Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 09/11/2015, 10:17 AM

Tại sao hư không vô sở hữu mà dung nạp tất cả vật?

Ngài Long Thọ giải thích hư không vô sở hữu nên mới dung nạp, còn mấy cái kia giống như vô sở hữu mà vẫn còn sở hữu...

Tại sao hư không vô sở hữu mà dung nạp tất cả vật?

Ngài Long Thọ giải thích hư không vô sở hữu nên mới dung nạp, còn mấy cái kia giống như vô sở hữu mà vẫn còn sở hữu: Ví như Phật pháp Đại thừa cũng còn sở hữu, pháp tâm, tâm số, mặc dù không có hình tướng số lượng nhưng vẫn còn sở hữu, nó giống mà khác.

Trong đó Ngài phân tích rất tỉ mỉ kỹ càng, ngài tự đặt ra câu hỏi và tự mình đáp. 

Nguyên văn như sau:

Hỏi: Tại sao không nói hư không quảng đại dung nạp tất cả vật, mà nói hư không vô sở hữu dung nạp tất cả vật?

Đáp: Hiện tại thấy hư không vô sở hữu, tất cả vạn vật (núi sông đất đai, nhà cửa cây cối v.v…) đều ở trong đó vì vô sở hữu nên dung nạp.

Hỏi: Pháp tâm, tâm sở cũng vô hình tướng, tại sao không dung nạp tất cả vật? (giải: Duy thức học của Giáo môn nói về Tâm vương là tám thức, tác dụng của Tâm vương gồm năm mươi mất thứ tâm sở, như buồn, vui, yêu, ghét v.v ... nói chung gọi là pháp tâm, tâm sở hoặc tâm số).

Đáp: Pháp tâm, tâm sở là tướng giác tri, chẳng phải tướng dung nạp. (Giác tri mới biết buồn, vui, yêu, ghét ...) lại chẳng có trụ xứ trong ngoài, gần xa (cũng như căn nhà có tướng lớn nhỏ, trong ngoài, gần xa ...) chỉ do tướng phân biệt mới biết có khái niệm của tâm.

Sắc pháp có trụ xứ, do sắc mới biết có hư không (Chỗ có sắc thì chẳng phải hư không, chỗ không có sắc mới là hư không), vì sắc chẳng dung nạp mới biết hư không dung nạp. (Ví như chỗ này đã để cái bình rồi, muốn để thêm vật khác thì chẳng được). Bởi do vô minh mới biết có minh, (kỳ thật vô minh là đối với minh, tại chấp vô minh mới nói là có minh.) do khổ nên biết có vui, do chỗ không có sắc nên nói có hư không, chẳng có tướng khác.

Lại nữa, pháp tâm, tâm sở còn có cái nghĩa không dung nạp: Cũng như tâm tà kiến không dung nạp chánh kiến, tâm chính kiến không dung nạp tà kiến, còn hư không thì chẳng phải vậy, tất cả đều dung nạp.

Lại nữa, Pháp tâm, tâm sở là tướng sanh diệt, là pháp có thể đoạn dứt, hư không thì chẳng thể đoạn dứt. (Như bây giờ mình tu có thể đoạn dứt tà kiến, nếu chẳng đoạn dứt được thì sự tu đâu có lợi ích gì? Còn hư không thì chẳng thể đoạn dứt). Pháp tâm, tâm sở với hư không chỉ giống ở chỗ vô hình vô sắc, chứ không được nói là tất cả đều chẳng khác (Cũng như tám thức và năm mươi mốt tâm sở, với hư không chỉ giống ở chỗ chẳng hình tướng và sắc thể), chứ không được nói là tất cả đều chẳng khác. Do đó nên trong các pháp nói hư không dung nạp tất cả.
 
Hỏi: Ý tôi hỏi là tại sao chẳng nói hư không quảng đại vô biên dung nạp tất cả vật, mà lại nói vô sở hữu nên dung nạp tất cả vật?

Đáp: Tôi nói hư không chẳng tự tướng, do sắc tướng nói có hư không. Nếu chẳng có tự tướng thì chẳng có hư không, nếu chẳng có hư không thì lấy gì nói quảng đại vô biên?

Hỏi: Ông nói tướng dung nạp tức là hư không rồi, tại sao lại nói chẳng có?

Đáp: Tướng dung nạp tức là chẳng có sắc tướng (Chỗ chẳng có vật chất), là chỗ sắc chẳng đến, gọi là hư không. Nếu hư không là thật thì lúc chưa có sắc phải có hư không, nếu chưa có sắc mà có hư không thì hư không vô tướng. Tại sao? Vì chưa có sắc vậy.

Do có sắc nên biết có hư không, vì có sắc mới có vô sắc. Nếu trước có sắc sau mới có hư không thì hư không lại thành pháp tạo tác (Tạo tác là kiến lập, có sự sanh khởi) pháp tạo tác chẳng gọi là thường (Vì hễ tạo tác thì có thành có hoại, chẳng phải là thường, còn hư không là thường, không thể hoại, không ai tạo tác được ). Nếu có pháp vô tướng thì chẳng thể được (vô lý), do đó nên chẳng có hư không. (Chứng tỏ hư không chẳng tự tướng, chẳng có hư không nhưng dung nạp tất cả ứng dụng tất cả. ấy là nghịch với sự hiểu biết của bộ não mà lại là thật tế. Sự hiểu biết của bộ não không đúng với thật tế, nhưng đúng với thật tế thì người ta không chịu, không đúng với thật tế người ta mới chịu, gọi là tập khí phiền não. Nên ngài Lai Quả: “Ta nói thật thì các ngươi không tin, ta nói dối các ngươi mới tin”, cũng là vậy).

Hỏi: Nếu vậy hư không là thường có, bởi do sắc mà có tướng hư không hiện rồi chứng tỏ có hư không ư?

Đáp: Nếu hư không trước đã vô tướng thì sau cũng là vô tướng, nếu hư không trước đã hữu tướng thì tại sao tướng ấy chẳng có sở tướng (Chẳng có tướng sở hữu của hư không?) Nếu trước vô tướng thì sau cũng vô tướng (Chẳng có tướng mạo của hư không). Nếu lìa hữu tướng vô tướng thì chẳng có trụ xứ của tướng (Hữu tướng cũng chẳng phải, vô tướng cũng chẳng phải thì chẳng trụ xứ của tướng). Nếu tướng chẳng trụ xứ thì sở tướng cũng chẳng trụ xứ. Sở tướng chẳng có nên tướng cũng chẳng có, lìa tướng và sở tướng đâu còn pháp nào nữa!

Cho nên, hư không chẳng gọi là tướng, chẳng gọi là sở tướng, chẳng gọi là pháp. chẳng gọi là phi pháp, chẳng gọi là hữu, chẳng gọi là vô. ngôn ngữ cách tuyệt, tịch diệt như vô dư Niết bàn, tất cả pháp khác cũng như thế. (Vì hư không chẳng tự tướng, nên chẳng thể gọi là có hay không, tức tất cả tương đối đều chẳng thể kiến lập vì vô sở hữu vậy. Chẳng những hư không, tất cả pháp khác cũng vậy, nhưng bây giờ người ta chấp các pháp đều thật có, nên mới sinh ra đủ thứ phiền não).

Hỏi: Nếu tất cả pháp đều như thế tức là hư không, tại sao còn lấy hư không để thí dụ?


Đáp: Nhân quả của các pháp đều là hư vọng (Như con gà sinh trứng gà, trứng gà ấp ra con gà, con người cũng vậy, tương sinh với nhau mà không có nhân bắt đầu, nên nói đều là hư vọng chẳng thật), bởi vô minh mới có (Các pháp sinh khởi). Cái hư vọng đó lừa gạt chúng sinh (Vì chúng sinh cho là thật), vì chúng sinh ở nơi các pháp hư vọng sinh tâm chấp trước, mà chẳng phải ở nơi hư không sinh tâm chấp trước, mặc dù hư không cũng là hư vọng. Lục trần hư vọng lừa gạt tâm chúng sinh, hư không dù hư vọng nhưng chẳng phải như thế, cho nên lấy hư không để thí dụ.

Dùng việc thô hiện tiền để phá việc vi tế (Vì sự chấp khó phá mà việc thô thì dễ thấy, việc vi tế khó thấy, nên dùng việc thô chứng minh việc vi tế là hư vọng) như hư không bởi sắc mới có nên chỉ là giả danh (Sắc là vật chất, dùng vật chất để hiển bày hư không), chẳng phải pháp nhất định. Chúng sinh cũng thế, do ngũ uẩn hòa hợp mới có, cũng là giả danh, chẳng phải pháp nhất định. Đại thừa Phật pháp cũng thế, bởi do chúng sinh tính không, nên chẳng Phật chẳng Bồ tát (Tâm của chúng sinh như hư không vô sở hữu, tức là tánh không, nếu thấu được tâm như hư không vô sở hữu thì chẳng Phật chẳng Bồ tát), bởi do chúng sinh chấp có (kiến lập), nên có Phật có Bồ tát. Nếu chẳng Phật chẳng Bồ tát thì chẳng có Phật pháp Đại thừa. Do đó Đại thừa dung nạp vô lượng vô biên A tăng kỳ chúng sinh (A tăng kỳ là vô lượng số). Nếu thật có pháp thì chẳng thể dung nạp vô lượng chư Phật và đệ tử (Vì chẳng có pháp mới dung nạp tất cả. Ví như nơi này, có chỗ trống rỗng vô sở hữu quí vị mới có chỗ ngồi, mới dung nạp mọi người, nếu là thật có thì làm sao có chỗ trống rỗng để cho quí vị ngồi? Không thể dung nạp. Nên nói “Chẳng có” mới có thể dung nạp, ấy là nghịch với sự hiểu biết của bộ não. Vì theo thói quen và sự hiểu biết, giáo dục là phải chấp thật có, nên cái nào cũng phải thật có: Nhà này là nhà của ta, tiền là tiền của ta, có được căn nhà mà chưa có quyền sở hữu, phải đi lo sao có giấy tờ rồi mới chắc ...).

Hỏi: Nếu thật chẳng có hư không, tại sao dung nạp vô lượng vô biên A tăng kỳ chúng sinh?

Đáp: Do nghĩa này (Nghĩa chẳng có mà dung nạp) nên Phật thuyết pháp Đại thừa vốn chẳng có, nên A tăng kỳ chẳng có. A tăng kỳ chẳng có nên vô lượng chẳng có, vô lượng chẳng có nên vô biên chẳng có; vô biên chẳng có nên tất cả pháp cũng chẳng có, như thế nên dung nạp.

(Theo sự hiểu biết của bộ não, chẳng có thì lấy gì để dung nạp? Dung nạp cái gì?).

Nói A-tăng-kỳ, A tiếng Hán dịch là vô, Tăng Kỳ dịch là số, chúng sanh các pháp mỗi mỗi đều chẳng bờ bến nên gọi vô số. Dùng số để đếm mười phương xa gần của hư không đều chẳng bờ bến, nên gọi vô số. Đem tính số để đếm từng cái một của sáu Ba-la-mật, mỗi mỗi bố thí, mỗi mỗi trì giới v.v… Vốn chẳng có số, dùng số ấy để đếm bao nhiêu chúng sinh cho đến Phật thừa, quá khứ, hiện tại, vị lai đều chẳng thể đếm, ấy gọi là vô số.

Cũng có người nói số ban sơ là một, chỉ có số một, một thêm 1 nên thành 2, thế thì tất cả chỉ là 1, chẳng có số khác. Nếu tất cả đều là 1 tức là vô số vậy. Cũng có người nói tất cả pháp hòa hợp nên có tên gọi, ví như chiếc xe do trục vành xe, vỏ xe . . . hòa hợp thành tên gọi chiếc xe, thật thì chẳng có pháp nhất định. Một pháp chẳng có thì nhiều pháp cũng chẳng có, vì trước một sau mới nhiều. Lại nữa, dùng số để đếm vật, vật chẳng có thì số cũng chẳng có. Nói vô lượng (không thể đo lường) cũng như dùng đấu để lường gạo, dùng trí huệ đo lường các pháp cũng như thế.

Các pháp tính không, nên vô số, vô số nên vô lượng, vô lượng nên vô biên, chẳng có thật trí (Tâm Kinh nói Vô trí diệc vô đắc), như thế làm sao có tướng nhất định của các pháp để đo lường ! Vì vô lượng nên vô biên, lượng gọi là tổng tướng, biên gọi là biệt tướng; lượng là ban sơ, biên là cuối cùng.

Lại nữa, từ cái ta cho đến kẻ biết kẻ thấy vốn chẳng có thì thực tế cũng chẳng có, thực tế chẳng có nên vô số cũng chẳng có, vô số chẳng có nên vô lượng chẳng có vô lượng chẳng có nên vô biên chẳng có; vô biên chẳng có nên tất cả pháp cũng chẳng có. Do đó nên nói tất cả pháp cứu cánh thanh tịnh, ấy là pháp Đại thừa dung nạp tất cả vậy.

Chúng sinh và pháp hai thứ làm nhân với nhau, nếu chẳng có chúng sinh thì chẳng có pháp; nếu chẳng có pháp thì chẳng có chúng sinh. Trước nói tổng tướng tất cả pháp không, sau nói biệt tướng mỗi mỗi các pháp đều không, thực tế tức là Diệu pháp sau cùng. Cái này chẳng có thì cái kia làm sao có! Từ cái tánh bất khả tư nghỉ cho đến tánh Niết bàn cũng đều như thế.

Thiền sư Thích Duy Lực
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm sao để giữ giới không sát sanh?

Hỏi - Đáp 17:30 24/04/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử tại gia, tốt nghiệp đại học Nông nghiệp và hiện công tác tại trạm bảo vệ thực vật huyện (chuyên phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng). Tôi cảm thấy rất mâu thuẫn và bất an bởi công việc mình đang làm phạm vào giới sát (vì hàng ngày hướng dẫn nông dân diệt trừ sâu bọ).

Cầu nguyện Phật, Bồ tát đúng Chánh pháp

Hỏi - Đáp 16:45 24/04/2024

Tôi đã nhiều lần nhìn thấy không ít người sau khi cầu nguyện còn dùng tay xoa tượng Phật sau đó xoa lên cơ thể. Là người Phật tử chân chính, tôi rất ưu tư về điều này. Khi tôi hỏi họ làm như thế với mục đích gì thì họ bảo là để chữa bệnh.

Quy y Tam bảo mà không thọ giới được không?

Hỏi - Đáp 16:50 18/04/2024

Hỏi: Tôi có vấn đề muốn hỏi. Quê tôi chưa có chùa, vậy tôi có thể tự quy y Tam bảo ở nhà không? Và khi chưa thể giữ được 5 giới thì vẫn có thể quy y nhưng không thọ giới có được không?

Kính Tăng đúng pháp được phước vô lượng

Hỏi - Đáp 14:40 16/04/2024

Hỏi: Người Phật tử khi nhìn thấy nhà sư thì luôn khởi tâm kính trọng. Vậy đối với những vị sư không nghiêm trì giới luật, phá giới hay khiếm khuyết oai nghi thì nên khởi tâm như thế nào để không bị tổn phước?

Xem thêm