Thông điệp Đức Phật ra đời
Trên thế gian này, ai sinh ra đời đều có tâm hết. Nếu không tâm thì thành cây đá vô tri rồi. Mà có tâm tức là có biết. Có biết tức có giác. Có giác tức là có Phật.
I. DẪN NHẬP
Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, nhân loại đã chứng kiến một sự kiện quan trọng trong lịch sử, khiến cho tất cả phải cúi đầu kính phục. Đó là sự ra đời của một vị Phật. Rồi cũng từ đó, cứ mỗi độ thượng tuần tháng tư hàng năm, những người con Phật khắp nơi trên thế giới đều lâng lâng niềm hân hoan đón chào ngày khánh đản của Đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni - bởi Đức Phật ra đời là một nhân duyên vô cùng hiếm có, một ân sủng quý báu và là niềm vui vô tận cho tất cả muôn loài.
“Khó thay được làm người
Khó thay được sống còn
Khó thay nghe diệu pháp
Khó thay Phật ra đời”
(Kinh Pháp cú - kệ 182)
II. THÔNG ĐIỆP ĐỨC PHẬT RA ĐỜI
1/ Đức Phật - một con người vĩ đại
Trong Kinh Tăng chi bộ, Chương Một pháp, Phẩm Một người ghi lại:
“Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời.”
Nói Đức Phật là một chúng sinh, bởi vì Bồ tát thị hiện nơi đời bằng thân tứ đại giả hợp với vương vị Thái tử, hưởng thụ tất cả những vật chất ngũ dục thế gian, đầy đủ nỗi niềm cảm xúc vui buồn như bao nhiêu người khác. Nhưng duy nhất trong hàng chúng sinh, Phật là một con người phi thường, sống trong ngũ dục sung túc mà không đắm nhiễm say sưa, cố chấp bảo thủ, sẵn sàng buông bỏ tất cả để tìm tột cội rễ của sinh tử luân hồi. Trong tâm của Ngài luôn khắc khoải về kiếp sống con người trước quy luật vô thường nghiệt ngã, niềm ưu tư cháy bỏng đó khiến Ngài cương quyết thoát ly sự ràng buộc của thế tình tìm đường giải thoát.
Chúng ta sẽ thấy được một con người vĩ đại như vậy được diễn tả trong Đại Kinh Sư Tử Hống, Trung Bộ Kinh:
Vào những ngày nắng khốc liệt của mùa nóng cách đây hơn 2500 năm tại xứ Ấn Độ, Bồ-tát Gotama đang ngày đêm miệt mài thực hành những pháp môn khổ hạnh, ép xác để tìm một con đường giải thoát. Vì ai? Vì lòng bi mẫn của Ngài dành cho tất cả chúng sinh, vì lợi ích của tất cả chư thiên và loài người:
“- Ta theo hạnh thường đứng không dùng chỗ ngồi.
- Ta là người ngồi chõ hỏ, sống tinh tấn theo hạnh ngồi chõ hỏ.
- Ta dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai.
- Ta sống để bụi và nhớp che dính thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy.
- Trong những đêm đông lạnh lẽo, giữa những ngày mồng tám, khi có tuyết rơi, trong những đêm như vậy, Ta sống giữa trời, và ban ngày sống trong khu rừng rậm rạp. Ta sống trong những ngày cuối tháng hè, ban ngày thì sống giữa trời, còn ban đêm trong khu rừng rậm rạp.
- Ta nằm ngủ trong bãi tha ma, dựa trên một bộ xương.
- Những đứa mục đồng đến gần Ta, khạc nhổ trên Ta, tiểu tiện trên Ta, rắc bụi trên Ta và lấy que đâm vào lỗ tai.
- Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát….”
Chỉ vài câu từ trích đoạn trong Kinh cũng đủ để chúng ta hình dung được phần nào sự hy sinh to lớn của Ngài đối với chúng sinh. Nhưng quan trọng hơn, hình ảnh vị Thái tử độc hành dũng mãnh, khổ nhọc thanh lọc thân tâm, soi tột nguồn chân lý, xé tan màn vô minh tăm tối bao đời, chứng ngộ tam minh lục thông trở thành bậc Vô thượng chánh đẳng chánh giác cho chúng ta thấy rằng:
Trí tuệ hiểu biết về những bí mật và chân lý của thế gian do chính Đức Phật nỗ lực bản thân để tìm ra, chứ không phải là loại kiến thức có được từ giáo dục hay từ một vị thầy nào khác. Chính vì điều này mà Đức Phật đã luôn khuyên dạy hàng hậu học sau khi có được những kiến thức từ học tập giáo pháp, thì chúng ta nên tiếp tục rèn luyện tâm để đạt đến trí tuệ giác ngộ của chính mình. Sự thăng tiến về tâm linh và giác ngộ bản tâm do mỗi người tự nỗ lực mới có được, không ai có thể giác ngộ hay giải thoát thay cho mình.
"Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo điều ngự.
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn"
(Kinh Pháp cú - kệ 25)
2/ Ánh sáng từ bi của Đức Phật lan tỏa khắp thế gian
Kinh Trường A-hàm, Kinh Đại Bản Duyên ghi rằng, khi Đức Phật từ cõi trời Đâu-suất giáng thần vào thai mẹ thì ngay lúc ấy, “cõi đất rung chuyển, ánh sáng rực rỡ soi khắp thế gian; những chỗ mặt trời mặt trăng không soi tới cũng đều mong nhờ chiếu sáng. Chúng sanh chốn u minh nhờ đó được trông thấy lẫn nhau và tự biết mình hiện đang sanh ở chỗ nào. Ánh quang minh đó lại soi đến cung điện Ma vương, Phạm thiên, Đế thích, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng sanh khác cũng đều được mong nhờ ánh sáng. Ánh sáng của chư thiên tự nhiên biến mất”
Khi mà nhân loại còn chìm đắm trong bóng tối của vô minh, bị ràng buộc bởi sự đau khổ của tuổi già, bệnh tật và cái chết, thì sự ra đời của đức Phật như là ánh sáng cứu rỗi trong đêm trường vô minh tăm tối ấy. Chúng ta thử hỏi nếu Đức Phật không đản sanh trong cõi đời ô trược này thì thế gian sẽ còn tăm tối đến mức nào? Hãy tưởng tượng nếu không có những tư tưởng từ bi và bao dung của đạo Phật từ thời cổ đại của Vua Asoka (A-dục) cho đến bao nhiêu bậc vua chúa Trung Hoa lấy đạo Phật làm nền tảng, thì ngày nay loài người chắc có lẽ đã phải trải qua thêm nhiều cuộc chiến tranh và giết chóc so với lịch sử chiến tranh vốn đã quá nhiều rồi!
Trong Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh Pháp trang nghiêm, Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) nước Câu-tát-la (Kosala) là vị đại vương uy quyền lừng lẫy, cũng là đệ tử thân tín của Đức Phật. Lúc về già, vua đã đến đảnh lễ Phật với tư cách đệ tử kính lễ thầy chỉ vì sự trang nghiêm của Chánh pháp, tâm sự rằng:
“Thế Tôn, trẫm từng thấy vua chúa chống đối vua chúa, tướng sĩ âm mưu chống tướng sĩ, bà la môn chống bà la môn, vợ cãi cọ với chồng, con cãi cọ với cha, anh cãi cọ với em, bè bạn cãi cọ với bè bạn. Ở đây trẫm thấy các vị khất sĩ sống trong hòa kính, an vui, hợp nhau như nước với sữa. Trẫm không thấy ở đâu có được sự thương yêu hòa hợp như trong giáo đoàn khất sĩ.”
Chúng ta có thể thấy rằng nhận định của vua Ba-tư-nặc về ánh sáng từ bi của Đức Phật được áp dụng trong tăng đoàn là hình mẫu hoàn hảo cho một xã hội, một đất nước thịnh vượng và an bình dù trong thời đại nào. Bởi khi không có ánh sáng trí tuệ của đạo đức, phẩm hạnh thì con người vì lòng tham lam, thói ích kỷ mà dẫn đến tình trạng tranh chấp, kiện tụng lẫn nhau... gây nên bao cảnh chém giết, hận thù không dứt. Bóng tối vô minh, hận thù, kỳ thị, phân biệt, vị ngã, dối trá bao trùm lên đời sống nhân loại, thống trị trong tâm thức của mỗi con người thì làm sao chúng ta có thể trông thấy mặt nhau, làm sao nhìn nhau mỉm cười dù gần nhau trong gang tấc, đối diện nhau hàng ngày? Cho nên, chỗ tối tăm nhất của cuộc đời là lòng người chứa đầy sân giận, si mê, chứa đầy hận thù, ích kỷ... Ở đó ánh sáng mặt trời, mặt trăng không thể nào soi rọi thấu được. Đó chính là chỗ chúng sanh không thể trông thấy nhau và chư Phật ra đời là để phá tan màn vô minh đen tối đó bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ để xoa dịu nỗi khổ đau, hóa giải hận thù, cắt đứt phiền não, quét sạch si mê vọng tưởng chấp trước, phân biệt… cho chúng sanh sự sống hạnh phúc vĩnh hằng.
Trên thực tế, lịch sử cũng đã minh chứng cho nhân loại thấy rằng Đức Phật là vị đạo sư giàu lòng bi mẫn và rộng lượng khoan hồng hơn tất cả: Ngài khuyên giải kẻ bất hạnh bằng những lời an ủi. Ngài giúp đỡ người nghèo khổ bị bỏ rơi. Ngài biến đổi đời sống kẻ lừa dối thành cao thượng, làm trong sạch đời sống đồi bại của kẻ phạm tội. Ngài khuyến khích kẻ yếu đuối, đoàn kết kẻ chia rẽ, giác ngộ người ngu muội, khai sáng kẻ hoang mang, nâng đỡ kẻ hạ tiện và đề cao người cao thượng. Người giàu lẫn người nghèo, thánh nhân hay tội phạm đều yêu thích Ngài. Hoàng Ðế bạo ngược hay đức hạnh, các vương tôn công tử nổi tiếng hay tâm thường, triệu phú hào phóng hay keo kiệt, bậc học giả cao ngạo hay nhún nhường, kẻ cơ cực, người bần hàn, người quét đường bị áp bức, kẻ giết người độc ác, gái giang hồ bị miệt thị- tất cả đều được lợi lạc từ những lời dạy từ bi và trí tuệ của Ngài để sống một cuộc đời an lành và cao thượng.
3/ Phật hiện hữu trong tâm mỗi người
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm bánh xe, phần Tùy thuộc thế giới:
“Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona cũng đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona thấy trên những dấu chân của Thế Tôn có dấu bánh xe một ngàn cọng, với vành xe, trục xe và đầy đủ tất cả các tướng khác. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Những dấu chân này không phải là của loài Người!”.
Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, ngồi kiết-già, thân thẳng, đặt niệm trước mặt. Bà-la-môn Dona theo dấu chân của Thế Tôn, thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây đẹp đẽ, khởi lên tịnh tín, các căn tịch tịnh, tâm ý tịch tịnh, đạt được tịnh chỉ do điều phục tối thượng, giống như một con voi được điều phục, được phòng hộ với căn tịch tịnh. Thấy vậy Bà-la-môn Dona liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thưa với Thế Tôn:
– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là vị tiên?
– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là tiên.
– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là Càn-thát-bà?
– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Càn-thát-bà,
– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là Dạ-xoa?
– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Dạ-xoa.
– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là loài Người?
– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Người.
– Hỏi “Ngài có phải là tiên không?”, Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là tiên”. Hỏi “Ngài có phải là Càn-thát-bà không?”, Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là Càn-thát-bà”. Hỏi “Ngài có phải là Dạ-xoa không?” Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là Dạ-xoa”. Hỏi “Ngài có phải là loài Người không?”, Ngài trả lời: “Ta không phải là loài Người”. Vậy sở hành của Ngài là gì và Tôn giả là gì?
Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt dứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.”
Đức Phật trả lời Bà-la-môn Dona rằng Ngài đã tận diệt những pháp trầm luân, vốn tạo điều kiện để tái sanh vào những cảnh Trời, Càn-thát-bà, Dạ-xoa hay cảnh người. Ngài kết luận: Như hoa sen đẹp đẽ và dễ mến, không ô nhiễm bùn dơ nước đục. Giữa bụi trần, ta không vướng bợn nhơ, Ta là Phật.
Như vậy, Trời, Càn-thát-bà, Dạ-xoa hay người đều có Phật, nếu sạch lậu hoặc - những phiền não mê lầm khiến mình rơi rớt trong sinh tử luân hồi. Hay nói ngược lại, Phật vốn có đủ trong tất cả, nếu Trời, Càn-thát-bà, Dạ-xoa mà sạch hết lậu hoặc, tức đã chuyển cái tên Trời, Càn-thát-bà,… thành tên Phật, tên Thánh rồi. Đây là một ý nghĩa rất quan trọng làm sáng tỏ tinh thần vô ngã tuyệt vời trong đạo giác ngộ - nghĩa là, chúng sinh không cố định là chúng sinh, Phật không cố định là Phật, nên mới chuyển hóa chúng sinh thành Phật. Mê không cố định mê mãi, mà có thể chuyển mê thành giác. Cho nên, phẩm Phật đạo trong kinh Duy Ma Cật nói rằng: “Tất cả phiền não là hạt giống của Như Lai”. Nghĩa là hạt giống Như Lai ở ngay trong tất cả phiền não của chúng sinh.
Trên thế gian này, ai sinh ra đời đều có tâm hết. Nếu không tâm thì thành cây đá vô tri rồi. Mà có tâm tức là có biết. Có biết tức có giác. Có giác tức là có Phật. Như Đức Phật Thích Ca giác ngộ từ đâu mà ra? Thì Phật cũng chính từ tâm chúng sinh giác ngộ mà thành Phật. Khi giác ngộ rồi thì đổi tâm chúng sinh thành tâm Phật.
Do đó, Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói trong Huyết Mạch Luận, Ngài nói: “Phật là tự tâm mình làm thành, nhân đâu lìa ngoài tâm này tìm kiếm Phật? Phật trước, Phật sau chỉ nói tâm ấy, Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm. Nếu nói ngoài tâm có Phật, Phật ở chỗ nào?”
Ở đây Tổ xác định rõ, Phật chính tự tâm chúng ta làm thành, không thể tìm đâu khác. Bởi ngoài tâm làm sao có giác, ngoài tâm Phật lấy gì giác? Không có tâm chắc hẳn chúng ta đã là người thiên cổ rồi. Vậy ai có tâm thì quyết định đạt được giác ngộ không nghi ngờ.
Trong bài phú nôm “Cư Trần Lạc Đạo”, vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã trở thành Sơ Tổ của thiền phái Trúc Lâm, đã viết những câu đầy khích lệ khẳng định tinh thần này:
“Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt,
Chỉn mới hay chính Bụt là ta”
Lời tuyên bố của một vị vua, một thiền sư lỗi lạc đã khai mở trí tuệ cho hàng triệu Phật tử Đại Việt vượt lên trên những ham muốn thế tục tầm thường, phấn đấu không ngừng để thành tựu lý tưởng cao cả nhất, thành Phật. Ngài muốn chỉ bày:
Chúng ta nên có cái nhìn bình đẳng đối với mọi người, bởi lẽ mọi người, không kể là sang trọng hay nghèo hèn, có trí thức hay vô học đều xứng đáng được kính trọng. Vì tất cả đều có Phật tánh, đều là những vị Phật tương lai hay chúng sinh là những vị Phật sẽ thành, mà Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thăng Đâu Suất thiên cung nói:
“Thân Phật không ngằn mé, trụ khắp trong thân của tất cả chúng sinh”.
III. KẾT LUẬN
Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên, khai thị cho chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật. Ngài chỉ cho chúng ta nhận ra và sống với tâm Phật của chính mình. Mà giác Phật, mê là chúng sinh. Tỉnh giác sáng suốt thanh tịnh thì Phật đản sanh ngay giây phút hiện tiền. Có như thế, chúng ta mới có thể thẩm thấu và chứng nghiệm được giáo pháp nhiệm mầu của Đức Từ phụ. Bởi không gì hơn, người con Phật có bổn phận tôn kính, hộ trì và duy trì mạng mạch Phật pháp bằng cách thể nhập bản tâm để hòa vào dòng đại nguyện công đức trí tuệ, từ bi của chư Phật.
Nguồn: Nội san Nguyên Hương số 04
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Xiển dương Đạo pháp 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Tăng Ni sinh, Phật tử Việt Nam trùng tụng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu
Xiển dương Đạo pháp 09:51 01/12/2024Đại đức Pháp Như - học Tăng tại Ấn Độ là người tổ chức hoạt động trùng tụng kinh Pháp Hoa tại núi Linh Thứu. "Đây là năm thứ 8 tôi tổ chức hoạt động này", Đại đức Pháp Như cho biết.
Khất thực trong làng Thénac
Xiển dương Đạo pháp 15:14 21/11/2024Thầy Trời Đức Định là người Pháp, xuất gia năm 2016 trong gia đình cây Mai Vàng. Hiện thầy đang sống và thực tập tại trung tâm Suối Tuệ, Paris. Bài viết được BBT Làng Mai chuyển ngữ từ tiếng Anh, Phatgiao.org.vn đăng lại.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Xiển dương Đạo pháp 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Xem thêm