Thiền sư Vạn Hạnh, tu sĩ Phật giáo với sứ mệnh lịch sử
Thiền Sư Vạn Hạnh (sinh khoảng năm 937 mất khoảng năm 1018), tu sĩ Phật giáo đã giữ vai trò chủ chốt trong cuộc “đảo chánh” êm ả, không đổ máu, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên triều nhà Lý kéo dài 216 năm (1010 - 1226) kế thừa triều Lê Đại Hành chỉ tồn tại 29 năm (980-1009).
Sử sách ở đây gồm có những bộ sử về dân tộc Việt Nam nói chung và về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Bộ “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” (Bản Việt dịch in năm 2011 tại Hà Nội – Nhà Xuất bản Thời Đại – viết tắt ĐVSKTT) ba lần nhắc tới Sư Vạn Hạnh trong Kỷ Nhà Lý. Một lần vào năm 977, Lý Công Uẩn được 3 tuổi, làm con nuôi sư Lý Khánh Vân, đến chùa Lục Tổ học. Sư Vạn Hạnh lần đầu trông thấy đã khen là khác thường, về sau có thể làm vua giỏi (trang 159). Lần thứ hai, trước khi Ngọa Triều Lê Long Đĩnh chết vào năm 1009, Sư Vạn Hạnh đã khuyên Lý Công Uẩn nên lập chí thay ngôi nhà Lê vì lòng dân đều oán ghét sự tàn ác của Long Đĩnh và theo lời sấm vĩ đang loan truyền trong dân gian thì họ Lý sẽ thay họ Lê (trang 155). Lần thứ ba khi Sư Vạn Hạnh viên tịch, có lời bàn của Sử thần Ngô Sĩ Liên: "Vạn Hạnh mới trông thấy Lý Công Uẩn, biết là người phi thường; đến khi sét đánh thành dấu chữ (trên cây) thì suy tính biết sự biến chuyển của thì vận, thế thì tri thức hơn người thường” (trang 167).
Sách “Việt Nam Sử Lược” (viết tắt VNSL) của Trần Trọng Kim trong Chương IV - Nhà Lý– chép: "Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm, ở trong triều có bọn Đào Cam Mộc cùng với Sư Vạn Hạnh mưu tôn Lý Công Uẩn lên làm vua”.
Trong sách “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” (xuất bản lần đầu tiên năm 1973 tại Sài Gòn, in lại năm 2000, Nhà xuất bản Văn học Hà Nội – viết tắt VNPGSL), tác giả Nguyễn Lang dẫn hành trạng của Sư Vạn Hạnh trích thuật từ sách “Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục” in vào đời Lý Trần cho biết Sư từng đựơc vua Lê Đại Hành tham vấn về việc nước, như khi nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân xâm lược hoặc khi vua muốn đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả Việt Nam bị vua Chiêm bắt giữ. “Vạn Hạnh, mà sau này được nhà Lý tôn xưng quốc sư, rất giỏi về chính trị và đã sử dụng sấm vĩ một cách tài tình trong cuộc cách mạng bất bạo động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua", "Trong cuộc vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Vạn Hạnh đã vận động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu.”(trang 141).
Trong sách “Văn Học Đời Lý” (viết tắt VHĐL) (bản in năm 1957, Sài Gòn, nhà xuất bản Hướng Dương), tác giả Lê Văn Siêu viết: "Cuộc đảo chánh năm 1010 của sư Vạn Hạnh, sau cuộc đảo chánh năm 980 của Lê Hoàn, không mất một giọt máu, không gây một oan cừu, dầu muốn dầu không cũng đã là một tác phẩm nghệ thuật” (trang 107)…., "Sư Vạn Hạnh khi thành công đã không chịu nhận một chức tước gì trong triều của ông vua vốn là học trò của mình, mà ngai vàng lại đã do chính tay mình đem đến, tư cách ấy nào khác gì với tư cách của Phù Đổng Thiên Vương” (trang 111).
Trong sách "Vạn Hạnh, Kẻ Đi Qua Cầu Lịch Sử” (bản in năm 1997, California, Trung tâm Văn hóa Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ xuất bản–viết tắt VH - KĐQCLS), Hòa thượng Thích Mãn Giác (1929-2006) viết :”Con đường Vạn Hạnh đi không phải là con đường lên núi làm một nhà tu cô đơn khổ hạnh, cũng không phải con đường đưa Sư đến chỗ ngồi nhìn vách quay lưng lại cuộc đời mà tu. Con đường Sư đi là con đường hành động với con tim vô tư, vô cầu, với quyết ý dốc cả tâm can phò trợ những người khoan dung được lòng dân có hoài bão làm cho dân cho nước thịnh trị ” (trang 28), "Biến một đứa con rơi sống nhờ cơm chùa thành một kẻ văn võ toàn tài và từ một kẻ văn võ toàn tài thành một vị vua sáng lập triều Lý thịnh trị dài lâu hơn hai trăm năm” (trang 31).
Sư Vạn Hạnh đứng trong hậu trường tạo ra thời cuộc. Con người ấy làm chính trị nhưng lại không trở thành một ông quan mũ cao áo dài đầy bổng lộc trên chính trường. Đại cuộc thành rồi, người vẫn chỉ mặc áo nâu sồng, muối dưa hai bữa đạm bạc. Ta hãy xét xem trong bối cảnh lịch sử nào và hệ tư tưởng nào mà Sư Vạn Hạnh lại có “tri thức vượt người thường” như thế.
Bối cảnh lịch sử từ 938 đến 1009
"Sư Vạn Hạnh khi thành công đã không chịu nhận một chức tước gì trong triều của ông vua vốn là học trò của mình, mà ngai vàng lại đã do chính tay mình đem đến, tư cách ấy nào khác gì với tư cách của Phù Đổng Thiên Vương”
Khi Sư còn là một hài nhi thì Anh hùng Ngô Quyền ( 898-945) đã lập một chiến công lẫy lừng vào năm 938 quyết định nền tự chủ của dân tộc Việt Nam ra khỏi bóng tối 1000 năm Bắc thuộc. Sau khi Ngô Quyền giết Thái tử Hoàng Tháo của vua Nam Hán thì triều đình Nam Hán, cho đến khi bị diệt vào năm 970 bởi Tống Thái Tổ, không còn dám toan tính xâm lăng nước ta nữa. Giặc ngoài không còn nhưng nội loạn lại diễn ra sau khi Ngô Vương băng hà vào năm 945. Em vợ Ngô Vương là Dương Tam Kha cướp ngôi của cháu là Ngô Xương Ngập. Lòng dân ly tán, hùng trưởng ở các địa phương nổi lên tự cai quản cho dù con Ngô Vương là Ngô Xương Văn có đuổi được Dương Tam Kha rồi lập lại vương quyền cho họ Ngô vào năm 950 nhưng chính quyền trung ương yếu không đủ sức dẹp. Khi Ngô Xương Văn chết năm 965 thì nước Việt lâm vào tình trạng vô chủ với 12 sứ quân cát cứ 12 địa phương.
Trong tình hình loạn lạc ấy, Sư Vạn Hạnh xuất gia năm 21 tuổi (958) làm đệ tử của Sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ - làng Cổ Pháp thuộc tỉnh Bắc Ninh. Thiền Ông là đệ tử thế hệ thứ 11 của Thiền phái Tỳ Ni Đà Lưu Chi (TNĐLC). Như vậy Sư Vạn Hạnh thuộc thế hệ thứ 12. Chính hệ tư tưởng của Thiền phái này dẫn dắt các môn đồ đem thiền vào hành động xã hội chính trị: Tu không phải là chỉ nhìn vào vách để an tâm mình, cũng chẳng phải rút vào rừng núi xa nhân gian. Cái “chúng sinh” cụ thể phải “cứu độ” chính là quần chúng dân tộc đang đói rách vì loạn lạc, đang ngày đêm sống trong sợ hãi vì bị bắt lính, cướp bóc, giết chóc vô luật pháp hay là theo luật rừng của từng sứ quân. Trong sách “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận”, tác giả Nguyễn Lang đã nêu rõ tôn chỉ của Thiền phái Tỳ Ni Đà Lưu Chi (chương V) có ảnh hưởng đến tư tưởng của Vạn Hạnh như thế nào.
Tôn chỉ của đạo Nho là “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”. Nho sĩ bắt buộc phải lập gia đình sanh con nối dõi tông đường, phải thi cử ra làm quan nhận mũ áo cân đai bổng lộc, phải đóng vai “cha mẹ của dân” để cai trị, phải trung với triều vua mà mình là thần tử. Cùng lộ trình đó , tu sĩ Phật giáo có nội dung khác hẳn. Tu sĩ không được lập gia đình để tâm mình không vướng vào vòng nhỏ hẹp vợ con cháu chắt mà rộng mở ra khắp chúng sinh để phục vụ. Vì vào đời phục vụ quần chúng nên dễ bị tài sắc danh lợi cám dỗ, tu sĩ phải qua bước tu thân rất khó khăn, khó hơn Nho sĩ nhiều. Nếu Nho sĩ tu học để sau này hưởng phú quý, tức là hưởng đủ ngũ dục – tài sắc danh thụy thực, thì tu sĩ Phật giáo tu học để chống lại ngũ dục.
Ở giai đoạn này, Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi chủ trương tu tâm dựa theo tiêu chuẩn vượt ngôn ngữ văn tự, siêu hữu vô để đạt đến tâm vô tư, vô chấp, vô cầu. Kinh Tượng Đầu Tinh Xá nói: “Văn Thù Sư Lợi, Bồ Đề (tâm giác ngộ) siêu việt ngôn ngữ, siêu việt văn tự, không cần điểm tựa”( VNPGSL-trang 119). “Phải quán ngũ ấm, lục nhập, thập bát giới, thập nhị nhân duyên, sự lưu chuyển sinh tử, và các hình tướng thiện ác là huyễn hóa, không phải hữu cũng không phải vô” (sđd trang 121).
Bước thứ hai tề gia, chẳng phải tề cái gia đình có vợ con cháu chắt mà tề cái gia đình tăng thân đang cùng tu trong chùa. Bước thứ ba trị quốc, tu sĩ chỉ đóng vai cố vấn chính trị cho vua mà thôi, không lệ thuộc vào hệ thống quan cách. Như khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi năm 968 sau khi bình định 12 sứ quân, thiền sư Ngô Chân Lưu (viên tịch năm 1011, thuộc thế hệ thứ 5 Thiền phái Vô Ngôn Thông) được vua phong là Khuông Việt Đại Sư - không phải là một chức quan trong triều, mà chỉ là một danh hiệu cố vấn. Vị tu sĩ cố vấn này chỉ trung thành với dân tộc mà không trung với một triều vua, cho nên khi nhà Đinh mất ( 980), Thiền sư vẫn đóng vai trò cố vấn cho vua Lê Đại Hành (lên ngôi 981-băng hà năm 1004), nhất là trong việc giao tế với sứ thần nhà Tống. Pháp sư Đỗ Pháp Thuận (viên tịch năm 991, thuộc thế hệ thứ 10 thiền phái TNĐLC ) nổi tiếng trong vai trò tiếp sứ thần nhà Tống là Lý Giác, giúp cho uy thế của vua Lê Đại Hành càng vững vàng đối với triều đình nhà Tống (xem sách ĐVSKTT , trang 142, sư Pháp Thuận giả làm lái đò, làm thơ đối đáp khiến Lý Giác kính phục dân tộc Việt).
Sở dĩ Thiền phái Tỳ Ni Đà Lưu Chi đi sát với quần chúng Việt Nam là do yếu tố Mật giáo, gần cận với tín ngưỡng thần linh trong dân gian. Sự tin tưởng vào siêu lực của những câu thần chú, vào ảnh hưởng của phong thủy đối với nhà cửa cung điện trong đời sống hàng ngày, nuôi hy vọng vào một tương lai sáng sủa hơn qua sự bí mật truyền cho nhau những lời sấm ký có tính tiên tri…là những yếu tố vận động quần chúng của các vị sư. Tác giả Nguyễn Lang viết “sự sử dụng thuật sấm vĩ và địa lý trong Thiền phái Tỳ Ni Đà Lưu Chi nhất là trong lãnh vực chính trị, rất là quan trọng” (sđd-PGVNSL, trang 134).
Trong 24 năm trị vì, vua Lê Đại Hành đã củng cố chính quyền trung ương vững mạnh, giữ yên cuộc nội trị, vừa làm cho nhà Tống phương Bắc kiêng dè, làm cho Chiêm Thành phương Nam nể sợ. Tiếc thay, vua là một ông vua sáng bên ngoài mà tối bên trong. Vua không nhìn thấy mầm loạn làm mất nhà Lê lại nằm ngay trong chính các con của mình. Lê Long Đĩnh, tính tình hung ác, dâm dật, đã dám giết người anh ruột từng tha thứ bao dung mình để cướp ngôi, thì còn ai mà không dám hành hạ để mua vui (sđd– ĐVSKTT - trang 154). Xét về mặt tâm lý, hầu như Lê Long Đĩnh mắc chứng bệnh “sadism”, làm kẻ khác đau khổ mà mình cảm thấy khoái lạc. Tư cách người lãnh tụ như vậy mà cả triều đình im lặng hùa theo thì mất nước là lẽ đương nhiên, như nhà nho thường nói “Thượng bất chính hạ tắc loạn”.
Trong 4 năm trị vì (1005-1009), Long Đĩnh đã làm lòng dân quên hết công lao của vua cha, chỉ còn lửa oán giận nung nấu muốn lật đổ cả vương triều. Chính trong 4 năm u ám mà chế độ Ngọa Triều phủ lên đất nước, sư Vạn Hạnh quyết đi nước bài chót của ván cờ đã dàn từ mấy chục năm.
Kỳ 2: Thiền sư Vạn Hạnh: Từ tư tưởng đến hành động
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm