Thiền giữa đời thường
Cốt lõi của Thiền chính là làm cho tâm lặng. Tâm có lặng thì trí mới sáng. Có trí sáng thì con người mới làm chủ được mình. Làm chủ được mình mới làm chủ được hoàn cảnh, hướng cuộc sống đến chân, thiện, mỹ.
Con khỉ lại thức trong mỗi giấc thiền
Trong cuộc sống hiện đại, kỹ thuật ngày càng tối tân, con người càng quay như chong chóng theo các công việc, gần như không có thời gian cho việc quán sát nội tại, tìm hiểu bản chất thật của mọi việc cũng như chính bản thân mình. Do đó, nhiều người thân đau, tâm khổ, buồn phiền,… lâu dài dẫn đến lao tâm, lao lực, trầm cảm, bệnh tâm thần và bi kịch hơn nữa là đi đến tổn hại chính mình và người khác.
Đứng trước một thực trạng như thế, hơn bao giờ hết, vấn đề tâm linh, tìm về một cõi bình an trong mỗi con người là nhân tố hàng đầu để quyết định sự tồn sinh và nguồn hạnh phúc chân thật cho nhân loại. Trên ý nghĩa đó, Thiền là một nhu cầu cần thiết, như một chiếc phao cứu vớt con người thời hiện đại ra khỏi đại dương của tham vọng, khát ái và si mê.
Cốt lõi của Thiền chính là làm cho tâm lặng. Tâm có lặng thì trí mới sáng. Có trí sáng thì con người mới làm chủ được mình. Làm chủ được mình mới làm chủ được hoàn cảnh, hướng cuộc sống đến chân, thiện, mỹ. Hơn nữa, làm chủ được mình là tự chiến thắng mình. Và tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất của người chiến sĩ trên trận mạc tâm linh. Đồng thời có làm chủ được mình mới thấy rõ và nắm vững cơ chế vận hành của nghiệp, biết rõ đường đi lối về của cái vòng sanh, lão, bệnh, tử, nhân quả luân hồi... Đó là lý do vì sao Đức Phật đã thiền định suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ-đề. Đến khi sao Mai vừa mọc, thực tướng của vạn pháp bừng sáng trước con mắt trí tuệ của đấng Giác ngộ. Thế Tôn đã tỉnh thức hoàn toàn sau giấc mộng dài vô minh. Chẳng những Đức Phật đã hoàn toàn giải thoát mà còn có khả năng truyền bá giáo lý đã chứng ngộ cho tất cả chúng sanh.
Chúng ta đều biết, không có vị thầy nào dạy Đức Phật một phương pháp tu học để đạt đến giác ngộ viên mãn. Chính sự tự nỗ lực thiền quán mà Ngài thành tựu được trí tuệ, chấm dứt dòng sanh tử luân hồi từ vô lượng kiếp. Đêm tối đã tan và ánh sáng đã đến; vô minh diệt, minh sanh. Đức Phật nói chỉ có dừng tâm lại, thực sự biết dừng lại và chiếu soi bằng con đường Thiền mới mong giải quyết được vấn đề.
Thiền không phải chỉ là pháp hành dành riêng cho Đức Thế Tôn hay của các thiền sư mà đối với tất cả chúng ta, những con người đang chìm đắm trong sân hận, si mê vẫn có thể thực tập và chứng đạt. Vì chỉ có Thiền mới hóa giải những ô trược tồn đọng trong tâm, làm cho đầu óc con người bớt căng thẳng trước những bế tắc cuộc sống luôn đổi thay sanh diệt. Một ngày bôn ba rong ruổi với cuộc mưu sinh vất vả, con người chịu áp lực quá nặng nề để được sống còn. Vậy thì dành ra được ít phút buông thư tất cả, hít sâu và thở sạch, để thân tâm lắng dịu và hồi sinh là một điều rất cần thiết cho mọi người, nhất là người đệ tử Phật.
Thiền là suối nguồn của tình thương và sự giác ngộ. Thiền một mặt sẽ mang lại kết quả là đoạn tận phiền não tham, sân, si vốn luôn luôn lôi kéo chúng ta trôi lăn trong ba đường ác đạo để rồi lãnh chịu đau khổ. Đồng thời cũng làm tăng trưởng Ðịnh và Tuệ, là pháp có thể đưa chúng ta tới giải thoát Niết-bàn.
Hành giả cần phải chánh niệm, sáng suốt, tinh tấn, cẩn trọng trong từng việc nhỏ nhiệm nhất. Đó chính là con đường giữ giới thu thúc sáu căn. Ý thức rằng những lời ta đang nói có mặt của tham lam, sân hận hay không. Bởi vì ngôn từ mà ta nói ra đều phát xuất từ những tâm tư, suy nghĩ của mình. Khi nói biết mình đang nói gì, chính sự có mặt của chánh niệm sẽ giúp mình kiểm soát được ngôn ngữ, làm cho sự cảm thông thêm sâu sắc giữa mình với những người xung quanh, đặc biệt là không cố ý gây chia rẽ bằng lời nói đôi chiều khiến người chống trái nhau theo lời nói của mình. Thân không trộm cướp, không làm những điều tà hạnh, xâm chiếm hạnh phúc của người. Ý đang khởi tham, sân, si mình rõ biết đang khởi tham, sân, si. Nói chung là giữ cho ba nghiệp thanh tịnh, không bị các vọng tưởng dấy khởi, thấy biết rõ ràng từng hành vi, cử chỉ… Khi ăn biết ăn, khi đi biết rõ từng bước chân, rõ biết như vậy để cảm nhận được trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Sống như vậy là sống trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức và trong an lạc. Ý thức về bước đi của mình để thấy rằng ta đang đi giữa đất trời mây nước, với cỏ cây hoa lá chim muông... Mỗi bước đi của ta đang hòa với cảnh vật, không gian và thời gian, hòa với cả vũ trụ bao la, và vũ trụ bao la đang có mặt trong mỗi bước đi của mình.
Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta bị chi phối bởi quá khứ và tương lai. Do vậy, chúng ta không thưởng thức được hạnh phúc ngay phút giây hiện tại. Nhiều lúc có người đang ngồi trong giảng đường nghe pháp, nhưng tâm người ấy đang nghĩ đến tính chuyện làm ăn để kiếm tiền cho giàu sang bằng người khác. Thử hỏi người ấy có cảm nhận trọn vẹn nguồn pháp lạc hay đang vun đắp cho một mối lo toan sầu khổ? Vì vậy, ý nghĩa thật sự của việc tỉnh thức đối với hoạt động của thân là sống với hành động hiện tại. Chỉ có phút giây hiện tại mình sống thật trọn vẹn thì đó là cõi Tịnh độ ngay tại thế gian này. Khi ngồi nghe pháp biết rõ những điều giảng sư truyền đạt mình thâm nhập giáo pháp của Phật tư duy để tu tập. Khi đối diện với những điều ưa thích biết lòng mình đang tham đắm và ngược lại với những điều không ưa thích biết mình đang chán ngán, chẳng ưa, tâm mình khởi niệm gì mình đều biết rõ không bị cảnh trần lôi kéo như vậy là chơn tâm hiện tiền. Cho nên trong nhà Thiền thường nói: “Chỉ cần biết vọng không cần tìm chơn” là thế.
Giữa bao nhiêu phiền toái của cuộc đời tâm chúng ta không bị chi phối mà lúc nào cũng biết dừng lại, trở về với chính mình. Chúng ta phải đưa Thiền đi vào trong đời sống mới thực sự có nhiều lợi ích. Nếu như ngồi thiền theo dõi từng hơi thở để cho tâm tư được tĩnh lặng, tự chủ, an lạc thì chúng ta cũng phải biết ứng dụng Thiền như thế nào để khi làm việc trong nhà bếp hay lúc làm việc ở văn phòng, trong xe hơi, khi ở trung tâm mua bán đông người, hay khi ngồi chờ tàu chạy trong nhà ga xe lửa, tâm của chúng ta cũng được như vậy. Trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào chúng ta cũng hành thiền; không đợi đến lúc ngồi thiền chúng ta mới tu tập được. Cũng như khi vị bác sĩ tiêm một mũi thuốc bổ vào cánh tay của chúng ta, không phải chỉ cánh tay mà cả toàn thân chúng ta đều được hưởng mũi thuốc đó. Khi hành giả thực hành thiền trong các oai nghi thì sự an lạc mà hành giả có trong một giờ phải được tỏa rạng và ảnh hưởng trong suốt hai mươi bốn giờ chứ không phải chỉ trong lúc đang ngồi thiền. Chúng ta phải thực tập như thế nào để không còn thấy ranh giới giữa lúc ngồi thiền và không ngồi thiền thì sự thiền tập mới thực sự mang lại lợi ích.
Hành thiền trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, mọi công việc trong đời sống hàng ngày chính là lúc trở về với nội tâm, quán chiếu và thanh lọc để nội tâm được an lạc, thanh tịnh, sáng tỏ, chứ không phải là chạy trốn chính mình hay chạy trốn thực tại. Mỗi ngày chúng ta đều hành thiền để quán chiếu mọi sự việc đang xảy ra với một tâm tư hoàn toàn tỉnh thức.
Nếu như lúc ăn, lúc nói, lúc làm việc, lúc ngủ nghỉ khi nào chúng ta cũng hành thiền cả, thì đời sống của chúng ta là đời sống Thiền. Thiền là sống tỉnh thức, sống có chánh niệm trong từng phút giây một cách trọn vẹn với chính mình, với mọi người xung quanh. Thiền là sự sống hiện thực sinh động chứ không phải là một ý tưởng mơ hồ xa vời và tách khỏi cuộc sống.
Như vậy, Thiền qua các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi nhằm giúp ta kiểm soát hoạt động của thân bằng chánh niệm, để thực tập oai nghi chánh hạnh, đưa ta trở về sống với hiện tại, xa lìa lối sống tìm cầu hạnh phúc bằng tưởng tượng, bằng mong cầu và bằng hồi tưởng. Hơi thở chánh niệm giúp cho ta khôi phục lại thân tâm của mình một cách trọn vẹn bất cứ ở đâu, trong tư thế nào (đi, đứng, nằm, ngồi), ta cũng thực tập thở và quán chiếu được cả.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Xem thêm