Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 12/07/2013, 11:14 AM

Suy nghĩ từ lời Kinh "thân người khó được, Phật pháp khó nghe"

Dù là người xuất gia hay tại gia, con đường duy nhất để tránh được “thân người khó được” là con đường tu thân, tích đức, là thực hiện được những phương pháp tu tập từ đơn giản đến những phương pháp cao siêu hơn

Là người học Phật, không ai là không nghe thấy câu “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Lời kinh đó nguyên văn chữ Hán là “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” xuất hiện trên nhiều bản kinh mà đức Phật đã dạy. Ngoài ra, ta có thể kể đến trong Kinh Tứ thập nhị chương, Chương 12 cũng đã có nói đến điều này. Kinh Phạm Võng cũng nói: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục”, nghĩa là “Một phen mất thân người, vạn kiếp khó có lại được”. Kinh Niết Bàn cũng đã nói: “Nhân thân nan đắc như Ưu Đàm hoa” tức là “Thân người khó được như hoa Ưu Ðàm”. 

Trong bài viết này, xin được nói những suy nghĩ về ý nghĩa vế trên lời kinh, đó là: “thân người khó được”.

Vì sao đức Thế Tôn lại dạy “thân người khó được”? Chúng ta đã là người rồi, tại sao lại còn khó được. Do đó, ở đây cần phải hiểu rằng khó được không phải là khó cho thân hiện nay mà là khó cho thân mai sau của chúng ta, khi thân đời này không còn nữa thì liệu kiếp sau ta có còn được là thân người nữa hay không, hay lại bị đọa vào các đường ác. Đó là điều ta cần suy nghĩ.

Theo giáo lý của đức Phật: thân con người ta tồn tại trên cuộc đời này chỉ là một giai đoạn rất ngắn ngủi, nhiều lắm chỉ trong khoảng 100 năm so với toàn bộ cuộc sống của người đó từ vô thủy kiếp trước đây và còn mãi mãi về sau này.

Theo giáo lý Mười hai nhân duyên, hết một chu trình tuần hoàn từ thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả của đời hiện tại do nhân của đời trước là vô minh và hành gây nên, đến ái, thủ, hữu là nhân của đời hiện tại gây ra quả của đời vị lai và cứ như thế con người phải trải qua vô lượng vô biên kiếp sống. Nhưng những kiếp sống ấy có phải mãi mãi đều là kiếp sống của con người hay không? Không phải là như vậy. đạo Phật đã chỉ ra rằng trong mười cõi giới, có sáu cõi còn trong vòng sinh tử luân hồi hay còn gọi là lục đạo luân hồi, đó là các cõi Trời, Người, A tu la, Súc sinh, Ngạ quỹ và Địa ngục mà cõi Người và Trời là cõi lành. Chúng sinh trong các cõi sinh tử luân hồi, có chết đi sống lại cũng còn tùy theo nghiệp lực dẫn dắt của các kiếp sống. Con người sau khi chết đi, tùy theo hành động tạo tác trong suốt cuộc đời, gây nên các nghiệp thiện hay ác, sẽ thác sinh vào các cõi khác nhau.
 
Các nghiệp lực ấy đưa ta vào một trong sáu cõi luân hồi, điều đó lại còn tùy thuộc vào cận tử nghiệp, tức là cái nghiệp xuất hiện trong lúc lâm chung. Đạo Phật cũng chỉ ra rằng có hai loại người có thể đi thẳng tới hai cõi mà không cần phải qua giai đoạn thân trung ấm trong 49 ngày. Đó là loại người gây nhiều tội ác nặng như các tội Tứ trọng, Ngũ nghịch, Thập ác, thì sau khi chết, bị đọa thẳng vào cõi Địa ngục và thứ hai là những người tạo nhiều nghiệp lành và đủ cơ duyên thì sau khi chết, được vãng sinh vào cõi Cực lạc. Còn lại tất cả mọi con người sau khi chết đi, tùy theo nghiệp lực tạo tác trong đời, có thể tái sinh vào một trong các cõi luân hồi khác là Ngạ quỷ, Súc sinh, A tu la, Người và cõi Trời.

Đạo Phật có nói đến Lục đạo luân hồi, đó là sáu cõi trầm luân của các chúng sinh chưa giải thoát. Một chúng sinh nói chung, hay một con người nói riêng có thể trải qua một trong sáu cõi đó. Trong đó được làm người trong cõi Người là rất quan trọng vì con người có thể có cơ hội tu tập để giải thoát khỏi kiếp sinh tử luân hồi, vì nếu ở trong cõi khác thì không dễ dàng tu tập để giải thoát. Do vậy, con người sau khi chết đi muốn trở lại làm người không phải là dễ.

Trong “Lương Hoàng Bảo Sám” có nói đến bà hoàng hậu của vua Lương Võ Đế (502 – 550) tên là Hy Thị. Vì được vua yêu quý nên lòng đố kỵ của bà ngày càng lên cao, nên bà đã tạo ra nhiều tội ác đến nỗi ai ai cũng biết bà là một “Quái phi”. Vì gây nhiều tôi ác nên khi từ trần bà phải đọa làm thân rắn mãng xà, ngày đêm đau khổ, thân thể tanh hôi, vi vẩy bị sâu trùng rúc rỉa, nhức nhối không thể chịu được. Trong các chuyện Phật giáo có rất nhiều câu chuyện kể về con người sau khi chết bị đọa vào các đường ác làm thân súc sinh, ngạ quỷ vì trong cuộc sống họ đã gây ra nhiều tội ác.

Trong kinh Bách Duyên có ghi câu chuyện khi đức Phật ở vườn tre Ca Lan Đà tại thành Vương Xá, trong thành có một vị trưởng giả tên là Hiền Diện rất giàu có, của báu vô số không thể kể hết, nhưng tính tình xấu xa, tham lam, ghen tị, nịnh hót, không có tâm làm bố thí, ngay đến các loài chim, ông cũng đuổi không cho đến gần nhà mình. Một hôm, có các vị sa môn và Bà la môn nghèo khổ đến nhà ông khất thực, ông dùng những lời độc ác chửi mắng và đuổi đi. Về sau, khi chết, ông bị đọa làm thân rắn, trở lại giữ tài sản.

Cuốn “Thiện ác nghiệp báo” tức “Chư kinh yếu tập” của Pháp sư Đạo Thế đã nêu rất rõ vấn đề này bằng những câu chuyện khác nhau về con người vì tạo nhiều nghiệp ác nên sau khi chết bị đọa vào cõi súc sinh. Vậy, đã là con người thì kiếp sau được trở lại làm thân người không phải là dễ, hay nói khác đi, như Phật đã nói là “thân người khó được”.

Để nói lên điều đó, đức Phật còn dùng một hình ảnh ví như có một con rùa mù nằm dưới đáy biển, cứ một trăm năm mới nổi lên một lần để tìm cách chui đầu vào một cái lỗ trên một khúc cây đang bồng bềnh trôi trên mặt biển. Việc một con rùa mù như thế mà cứ một trăm năm mới nổi lên để đưa đầu vào lỗ cây thật quả là quá hiếm hoi như thế nào? Được làm kiếp người cũng hiếm hoi như vậy.

Tuy nhiên, đức Phật cũng chỉ ra rằng, từ vô thủy đến nay, tất cả chúng sinh không phải chỉ có mặt trên thế gian này một lần mà đã có mặt vô số lần rồi kể từ vô lượng vô biên kiếp trước, vì vậy một chúng sinh có thể là cha, mẹ, là bà con anh em của ta từ trong nhiều kiếp trước. Đức Phật còn dạy mọi con người đều có Phật tính và những người có căn cơ tu hành cao cho tới khi thành Phật đã phải trải qua vô số kiếp. Ngay Đức Thế tôn cũng đã trải qua vô số kiếp tu hành mới thành đạo quả, mới đạt đến Vô thượng, Chánh đẳng, Chánh giác. Vì vậy, con người ta để trở lại kiếp người cũng phải là người có vô lượng kiếp tu hành mới có thể đạt được.

Về mặt khoa học, hiện nay dân số thế giới có khoảng trên 7 tỷ người (theo thống kê ngày 10.4.2011 là 7 tỷ) và đến năm 2040 dự đoán sẽ đạt ngưỡng 9 tỷ người. Số lượng con người trong cõi thế này là con số có thể thống kê được. Nhưng thử hỏi có ai thống kê được số lượng các loài súc sinh trên quả địa cầu này là bao nhiêu không, không thể nào thống kê cho được.

Ta hãy tưởng tượng chỉ trong một ngôi làng nhỏ, số lượng dân trong ngôi làng có thể thống kê biết được, nhưng trong làng đó có bao nhiêu con trâu, bò, dê, chó, mèo, lợn, gà, vịt v.v.., đó mới chỉ là các loại con vật nuôi trong nhà. Nhưng cũng trong ngôi làng đó có ai đếm được có bao nhiêu tổ kiến, tổ ong, và mỗi tổ kiến và tổ ong đó có bao nhiêu con kiến, con ong, và trong làng có bao nhiêu ruồi, muỗi, bọ, rệp, giun, dế…hết thảy chúng cũng đều là súc sinh. Và còn nữa, có ai đếm được trong các ao làng và trên dòng sông chảy qua ngôi làng đó có bao nhiêu loại cá, ốc, lươn, cua ba ba, tôm, chạch v.v… và mỗi loại có bao nhiêu con.

Nhiều không thể nào đếm được. Đấy là chỉ nói trong một ngôi làng. Thế còn trên những dãy núi, trong rừng sâu, ngoài biển cả, trên bầu trời còn có biết bao loài vật như hổ, báo, hươu, nai, gấu, sư tử…, loài thủy sản như cá voi, cá mập, bạch tuộc…, loài sâu bướm cùng các loại chim bay. Thật là nhiều, không thể nào đếm được và những con số tỷ tỷ tỷ cũng không thể nào biểu thị được số lượng súc sinh trên quả đất này. Tóm lại số lượng 7 tỷ con người trong cõi Người thật là quá ít ỏi so với số lượng súc sinh trong cõi Súc sinh. Như vậy chứng tỏ rằng trong thế giới sinh tử luân hồi, được vào cõi Người không phải là dễ, còn đọa vào đường Súc sinh là chuyện có thể sảy ra rất nhiều, do đó đức Phật nói “thân người khó được” là vì thế. 

Bây giờ, vấn đề đặt ra là làm thế nào con người ta có thể tái sinh để được lại làm thân người khi kết thúc kiếp người hiện tại. Không có cách nào khác là phải biết tu thân tích đức. Đạo Phật là con đường đưa ta đi đến cõi lành nếu ta biết tu thân. Đạo Phật như một cơn mưa rừng của tự nhiên thấm xuống muôn loài chúng sinh hữu tình. Đạo Phật khuyến khích con người tìm kiếm chân lý trong chính mình thông qua sự tu tập và nuôi dưỡng sự hiểu biết về tự tính của chúng ta. Đạo Phật không phải là một phép màu làm cho ta trở nên tốt nếu ta không chịu tu tập. Đạo Phật là ánh sáng chỉ cho ta con đường tâm linh để phát triển sự hiểu biết, từ đó chuyển hóa nội tâm giúp chúng ta vững bước trên con đường Giác ngộ.

Chúng ta thấy rằng trong sáu cõi luân hồi, cõi Atula gồm những chúng sinh hay giận giữ, lòng sân hận rất lớn, hay gây sự, gây chiến tranh, vì vậy không thể yên ổn để tu hành. Cõi Trời tuy là cõi tốt đẹp nhất trong sáu cõi, những chúng sinh trong cõi Trời do có nhiều phước báu mới được sinh lên trên đó, họ chỉ biết hưởng thụ là chính nên rất khó khởi tâm tu tập.

Dù sống trên cõi Trời hàng trăm, nghìn năm, hay triệu năm, đến khi phúc hết mà không biết tạo dựng điều lành, cũng bị đọa lại vào các cõi thấp, ví như Trư Bát Giới nguyên là Thiên Bồng Nguyên soái ở cõi Trời bị đọa xuống trần gian làm kiếp con lợn trong cõi Súc sinh. Mà cõi Súc sinh là cõi mê mờ, ngu si không có tri thức, không thể học hỏi được bất cứ điều gì.

Duy chỉ có con người là có nhiều cơ hội để phát tâm tu hành giải thoát. Bởi vì con người với cái thân ngũ uẩn có thức uẩn phát triển cao, có lý trí, có tri thức, có nhận thức cao mới có thể tiếp thu được Phật pháp. Như thế đạt được thân người, được làm thân người là điều quí báu không hề dễ dàng gì. 

Dù là người xuất gia hay tại gia, con đường duy nhất để tránh được “thân người khó được” là con đường tu thân, tích đức, là thực hiện được những phương pháp tu tập từ đơn giản đến những phương pháp cao siêu hơn. Trên thực tế, có tới 84.000 pháp môn khác nhau đã được đức Phật chỉ dạy cho chúng ta con đường chuyển hóa tâm thức nhằm giải thoát hết thảy chúng sinh hữu tình từ trạng thái đau khổ đến trạng thái giác ngộ.

Tất cả những pháp môn đó, nếu ai được trang bị sẽ có sức mạnh giải thoát cho chính bản thân mình. Bởi vì toàn bộ mục đích của sự thực hành Phật pháp là nhằm giúp con người giải thoát khỏi khổ đau, sự chấp ngã và tất cả những phiền não, nhiễm ô để cuối cùng đạt được giác ngộ.

Đạo Phật dạy chúng ta rằng nếu cứ tham luyến, bám chấp vào cái “ta” hay cái “của ta” thì điều đó sẽ trở thành một dây xích trói chặt ta trong vòng sinh tử luân hồi. Chính con người tự trói buộc chính mình chứ không có cái gì khác trói buộc ta cả.

Và vì vậy, nếu thực hành tu tập tốt, bắt nguồn từ động cơ đúng đắn, dù có trở ngại đến đâu thì ta cũng vẫn an định, bình tĩnh bởi vì ta đã chuẩn bị tinh thần và với phương pháp đúng đắn, với niềm tin sâu sắc và hạnh nguyện đầy đủ để đi đến giác ngộ và ít nhất cũng tạo được nhiều nghiệp lành để tái sinh vào cõi Người.

Điều mà đức Phật dậy “Thân người khó được” nhắc nhở con người chúng ta phải mau mau tỉnh giác và nhận ra con đường đi đến Phật pháp để tự cứu mình, trên đường đi đến bờ Giác ngộ.

Phạm Đình Nhân, Pháp danh Chánh Tuệ Định

TIN, BÀI LIÊN QUAN


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Xem thêm