 3/ Trưởng đoàn Đại biểu Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam Hòa thượng Thích Trí Tấn; 4/ Trưởng đoàn Đại biểu Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP. HCM Hòa thượng Thích Thiện Hào; 5/ Trưởng đoàn Đại biểu Giáo hội Tăng già Nguyên Thuỷ Việt Nam Thượng tọa Thích Siêu Việt; 6/ Trưởng đoàn Đại biểu Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ Hòa thượng Dương Nhơn; 7/ Trưởng đoàn Đại biểu Giáo phái Khất sĩ Việt Nam Hòa thượng Thích Giác Nhu; 8/ Trưởng đoàn Đại biểu Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán Tông Thượng tọa Thích Đạt Pháp; 9/Trưởng đoàn Đại biểu Hội Phật học Nam Việt cư sĩ Tăng Quang. Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Bộ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trưởng Đặng Thí ký phê chuẩn vào ngày 29 tháng 12 năm 1981.

Trong Lời nói đầu, Hiến chương đã nêu rõ lập trường, quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như sau: “Trong gần hai ngàn năm hoằng pháp độ sinh trên đất nước Việt Nam và hòa mình trong dân tộc, Đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Với truyền thống yêu nước, Phật giáo Việt Nam bao giờ cũng là thành viên được tin cậy trong khối đoàn kết toàn dân, suốt dòng lịch sử dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa, cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ngày nay do Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo… Nguyện vọng thống nhất Phật giáo đã thực hiện từ lâu, nhưng chưa được trọn vẹn, nay trong bối cảnh dân tộc đã độc lập, Tổ quốc đã thống nhất, cả nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, Phật giáo Việt Nam có đủ cơ duyên thống nhất thật sự để duy trì chánh pháp, góp phần tích cực cùng toàn dân đem lại vinh quang cho Tổ quốc, hòa bình an lạc cho dân tộc và nhân loại… Sự thống nhất này xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp đều được tôn trọng, duy trì” [1]

hiến chương giáo hội

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững vàng đường hướng dân tộc - đạo pháp - chủ nghĩa xã hội

Hiến chương đã nêu rõ lý tưởng, vai trò, vị trí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Lý tưởng giác ngộ chân lý hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh là lập trường và mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và ngoài nước; Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[2]. Ở Chương II (Mục đích – Thành phần), tại Điều 4, một lần nữa Hiến chương nhấn mạnh mục đích ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đó là: “Điều hòa hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì và hoằng dương Phật pháp, phục vụ dân tộc và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần hòa bình an lạc cho thế giới”. Nội dung các Chương, Điều thể hiện trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã toát lên tầm vĩ mô, mang ý nghĩa chiến lược nhằm ổn định tổ chức Giáo hội và định hướng phát triển lâu dài bền vững. Đặc biệt, Hiến chương Giáo hội thể hiện vai trò then chốt trong hệ thống quản lý, điều hành và chế tài của Giáo hội, xác lập giáo quyền và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các thành viên Giáo hội; đoàn kết hòa hợp, đảm bảo các quyền được đề cử và được suy cử cũng như nghĩa vụ của tất cả thành viên đối với Giáo hội. Như vậy, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cơ sở pháp lý, được xem như là đạo luật căn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để xây dựng Giáo hội vững mạnh, xác định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Giáo hội, phản ánh và tác động đến sự phát triển bền vững của Giáo hội.

Kể từ ngày tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đứng đầu là Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội, đã hướng đến mục tiêu xác lập việc thống nhất quản lý và điều hành Phật sự trên phạm vi toàn quốc theo tiêu chí: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; các truyền thống Hệ phái cũng như các pháp môn tu hành và phương tiện tu hành đúng chánh pháp vẫn được tôn trọng, duy trì”. Do vậy, để thiết lập một trật tự, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của Tự viện, Tăng, Ni, Phật tử trong bối cảnh đất nước thống nhất, Hiến chương Giáo hội như một đạo luật cơ bản, chủ đạo trong hệ thống Giáo hội, nhằm tổ chức thể chế chính trị, bộ máy Giáo hội và các quan hệ xã hội phù hợp với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Lúc này chúng ta có thể khẳng định Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực sự là kim chỉ nam lèo lái con thuyền Giáo hội vượt qua mọi khó khăn, góp phần thiết thực để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành tựu mỹ mãn và không ngừng thăng tiến qua mỗi nhiệm kỳ [3].

Chư tôn giáo phẩm các thành viên Ban Vận động tại chùa Quán Sứ, tham dự Hội nghị kỳ 2, ngày 18-1-1981.

Chư tôn giáo phẩm các thành viên Ban Vận động tại chùa Quán Sứ, tham dự Hội nghị kỳ 2, ngày 18-1-1981.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong buổi lễ bế mạc, Đại hội đã gửi thư lên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, báo cáo kết quả tốt đẹp của Đại hội và cam kết tiếp tục thực hiện truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết với cộng đồng dân tộc. Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tuyên đọc bức tâm thư, trong đó có đoạn: “Với sự thành công viên mãn của Đại hội lịch sử này, chúng ta đang thực hiện một bước tiến mới, tiếp nối cuộc hành trình vẻ vang hai ngàn năm hoằng pháp, độ sinh của Phật giáo chúng ta trên Tổ quốc thân yêu. Từ đây chúng ta có thêm cơ sở thuận lợi mới để bảo đảm tín ngưỡng và phương pháp tu hành đúng chánh pháp, phát huy tinh thần bi, trí, dũng và nền văn hóa nhân bản của Phật giáo trong thời kỳ nước ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, thể hiện cao hơn nữa truyền thống yêu nước và gắn bó hài hòa giữa đạo và đời, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng hòa bình và an sinh cho nhân loại… Để thực hiện tốt đẹp lý tưởng, cũng như các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của Giáo hội, sau Đại hội này, chúng ta hãy ra sức phấn đấu biến thành hiện thực những điểm trong Hiến chương và Chương trình hành động mà Đại hội đã thông qua. Giáo hội thiết tha kêu gọi chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni và Phật tử cả nước nhiệt tình hưởng ứng, chung sức chung lòng, kề vai sát cánh cùng Giáo hội làm tròn trách nhiệm lớn lao mà Tổ quốc Việt Nam đang đòi hỏi và lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam hằng giao phó” [4].

Tâm thư cũng nêu rõ: “Ngày nay, nước nhà được độc lập, thống nhất, từ Lạng Sơn đến Minh Hải quy về một mối. Trong niềm hân hoan chung của cả nước, Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam lại có niềm hân hoan riêng thấy ước mơ bao đời nay của mình đã thành hiện thực. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, thống nhất tất cả các hệ phái Phật giáo Việt Nam theo cùng một ý chí, một Hiến chương và chương trình hành động, trong cùng cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, nhằm mục đích chung là duy trì chánh pháp, đề cao chánh tín, góp phần tích cực cùng toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại vinh quang cho Tổ quốc, hòa bình cho dân tộc và cho nhân loại” [5]. Ngoài ra, trong lời kêu gọi sau khi Đại hội thành công, Hòa thượng Thích Trí Thủ thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội đã nêu rõ: “Từ nay, chúng ta không còn là Phật tử của miền Nam, miền Trung hay miền Bắc, không còn bị gò bó chia cách bởi tổ chức này hay hình thức nọ, mà đều là Phật tử Việt Nam, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước” [6]. Sau ngày Đại hội bế mạc, trong buổi tiếp Đại biểu Đại hội tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã bày tỏ niềm phấn khởi, tin tưởng trước sự thành công của Đại hội và nhấn mạnh: “Đây là một sự kiện lịch sử của đạo Phật nước ta, cả từ trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai… Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã góp phần xứng đáng…” [7].  Cũng tại buổi tiếp này, Hòa thượng Thích Đức Nhuận thay mặt quý Đại biểu nêu lên ba nguyện vọng của Phật giáo, cũng là nguyện vọng chung của toàn thể Tăng, Ni và Phật giáo đồ cả nước.

Các đại biểu dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam chụp hình trước chính điện chùa Quán Sứ – Trụ sở Trung ương Giáo hội

Các đại biểu dự Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam chụp hình trước chính điện chùa Quán Sứ – Trụ sở Trung ương Giáo hội

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng nhân dân chống dịch

Ba nguyện vọng đó là:

1/ Phật giáo Việt Nam được thống nhất.

2/ Phật tử được tự do tín ngưỡng, dễ dàng xuất gia học đạo.

3/ Được mở mang trường Đại học Phật giáo ở 3 thành phố lớn: Hà Nội, Huế và TP.HCM. Các tỉnh thành được mở lớp gia giáo và Phật Học Viện để đào tạo Tăng tài.

Trong buổi hôm đó, tất cả thành viên trong đoàn ai nấy đều vui mừng sung sướng, khi được cụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chấp nhận ba nguyện vọng trên. Từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay trải qua 8 nhiệm kỳ và ba giai đoạn lịch sử dưới sự lãnh đạo, chứng minh tối cao của ba Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam:

1/ Đệ nhất Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận từ năm 1981 đến năm 1993.

2/ Đệ nhị Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Tịch từ năm 1997 đến năm 2005.

3/ Đệ tam Pháp chủ – Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ từ năm 2007 đến nay.

Và dưới sự lãnh đạo điều hành Phật sự của ba vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự:

1/ Hòa thượng Thích Trí Thủ từ năm 1981 đến năm 1984.

2/ Hòa thượng Thích Trí Tịnh từ năm 1984 đến nay 2014.

3/ Hòa thượng Thích Thiện Nhơn từ năm 2014 đến nay.

Chú thích:

[1], [2] Trích Lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Hội nghị thống nhất Phật giáo toàn quốc vào ngày 4 đến 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội.

[3] Tính đến nay, hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 8 nhiệm kỳ, trên căn bản ban đầu của Hiến chương, Giáo hội đã ban hành rất nhiều Thông tri, Nghị quyết, Quyết định quan trọng của Giáo hội để lèo lái guồng máy đi vào quỹ đạo “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” một cách khoa học, đáp ứng yêu cầu thời đại, có kế hoạch, có tổ chức và chương trình hoạt động cụ thể. Đồng thời để thích ứng với yêu cầu phát triển trong từng hoàn cảnh lịch sử và nhất là trong bối cảnh thời đại, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được tu chỉnh lần thứ 6 vào năm 2017 và gần đây nhất là bản quy chế hoạt động Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) được ban hành và đã đi vào cuộc sống.

[4] Trích tài liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012)-Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng – Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.[5] Trích tài liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012)-Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng – Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.[6] Trích tài liệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Đại hội đến Đại hội (1981 – 2012)-Người thực hiện: Nguyễn Đại Đồng – Nhà xuất bản Tôn giáo 2012.[7] Trích nguồn Ban Tôn giáo Chính phủ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tính tất yếu và giá trị lịch sử sự ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981

40 năm Giáo hội 12:30 26/04/2022

Sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là kết quả của quá trình vận động lâu dài, bền bỉ và hợp quy luật khách quan, đáp ứng yêu cầu lịch sử đặt ra.

Kỷ cương là nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

40 năm Giáo hội 12:59 22/02/2022

Những thách thức khó khăn do yếu tố chủ quan lẫn khách quan mà chúng tôi đề cập ở đây chính là vấn đề kỷ cương trong sinh hoạt Giáo hội hiện nay.

Chặng đường 40 năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

40 năm Giáo hội 11:10 08/11/2021

Đạo Phật đi vào cuộc đời, đánh thức trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, và cả những người tu sĩ ! Giáo lý của nhà Phật không cho phép chúng ta có quyền cao hơn một quốc gia dân tộc mà phải dấn thân, phụng sự nơi quốc độ mà ta có duyên đầu thai vào, giữ gìn sự chung thủy sắc son.

Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN

40 năm Giáo hội 08:51 08/11/2021

Sáng ngày 07/11/2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (07/11/1981 – 07/11/2021) với sự tham dự của chư Tôn giáo phẩm Ban Thường trực HĐCM, Ban Thường trực HĐTS, 13 Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành.

Xem thêm