Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật (1)

Bắt đầu từ bài viết này, Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam trân trọng giới thiệu trọn bộ cuốn sách "Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật" của Đại đức Thích Tình Thiền về tác phẩm nổi tiếng Trung Quốc của nhà văn Ngô Thừa Ân: Tây Du ký.

 LỜI ĐẦU SÁCH

Nhân các cháu gia đình Phật tử đến chơi, đang trò chuyện với nhau, tôi nghe chúng kể lại phim truyện Tây Du Ký có những đoạn như: Hồng Hài Nhi phun lửa Tam muội và đến Tây phương cửa Phật mà vẫn còn ăn hối lộ... Nghe qua, lòng tôi nghi ngờ, không biết trong Tây Du Ký nói những gì mà khi các cháu xem phim lại hiểu như thế, cái hiểu có phần lệch lạc về đạo Phật, cho nên tôi mới tìm mượn bộ Tây Du Ký do Nhà xuất bản Văn học tái bản năm 1997 của Thụy Đình dịch để xem. Khi xem đến lời giới thiệu có đoạn: “Thần, Phật, Sư, Đạo là đối tượng châm biếm của Ngô Thừa Ân”. Lời này càng thôi thúc tôi phải đọc xem trong truyện nói những gì?.

Sau khi xem xong bộ truyện tôi thấy có những điểm rất phù hợp với công phu hành đạo theo giáo lý Phật đà. Trong ấy, Ngô Thừa Ân đã khéo dùng ngòi bút văn chương nói lên được ý nghĩa thâm thúy của Phật pháp, thật đúng như câu “Văn dĩ tải đạo”. Người xem vì chưa hiểu Phật pháp và đa phần chỉ theo dõi sự diễn biến của truyện nên đã hiểu lầm, tưởng chừng như xem thường nhà Phật, và lời nhận xét của Nhà xuất bản Nhân dân Văn học Bắc Kinh cũng chỉ là cái nhìn phiến diện mà thôi. Với lòng mong muốn hóa giải sự ngộ nhận về đạo Phật của người xem Tây Du Ký, tôi đã không ngại sự hiểu biết thiển cận của mình, xin trình bày ra đây những điểm phù hợp với tiến trình chuyển hóa tư tâm của người tu Phật, được Ngô Thừa Ân nhân cách hóa qua các nhân vật, trong từng chương hồi của truyện. Hơn nữa, cũng mong muốn người xem Tây Du Ký hiểu biết chút ít về đạo Phật, vì vậy mà quyển sách này ra đời.

Tuy xét thấy việc làm này không biết có đúng với dụng ý của Ngô Thừa Ân hay không, nhưng tôi cũng viết chút ít về tác phẩm để nói lên sự đồng cảm của mình đối với tác giả. Vì xét nghĩ xem truyện Tây Du Ký như là xem sự diễn biến nội tâm của hành giả trên bước đường giác ngộ giải thoát.

Song, tự xét mình kiến thức hạn hẹp và sự cảm nhận Phật pháp còn nông cạn chưa thấu đáo rốt ráo, vả lại cũng không chuyên viết văn, thành thử quí vị nào đọc để tìm lời văn bóng bẩy chải chuốt chắc sẽ không hài lòng. Vậy mong những ai có duyên được xem hãy đạt ý quên lời mà bỏ qua cho những vụng về trong lời văn và cách diễn đạt.

Trong quyển sách này, chúng tôi chỉ trình bày cho những người mới đang tìm hiểu đạo Phật và để giúp bạn đọc có khái niệm sơ qua duy thức và vài đặc điểm về thiền. Song, khi viết dẫn chắc không sao tránh khỏi những sơ sót lỗi lầm. Vậy kính mong các bậc cao minh lượng thứ và hoan hỷ chỉ giáo những điều sai sót để cho lần tái bản sau được hoàn hảo hơn.

(Kính ghi)

1. DẪN NHẬP

Tây Du Ký là bộ sách thần thoại hóa của Ngô Thừa Ân. Khi đọc ta cảm thấy rất thú vị và hấp dẫn, như việc tả cảnh Long cung, Thiên cung, Địa phủ, Hang quỷ, Động tiên ... Cả việc đánh võ, đấu phép, biến hóa thật tài tình và những nhân vật ma quái diễn tả giống như thật làm cho người đọc cảm thấy ghê rợn, nhưng rất thích thú xem. Vì thế cho đến nay, không chỉ riêng ở Trung Quốc mà các nước Tây Âu và lân cận như nước ta cũng xem Tây Du Ký là một bộ sách có giá trị được nhiều người tìm đọc.

Một cảnh trong phim Tây Du Ký.

Một cảnh trong phim Tây Du Ký.

Cách kết cấu của truyện và tính cách từ những nhân vật đến cảnh trí đều mang tính đặc trưng, cùng với sự mô tả tình tiết thi thố võ nghệ thì Tây Du Ký rất khôi hài lý thú, nên gần đây có nhà đạo diễn ở Trung Quốc dựa vào truyện mà dựng thành phim được chiếu rộng rãi trên màn ảnh nhỏ, thành thử đa số quần chúng từ thành thị đến thôn quê đều biết về truyện này.

Đọc truyện ta thấy nó vốn đã hư cấu, vậy mà những cảnh trong phim lại thêm một phần hư cấu nữa, do đạo diễn dựng phim và những diễn viên khéo diễn xuất làm cho bộ phim rất sống động, cùng với những kỹ xảo tạo cho hình ảnh thêm phần đặc sắc. Nhưng đối với người xem thì mỗi người cảm nhận mỗi cách và lý giải khác nhau.

Theo nhận định của các nhà xã hôi học thì Tây Du Ký là một cuộc cách mạng đòi hỏi sự bình quyền ở thời phong kiến, trong đó nhân vật nổi bật nhất là Tôn Ngộ Không.

Nhưng theo thiển kiến riêng tôi thì Tây Du Ký là một tác phẩm ngụ ý ám chỉ những nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm cho hành giả nào đang tiến tu trên bước đường giải thoát. Vì khi đọc tác phẩm nào cũng vậy, tùy theo sự nhận thức của mỗi người mà nhận định ý nghĩa có sai biệt. Thí dụ như truyện “Sự tích quả dưa hấu” (An Tiêm), với người bình dân đọc qua chỉ biết là truyện cổ tích dân gian. Còn người có kiến thức khá hơn thì nhận định truyện nói lên tính cách tự lập cuộc sống từ hai bàn tay và tài trí chính mình, chớ không trông đợi nương nhờ vào sự giúp đỡ của người khác - dù là thân thuộc. Nhưng theo thiển kiến riêng tôi - qua tư tưởng đạo Phật thì truyện nói lên sự giác ngộ giải thoát phải do chính mình tu hành mà được, chớ không nương nhờ vào một thần linh hay đấng tối thượng nào cứu rỗi. Cũng vậy, đối với tinh thần Thiền tông, chúng ta không nên hiểu trên lời nói, văn tự, mà phải nương nơi văn tự lời nói để ngầm hội những ngụ ý thâm thúy trong ấy mới gọi là thể nhận lý thiền. Như trong thiền sử có câu chuyện như sau.

Một hôm quan Đề Hình đến thăm Tổ Pháp Diễn. Tổ hỏi: Đề Hình lúc còn trẻ có đọc thơ Tiểu Diễm không? Có hai câu thơ ý rất gần:

“Vừa kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc, chỉ cốt anh chàng nhận được thinh”.

Quan Đề Hình nghe xong liền ứng: Dạ! Dạ!

Ngài Pháp Diễn bảo: “Hãy chính chắn”.

Ngài Khắc Cần đứng hầu nghe đối đáp như thế mà chưa hội, nên hỏi ngài Pháp Diễn: “Quan Đề Hình có hội chăng?”.

Ngài Pháp Diễn bảo: “Kia nhận được thinh”.

Sư mới thưa: “Chỉ cốt anh chàng nhận được thinh, quan Đề Hình nhận được thinh, sao chẳng phải?”.

Ngài Pháp Diễn nhắc lại lời đối đáp của người xưa: “Thế nào là ý Tổ từ Tây sang?. - Cây bá trước sân!”. Khắc Cần nghe chợt có tỉnh. Sư bước ra thấy con gà bay đậu trên lan can vỗ cánh gáy, liền ngộ ý của tổ Pháp Diễn chỉ cho quan Đề Hình. (Hành trạng thiền sư, tập 3).

Hai câu thơ cô đọng trên xuất xứ từ một câu chuyện tình thế gian: Một thiếu nữ con nhà quyền quí có tình ý với chàng thanh niên gần nhà. Một hôm vào chiều tối chàng lân la đến nhà cô, ý muốn vào mà không biết phòng cô ở đâu. Cô ở trong phòng nhìn thấy chàng đang tới lui ngoài rào thì liền gọi người giúp việc “Tiểu Ngọc ! Đem bình trà lại cho cô”. Tức thì anh chàng ngoài kia nghe tiếng biết chỗ ở của nàng. Như vậy, khi kêu Tiểu Ngọc thực ra không có việc gì quan trọng, nên nói: “Vừa kêu Tiểu Ngọc nguyên không việc”. Tiếng kêu đó chủ yếu cho anh chàng ở ngoài rào nghe, nên nói: “Chỉ cốt anh chàng nhận được thinh”. Tiếng kêu không nhắm vào người giúp việc mà nhằm vào anh chàng ở ngoài rào, tuy kêu đây mà ý ở ngoài kia.

Vì thế, chúng ta đọc Tây Du Ký cũng với tinh thần đó. Hầu như những tình tiết trong Tây Du là ngụ ý biểu hiện lên nghĩa lý thâm thúy sâu xa trong Phật giáo nhưng ít ai để ý, và những nhân vật chính trong truyện là hình ảnh tượng trưng thể hiện ý nghĩa về tâm linh, do đó khi xem Tây Du Ký hãy phản quan lại cõi lòng mình thì mới thấy cái hay của truyện.

Nếu cho rằng Tây Du Ký là pháp thế gian thì người học Phật phải biết chuyển hóa từ thế pháp sang Phật pháp, giống như Đức Phật chuyển nghi thức bài  “Lễ bái lục phương” của Bà La Môn thành pháp của Phật (Kinh Thi Ca La Việt) vây. Cũng như người khéo biết sử dụng việc thì biến cái xấu thành tốt, biến dở thành hay, biến cỏ rác, phẩn uế làm thành trái ngọt, hoa thơm để mọi người cùng thưởng thức. Do đó cổ nhân có nói: “Biến nắm đất thành vàng ròng” hay câu “Phật pháp không ngoài thế gian pháp” là ý này vậy. Hơn nữa, người học Phật nếu nhìn tất cả thế pháp bằng cái nhìn Phật pháp thì không có tác ý tạo nhân bất hảo và ác nghiệp.

Theo lời giới thiệu trong Tây Du Ký thì “Thần, Phật, Sư, Đạo thường là đối tượng châm biếm của Ngô Thừa Ân”, nhưng với cái nhìn riêng tôi Ngô Thừa Ân rất thâm hiểu Phật pháp chớ không như lời nhận xét trên. Những câu trong truyện sau đây sẽ minh chứng cho điều này:

Khai tâm một chữ theo điều thực

Chỉ dẫn vô tri rõ lẽ hằng.

Với bài thơ:

Mình tròn sắc lại trắng phau,

Người sau không học phép mầu ấy đi?

Lửa thiêu cũng chẳng can gì,

Nước không dìm được, thân kia vẫn còn.

Ma Ni Ngọc sáng chẳng mòn

Gươm đao giáo mác không sờn chút da.

Thiện ác cũng chính tự ta,   

Nhãn tiền báo ứng thật là hiển nhiên.

Khi thiện đã thành Phật, Tiên,

Sừng lông thân ác mọc liền ra ngay……. 

Bài thơ này giống như bài kệ nói về chữ tâm (心) như sau:

Tam điểm như tinh tượng.

Hoành câu tợ nguyệt tà

Phi mao tùng thử đắc

Tố Phật dã do tha.

Nghĩa là: Ba chấm như sao sáng

Nét cong tợ trăng tà

Sa đọa từ tâm ra

Thành Phật cũng do tâm.

Hoặc đoạn: Ngày đêm không ngủ trông nom ngựa. Ban ngày còn chơi đùa được, ban đêm thì chăm sóc ân cần, ngựa ngủ thì đánh thức dậy cho ăn cỏ, ngựa chạy quanh thì dắt về chuồng (hồi 4).

Và:

Phật ở Linh Sơn (chân tâm) lọ phải cầu.

Linh Sơn trước mắt lại tìm đâu

Ai ai cũng có Linh Sơn tháp

Tu ở Linh Sơn đạo rất mầu (h.85)

Hay ở hồi 93 nói về lý Bát Nhã. Như câu: Văn giải của Ngộ Không là thứ văn không nói ra lời. Đó mới là giải đúng.

Và:

Sóng gió mặc dù thường vững chãi

Trước sau chi kể, cứ thanh bình

Bụi nhơ, không bợn về riêng lối

Đời kiếp yên vui mặc thỏa tình

Không đáy con thuyền qua bể rộng

Xưa nay tế độ khắp quần sinh.

Lại có những đoạn ông dựa vào lời các Tổ viết vào truyện để nói lên ý nghĩa Thiền như câu “Linh đài Phương thốn, tà nguyệt tam tinh” (hồi 2), đây ông nói về chữ tâm viết theo chữ Hán (心), giống như chữ Tâm đã nói ở trước.

- Bật Mã Ôn chăn ngựa (hồi 4). Nhà thiền gọi là chăn trâu. 

- Vòng kim cương (hồi 6), nuốt hòn sắt nóng uống nước đồng sôi (hồi 7). Nhà thiền có những câu thuật ngữ như: Nhảy qua vòng kim cương, nuốt hạt (trái) có gai.

Và câu:

Ai cởi nhạc vàng trên cổ sấu

Nhạc vàng kẻ cởi hỏi người đeo (hồi 71).

Ở đây ông dựa vào tích truyện thiền sư Pháp Đăng như sau:

Một hôm ngài Pháp Nhãn hỏi chúng: “Cổ cọp đeo lục lạc người nào mở được?” Toàn chúng không đáp được. Sư vừa đi đến, ngài Pháp Nhãn hỏi câu ấy. Sư thưa: “Người cột thì mở được”.

Và hồi 64 có từ Kinh cức lĩnh (núi gai góc). Trong nhà thiền có thuật ngữ Kinh cức  (gai góc), là tượng trưng cho người hành đạo phải vượt qua mọi chướng duyên ngăn ngại mới thể nhận được sự an lạc giải thoát. Tiếp đến hồi 98 nói trao Kinh vô tự, nhà thiền gọi là Kinh tâm v.v...

Đại lược nêu lên vài mẩu chuyện và những đoạn trong Tây Du Ký đối chiếu như thế, để chúng ta có sự nhận định theo tư tưởng Phật giáo, trước khi xem Tây Du Ký và quyển sách này.

(Theo sách Tây Du Ký qua cách nhìn của người học Phật).

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chung quanh vấn đề vãng sanh

Nghiên cứu 20:00 21/11/2024

Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Nghiên cứu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nghiên cứu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Nghiên cứu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Xem thêm