Nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu - Đường Tăng của Việt Nam
Những ngày này tôi dành trọn thời gian để đọc lại, tư duy, suy ngẫm, trải nghiệm một số bản Kinh trong Nikaya gồm Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
Hôm nay là mồng 1 tháng 7 âm lịch. Rằm tháng bảy là kết thúc mùa an cư kiết hạ. Tháng bảy còn có 1 ngày rất đặc biệt nữa: 16 tháng 7 là ngày Hoà thượng Thích Minh Châu, người đã dày công nghiên cứu và dịch Kinh Phật gốc Nikaya ra tiếng Việt. (20 tháng 10 là ngày sinh của Ngài).
Từ ngày biết đến Ngài, tôi luôn tự nhớ về Ngài như Đường Tăng của dân tộc Việt Nam, người đã cứu biết bao người con đát Việt ra khỏi vô minh, tham ái và khổ đau.
Tôi sinh ra tại Bắc bộ và ngày nhỏ chỉ đến chùa theo tôn giáo, tín ngưỡng. Trong con mắt cậu bé ngày ấy, Đức Phật là 1 vị thần linh, và chùa là nơi để đến xin xỏ, cầu xin. Trong chùa quê tôi phần lớn là các lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng với thân kiến, nghi và giới cấm thủ. Chùa khi đó toàn các cụ già (mà phần lớn là cụ bà) đến để chỉ tụng Kinh Phổ môn, A Di Đà, Địa tạng, Dược sư,… rồi niệm Phật A Di Đà. Hoàn toàn không có giảng Pháp!
May thay (và có lẽ do có phước lớn, tu từ các kiếp trước) nên tôi được gặp Hoà thượng Thích Minh Châu. Phước này là nhờ bác Vũ Chầm (Chủ tịch Vina Giày, Chủ tịch CLB Doanh nhân Phật tử ở Sài Gòn). Tôi được đảnh lễ Ngài, được nghe Ngài giảng.
Nhưng mốc lớn nhất có lẽ là quãng 2008 khi tôi mới lần đầu tiên có trong tay Kinh Trung Bộ, 1 trong 5 bộ Kinh Nikaya. Tôi vẫn nhớ rằng mình đã đọc ngấu nghiến. Trước đó tôi chưa hề có, chưa hề đọc các bộ Kinh Phật gốc Nikaya. Sau này tôi mới thỉnh được đầy đủ Kinh Nikaya đủ cả Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng Bộ, Tăng Chi Bộ và Tiểu Bộ.
Tôi vẫn nhớ mình đẫ đọc ngay 4 bản Kinh đầu tiên là Kinh Phạm Võng, Kinh Thập thượng, Kinh Pháp Môn Căn Bản và Kinh Căn Tu Tập. Đây là các bản Kinh đầu và cuối của Trường Bộ và Trung Bộ Hơi khó hiểu! Khó nhớ!
Tôi không thể quên bản Kinh đầu tiên được nghe Hoà thượng Thích Minh Châu giảng và được nghe bác Vũ Chầm liên tục nhắc đến là Kinh “Nhất dạ hiền giả”. Đây là 1 trong 2 bản Kinh tôi học thuộc lòng đầu tiên (cùng với Kinh Phước Đức).
Sau này, nghe giảng, tìm hiểu, khám phá, đọc dần tôi mới thấy có một bản Kinh rất quan trọng là Kinh Niệm xứ (Kinh số 10 của Trung Bộ Kinh) và Kinh Đại Niệm Xứ (Kinh số 22 của Trường Bộ Kinh). 2 bản Kinh này tôi đọc kỹ, học thuộc ngay từng đoạn! Và đây là mấu chốt để tôi theo học, tư duy và thực hành thiền chánh niệm. Quá tuyệt vời!
Rồi tôi đi tìm bản Kinh đầu tiên mà đức Phật giảng. Tôi tìm bản Kinh cuối cùng trong 45 năm thuyết Pháp của Đức Thế Tôn. Và đã có ngay Kinh Chuyển Pháp Luân cùng Kinh Đại Bát Niết Bàn. Thật sự là vi diệu. Tôi phát tâm thuộc lòng ngay khi đó. Để nhớ, để tư duy, suy ngẫm, quán chiếu, để thực hành.
Từ những bản Kinh căn bản ban đầu này tôi mới phát hiện ra con đường tu theo Chánh Pháp là 4812737 tức là Tứ Thánh Đế + Bát Chánh Đạo + 12 nhân duyên + 7 con đường (Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo) + với 37 chi phần Đạo Đế. Tôi biết rằng chỉ cần đọc, học, tư duy, thực hành theo công thức này cũng là quá đủ. Thật sự là tuyệt vời!
Cứ thế và tôi tìm tiếp các bài Kinh giải thích rõ định nghĩa của từng từ, từng chữ trong các bản Kinh quan trọng như: Chuyển pháp luân, Tứ niệm xứ,… Bởi đơn giản, nếu không biết rõ các định nghĩa, khái niệm, không có công thức, không biết đường thì tu mù thôi. Thật sự hạnh phúc!
Hôm nay, mồng 1 tháng 7, ngồi đọc Kinh Nikaya mà hỷ lạc trong thân và tâm đang tràn dâng. Thật là lạ rằng tôi luôn có hỷ lạc khi đọc Kinh, tụng Kinh, nghe giảng Kinh, chia sẻ Kinh Nikaya. Thật sự là vậy. Hỷ lạc cứ thế tuôn chảy. Bình an và nhẹ nhàng vô cùng. An nhiên và tự tại lắm. Nhẹ nhõm và an lạc kỳ lạ. Tôi luôn thấy phấn khởi, tín thành khi đọc tụng Kinh Nikaya.
Giật mình nhiều lần, cả trăm lần: Nếu không có Hoà thượng Thích Minh Châu thì tôi mù Phật Pháp, tôi không biết đến Chánh Pháp. Và nếu vậy, tôi lại chỉ đi theo con đường tôn giáo, tín ngưỡng mà thôi. Nếu không có Hoà thượng, tôi không thể biết đến Kinh Phật gốc Nikaya (vì tôi chỉ biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga,… chứ không hề biết tiếng Pali, thì sao mà đọc mà hiểu được Nikaya).
Ngồi nhớ lại, tôi đã thuộc lòng ngay những câu từ của Hoà thượng Thích Minh Châu ngay từ khi có Nikaya trên tay. Hoà thượng chỉ ra và dạy rằng:
“Chúng tôi dịch Kinh Pàli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những Kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dầu là Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam.
Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, từ mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình tìm hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy chớ không phải Đạo đến để nhờ người thấy hộ, Đạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Đạo của người nhắm mắt; Đạo của người thấy, của người biết (Passato Jànato), không phải là Đạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm.”
Đây là những gì Hoà thượng đã chỉ ra từ năm 1973, khi đó tôi mới có vài tuổi. Tiếc thay mà sau tận hơn 30 năm sau tôi mới biết đến Kinh Trung Bộ, đến Nikaya. Tiếc thay (và may thay) mà đến khi tôi hơn 40 tuổi mới thật sự có trên tay Kinh Phật gốc để đọc, để học, để nghiên cứu, để suy ngẫm và thực hành.
Tôi đã giật mình, đã ghi nằm lòng 2 câu cốt yếu, rằng chỉ có người đọc, sau khi TỰ MÌNH đọc, từ mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân. Rằng Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy chứ không phải Đạo đến để nhờ người thấy hộ, Đạo của người có mắt, không phải Đạo của người nhắm mắt; Đạo của người thấy, của người biết, không phải là Đạo của người không thấy, không biết. Tôi đã liên tục tự mình biết ơn Hoà thượng Thích Minh Châu, vị Đường Tăng của Việt Nam. Biết ơn tràn dâng!
Mỗi câu chữ trong 5 bộ Kinh Nikaya tôi luôn nhắc mình đọc kỹ, suy ngẫm và ghi nhớ. Luôn niệm Kinh, luôn nhắc mình chánh niệm. Niệm là là nhớ, nghĩ nhớ, nhớ nghĩ, nhớ đến. Tôi phát nguyện luôn nhớ đến Kinh, luôn nghĩ nhớ, nhớ nghĩ đến Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và khéo léo thuyết giảng, luôn nhớ đến những bài giảng rất cụ thể của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hạnh phúc làm sao!
Nhờ Hoà thượng Thích Minh Châu mà năm 2008 tôi đã thật sự may mắn biết đến Chánh Pháp. Chỉ từ khi đó tôi mới dần dần nhớ đến và thực hành lối sống Bát Thánh Đạo với 8 chi phần gồm gồm: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Nhờ có Kinh Phật gốc Nikaya tôi mới thấy biết rằng chính Bát Thánh Đạo là diệt đạo trong tứ thánh đế, tức là con đường đưa đến chấm dứt khổ đau, chấm dứt sinh từ luân hồi rất quan trọng. Bắt buộc phải hiểu rõ và thực hành Bát Thánh Đạo. Quá tuyệt vời!
Niệm là nhớ đến. Từ ngày biết đến Kinh Nikaya do Hoà thượng Thích Minh Châu dịch ra tiếng Việt tôi luôn nhắc mình nhớ đến chánh pháp, tức là những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được ghi rất rõ trong Kinh Nikaya gồm Trường bộ, Trung bộ, Tương ưng bộ, Tăng chi bộ, Tiểu bộ.
Cũng phải thú nhận thật tâm rằng trước đây tôi đã hiểu sai, hoàn toàn sai, thực hành sai việc niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và không hề biết đến niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên. Chính nhờ có Nikaya mà tôi mới biết rằng, Niệm Phật là nhớ đến Đức Phật Thích Ca là bậc Như Lai, A La Hán cao thượng, Chánh đẳng Chánh giác với 10 Ân đức (10 Tôn hiệu): Ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.
Nhờ Nikaya tôi mới biết rằng Niệm Pháp là nhớ đến Pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và khéo léo thuyết giảng gồm 5 đặc điểm: Thiết thực hiện tại, đến để mà thấy, không có thời gian, có tính hướng thượng, cho người trí tự mình giác ngộ.
Nhờ những cuốn Kinh do Hoà thượng Thích Minh châu dịch ra tiếng Việt tôi mới biết rằng Niệm Tăng là nhớ đến: Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn, Chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng tăng, đệ tử Thế tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
Và nếu mà không có Kinh Phật gốc, con không thể thấy biết rõ rằng niệm giới là nhớ đến giữ 5 giới, 8 giới, 10 giới: “Giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không có uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định”.
Và rằng niệm Thí: “Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta, vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí”. (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Sáu Pháp – 1. Phẩm Đáng Được Cung Kính)
Nhờ có Hoà Thượng Thích Minh Châu, chúng ta mới có 5 bộ Kinh Phật gốc và nhờ đó mà mới có thể biết đến rõ về NGŨ UẨN, DANH SẮC, 6 CĂN, 6 TRẦN (6 nội xứ, 6 ngoại xứ), 6 XÚC, 6 THỨC, 6 THỌ, 6 TƯỞNG, 6 TƯ, 6 ÁI, 4 THỦ, 3 HỮU, với rất nhiều câu Kinh ngắn gọn, quan trọng nhất chắt lọc là từ 5 bộ Kinh Nikaya. Thật sự vi diệu.
… Sau 15 ngày nữa, các Phật tử Việt Nam sẽ kỷ niệm 10 năm ngày Hoà thượng Thích Minh Châu rời cõi tạm. Con đang ngồi đây, sau thời thiền sáng, nhớ về Ngài với sự biết ơn vô cùng lớn lao và chân thành. Con không thể tưởng tượng ra đời mình (và biết bao Phật tử khác) sẽ ra sao, nếu không biết đến, nếu không có trong tay bộ Kinh Phật gốc Nikaya do Ngài dày công nghiên cứu và dịch ra tiếng Việt.
Con đang ngồi và nhớ lại những kỷ niệm với Hoà thượng, về chuyến thăm Hoà thượng cuối cùng, chỉ cách ngày Ngài viên tịch có vài hôm. Con vẫn nhớ rõ lễ đưa tiễn Ngài với bao xúc động của biết bao người.
Con ngồi đây và đang nhẩm lại câu Kinh mà con rất thường xuyên tụng niệm “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Xin Thế Tôn nhận con làm đệ tử. Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”
Con xin thành tâm đảnh lễ và ngàn vạn lần biết ơn Hoà thượng Thích Minh Châu, Đường Tăng của Việt Nam.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, công ty sách Thái Hà
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1
Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế
Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.
Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam
Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
Xem thêm