Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 03/01/2018, 22:00 PM

Tam vô lậu học

Vừa qua, nhân đại giới đàn Pháp Hải tổ chức tại giới trường chính chùa Long Phước (P.5, Tp.Vĩnh Long), trước khi giới tử lãnh thọ giới pháp, TT.Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang - Tuyên Luật Sư, đã quang lâm giới trường, đãi lao Chư tôn hòa thượng giới sư đăng tòa giáo giới cho hơn 400 giới tử tăng (200 giới tử đàn tỳ kheo và trên dưới 250 giới tử đàn sa di) thọ giới tại đại giới đàn Pháp Hải năm 2017 về tầm quan trọng của Tam vô lậu học (Giới - Định - Tuệ).

Bài pháp thoại đã chỉ ra vai trò quan trọng của việc trì giới cũng như các phương pháp, cách thức trì giới hiệu quả. Nhờ đó, chư vị giới tử có cơ sở để hành trì đúng đắn, tuân thủ nghiêm giới luật, hầu trở thành một vị tu sĩ xuất gia chân chính, một bậc mô phạm xứng đáng cho hậu bối học tập, noi theo.

Được biết, đại giới đàn Pháp Hải tại Vĩnh Long là đại giới đàn tiêu biểu ở khu vực miền Tây được diễn ra trong không khí tràn đầy hoan hỉ của đại giới đàn vùng sông nước Cửu Long, với gần 900 giới tử cần cầu thọ trì giới pháp trong kỳ đại lễ này. 
 
Thọ giới là sự kiện thiêng liêng đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người xuất gia. Tuy nhiên, sau đó không phải ai cũng đủ sức mạnh giữ gìn giới luật vẹn toàn, hay đủ phước duyên mà thành tựu giới đức sáng ngời. Vì vậy, lần này tại “Giới đàn Pháp Hải” trong nghi thức sám hối của giới tử lại có bổ sung bài tụng sám phát nguyện thọ giới.

Cũng bởi, ngày nay đời sống đổi thay nhanh chóng, công nghệ đã len lỏi vào từng ngõ ngách. Khắp thế giới, những gì của thế tục dường như cũng dễ dàng đi vào đạo, vào từng ngôi chùa hơn xưa. Nhiều người xuất gia dù sống trong chùa, nhưng đời sống và tâm hồn đã rất gần với thế tục, đến nỗi người ta phải dùng đến cụm từ “thế tục hóa”. Đó là thực tế đau lòng mà chúng ta phải ghi nhận. Thế nên hơn bao giờ hết, người xuất gia cần chí nguyện dõng mãnh kiên cường, cần ý chí dứt khoát, cần cái phước nâng đỡ hỗ trợ mạnh mẽ phía sau để “giữ giới”. 

Giữ giới là sự nghiệp của cả cuộc đời người tu, không phải trong giây phút ngắn ngủi. Nhưng trước hết, trong ngày thọ giới thiêng liêng, Giới tử cần niềm xúc động sâu xa đủ để các vị tự nguyện dùng cả tâm hồn, cuộc đời mình mà giữ gìn giới pháp thiêng liêng. Và chính bài sám phát nguyện thọ giới đã đem đến cho các vị cảm xúc đó. Phải chăng đây là phước duyên lớn cho các giới tử. Theo đó mà công đức, sự lợi ích của các giới tử sẽ được tăng trưởng, giới đức và huệ mạng sẽ được thành tựu tròn đầy trang nghiêm theo năm tháng tu tập.

Đi vào vấn đề chính, trước khi bắt đầu giáo giới, TT.Thích Chân Quang xúc động cho rằng: "Mình có vài lời nhắc nhở cho các giới tử trước khi đăng đàn thọ giới, đây là một niềm vinh dự rất lớn. Tuy nhiên, Người chỉ đại diện cho Chư tôn đức giới sư làm tuyên luật sư, chứ không phải đem giới luật ra giảng, bởi luật không cho phép biết về giới khi chưa thọ giới, đó là điều cấm".
 
Tiếp đến, để tán thán những vị xuất gia giữ giới, Thượng tọa nhấn mạnh: Trong thời đại ngày nay sự cám dỗ của vật chất, của khoa học kĩ thuật đã quá lớn. Khi xã hội ngày càng thay đổi, tâm linh tu hành cũng thay đổi, thậm chí là thay đổi rất lớn. Vài mươi năm nữa chúng ta sẽ thấy rất hiếm người có thể khước từ thế gian, đi hẳn vào con đường đạo để làm bóng tùng, làm mô phạm cho bao thế hệ sau. 

Đa số sẽ thích làm cư sĩ hơn để vừa được hưởng cái tự do của đời sống thế tục, vừa được gọi là cũng có tu hành. Lúc đó, người ta có thể mộ đạo nhưng không còn thích xuất gia nữa. Cho nên, phải là những người rất có thiện căn từ nhiều đời mới có thể từ bỏ thế gian mà xuất gia theo Phật. Và những giới tử hôm nay đến dự giới đàn là người có thiện căn sâu dày, công đức này không phải chỉ một kiếp mà thành tựu. 
 
Phải hiểu rằng: Việc học giới, thọ giới rồi trì giới là sự nghiệp của đời này và cả những đời sau. Bài pháp hôm nay nói về tính tương tác giữa Giới – Định – Tuệ. Mặc dù ta thường nghe rằng: “Giới sinh định, định sinh tuệ”, nhưng thật sự có tuệ, có định rồi mới giữ được giới trọn vẹn. Cả ba có mối liên hệ hỗ tương lẫn nhau. Ví dụ cùng gặp một lượng vàng trước mặt, có ba trường hợp giữ giới không tham:

- Thứ nhất là dùng ý chí, vì tuân thủ giới điều mà giữ giới, tức là nhờ “giới” mà giữ giới. Nếu không có ý chí giữ giới, khi đứng trước những cám dỗ về vật chất, ta khó có thể tuân thủ theo được. Cho nên, để làm đúng giới luật thì cái ý chí, nghị lực dứt khoát là điều rất quan trọng và cần thiết.

- Trường hợp thứ hai là nhờ “định” mà giữ giới, người này có sức định trong tâm, sức định sâu đến mức độ khống chế hoặc diệt mất tâm tham. 

- Trường hợp thứ ba là nhờ “tuệ” mà giữ giới. Dù nhìn thấy lạng vàng đó chung quanh không có ai, mình có thế lấy được, nhưng bắt đầu có quán niệm nếu mình lấy lượng vàng làm của riêng thì sẽ gây đau khổ cho người đánh mất, và cái tội này sẽ trở thành vết nhơ trong tâm, trong cả cuộc đời mình. Sự suy tư về tội phước này được gọi là tuệ. Nên cùng một lúc không chỉ có đủ ý chí mà phải có đủ giới, định, tuệ.

Do vậy, khi bước vào đời sống tu hành, lúc nào thầy Tổ mình cũng dạy đi, dạy lại ba điều này. Cũng là giới, định, tuệ. Có người nói tụng kinh không có giới, định, tuệ. Thật sự, trong kinh ẩn chứa cả giới, cả định, cả tuệ. Chỉ khi nào ta tụng kinh mà như cái máy, tụng cho qua thì khi đó không có giới, không có định, không có tuệ. Còn tụng mà cho thấm thì trong lời kinh đã bàn bạc giới, định, tuệ. Mà khi đủ giới, định, tuệ thì ta mới trì giới được. Đó là nguyên tắc, là nguyên lý như vậy.

Như thế, để củng cố giới thì lúc nào cũng phải củng cố Tam vô lậu học là Giới – Định – Tuệ. Tức ta dùng ý chí của giới để giữ giới, dùng cái tâm thanh tịnh từ thiền định để giữ giới, và dùng trí tuệ để biết tội phước, nhân quả mà không phạm giới. Ba điều này phải thuần thục trong tâm từng ngày, từng tháng.

Và qua năm tháng tu hành, cho đến khi trì giới được ở bề sâu rồi thì các giới tử hôm nay sẽ trở thành điều mầu nhiệm, tức trở thành niềm cảm hứng cho bao thế hệ đi sau. Như có những bậc tôn túc giữ gìn giới hạnh trong sạch cả đời, nên khi ngồi trên giới đàn, các vị trở thành niềm cảm xúc thiêng liêng mầu nhiệm truyền lại cho bao nhiêu giới tử. Giới tử nhìn vào tấm gương đó mà khởi tâm xúc động để rồi cả đời giữ giới. Đó là lý do đàn giới nào cũng có Hội đồng Thập sư? Bởi vì ta cần những người sống thực sự, ngồi trước mặt để ta kính ngưỡng, tin tưởng. Dù các Ngài chỉ ngồi trên giới đàn, nhưng cũng trở thành niềm cảm xúc thiêng liêng, truyền nhiệm mầu đến cho ta. Và ta mang cái niềm tin đó đi hết cuộc đời còn lại, để suốt đời ta noi gương, trì giới. 

Nên biết, Phật pháp còn trường tồn cũng là nhờ vậy. Tức là nối tiếp thế hệ này tới thế hệ kia còn trì giới. Nếu không có những bậc giữ giới thanh cao, mọi người nhìn vào đạo Phật không còn niềm tin nữa thì đạo Phật cũng biến mất. Có thể nói, giới luật diệt thì Phật pháp cũng diệt. 

Mà để đến ngày chính các giới tử hôm nay trở thành niềm cảm xúc thiêng liêng cho hàng hậu tấn thì cả một đời phải tu hành, giữ giới vất vả chứ không dễ. Giữ giới là sự chiến đấu với nội tâm, với chính tham, sân, si, với kiết sử, với tập khí của mình. Cả kiết sử và nghiệp đều là điều hết sức tự nhiên, không có chuyện thọ giới rồi là không bị vướng, trừ những người đắc đạo.
 
Rất ít trường hợp vừa sinh ra đã đắc đạo quả vị Thánh. Đa số các thầy phải sống qua đời sống tu hành vất vả mới tạo thành công đức. Hãy tự đặt câu hỏi, liệu ngày hôm nay cảm xúc, lời nguyện, lý tưởng tu hành với giác ngộ giải thoát có đủ mạnh để ta giữ mình trong sạch suốt cuộc đời còn lại hay không? Đó là vấn đề không đơn giản, không có chuyện hôm nay thọ giới là ngày mai chắc chắn trong sạch. Phải hiểu rằng hôm nay thọ giới rồi, suốt cuộc đời còn lại là sự chiến đấu vất vả, mà chính điều này mới thành công đức, thành uy đức khiến quỷ thần cũng phải kiêng nể, vì cái uy đức của vị đó lớn. 

Cái uy đức này có được là nhờ sự chiến đấu vất vả cả một đời chứ không phải sơ sơ mà thành. Mà để giữ được giới trong sạch, bắt buộc phải có ba chân kiềng đó là: giới, định, tuệ. Không được bỏ sót một yếu tố nào. Nếu một vị chỉ chuyên về giới mà thiếu “định”, thiếu “tuệ” thì rất dễ rơi vào sự khắt khe cố chấp. Chỉ khi nào có định, có tuệ thì vị ấy mới thoát khỏi sự cố chấp này, trước cái sai của kẻ khác vị ấy vẫn dạy bảo, nhưng dạy trong yêu thương bao dung ấm áp. Và đó mới là sự trì giới chân thật.

Hoặc người có cái “tuệ”, có thể phân tích kinh điển nghĩa lý sâu xa, nhưng nếu chưa có cái “định”, tâm chưa thanh tịnh thì người này cũng chẳng cảm nhận được vô ngã (cảm nhận thôi chứ chưa chứng). Chỉ khi có định, có tuệ thật sự thì người tu mới cảm nhận được vô ngã, mới thật sự trì được giới (vì “trì giới” cũng có nghĩa là hướng về “vô ngã”, do trong giới đều bàn bạc nói về sự hi sinh, khước từ bản ngã). Chỉ riêng đạo Phật, tu là để mất bản ngã. Nên nhớ, tu để vô ngã, đó là mục tiêu tối cao của đạo Phật. Ngoài đạo Phật ra, không tôn giáo nào trên thế giới có mục tiêu vô ngã này.

Người khẳng định, chúng ta phạm giới vì thích có cái gì cho cái “ta”. Chỉ người hiểu về vô ngã bằng cái tuệ, cái định, khước từ tô điểm bản ngã thì mới trì được giới. Cho nên Giới – Định – Tuệ có mối quan hệ hỗ trợ, tương tác, không tách rời nhau được. Giống như quý thầy đăng đàn thọ giới, nghĩa là suốt cuộc đời còn lại phải trau dồi thiền định, trí tuệ thì mới được bảo chứng, bảo hành. Còn nói thọ giới rồi là xong thì tất cả mọi việc về sau đều tan vỡ hết.
 
Dịp này, Thượng tọa phân tích cho thấy mỗi yếu tố của Tam vô lậu học có tính chất khác nhau. Người giữ giới bằng ý chí thì gương mặt nghiêm nghị cứng rắn, tính cách mạnh mẽ. Người giữ giới bằng thiền định thì điềm đạm, phong hòa, trầm tĩnh. Người giữ giới bằng trí tuệ, tức là suy nghiệm tội phước, nhân quả, vô ngã, biết lỗi mình thì đôi mắt lấp lánh sáng tỏ, thần thái quang minh. Đây là điểm khác nhau giữa cái tuệ thật và tuệ không thật. Ví dụ có hai người cùng hiểu về kinh, luật; đều lý luận thuyết giảng, nói về nhân quả và mục tiêu vô ngã được hết, nhưng người có tuệ thật thì biết lỗi của mình từ trong nội tâm sâu kín. Ngược lại, người không có tuệ thật thì không biết lỗi của mình. Người không có tuệ thật, chỉ cần nhìn vào gương mặt là ta biết liền bởi nó rất u ám.

Cho nên trong đôi mắt ai còn sự khiêm tốn hiền lành, thậm chí còn một chút ray rứt, ta biết đó là người có trí tuệ, có thể tu hành được. Còn nếu trong đôi mắt đầy sự mãn nguyện, hài lòng cho rằng mình không còn lỗi nữa thì người này sự tu hành đã dừng lại, trí tuệ đã khô cạn rồi.

Lại nữa, tính chất của giới là ý chí, nhưng ý chí không phải tự nhiên mà có, cũng không phải mở miệng nói quyết tâm theo đạo là được, mà phải rèn luyện qua thực tế, tức là đối diện với thử thách và vượt qua thử thách. Việc trốn tránh, không dám đối diện với nghịch cảnh khiến ý chí của ta ngày càng yếu kém. Sau này, không giữ được giới là ta thất bại luôn. Cho nên khi đã thọ giới rồi, suốt đời còn lại người tu sẽ được đối diện hết thử thách này đến thử thách kia. Đây là cơ hội để các thầy rèn luyện cuộc sống thực tế. Lúc đó, ta phải dẹp bản ngã của mình đi, phải nhẫn nhục, hi sinh để giữ giới.

Nếu vượt qua được thì ý chí cứ mạnh lên dần. Kết quả là sau này khi cần tác thành công đức khó khăn nào, ta hi sinh làm được rất nhẹ nhàng, vì ý chí đã được rèn luyện quá nhiều. Lúc đó ý chí đã chín mùi, gần thành giới đức. Còn hôm nay thọ giới thôi thì chưa đủ để thành giới đức, chưa thành tựu được gì, nếu chủ quan có khi khiến ta mất giới.
 
Trở lại vấn đề tu tập thiền định để giữ giới. Thông thường, khi có thử thách ập đến thì ta mới khởi lên cái tâm trì giới. Còn thiền là từng giây từng phút tỉnh giác, phải thực hành kiên trì, đều đặn thì mới có chút kết quả về tâm linh, bởi kĩ thuật, phương pháp, lí luận hay trạng thái tỉnh giác của thiền đều là một môn học lớn. Và người tu dù thuộc tông phái nào thì vẫn phải gieo trong tâm mình ước mơ đắc thành thiền định. Khi thành tựu thiền định, cái nhìn của ta với người khác sẽ trầm tĩnh, điềm đạm và mạnh mẽ hơn.

Đắc thiền định là một giá trị cực lớn mà đạo Phật cho cả thế giới. Sau này, cả thế giới phải học theo đạo Phật, tức là phải học thiền. Thực tế, rất nhiều vị giáo sĩ, đạo sĩ vì sự tự do và tình cảm cá nhân mà giả vờ không theo đạo Phật, nhưng thực chất bên trong họ đang tìm hiểu về đạo Phật. Nhiều nhà khoa học cũng nghiên cứu về đạo Phật và thấy yêu thích. Cái yêu thích của họ về đạo Phật cũng chủ yếu là thiền định. Thế nên, người xuất gia phải giỏi thiền định để giải thích, hướng dẫn và độ cho họ. 

Ta biết tính chất của trí tuệ là sáng suốt. Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào cả yếu tố bên trong và bên ngoài quyết định. Bên trong, nhờ có thiền định mà ta có trí tuệ thì bên ngoài, ta nhờ học thầy, học bạn và nhờ huynh đệ nhắc nhở.

Thêm nữa, cái tuệ được hình thành từ hai con đường: Học và Thiền định. Các vị Bồ Tát vì cái tuệ này mà cứ theo Phật học mãi, bởi dù chứng ngộ nhưng cái biết của các Ngài chưa bao giờ là đủ. Cái tuệ mênh mông là vậy. Và người trí tuệ càng tu càng thấy lỗi của mình nhiều. Chỉ khi chứng tới A La Hán, ta mới hết lỗi. Nhưng đó chỉ là hết lỗi về phần mình, còn hạnh Bồ Tát thì vẫn còn thiếu sót.
 
Với chúng ta, chưa tu chứng quả vị A La Hán thì vẫn còn lỗi. Trí tuệ ta ở mức nào, ta thấy lỗi của mình ở mức đó. Tuệ do định tạo ra, do học mà thành, nhưng kết quả tuệ tạo ra là do thấy được lỗi của mình, đây cũng là cái quan trọng nhất. Cho nên, không quan trọng là tu lâu hay không, trước hết các thầy phải khiêm tốn, biết lỗi của mình thì mới là người trí tuệ. Ngược lại, nếu chúng ta tự hài lòng, mãn nguyện với bản thân thì sẽ không thấy được lỗi của mình nữa, con đường tu hành cũng sẽ dừng lại bởi trí tuệ khô cạn rồi. Người có tuệ phải là người sáng suốt, hiền lành, khiêm tốn. 

Nói đến đây, ta biết giới, định, tuệ có mối liên hệ qua lại, tác động, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, cần có một yếu tố quan trọng nữa ta mới giữ được giới, tập được định, thành tựu được tuệ, đó là phước. Theo Thượng tọa, phước là một điều hết sức căn bản. Phước giúp ta đắc thành thiền định, phước mang đến trí tuệ, phước cũng làm ta phát khởi ý chí giữ giới. Không có phước thì không điều tốt đẹp nào thành tựu cả. 

Để có phước, đầu tiên ta phải lễ kính Phật. Phật là đấng tối cao nên phước của Ngài là vô lượng, vô biên. Lễ kính Phật, ta không tốn một đồng nào, chỉ cần có trái tim tôn kính tuyệt đối với Ngài thông quan hành vi, thân hạnh trang nghiêm là ta đã bắt đầu tích lũy phước cho cuộc đời mình. Người nào tu lâu mà xuất hiện suy nghĩ là không cần lễ Phật nữa thì phước sẽ mất dần rồi tuột luôn. Người nào nghiêm trang lễ Phật thì phước tu còn suốt cuộc đời này, thậm chí là kéo dài qua những đời sau. 

Ngoài việc lễ kính Phật, ta còn phải tôn kính những bậc trưởng thượng, bậc tôn đức; phải biết yêu thương huynh đệ; biết giúp đỡ chúng sinh còn mê muội. Vô số cái phước từ đó mà cũng được hình thành, giúp ta có sức mạnh để giữ giới.

Lại thêm, phước giúp ta có tinh tế để tu tập thiền định, có cơ hội học hỏi kinh luận, có sự gia hộ trong tâm để biết lỗi mình. Người nào thấy được lỗi của mình là người có phước, người thấy mình hết lỗi là người vô phước. Vì thế, đã là đệ tử Phật, nhất là người xuất gia thì đừng bao giờ ngưng làm phước, dù phước nhỏ như hạt bụi cũng không được khước từ. Tức là đệ tử Phật phải cả đời hy sinh, dấn thân, cống hiến, phụng sự không bao giờ tiếc công sức. Và phải làm hiệu quả gấp hai, gấp ba lần cái trách nhiệm mà mình được giao. Công đức của một tỳ kheo là như vậy. Người càng tu đúng chừng nào, càng siêng năng chừng ấy. Tu một thời gian mà không muốn làm gì nữa là tu sai. 
 
Giới luật thì có quy định rõ ràng, có kết tội, có trừng phạt. Ví dụ có giới “không được nói dối xưng mình đắc đạo”, nếu ai vi phạm sẽ bị hạch tội trước tăng chúng và loại ra khỏi tăng đoàn. Trong “giới luật” phân định tội phước rõ ràng như vậy. Còn “giáo pháp” thì nhẹ nhàng hơn, là sự phân tích: Người xưng mình là Thánh là người thèm khát sự vinh quang của một bậc Thánh, sự cúng dường cung kính của chúng sinh, và nhân quả sẽ bù trừ lại. Khi ta hưởng sự vinh quang của bậc Thánh trong khi cái phước của mình không xứng đáng thì đổi lại ta sẽ phải làm súc sinh khi buông thân người, hoặc phải điên loạn ngay trong hiện đời. Giáo pháp thì mênh mông như vậy, còn giới luật thì tập trung cụ thể, có quy định, có trừng phạt.

Có người thắc mắc rằng giới quan trọng như thế, nhưng tại sao khi lập tăng đoàn đức Phật chỉ nói giáo pháp mà không lập giới điều, mãi cho đến mười năm sau Phật mới chế giới? Thật ra vào thuở Phật mới đắc đạo, các tỳ kheo khi nghe giáo pháp là đã tự ấn định, tự suy luận ra giới luật rồi nên các vị không sai phạm. Nhưng càng về sau số người có được căn cơ, được trí tuệ đó càng ít, nên Phật mới chế ra giới luật cụ thể. Ngày nay nếu hiểu giáo pháp, chúng ta cũng có thể bổ sung một số giới cho hợp với thời đại, ví dụ “một tỳ kheo phải tuân thủ luật giao thông để không mất tư cách, mất phẩm giá của người tu”. 

Thêm nữa, chỉ trừ vị có căn cơ của bậc Bích Chi Phật, còn lại tất cả chúng ta phải khôn ngoan nương tựa vào đại chúng mà trì giới. Một ngôi chùa đông tăng chúng vẫn tốt hơn một vị thầy âm thầm ở một mình. Người tu phải nương tựa đại chúng để giữ gìn giới hạnh, để được tuân thủ giới luật, bảo vệ giới luật, tạo thành sự thiêng liêng mầu nhiệm. 

Lại nữa, thấy một người kém giới, ta phải tìm hiểu xem có phải họ bị thiếu phước hay chăng, có phải họ không đủ công đức lễ kính Phật, công đức tôn kính bậc tôn túc và những công đức khác nên ý chí bạc nhược hay chăng… Rồi ta khuyên răn dìu dắt để họ đủ phước mà giữ giới luật, đừng công kích chê bai. Một đặc tính khác, người giữ giới đúng thì vừa nghiêm trang mà vừa khiêm nhu, chứ không phải nghiêm trang mà cao ngạo, cố chấp, khó tánh. 

Cuối cùng, Thượng tọa chia sẻ: Trong thời đại đầy sự cám dỗ, khi mà khoa học kĩ thuật cuốn phăng hết mọi thứ như bây giờ cũng là lúc con người cần tâm linh hơn bao giờ hết. Thiếu tâm linh, thế giới sẽ tận diệt. Ngày mai những vị đăng đàn thọ giới chính là những người giữ viền mối tâm linh, đạo đức cho thế giới này. Đây là trách nhiệm cao cả của quý thầy.

Trước những lời giảng dạy đầy cuốn hút của Thượng tọa, cả hội chúng chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời một. Trong lời cảm niệm, một vị thầy đại diện cho các vị giới tử chia sẻ rằng: “Nhờ những đạo lí hết sức quan trọng, ý nghĩa này, tâm của chúng con như được mở ra, trí cũng được bồi đắp thêm”. Nhân đây, quý thầy phát nguyện sẽ giữ giới thanh tịnh trong suốt cuộc đời bằng ý chí mãnh liệt và tất cả phước lực của mình. Đồng thời còn gửi lời cảm ơn sâu sắc, chân thành đến Thượng tọa khi lúc nào cũng dốc sức dốc lòng, truyền trao đạo pháp, gìn giữ mạng mạch cho các thế hệ sau.

Mặc dù bài pháp giáo giới khá dài nhưng những ý chính đã được Thượng tọa tóm gọn, lưu ý nhiều lần giúp các giới tử dễ dàng nắm được nội dung. Thông qua đây, mọi người hiểu được mối quan hệ qua lại của giới, định, tuệ. Từ đó, biết trau dồi, tu tập và giữ giới một các đúng đắn, khoa học.

Lại thêm, bài pháp đã chỉ ra vai trò quan trọng của chư tăng ni trong việc bảo vệ, phát triển Phật giáo. Tu không phải chỉ gõ mõ, tụng kinh trong chùa mà tu là đem những điều đúng đắn lan tỏa vào cuộc sống, làm cho xã hội này tốt đẹp lên. Nhưng trước hết, mỗi người đệ tử Phật phải thực sự là một điều tốt đẹp đã. Để làm được điều này, chư tăng ni không được xem nhẹ mà phải nghiêm túc tu giới, định, tuệ. Chỉ có vậy, nhân cách, trí tuệ, đạo đức của các vị mới được hoàn thiện, trở thành bóng tùng cho chúng sinh nương tựa, noi theo. Bởi vì: “Chỉ khi nào còn những vị tăng chân chính để cho chúng sinh ca ngợi thì Phật pháp mới còn tiếp tục tồn tại phát triển”.

Tiếp theo, tại giới trường chùa Long An (phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), HT.Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Từ Tân đã giáo giới cho giới tử ni. Trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh, Hòa thượng chia sẻ: Muốn cho Phật pháp được trường cửu thế gian thì cần có những con người tâm huyết, thiết tha với con đường Thánh đạo. 
 
Hình ảnh các giới tử cần cầu thọ giới đã gợi lên mong ước về đạo pháp trường tồn, Khung cảnh này khiến Hòa thượng nhớ về cảm xúc của mình mấy mươi năm trước, cũng trong ngày thọ giới thiêng liêng như thế. Theo Hòa thượng, được thân người đã khó, được gặp Phật pháp, hay thọ được giới pháp còn khó hơn. Nên các giới tử hãy trân trọng cái duyên lành rất lớn của mình, trân trọng tất cả những gì liên quan đến giới luật mình sắp thọ. Khi thọ giới là đặt chân vào con đường Thánh đạo, ngược hẳn với con đường đời. Và phải hiểu rằng ta luôn phải vất vả chiến đấu với bản năng của mình, bởi dù đã vào chùa, dù đã thọ giới thì bản năng, tập khí vẫn còn, chưa đoạn trừ sạch được. 

Dịp này, Hòa thượng phân tích “giới” có ba tác dụng:

- Đầu tiên, giới đưa đến giải thoát. Nhờ có giới nên ta tháo bỏ được những trói buộc của đời sống thế tục, thoát khỏi những phiền não ô nhiễm, bớt tạo tội. Vì thế nội tâm dễ được yên lắng, dễ nhiếp tâm trong thiền định hơn. 

- Thứ hai, giới giúp thành tựu công đức, không có giới thì mọi công đức không thể phát sinh. 

- Thứ ba, giới giúp bảo hộ công đức. Có người tuy làm nhiều việc thiện nhưng cuộc đời cứ long đong lận đận, vì bù lại họ vẫn làm nhiều điều bất thiện. Khi thọ giới nghĩa là tránh không làm điều ác, vì vậy công đức sẽ được gìn giữ trọn vẹn. 

- Ngoài ra, giới cho ta thêm động lực, thêm quyết tâm để bước trên con đường Thánh đạo. Mục tiêu xa của giới là giác ngộ, mục tiêu gần là hộ trì các giác quan, để mắt đừng nhìn bậy, tai đừng nghe bậy, lưỡi đừng nếm bậy, thân đừng đụng chạm bậy. Xa hơn nữa là hộ trì tâm ý. Rồi giới giúp hạnh nghiệp thay đổi, uy đức sáng lên. 

Sau cùng, Hòa thượng bày tỏ lòng thương mến với các giới tử - những người đang thay thế Chư tôn đức gánh vác con đường Phật đạo, hoằng dương Phật pháp. Người hy vọng có ngày chính các giới tử hôm nay sẽ trở thành một người có uy đức, có công đức tu hành, có giới đức đủ sức truyền cảm hứng cho bao thế hệ đi sau cùng noi gương mà giữ giới. Mà giữ được giới hạnh tức là giữ được niềm tin cho quần chúng. Khi quần chúng có niềm tin với tu sĩ, người ta sẽ có niềm tin với Tam bảo. Nhờ vậy mà Phật pháp còn trường tồn.

Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm