Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 08/07/2019, 08:00 AM

Tại sao không có hòa bình?

Người ta quên rằng mình có một trái tim. Họ quên rằng nếu họ đối xử tử tế với đời thì đời sẽ đối xử tử tế với họ.

Chúng ta đang sống trong một thế giới của những mâu thuẫn thực sự đáng kinh ngạc. Một mặt, người ta sợ chiến tranh, mặt khác, họ điên cuồng chuẩn bị chiến tranh. Họ sản xuất thật nhiều, nhưng lại phân phát quá ít. Thế giới càng lúc càng đông đúc, nhưng con người lại không ngừng bị cô lập và đơn độc. Con người đang gần gũi với nhau như trong một đại gia đình, nhưng mỗi cá nhân lại tự nhận thấy mình tách biệt với hàng xóm hơn trước. Sự hiểu biết và chân thành đối với nhau đang thiếu hụt trầm trọng. Người này không thể tin người kia dù người kia có thể là người tốt.

Khi Liên Hiệp Quốc được thành lập sau những hãi hùng của Thế chiến thứ hai, các nguyên thủ của các quốc gia đã tập hợp lại với nhau để ký bàn Hiến chương với Lời mở đầu như sau: “Chính trong tâm con người mà chiến tranh khởi sự, chính trong tâm con người mà thành lũy của hòa bình bị phá bỏ”.

Thế giới càng lúc càng đông đúc, nhưng con người lại không ngừng bị cô lập và đơn độc.

Thế giới càng lúc càng đông đúc, nhưng con người lại không ngừng bị cô lập và đơn độc.

Cũng chính ý nghĩa này đã trỗi lên trong những câu đầu tiên của kinh Pháp cú:

Tâm dẫn đầu mọi sự 

Tâm làm chủ tất cả

Tất cả đều do tâm

Nói năng hay hành động

Với cái tâm ô uế 

Khổ não sẽ theo sau

Như xe do bò kéo.

Bài liên quan

Niềm tin rằng cách độc nhất để chống bạo lực bằng bạo lực mạnh hơn đã dẫn đến việc chạy đua vũ trang trong các lực lượng lớn. Và cuộc thi đua này về việc gia tăng các vũ khí chiến tranh đã đưa nhân loại đến chính bờ vực của sự tự hủy diệt toàn diện. Nếu chúng ta không làm gì đối với sự việc này thì chiến tranh sắp đến sẽ là sự chấm dứt thế giới mà không có kẻ chiến thắng cũng không có người chiến bại - chỉ có các xác chết.

“Hận thù không chấm dứt hận thù; chỉ có tình thương mới chấm dứt được hận thù”. Đó là lời khuyến cáo của Đức Phật cho những ai rao giảng học thuyết cạnh tranh và ác ý, đưa con người đến chiến tranh và phản loạn chống đối nhau. Nhiều người bảo rằng lời khuyên của Đức Phật rằng nên chuyển ác thành thiện là không thể thực hiện được. Thực ra, đấy là phương pháp đúng đắn độc nhất để giải quyết mọi vấn đề. Phương pháp này được bậc Đạo sư giới thiệu từ kinh nghiệm của chính Ngài. Vì tự kiêu và ích kỷ, chúng ta ngần ngại chuyển đổi xấu ác thành thiện lành, nghĩ rằng quần chúng có thể xem chúng ta là những kẻ hèn kém. Vài người còn nghĩ lòng tốt và sự hòa ái là yếu đuối, không thuộc “đấng mày râu”! Nhưng có hại gì nếu chúng ta giải quyết những vấn đề của chúng ta và mang lại hòa bình và hạnh phúc bằng cách áp dụng phương pháp trí tuệ này và bằng cách hy sinh cái lòng tự cao nguy hiểm của chúng ta?

K. Sri Dhammananda: Bạo lực và cưỡng bức sẽ chỉ tạo ra hẹp hòi, nhỏ nhen.

K. Sri Dhammananda: Bạo lực và cưỡng bức sẽ chỉ tạo ra hẹp hòi, nhỏ nhen.

Sự độ lượng phải được thực hiện nếu muốn hòa bình đến với địa cầu này. Bạo lực và cưỡng bức sẽ chỉ tạo ra hẹp hòi, nhỏ nhen. Để xây dựng hòa bình và hòa hợp trong nhân loại, trước tiên mỗi người và tất cả mọi người phải học thực hành những cách thức đưa đến sự dập tắt tham, sân, si, nguồn gốc của mọi thế lực xấu ác. Nếu nhân loại có thể loại trừ những thế lực xấu ác này thì độ lượng và hòa bình sẽ đến với thế giới đầy dao động này.

Ngày nay, các tín đồ của Đức Phật tối thượng từ bi có một bổn phận đặc biệt là hành động vì sự thiết lập hòa bình trên thế giới và nêu gương cho những người khác bằng cách nghe theo lời khuyên nhủ của bậc Đạo sư:

Mọi người sợ hình phạt 

Mọi người sợ tử vong 

So mình với người khác 

Không giết, không bảo giết. 

(Kinh Pháp cú, số 129)

Hòa bình thì luôn luôn có thể đạt được. Nhưng con đường dẫn đến hòa bình không phải chỉ nhờ cầu nguyện và nghi lễ. Hòa bình là kết quả của sự hòa hợp của con người với các chúng sinh thân hữu và với môi trường của mình. Hòa bình mà chúng ta cố gắng giới thiệu bằng sức mạnh không phải là hòa bình lâu dài. Nó là một khoảng thời gian giữa sự xung đột của sự ham muốn ích kỷ và những hoàn cảnh của thế giới.

Hòa bình không thể hiện hữu trên trái đất này nếu không có sự thực hành độ lượng. Với lòng độ lượng, chúng ta phải đừng để cho sân hận và đố kỵ trỗi dậy trong tâm chúng ta. Đức Phật dạy:

Kẻ thù không hại ta

Nhiều như ta tự hại

Bằng ý nghĩ xấu xa 

Tham, sân và đố kỵ.

(Kinh Pháp cú, số 42)

Bài liên quan

Phật giáo là một tôn giáo của sự độ lượng vì giáo lý ấy thuyết giảng về một cuộc sống tự mình thúc liễm. Phật giáo giảng dạy một cuộc sống được đặt căn bản không phải trên những giới điều mà trên những nguyên lý. Phật giáo không bao giờ bức hại hay ngược đãi những người có niềm tin khác biệt. Giáo lý là mọi người không cần phải tự xưng mình là một người Phật tử khi thực hành những Nguyên lý Cao cả của tôn giáo này.

Thế giới như một tấm gương và nếu bạn nhìn vào gương với một nụ cười thì bạn có thể nhìn thấy khuôn mặt đang mỉm cười của chính bạn. Trái lại, nếu bạn nhìn vào gương với một bộ mặt dài thụng thì bao giờ bạn cũng sẽ nhìn thấy vẻ xấu xí. Tương tự như thế, nếu bạn đối xử tử tế với cuộc đời thì chắc chắn cuộc đời cũng sẽ đối xử tử tế với bạn. Hãy tập an bình với chính bạn thì cuộc đời cũng sẽ an bình với bạn.

Tâm của người ta được trao quá nhiều sự tự lừa dối đến nỗi người ta không muốn chấp nhận sự yếu kém của chính mình. Họ sẽ cố gắng tìm lý do để biện minh cho hành động của mình và tạo ra một ảo tưởng không đáng trách. Nếu một người thực sự muốn được tự do, người ấy phải có can đảm để chấp nhận sự yếu kém của mình.

Đức Phật dạy: “Dễ thấy lỗi của người khác, khó thấy lỗi của chính mình”.

-----------------------------

Nguyên tác Anh ngữ: Why is there no Peace?, được trích từ Chương 15 của tác phẩm What Buddhists believe của Đại sư K. Sri Dhammananda (1929-2006), người Sri Lanka. Ngài là Chủ tịch Danh dự của Hội Ái hữu Phật tử Thế giới (WFB). Ngài tinh thông kinh điển Phạn ngữ, Pali ngữ và triết học Ấn Độ, là tác giả của khoảng 60 tác phẩm viết về Phật giáo.

Văn Hóa Phật Giáo số 323 ngày 15-06-2019

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Những người lau chùi tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới

Quốc tế 23:02 09/09/2024

Từ đỉnh đầu tượng Phật đồng cao 120 m, hai nhân viên vệ sinh đu dây xuống phần tai, phun nước để làm sạch.

Đại học Nalanda (Ấn Độ) dựng tượng Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu

Quốc tế 17:15 06/09/2024

Dự kiến việc dựng tượng cao 2m sẽ được tiến hành trong thời gian tới tại Trường Đại học Nalanda, nơi Ngài đã tốt nghiệp bằng Tiến sĩ Phật học vào năm 1961.

Hội từ thiện Trái tim Bồ Đề Đạo Tràng cứu trợ các hộ nghèo ở Ấn Độ

Quốc tế 11:54 06/09/2024

“Tinh thần Bố thí Ba-la-mật (Tam luân không tịch) là cao thượng nhất. Vì thế những hình ảnh này chỉ mang tính tường trình Phật sự cùng những vị ân nhân đã phát tâm. Khi bạn khởi tâm tùy hỷ trước những thiện sự thì công đức của bạn được sánh bằng những người thực thi”, Thượng tọa Tánh Tuệ nói.

Lào: Trao quà khuyến học đến trường Trung cấp Phật học tại Chùa Wat Luang tỉnh Champasak

Quốc tế 11:15 31/08/2024

Đoàn chư Tăng Phật tử thành phố Đà Nẵng đã đến thăm và tặng quà học bổng đến trường Trung cấp Phật học tỉnh Champasak tại chùa Wat Luang (Wat Phothiratanasadharam), ngôi chùa có niên đại gần 200 năm, đây là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất ở tỉnh Champasack.

Xem thêm