Tâm an ổn, trí sáng suốt
Đạo Phật có mặt trên thế giới hơn hai mươi lăm thế kỷ, riêng ở Việt Nam, đạo Phật đã hiện hữu trên hai mươi thế kỷ. Vì vậy, người Việt Nam chịu ảnh hưởng đạo Phật một cách sâu sắc trong cuộc sống.
Tuy nhiên, có lúc Phật giáo hưng thạnh, cũng có lúc suy đồi. Chúng ta tu hành, tìm cho được nguyên nhân dẫn đến sự hưng thạnh, hay sự suy đồi, để khắc phục tình trạng suy đồi, mà phát huy cho được mặt hưng thạnh.
Điểm lại lịch sử, trước nhất, chúng ta thấy ở thời kỳ Bắc thuộc, đất nước chúng ta trở thành một châu của Trung Hoa. Lúc bấy giờ, ở Việt Nam đã xuất hiện các bậc danh tăng rất có lòng đối với đất nước và dân tộc chúng ta. Vì vậy, các ngài đã gầy dựng đạo pháp gắn liền với dân tộc. Đó là điểm đặc sắc của Phật giáo chúng ta, bất cứ Phật giáo từ nước nào du nhập vào Việt Nam cũng trở thành Phật giáo Việt Nam.
Từ thời kỳ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã xuất hiện các nữ tướng xuất thân từ thiền môn, trong đó nổi tiếng nhất là nữ tướng tiền đạo của Hai Bà Trưng là Ni cô Phương Dung. Xuất thân từ nhà chùa, vị nữ tướng này ra đánh giặc rất gan dạ. Các vị nữ tướng tuy là nữ tu, nhưng đã vượt được tất cả mọi khó khăn, nguy hiểm để giành lại độc lập cho nước nhà. Và điểm son của Phật giáo là chỉ có mục tiêu cứu đời giúp người, không cần phú quý lợi danh; cho nên sau khi đánh thắng giặc, Hai Bà Trưng phong quan cho Ni sư Phương Dung, nhưng cô đã không nhận chức tước, mà trở về chùa Yên Phú để tu hành. Đây là ngôi chùa có sớm nhất, ngày nay vẫn còn và được trùng tu rất đẹp.
Có thể thấy rõ điểm khởi đầu của tu sĩ Phật giáo là ẩn cư, không màng phú quý lợi danh, nhưng công đức này không mất, mà được chuyển hóa thành ngôi chùa tồn tại lâu dài.
Đến thời nhà Đường của Trung Hoa, nước ta vẫn bị họ đô hộ; nhưng nhà Đường khôn khéo hơn, họ cố tìm các vị danh tăng có học để mời về Trung Hoa dịch kinh, vì Phật giáo nhà Đường rất thạnh, nổi tiếng có ngài Huyền Trang Pháp sư. Cho nên, lúc bấy giờ, Việt Nam vắng bóng các nhà sư và lúc đó cũng là thời kỳ khởi nghĩa của Lý Bí và Lý Bôn.
Lý Bôn cũng giống như Lý Công Uẩn là xuất thân từ nhà chùa. Ông làm cách mạng thành công, lập nước Vạn Xuân và cho xây dựng ngôi chùa mà trước đó ông đã ở thành chùa Khai Quốc. Sau đến đời Lý, chùa này được đổi tên thành chùa Trấn Quốc. Như vậy, Phật giáo đã gắn bó với dân tộc ta rất sớm, từ thời kỳ xa xưa. Và đến thời kỳ Phật giáo cực thạnh là thời Lý-Trần.
Vào thời Lý, chúng ta thấy có Lý Công Uẩn xuất thân từ thiền môn, sau ông làm vua là Lý Thái Tổ. Năm rồi, chúng ta tổ chức 1.000 năm Thăng Long, nghĩa là kỷ niệm 1.000 năm vua Lý Thái Tổ cho dời đô về Thăng Long. Bên cạnh vua Lý Thái Tổ có Thiền sư Vạn Hạnh đã cấu tạo nên triều đình. Phải khẳng định rằng nếu không có ngài Vạn Hạnh thì đã không có nhà Lý.
Đặc biệt của người tu khác hơn người thường là có tâm bình ổn và trí rất sáng. Tâm an và trí sáng là đỉnh cao của Phật giáo, dù ở trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, tâm vẫn thanh thản, nên trí trở nên sáng suốt, mới quyết định được mọi việc một cách đúng đắn.
Khi tôi du học ở Nhật, gặp một thiền sư Nhật nói với tôi rằng Phật giáo Việt Nam có điểm đặc sắc là định và huệ. Cốt lõi của nhà sư là định và huệ. Định gọi là Tam muội, chữ Phạn là Samadhi, Trung Hoa dịch là Tam-ma-đề, hay Tam-ma-địa. Tu sĩ mà không nhập định được, không sống trong Chánh định, thì chỉ là sư hình thức.
Vì vậy, Phật giáo suy đồi khi chúng ta rơi vô hình thức, nên chùa nhiều, Tăng chúng đông, chưa hẳn là Phật giáo thạnh. Thật vậy, khi Tăng Ni lo quyên góp xây dựng chùa, thì Phật giáo suy; vì công việc này đã được Đức Phật huyền ký cho chư Thiên, gần nhất trong nhân gian là quốc vương, vương tử, đại thần làm chùa và rộng hơn nữa là quần chúng xây chùa.
Như vậy, chùa chủ yếu do vua chúa, vương tôn công tử và dân chúng cùng xây dựng, nhà sư không làm việc này. Vì vậy, thầy trụ trì mà bận rộn với việc xây dựng, tu bổ chùa và tiếp xúc với quần chúng, làm sao sống trong định được; vì chúng ta nhập định thì phải cách ly, nhưng vào đời phải rời bỏ định.
Khi Phật tại thế, trong 1.250 vị A-la-hán, chỉ có duy nhất một vị A-la-hán nhập định trong mọi trường hợp là Tôn giả A Nan. Tất cả các vị A-la-hán khác nhập định thì không biết việc bên ngoài và khi xả định, trở ra đời sống bình thường thì lại mất định. Cho nên, phần lớn họ thích ẩn tu để giữ Chánh định.
Trong lịch sử ghi rằng lúc Ca Diếp triệu tập 500 A-la-hán để kiết tập kinh điển, tất cả các vị này đều ở trong trạng thái giống nhau là nhập định, không nói thì làm sao kiết tập. Bấy giờ, phải tìm một vị A-la-hán đặc biệt là A Nan có khả năng nhập định trong cảnh động loạn. Lúc đó, A Nan mới chứng quả A-na-hàm. Tại sao ngài không đắc Thánh quả, vì ngài chọn một loại định để nhập mà vẫn hành đạo được thì khó quá.
Đa số chúng ta ngày nay chọn niệm Phật Tam muội, nhưng ít người niệm Phật mà chứng được Tam muội, vì chưa bao giờ niệm Phật ở trong định. Tôi gặp các Hòa thượng chuyên niệm Phật, có một vị nói rằng khi niệm Phật đã cố gắng làm sao đạt được Tam muội, thì lúc đó vụt phát lên trong lòng điều rất kỳ diệu. Từ niệm Phật bằng âm thanh, cho đến không niệm ra tiếng nữa, nhưng niệm trong tâm, thì tâm đi nhanh quá; cho nên tay không lần chuỗi kịp nữa. Vì vậy, tiến lên thực tập pháp thứ hai là không lần chuỗi, để tâm hướng về Phật mà niệm Phật, bấy giờ, niệm Phật nhanh đến mức độ không kiểm soát được và đi vô chỗ Không là Vô niệm. Vị thầy này hỏi tôi như vậy có phải là vào Tam muội hay chưa. Tôi trả lời rằng tôi chưa đắc Tam muội này, làm sao ấn chứng cho ngài được.
Nhưng theo kinh nghiệm riêng tôi, chứng được bất cứ Tam muội nào cũng đều làm cho ta có được tâm an ổn lạ thường. Tôi cầu chứng Pháp Hoa tam muội, dù chưa được Tam muội, nhưng tâm an là tiền Tam muội.
Thiết nghĩ trên bước đường tu, cố tập cho tâm an; tất cả mọi việc xảy ra xung quanh, ta không bận tâm. Tôi được dụng công này, mới nói rằng “Trần duyên thuận nghịch, tâm không thiết”. Ta coi trần duyên ở thế giới này chỉ là trò ảo hóa, không đáng quan tâm. Được mất thành bại không để ý; được mà còn phải bỏ nữa là. Quý thầy phải giữ cho tâm an ổn trước. Cho đến ngày nay, tôi làm được một số việc là nhờ lúc nào cũng ráng giữ được tâm bình tĩnh.
Một thiền sư Nhật nói rằng bình tĩnh trước cái chết có thể may ra không chết, còn sống được, không bình tĩnh chắc chắn phải chết. Năm 1975, có thầy nói với tôi rằng chết tới nơi mà không sợ sao. Tôi nói sợ cũng chết, còn không sợ mà chết thì may ra còn giữ được Chánh niệm, còn vãng sanh được. Đây là một chút kinh nghiệm bản thân mà bằng tình huynh đệ, tôi muốn nhắc nhở.
Các thầy nhớ trước cái chết, phải bình tĩnh niệm Phật, nhớ nghĩ đến Phật, may ra vãng sanh. Nếu mất Chánh định là mất trắng, không biết đi về đâu. Từ tâm bình tĩnh lóe ra trong lòng tia sáng gọi là trí tuệ; như vậy là kết hợp được định và huệ. Bình tĩnh và sáng suốt là hai đức tánh của người tu chưa đắc đạo; nhưng đắc đạo gọi là định và huệ vô lậu.
Các vị A-la-hán khác hơn ngài A Nan là chứng được Thánh quả nhanh hơn, vì các ngài chuyên tu. Nhập định đầu tiên là nhập Diệt tận định trước. Muốn tâm an, phải bỏ quên tất cả mọi việc, nên không biết gì, thì vào định ngay lập tức là Diệt tận định. Tôi có một khoảng thời gian cũng tu tập định này, buông bỏ tất cả việc thì khả dĩ vào định. Nhưng làm trụ trì khó buông bỏ, vì mới sửa soạn vào định thì Phật tử đến thỉnh đi cúng, làm sao vào định.
Vì vậy, ngài Trí Giả khuyên chúng ta muốn tu, điều thứ nhất, phải dứt tất cả các duyên vụ, tức là Sa-môn không có trách nhiệm gì cả thì vào định được, đó là định đầu tiên ai cũng phải có là tâm bình ổn. Phải bỏ hết mới bình ổn được. Cho nên dứt tất cả duyên vụ là điều quan trọng đối với người tu. Tu hành mà không dám buông bỏ, nên ta không vào định được thì công phu không có, khi đụng việc, tham sân sẽ nổi dậy liền và chết không biết về đâu.
Trong cuộc đời của Trí Giả, ngài thấy rõ rằng nếu ở triều đình, giảng kinh, có chùa cao Phật lớn, nhưng ngài vẫn không nhận và ngài bỏ lên Ngọc Tuyền ở. Ở chùa lớn được cung kính, nhưng tâm luôn bất an, vì phải đem sự bất an của quần chúng đặt vào tâm mình, làm sao an được.
Thật vậy, thực tế tôi thấy các Phật tử đến với tôi đều có việc bất an, họ mới cầu Phật, cầu thầy. Đầu tiên chúng ta tiếp nhận sự bất an của thiên hạ, từ bất an của một người cho đến của nhiều người đem để vào lòng, làm sao chúng ta an. Ngài Vạn Hạnh nói rằng đem tâm đặt vô chỗ an thì an, còn đem tâm đặt vào chỗ bất an của xã hội không thể nào an được.
Muốn tâm an, đầu tiên, các thầy phải đem tâm mình đặt ở núi rừng, ở chỗ không nhàn, không có việc quấy nhiễu mới được an. Đặt tâm vào xã hội có đủ thứ rối bời, người làm ăn thua lỗ, người thân tù tội, người bệnh… Mỗi ngày tôi tiếp nhận đủ thứ việc rắc rối. Không ai an mà đến với thầy. Nếu các thầy tu thực sự dễ dàng nhận ra điều này. Chùa lớn, Phật tử đông, bận rộn nhiều việc, không thể vào định. Vì vậy, tối thiểu chúng ta phải dành một khoảng thì giờ để thực tập. Tôi thường dành 3, 4 giờ sáng để thực tập, vì lúc đó không bị ai quấy rầy nữa; nhưng cũng phải tắt nguồn điện thoại di động, vì nếu người ta hữu sự cũng vẫn gọi mình.
Phải có thì giờ dành riêng cho việc tu tập. Nhiều năm trước, tôi có nguyện ba tháng an cư kiết hạ, không đi ra khỏi chùa; nhưng khi nhận trách nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp, tôi phải đi giảng kinh. Phật tử có mời đến nhà, tôi cũng không đi, ngay cả Phật tử thân qua đời, tôi cũng không đi cầu siêu. Nhờ vậy, tôi nhẹ được một phần khả dĩ giữ được tâm định.
Tôi tập Pháp Hoa tam muội, thì đi thuyết pháp vẫn tập ở trong định. Ngài Trí Giả dạy chúng ta tập đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, thuyết pháp, sáu oai nghi này đều ở trong thiền. Nếu quý thầy thành tựu pháp này thì hành Bồ-tát đạo không đọa, trong hoàn cảnh nào, tâm cũng bình tĩnh, sáng suốt là từ định hiện vào cuộc đời. Tổ sư diễn tả ý này là bất xả Pháp giới, biến nhập trần lao.
Không xả Pháp giới là không bỏ định thì không bực bội, buồn phiền. Còn bỏ định, gặp việc đáng giận là giận. Nhiều thầy tu lâu mà dễ nổi nóng, vì bỏ định vào trần lao. Vì vậy, có vào trần lao, quý thầy nhớ giữ tâm mình định.
Theo kinh nghiệm của riêng tôi, nếu chúng ta mất Chánh định sẽ dễ nổi nóng và nổi nóng thì hư việc. Càng gặp việc khó, càng phải bình tĩnh, đó là kinh nghiệm của thiền sư và của Lý Thánh Tông. Ông làm vua, nhưng là vua thiền sư là ông tu trên điện ngọc, tu trên chiến trường, khó khăn mới cần thiền để thấy việc chính xác, gọi là định của Pháp hoa.
Trong kinh Pháp hoa, có câu mở đầu rất hay: “Phật nói kinh Vô lượng nghĩa xong, Ngài nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội”; đó là định của Vô lượng nghĩa, hay định của Pháp hoa.
Thông thường chúng ta nhập Diệt tận định, hay định của Thủ lăng nghiêm gọi là nhập đại định: “Diệu trạm tổng trì bất động tôn…”.
Còn vào định của Vô lượng nghĩa, hay định của Pháp hoa, tất cả hiện tượng trong trời đất thế nào, ta thấy đúng như vậy, nhưng nó không tác động ta; không phải ta từ bỏ cuộc đời để đi vào định. Cuộc đời là cuộc đời, ta vẫn là ta, không tác động lẫn nhau, vì ta mặc nó.
Khi Phật nhập Vô lượng nghĩa xứ Tam muội, trời mưa hoa Mạn-đà-la, Mạn-thù-sa là Thiên hoa, tức thấy an vui, mát mẻ, sáng suốt. Riêng tôi, khi thấy việc khó, không giải quyết được thì cứ để yên nó, không cưu mang giúp được thì ta để mặc nó, vì cuộc đời này quá đau khổ, quá nhiều đòi hỏi, làm sao ta cứu nổi. Tôi đã có ý này, bốn mươi năm trước, Hòa thượng Trí Tịnh nói một câu khiến tôi tỉnh thức.
Tôi học với Hòa thượng Thiện Hoa, ngài chủ trương dấn thân vào đường nguy hiểm để cứu đời, nhưng Hòa thượng Trí Tịnh hỏi tôi có nghĩ mình thương chúng sanh hơn Phật, hơn Bồ-tát hay không; vì lúc đó, ngài ẩn tu. Việc cứu đời của Phật, của Bồ-tát làm, nhưng tại sao Phật không ra đời, Bồ-tát không xuất hiện, liệu mình làm được không. Nhờ ngài nhắc nhở, tôi phát hiện ra cái lý, cuộc đời mặc cuộc đời, mình tu hành cố gắng giữ đời sống thanh tịnh, ít nhất cũng còn giúp được một số người.
Nếu dấn thân sâu vào đời, không trở lại được, chẳng những không giúp được cuộc đời mà còn hại cho bản thân mình. Thật vậy, trên bước đường tu, một số bạn tôi đã bị chết chóc, bị tù đày, hay phải hoàn tục, chỉ vì dấn thân vào đời một cách liều lĩnh.
Hòa thượng Trí Tịnh nhờ ở thiền thất dịch kinh, nên ngài đã sống thọ và lãnh đạo Giáo hội suốt hơn ba mươi năm, đó là điều quý báu đáng cho chúng ta học theo. Thiết nghĩ nếu trong thời kỳ trước, Hòa thượng dấn thân thì từ năm 1980 trở về sau, chúng ta sẽ không có người lãnh đạo. Nhờ ngài ẩn tu để sau này lãnh đạo con thuyền đạo pháp vượt qua bao nhiêu khó khăn. Mỗi lần tôi đến thăm viếng, ngài đều dạy tôi những kinh nghiệm tu hành, phần lớn Hòa thượng khuyên tôi niệm Phật và bớt công việc, lo chuyên tu.
Quý thầy làm sao có đời sống tâm an ổn, thì làm được việc. Ngài Vạn Hạnh cũng như vua Lý Thánh Tông và một số các bậc cao tăng thành tựu đạo nghiệp cũng là nhờ tâm an. Ngày nay, Giáo hội mạnh, Tăng Ni đông, chùa nhiều, việc tu hành có nhiều điều thuận lợi hơn; nhưng nếu đa số chúng ta không vào định được, thì coi chừng thời đại hưng thạnh của Phật giáo sẽ sớm chấm dứt. Vì chư Tăng tu được, trở thành biểu tượng cho quần chúng nương nhờ; nhưng nếu chư Tăng không tu được, không đắc định, không đắc đạo sẽ làm quần chúng mất niềm tin, Phật giáo phải suy đồi. Như vậy, đòi hỏi chúng ta phải đắc định.
Định Pháp hoa mà Đức Phật nhập thì có hai loại hoa trời xuất hiện là hoa Mạn-đà-la và Mạn-thù-sa. Trời tiêu biểu cho phước báo, cho sự an lạc. Cho nên, chư Thiên không biết buồn giận lo sợ và cũng không có gì để họ buồn giận lo sợ.
Ta thực tập sao để tâm đứng yên, không buồn giận lo sợ, gọi là Mạn-đà-la là ý lạc hoa, tức tâm được an lạc. Và tiếp theo là Mạn-thù-sa cũng là hoa trời tiêu biểu cho tâm trong sáng gọi là huệ, thì bấy giờ ta thấy rõ được bề mặt và bề trái của cuộc đời, thấy rõ cả ba đời nhân quả. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là pháp nhĩ như thị, cuộc đời như thế, khác không được. Tôi không tu thay cho quý thầy được. Phật không làm thay cho chúng ta được.
Phật là người chỉ đường, chúng ta phải tự phấn đấu đi lên. Mỗi người có một nghiệp riêng, Phật cũng không cứu được nghiệp quả, gọi là tam bất năng của Phật. Phật chỉ chuyển được nghiệp nhân thôi. Nghiệp quả đã chín thì phải chấp nhận, không có cách nào khác. Mọi người phải khổ trên cuộc đời này là đang gánh chịu nghiệp quả, chẳng hạn như làm ăn thua lỗ, bị con hư, bị phá sản…, nói chung tất cả mọi sự bất hạnh của con người là những cái nhân quá khứ mà họ đã làm để ngày nay chuốc lấy nghiệp quả.
Chúng ta chỉ giúp được họ bằng cách khuyên họ chấp nhận nghiệp quả, nhưng có thể tạo nhân mới là đem tâm họ gắn vô ao thất bảo của Phật A Di Đà, gắn tâm vô niệm Phật, gắn tâm vô hoa sen, không gắn tâm vô xí nghiệp phá sản nữa, sẽ được an. Như vậy, từ quả bất an mà tạo nhân an theo phương cách đó, thậm chí phải bỏ xác chăng nữa, nhưng phải giữ tâm an cho kiếp sau.
Hòa thượng Trí Tịnh khuyên, tôi nhận ra đối với cuộc đời, đối với xã hội, tôi coi nhẹ, vì đó là nghiệp quả không cứu được; cho nên tôi chỉ gieo hạt giống Bồ-đề là gieo vào tâm chúng sanh cái an để họ an. Ý này được kinh Hoa nghiêm dạy rằng quả Bồ-đề thuộc về chúng sanh, vì không có chúng sanh thì không thể thành Vô thượng Đẳng giác; nhưng chúng sanh mà không có nghiệp, không có phiền não thì Bồ-tát không hành đạo được.
Thật vậy, Bồ-tát Quan Âm phải từ Tây phương qua Ta-bà hành đạo, vì ở đây chúng sanh có nghiệp, phiền não, khổ đau, ngài mới hiện thân cứu độ. Chư Thiên an lạc, nên không nghe pháp, không tu; nhưng khi họ hết phước là trong chớp mắt bị đọa.
Ở Ta-bà có người khổ đau, ta mới phát được tâm. Đức Phật cũng nói Ngài phát tâm từ địa ngục A tỳ. Thực tế chúng ta thấy người sung sướng, may mắn không đến chùa. Người không may mắn, mạt vận mới đi chùa, phát tâm, gặp bậc chân tu khuyên họ giữ tâm yên ổn mới lóe ra hướng để giải quyết việc bế tắc một cách nhẹ nhàng.
Theo kinh nghiệm riêng tôi, gặp việc khó, tôi không giải quyết được thì tôi khóa việc lại, không làm, chờ có tia sáng lóe lên, nghĩa là có chư Thiên mách bảo, vì tâm chúng ta thanh tịnh ngang qua chư Thiên, họ mới mách bảo. Hai là được Phật hộ niệm, tức Phật huệ soi rọi lòng ta khiến tâm trí chúng ta sáng lên. Ba là do tâm chúng ta bình ổn, thì trí tự sáng.
Như vậy, tâm bình ổn mới có chư Thiên báo mộng, mới có Phật hộ niệm và có huệ sanh ra. Nếu chưa được như vậy thì đừng làm càn, làm ẩu. Đối với nghiệp quả của chúng sanh, Phật và Bồ-tát còn không cứu được, mình dấn thân vô là chết, luôn luôn phải giữ mạng sống để tu hành. Ngài Huệ Tư dạy hành giả Pháp hoa thệ nguyện an lạc, nghĩa là hẹn lại dịp khác có đủ điều kiện để làm được mới làm.
Tôi mong mùa an cư kiết hạ, nếu chưa vào định được, chúng ta cũng giữ tâm bình ổn, tỉnh táo, sáng suốt để giải quyết từng việc một cách đúng đắn.
Cầu Phật gia hộ cho tất cả quý vị tâm an, trí sáng trên bước đường tiến tu đạo hạnh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thế nào gọi là pháp sư?
Kiến thức 09:37 25/11/2024Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng: - Như Thế Tôn nói pháp sư. Vậy thế nào gọi là pháp sư?
Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?
Kiến thức 17:08 24/11/2024Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt.
Giải thích các cõi trong lục đạo
Kiến thức 16:00 24/11/2024Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?
Sự cúng dường ý nghĩa nhất là gì?
Kiến thức 15:37 24/11/2024Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: “Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân”.
Xem thêm