Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 31/07/2023, 13:32 PM

Thần thông bất năng địch nghiệp

Chúng sanh đã tạo nghiệp, không trả sớm thì cũng trả muộn, chớ không trốn đâu cho khỏi hết. Ðừng nghĩ rằng mình tạo nghiệp ác rồi sau đó làm lành sẽ khỏi quả ác. Làm lành thì được phước, nhưng nghiệp ác đã tạo vẫn phải trả như thường.

Hôm nay quí Phật tử tới gia đình đạo hữu Minh Pháp thăm Thầy. Theo tinh thần trong đạo, chúng ta thăm nhau không phải để nói chuyện qua loa cho vui, mà quí Phật tử hỏi đạo lý, Thầy giảng đạo cho Phật tử nghe. Vì vậy hôm nay, Thầy sẽ nói vấn đề nho nhỏ là Thần thông bất năng địch nghiệp, nghĩa là thần thông không thể chống lại với nghiệp.

Quí Phật tử thường thích thần thông hơn thích nghiệp và cũng sợ thần thông hơn sợ nghiệp. Giả sử Thầy đang nói chuyện ở đây, mà ngoài kia có vị nào bay lên trụ giữa hư không, lúc đó Phật tử còn ngồi để nghe Thầy giảng hay là chạy ra đảnh lễ vị bay trên hư không kia? Tâm con người hiếu kỳ thường thích cái lạ, mà xem thường những việc bình thường. Trong khi đạo Phật lại rất bình dị, không cầu kỳ, không nói những điều quái lạ.

Phật dạy chúng sanh từ nghiệp nên có thân. Vậy nghiệp từ đâu mà ra? Nghiệp từ thân, miệng và ý. Chính thân, miệng, ý gây tạo nghiệp lành hay nghiệp dữ, sức nghiệp đó sẽ lôi dẫn ta đi. Cho nên nghiệp là sức mạnh, nhưng vì người ta không thấy nên không tin có nghiệp. Ví dụ một thanh niên tập uống rượu hay hút á phiện, khi thiếu hai thứ đó thì họ sẽ ụa, mửa. Ðó là do nghiệp không tốt, nó hành lại người tạo nghiệp.

Chúng ta làm nghiệp lành nghiệp dữ, không thấy đâu hết, nhưng khi nó tới rồi thì mình chạy không khỏi, tránh không được. Như người có quyền lực thấy kẻ yếu hà hiếp, chửi đánh người ta. Chửi đánh rồi kẻ có quyền thấy như vậy là xong, nhưng người kia tích lũy phiền hận trong lòng, đợi đến khi gặp cơ hội họ sẽ trả thù lại. Vậy chỗ chứa những nghiệp oán hờn đó ở đâu? Nghiệp không thấy, chỗ chứa nghiệp cũng không thấy, nhưng gặp cơ hội thì nó phát ra.

Nghiệp quan trọng như vậy, người đời lại không quí, còn thần thông chỉ là trò đùa mà lại quí. Nghe ai tu có Tha tâm thông, vừa gặp mình họ liền điểm mặt nói: "Anh đang nghĩ điều này điều nọ." Nghe đúng phóc mình rởn óc muốn lạy họ liền. Còn quí thầy dạy Phật tử làm việc lành được phước, làm việc ác chịu tội thì thấy thường quá, không có gì hấp dẫn, nên không kính phục. Ðó là chúng ta chưa có nhận xét đúng đắn về sức mạnh của nghiệp.

Trong kinh kể hồi xưa đức Phật còn bị nạn Kim thương, Mã mạch. Kim thương tức là bị mũi nhọn đâm vào chân, Mã mạch là ăn lúa ngựa trong vòng ba tháng. Vì Ngài được một vị vua mời về an cư, nhưng rồi quên không cúng cho Ngài. Lúc đó ông giữ ngựa thấy thương, mới đem lúa ngựa ra xay giã, nấu cúng Phật. Phước đức như Phật mà còn bị nạn như thế, là do nghiệp trước Ngài đã tạo, cho nên thân chót phải trả cho hết. Nên biết nghiệp đã tạo dù ác hay lành đều trả quả hết, hoặc sớm hoặc muộn thôi, chớ không bỏ qua được.

Trong hàng đệ tử Phật, ngài Mục-kiền-liên là thần thông đệ nhất, có thể bay lên trời, lặn xuống nước một cách tự nhiên. Vậy mà khi sắp bỏ thân, Ngài phải trả hết nghiệp nên chịu cho bọn cướp vây đánh, dùng thần thông bay lên hay độn thổ cũng không được. Ðến lúc chúng bỏ đi rồi, Ngài vận hết sức thần thông mới tới đảnh lễ được Phật trước khi tịch. Nguyên nhân là vì đời trước Ngài đã đốt một tổ ong, nên đến thân chót Ngài chứng A-la-hán rồi, bọn chúng bắt Ngài phải trả cho hết.

Ngày xưa khi vua Lưu-ly xua quân sang đánh dòng họ Thích, Phật nghe tin báo đã chặn đường nhà Vua khuyên hãy trở về, đừng tạo nghiệp tàn sát nhau nữa. Lần thứ nhất vua Lưu-ly nghe lời khuyên của Ngài nên quay về. Lần thứ hai ông cũng gặp Phật và lại về. Nhưng đến lần thứ ba, ông quyết kéo quân làm cỏ sạch dòng họ Thích mới thôi. Khi ấy Phật nói: "Nghiệp của dòng họ Thích, ta không thể cứu được!"

Như vậy thần thông mạnh hay nghiệp lực mạnh? Quí Phật tử thường nghĩ, mình cứ làm việc ác rồi sám hối, hi vọng Phật sẽ tha cho. Nghiệp của dòng họ Thích mà Phật còn không cứu được, huống nữa là chúng ta. Chúng sanh đã tạo nghiệp, không trả sớm thì cũng trả muộn, chớ không trốn đâu cho khỏi hết. Ðừng nghĩ rằng mình tạo nghiệp ác rồi sau đó làm lành sẽ khỏi quả ác. Làm lành thì được phước, nhưng nghiệp ác đã tạo vẫn phải trả như thường.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Thí dụ, trước đây chúng ta đã đánh một người láng giềng khiến họ hận mình, nhưng vì yếu thế nên họ không thể trả thù được. Nếu trong thời gian đó, ta biết hối hận ăn năn nên xử sự tốt với mọi người trong xóm. Người xóm giềng kia khi đã đủ cơ hội, họ sẽ tìm cách trả thù, nhưng nhờ bà con trong xóm thương nên họ bênh vực mình. Như vậy, nợ cũ vẫn trả nhưng phước mới che chở nên chúng ta đỡ được phần đau khổ. Nên biết nghiệp thì phải trả, song nhờ phước che chở nên trả nhẹ hơn. Hiểu như vậy chúng ta mới thấy lợi ích của sự tu. Tu là để ba nghiệp của chúng ta được sạch, được tốt hơn, chớ không phải tu để có thần thông.

Phật tử thì ngược lại thích có cái gì kỳ đặc. Chính vì tâm ham muốn ấy mà bị người xấu dùng thần thông để lừa gạt. Thời đức Phật còn tại thế, một hôm vua Ba-tư-nặc đến thưa: "Bạch Thế Tôn, trong nước con có một vùng dân không chịu nghe đạo lý, chỉ thích thần thông. Xin Thế Tôn dùng thần thông nhiếp phục thì họ mới chịu tu." Phật lắc đầu, nói: "Ta chỉ dùng đạo thông để giáo hóa thôi, chớ không dùng thần thông." Vì đạo thông mới có thể giúp cho chúng ta nhận ra đâu là đúng, đâu là sai để sửa mình từ xấu trở thành tốt. Còn thần thông không thể làm cho chúng ta thức tỉnh và tu tập được.

Cho nên trong nhà Phật thường dạy tu thì phải chuyển được nghiệp ác thành nghiệp thiện. Quí Phật tử xét lại, miệng chúng ta lúc nào cũng nói lời hiền lành hay có khi nói lời hung dữ? Khi thì hiền lành, nhưng cũng có khi rất hung dữ. Thân cũng vậy, có khi giúp kẻ này người kia, nhưng cũng có khi tát tai người ta. Ðến ý cũng vậy, khi nghĩ tốt khi nghĩ xấu, mà thường thì xấu nhiều tốt ít.

Nên khi đã tu chúng ta tập thân không làm ác, làm những điều lành, như không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Miệng không nói dối, không uống rượu v.v. Ðó là mới nói tu về miệng và thân thôi. Phật tử nếu không giữ tròn năm giới thì có đổi được nghiệp xấu của thân, của miệng không? Không đổi được. Muốn đổi được thì phải giữ năm giới cho tròn, rồi tiến tu Thập thiện gọi là Thập thiện nghiệp đạo, tức thêm ba điều nữa là bớt tham, bớt nóng giận, bớt si mê. Ðây chính là tu về ý.

Như vậy thân, khẩu, ý của mình đều phải chuyển, phải sửa. Có thế chúng ta mới xứng đáng là người tu chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành. Nếu chuyển hết nghiệp ác thành nghiệp lành thì khi nhắm mắt mình sẽ đi theo đường lành. Trong nhà Phật có chia ra lục đạo luân hồi. Thấp nhất là địa ngục, kế là ngạ quỉ, súc sanh, người, a-tu-la, trời. Người làm ác sẽ bị nghiệp dẫn đi trong ba đường xấu, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Người làm nghiệp lành thì sẽ được sanh trong cõi người, a-tu-la, trời.

Người tu nào cũng thích đi ba cõi trên, ngán ba cõi dưới. Bởi vậy, không muốn quả xấu thì đừng tạo nghiệp xấu. Ý không nghĩ điều xấu, miệng không nói lời xấu, thân không làm việc xấu, thì đâu có nghiệp xấu. Bởi nghiệp do thân, khẩu, ý tạo ra. Quí Phật tử nhớ trong lá phái qui y của quí vị có bài kệ:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành,

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.

Dịch:

Chớ làm các điều ác,

Vâng làm các điều lành,

Giữ tâm ý thanh tịnh,

Là lời chư Phật dạy.

Chư ác mạc tác là đừng làm các điều ác. Chúng thiện phụng hành là vâng làm các điều lành. Ðó là nói về thân và khẩu. Giữ tâm ý thanh tịnh là tu về ý. Chư Phật dạy giữ thân, khẩu, ý tốt lành, trong sạch thật gọn, thật đơn giản. Vừa nghe qua có thể thuộc rồi, nhưng hành không biết bao giờ mới xong. Hồi xưa Thiền sư Ô Sào ở Trung Hoa, thường ngồi thiền trên cháng ba cây được ngộ đạo. Tiếng lành vang xa, lúc đó có thi sĩ Bạch Cư Dị nổi tiếng đương thời tìm tới tham vấn Ngài. Ông đứng dưới gốc cây chắp tay, ngước lên thưa: "Bạch Hòa thượng, xin Ngài dạy cho con yếu chỉ của Phật pháp." Thiền sư vẫn ngồi trên cây, đọc một bài kệ:

Chư ác mạc tác,

Chúng thiện phụng hành,

Tự tịnh kỳ ý,

Thị chư Phật giáo.

Nghe xong, thi sĩ cười: "Thưa Ngài, bài kệ này con nít tám tuổi cũng thuộc, Ngài dạy con làm gì?" Thiền sư trả lời: "Phải, con nít tám tuổi cũng thuộc, nhưng ông già tám mươi làm cũng chưa xong."

Chỉ có bốn câu kệ mà chúng ta tu cả đời cũng chưa xong. Phật Tổ dạy người tu sống phải tránh làm các việc ác, lo làm các việc lành. Cho nên Phật tử khi mới vào đạo được dạy phải giữ năm giới để ngừa tội ác. Tránh ác làm lành thì khi chết sẽ đi trong ba cõi lành. Sau cùng giữ ý thanh tịnh, trong sạch là gốc của sự tu. Như vậy, nếu rút gọn bài kệ trên thì hết sức đơn giản, nhưng nói rộng ra thì rất nhiều.

Chúng ta học Phật, tu Phật thì phải nắm vững những gì Phật dạy. Cần biết rõ hiện giờ mình đang đi trên đường nào. Nếu là đường dẫn xuống ba cõi khổ thì phải dừng ngay, đừng tiếp tục đi theo con đường nguy hiểm đó nữa. Nếu đi đường lành thì tiếp tục theo hướng tốt đó, bảo đảm sẽ không bị đau khổ.

Thầy thường ví dụ như xe cũ hư, chúng ta có tiền mua xe mới đẹp hơn. Thân này có ai khỏi chết đâu, mà không hề nghĩ tới. Cứ lo ngày nay ăn thứ này, ngày mai mặc thứ kia, mua sắm mọi thứ ăn mặc sang trọng. Lo đã đời, đến khi lăn đùng ra chết có đem theo được gì? Thế mà người ta lo tích lũy cái mất, không tích lũy cái còn. Tiền bạc xe cộ là vật chất lúc nào cũng có thể bị mất đi, nhưng nghiệp lành, công đức lành đã tạo thì không ai ăn cắp được. Cất ngôi nhà cho đẹp, nhưng lỡ một trận lụt hay cơn hỏa hoạn đi qua là tiêu hết. Chỉ có nghiệp mình làm là không mất.

Quí Phật tử mỗi ngày làm một điều lành, tích lũy lần lần, ai thấy đâu mà lấy. Thầy thường ví dụ như một ông bác sĩ, một ông thợ hồ và một ông thợ mộc cùng đi trên chiếc thuyền qua sông. Tới giữa dòng, thuyền bị sóng đánh chìm, dụng cụ đồ đạc ba người mang theo đều trôi theo dòng nước hết. Chỉ ba ông thì ráng lội được tới bờ, lúc đó chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng. Tất cả dụng cụ tiền bạc mất hết, nhưng nghề bác sĩ, nghề thợ mộc nghề thợ hồ vẫn còn. Nghề tức là nghiệp, như vậy nghiệp là cái không mất.

Thế nhưng con người lo tạo những vật chất bên ngoài mà không lo tạo những nghiệp lành. Muốn có tiền nhiều để gởi ngân hàng, không muốn làm điều lành để gởi vào kho nghiệp của mình. Ðó là những trường hợp bị lấy hoặc bị phá. Còn có trường hợp người ta không lấy, không phá mà mình vẫn mất như thường. Chẳng hạn, ngày nay chúng ta còn khỏe mạnh, tiền bạc nhà cửa thấy như của mình. Song ngày mai ngã ra chết thì những thứ đó thành của ai? Lúc còn sống cái gì cũng của tôi, nhà tôi, tiền tôi, vợ con tôi v.v. Khi chết những thứ đó của ai, mình không biết.

Lúc ra đi chúng ta không thể mang theo vàng ngọc tiền bạc, chỉ mang theo nghiệp. Tất cả những gì mình gầy dựng trong mấy chục năm, rốt cuộc không đem theo được gì. Còn nghiệp lành nghiệp dữ chúng ta không quan tâm, nhưng cuối cùng nó sẽ theo mình. Như vậy chúng ta có biết thương mình, biết lo xa cho mình không? Phật dạy chúng sanh như vậy nên thương, chớ không nên giận.

Chúng ta phải thấy rõ người làm ác là người đáng thương, vì họ sẽ khổ ở ngày mai. Người làm lành mình vui mừng với họ, vì mai kia họ sẽ bớt khổ, sẽ sung sướng hơn. Ðối với người ác thì ta thương, đối với người hiền thì ta mừng, bên nào cũng tốt cả. Nhưng ở đời người ta hay ích kỷ, ai làm điều tốt hơn mình, thì không thích người ta.

Thí dụ Phật tử đi chùa, có người quyên góp ủng hộ đúc tượng Phật. Khi đó mình không có tiền, nên chỉ cúng một trăm thôi. Chị khác nghèo hơn, cúng năm chục, còn người khá nhất cúng mười ngàn. Ra khỏi chùa liền có tiếng xầm xì: "Con nhỏ đó phách quá." Tức là mình không tùy hỉ với chị khá kia, mà lại cho là phách. Lẽ ra mình nghèo cúng ít, còn người khá cúng nhiều ta nên mừng người ấy phát tâm dũng mãnh. Ðiều tốt của người mình không nhận, điều xấu của người mình không bỏ, tốt hơn không được, xấu hơn cũng không được. Như vậy là sao, mình muốn cái gì? Quí Phật tử trả lời giùm Thầy đi. Ðó là vì ích kỷ.

Chúng ta tu là phải biết rõ vật gì quí thì giữ, vật không quí thì bỏ. Bây giờ thử kiểm lại xem ta quí cái nào? Trăm người như một đều quí cái không giữ được. Cho nên Phật thương chúng sanh ngu muội, cái đáng quí thì không quí, cái không đáng quí lại quí. Vật chất thế gian cố giữ mấy nó cũng mất, còn nghiệp trung thành với mình nhất, đi theo ta từ đời này sang đời khác lại không lo. Nên người biết phải cố gắng gầy dựng hoặc chuyển hóa nghiệp cho được tốt đẹp, đừng tạo nghiệp ác. Bởi vì đối với nghiệp, chúng ta không thể dùng thần thông biến hóa trị được, chỉ chuyển nghiệp thôi. Nên người tu phải ngay nơi nghiệp mà tu, ngay nơi nghiệp mà chuyển, còn thần thông chỉ là trò chơi thôi.

Trong kinh có dẫn câu chuyện. Một người tu theo ngoại đạo rất đắc lực, chứng được ngũ thông, giảng đạo hay lắm. Ngũ thông là Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Thần túc thông và Túc mạng thông, chỉ thua Phật Lậu tận thông. Trời Ðế Thích nghe ông giảng đạo thích quá, nên đến thường xuyên. Một hôm nghe giảng xong, Ðế Thích khóc. Ông ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao Thiên tử khóc?

Trời Ðế Thích thưa:

- Con nghe Ngài giảng pháp hay quá, con mến nhưng rất tiếc mạng Ngài sắp hết rồi.

Ông hoảng lên:

- Vậy phải làm sao?

Trời Ðế Thích nói:

- Chỉ có đến cầu Phật họa may mới cứu được.

Ông hỏi:

- Bây giờ Phật ở đâu?

Trời Ðế Thích đáp:

- Phật đang ở vườn Trúc, nước Ca-lan-đà.

Ông liền dùng thần thông bay đến chỗ Phật. Giữa đường chợt thấy hai cây ngô đồng trổ bông thật đẹp, ông liền dùng phép thần thông nhổ hai cây ngô đồng ấy, để trên hai tay đem cúng dường Phật. Ðến chỗ Phật, ông dâng hai cây ngô đồng lên thưa:

- Bạch Ngài, con xin cúng hai cây ngô đồng này cho Ngài. Xin Ngài dạy con pháp môn giải thoát, không còn bị chết nữa.

Phật liền bảo:

- Buông!

Ông liền buông một cây ngô đồng xuống. Phật bảo:

- Buông!

Ông buông cây còn lại. Phật bảo:

- Buông!

Ông liền nói:

- Con chỉ có hai cây ngô đồng, Ngài bảo buông con buông hết rồi, bây giờ Ngài bảo con buông cái gì nữa?

Phật nói:

- Không phải ta bảo ngươi buông cây ngô đồng. Lần thứ nhất ta bảo buông là đừng dính với sáu căn. Lần thứ hai ta bảo buông là đừng kẹt nơi sáu trần. Lần thứ ba ta bảo buông là đừng chạy theo sáu thức. Buông được ba cái đó thì ông giải thoát, hết chết.

Nghe vậy ông liền tỉnh ngộ, tu tập và chứng quả A-la-hán, sau khi bỏ thân này, không còn bị chết nữa.

Chúng ta thấy rõ người có thần thông, muốn gì được nấy, nhưng tới khi mạng hết cũng phải chịu. Hiểu cho thấu, nhìn cho tường tận, chúng ta mới thấy thần thông không thể đưa chúng ta đến chỗ an lành tự tại. Nghiệp của mình mới là quan trọng, không bao giờ bỏ mình, cũng không ai thế được. Hiểu được nghĩa của nghiệp rồi, những gì xấu đến với mình, chúng ta không kêu trời trách đất, nghiệp lành đến với mình ta không tự cao tự đại. Có nghiệp thì vui trả, không chạy trốn không sợ sệt, đó là người biết tu.

Hôm nay Thầy nói cho quí Phật tử biết để dè dặt, nếu biết tu thì bảo đảm đời sau bớt khổ. Ðời này, nếu còn nợ trước thì chúng ta cứ trả. Phải hiểu rằng quả báo tốt xấu là do nghiệp lành dữ đời này hay đời trước mình đã tạo mà ra. Giả sử đời này ta không tạo nghiệp xấu, nhưng nợ cũ còn, bây giờ mình phải trả thì nên cười hay nên khóc? Nếu cười là Phật tử rất hiểu biết, rất can đảm. Bởi vì dù ta có kêu trời trách đất, nghiệp cũng không mất. Cho nên người Phật tử hiểu đạo có một sức sống mạnh mẽ vô cùng.

Thí dụ trong một dãy phố, có bốn căn nhà. Nhà giữa vừa bán cho người khác. Người mới đến làm ăn cần cù, có thu nhập đều đều, nhưng khi được hỏi, họ lắc đầu nói: "Tôi làm ăn như vậy mà năm nay vẫn còn thiếu nợ." Nhà kế đó cũng bán cho người khác, ông này làm ăn lơ mơ nhưng lại dư dả. Nếu chỉ nhìn trong hiện tại chúng ta bất bình lắm, tại sao người làm chí tử lại thiếu, còn người làm ăn lơ mơ lại dư.

Nhưng nếu truy nguyên kỹ, biết ra anh làm ăn chí tử vẫn thiếu là vì khi mua nhà anh đã vay nợ, nên bây giờ có tiền phải trả nợ, nợ chưa hết thì còn thiếu. Anh dư dả là vì mua nhà không phải mượn nợ. Cũng vậy, hiện tại chúng ta thấy mình từ nhỏ đến lớn hiền lành, mà sao tai nạn tới dồn dập nên than trời trách đất. Ðó là chúng ta chỉ biết đời này, mà không biết những đời trước của mình. Do si mê nên không thấy được quá khứ của mình, nên chúng ta đau khổ. Chừng hiểu được đạo lý Phật dạy rồi, chúng ta chấp nhận trả nghiệp, không còn than trách ai cả.

Nhớ như vậy quí Phật tử sẽ tu được, có can đảm vượt qua tất cả mọi hoàn cảnh trắc trở. Hôm nay Thầy nói bấy nhiêu, mong quí Phật tử hiểu, khéo ứng dụng tu trong đời sống hằng ngày. Từ đó mới thấy lợi ích thiết thực của đạo Phật. Tu là chuyển nghiệp, chớ không mong cầu điều gì xa vời không có sự thật.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”

Kiến thức 16:50 21/11/2024

Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?

Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Kiến thức 16:10 21/11/2024

Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?

Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu

Kiến thức 13:12 21/11/2024

Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.

Nhớ ơn Thầy Tổ

Kiến thức 08:35 21/11/2024

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...

Xem thêm