Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Hòa thượng Giác Toàn hướng dẫn "Phát triển lòng từ"

Ðức Phật là sự biểu hiện của lòng từ vô lượng. Một tấm gương tiêu biểu cho lòng từ cả bằng ngôn giáo và thân giáo.

1. Tâm từ là gì?

Mettà (tâm từ) là một từ rất phổ thông giữa những người Phật tử. Tình thân hữu, lòng quảng đại, thiện chí, bác ái, từ ái… là những từ tương đương được ưa chuộng nhất. Mettà là ước muốn an lành và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh, không hạn chế một ai cả. Mettà có đặc tính của một người bạn giàu lòng quảng đại. Kẻ thù trực tiếp của nó là sân hận, trong khi kẻ thù gián tiếp của nó lại là tình thương nặng về xác thịt (ái dục) hay tình thương vị kỷ (Pema) cả hai loại này hoàn toàn trái ngược với Mettà (tâm từ).

Có nhiều khi chúng ta ôm ấp những tư tưởng ái dục này mà cứ ngỡ đó là Mettà thực sự và cho là mình đang tu tập Mettà (tâm từ), không biết rằng mình đã lầm lẫn. Nếu một cảm giác yêu thương phát xuất trực tiếp từ sự gắn bó hay dính mắc vào một đối tượng nào đó, lúc ấy nó thực sự không còn là Mettà nữa.

Phong-sinh-la-gi_-Y-nghia-phong-sinh-theo-quan-diem-cua-Phat-giao

2. Phân loại tâm từ theo cấp bậc

Theo tinh thần của Bồ-tát đạo, hành giả tu tâp luôn luôn lấy ba pháp làm tiêu điểm:

Một là “Chúng sanh từ”, có nghĩa là theo cặp mắt của người giác ngộ thì thấy tất cả chúng sanh trong cõi đời này đều có nhân duyên nhiều đời từ kiếp quá khứ, hoặc làm cha, hoặc làm mẹ, hoặc làm anh em. Đức Phật có dạy: Đi cùng trên một chiếc thuyền hay chuyến đò đã có nhân duyên 500 kiếp, cho nên phải có nhân duyên rất sâu dày nên ngày hôm nay chúng ta mới cùng nhau ngồi đây nghe và học hiểu Phật pháp. Cho nên hàng Bồ-tát lấy “chúng sanh từ” làm tiêu điểm để đi vào cuộc đời này.

Hai là “Pháp giới từ”. Theo cặp mắt giác ngộ của chư Phật, chư Bồ-tát thì tất cả chúng sanh đều là huyễn và tất cả các pháp cũng đều là huyễn. Bồ-tát vào cuộc đời này, biết các pháp là huyễn, chúng sanh là huyễn nhưng các Ngài vẫn khởi tâm từ bi, dùng sức mạnh của lòng từ để đánh thức, lay tỉnh mình khỏi cơn mê.

Ba là “Vô duyên từ”, tức là lòng từ không cần duyên cớ. Sở dĩ các Ngài bố thí, thấy đói liền cứu, thấy khổ liền giúp, làm hết tất cả thiện pháp mà không chấp, không trụ là bởi vì có lòng từ không duyên cớ. Sở dĩ các Ngài được như vậy là do có sức mạnh của lòng từ bi đã gieo nhân từ thời quá khứ. Còn mình nhiều khi bố thí, cúng dường cầu phước là mình có pháp để chấp, có pháp để trụ.

3. Tu tập và phát triển lòng từ

3.1. Tu tập lòng từ nơi tự thân

Ðức Phật là sự biểu hiện của lòng từ vô lượng. Một tấm gương tiêu biểu cho lòng từ cả bằng ngôn giáo và thân giáo. Trong toàn bộ Tam Tạng Kinh Ðiển dường như không có trường hợp nào cho thấy Ðức Phật biểu lộ sự giận dữ hay nói một lời khiếm nhã với bất cứ ai - ngay cả đối với những người chống đối hay những kẻ thù nghịch Ngài. Có những người chống đối Ngài và Giáo lý của Ngài, tuy vậy, Ðức Phật không bao giờ xem họ như kẻ thù.

Một lần nọ khi Ðức Phật trú tại Ràjagaha, một người vô lương tâm kia (ám chỉ bà hoàng hậu Màgandiyà của Vua Udena) đã mua chuộc một nhóm du thủ du thực nhằm chửi rủa bậc Ðạo Sư khi Ngài đi vào thành khất thực. Bọn chúng đi theo Ngài hết đường phố này đến đường phố khác và la mắng: "Sa-môn Cồ-đàm là một tên ăn cướp, một thằng ngốc, là con lừa, ông là con lạc đà, là con bò, không hy vọng gì thoát khỏi khổ đau đâu".

Nghe những lời chửi rủa này, Tôn giả Ànanda thị giả của Ðức Phật, cảm thấy rất buồn và nói với bậc Ðạo Sư:

"Bậc Ðức Thế Tôn, những người này đang chửi chúng ta, xin Ðức Thế Tôn hãy đi đến nơi khác".

- Nầy Ànanda, chúng ta sẽ đi đâu?

- Bạch Ðức Thế Tôn đến một đô thị khác.

- Giả sử, nầy Ànanda ở đó người ta cũng chửi chúng ta, lúc ấy chúng ta sẽ đi đâu?

- Bạch Ðức Thế Tôn, chúng ta sẽ đến thành phố khác.

- Nhưng giả sử, này Ànanda, ở đó người ta cũng chửi chúng ta nữa thì sao. Lúc ấy chúng ta sẽ đi đâu?

- Bạch Ðức Thế Tôn, chúng ta vẫn còn những nơi khác để đi cơ mà!

- Nầy Ànanda, chúng ta không nên làm như vậy, ở đâu bất ổn phát sanh, ngay tại đó chúng ta sẽ ở lại cho đến khi những bất ổn đó diệt. Chúng ta chỉ đi nơi khác khi những náo động này chấm dứt. Ví như một thớt tượng trên bãi chiến trường, phải chịu đựng những lằn tên mũi đạn như thế nào, này Ànanda, chúng ta cũng sẽ chịu đựng những lời xỉ vả này như vậy. Quả thực! Hầu hết mọi người đều hung ác".

Ðức Phật đã cố gắng làm cho hàng đệ tử của Ngài nhận thức được sự cần thiết phải tu tập lòng từ cho đến mức độ như thế nào và điều này được mô tả rất rõ trong Kinh Trung bộ số 21 (Kinh Ví dụ cái cưa), Ngài dạy:

“Này các Tỳ kheo, như khi những tên đạo tặc hạ liệt dùng cưa hai lưỡi cắt tay chân các ông. Tuy vậy, ngay khi ấy, người nào giữ tâm thù hận, vì lý do đó người ấy không thực hành lời dạy của ta.

Ở đây chư Tỳ kheo, các ông cần tu tập như sau: Tâm sẽ không lạc hướng, ta cũng không thốt lên lời ác mà chúng ta sẽ sống thân ái, bi mẫn với tâm thân thiện, không thù nghịch, chúng ta sẽ sống sung mãn toàn thể thế gian với tâm thuần thiện, bao la quảng đại, không căm thù, không sân hận, này các Tỳ kheo, đấy là các ông phải tu tập bản thân”.

Trong kinh Tương Ưng, Đức Phật đã dạy về phương pháp tu tập để đạt được từ tâm giải thoát: Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát tu tập như thế nào? Thú hướng như thế nào? Tối thắng như thế nào? Quả như thế nào? Cứu cánh như thế nào?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi câu hữu với từ... tu tập xả giác chi câu hữu với từ, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Nếu vị ấy muốn : "Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : "Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn: "Ta sẽ trú với tưởng ghê tởm đối với pháp không ghê tởm và pháp ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : "Ta sẽ trú với tưởng không ghê tởm đối với pháp ghê tởm và pháp không ghê tởm", vị ấy trú ở đây với tưởng không ghê tởm. Nếu vị ấy muốn : "Từ bỏ cả hai không ghê tởm và ghê tởm, ta sẽ trú xả, chánh niệm tỉnh giác", vị ấy trú ở đây với xả, chánh niệm tỉnh giác, hay đạt đến giải thoát được gọi là thanh tịnh, vị ấy an trú. Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát là thanh tịnh tối thượng, Ta tuyên bố như vậy. Ở đây là trí tuệ đối với Tỷ-kheo không đạt tới giải thoát cao hơn”.

(Kinh Tương Ưng V, chương 2, phẩm Tổng nhiếp giác chi, phần Từ)

3.2. Phương pháp phát triển tâm từ

Người xưa nói: “Không có vận rủi nào tệ hại hơn sân hận và không có nơi nào an ổn để tránh sự thù nghịch của kẻ khác hơn là lòng từ. Một tấm lòng mà trong đó thù hận đã chết cứng”.

"Cách thức để phát triển lòng từ là nhờ suy xét đến những độc hại của sân hận, những lợi ích của vô sân; nhờ suy xét hợp theo sự thật, hợp theo nhân quả (nghiệp), thấy rằng: Thực ra không có gì phải sân hận, sân hận chỉ là một lối xử sự ngu xuẩn của cảm xúc ngày càng nuôi lớn thêm vô minh, cản trở chánh kiến mà thôi. Sân hận thì hạn chế, lòng từ thì giải thoát. Thù hận bóp ngẹt, lòng từ giải phóng. Thù hận đem đến hối tiếc, tâm từ mang lại an lạc. Thù hận làm cho dao động; lòng từ làm cho yên tĩnh, vắng lặng và thanh tịnh. Thù hận gây chia rẽ, lòng từ đem lại sự hoà hợp. Thù hận làm cho chai cứng (con tim), lòng từ làm dịu lại. Thù hận gây trở ngại, lòng từ trợ giúp. Như vậy, nhờ suy xét đúng đắn và hiểu rõ hậu quả của sân hận cũng như lợi ích của lòng từ, ta nên tu tập tâm từ mát mẻ này".

4. Lợi ích của việc phát triển tâm từ

Đức Phật đã dạy rằng, nếu chúng ta tu tập tâm từ làm cho sung mãn thì sẽ không bị các loài phi nhân não hại, mà còn phò trợ:

Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây lao có lưỡi sắc bén. Rồi một người đến và nói: "Với tay hay với nắm tay, tôi sẽ bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, tôi sẽ đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, tôi sẽ uốn cong nó lại". Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể với tay hay nắm tay bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, uốn cong nó lại không?

Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao? Bạch Thế Tôn, không dễ gì, với tay hay nắm tay bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, uống cong nó lại, mà không khiến cho người ấy mệt nhọc và bị não hại.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi một ai (vị Tỷ-kheo) tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện, thời một phi nhân nào nghĩ rằng, có thể đánh ngã một tâm như vậy, kẻ phi nhân ấy ở đây sẽ mệt nhọc và bị não hại.

(Kinh Tương Ưng II, chương 9, phần Cây lao)

Mặt khác, tu tập tâm từ sẽ làm cho thân tâm an trú trong sự an lạc:

Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích. Thế nào là tám?

Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không thấy ác mộng, được người ái mộ, được phi nhân ái mộ, được chư Thiên hộ trì, lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại, nếu không thông đạt thượng vị, đạt được Phạm Thiên giới. Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích này.

(Kinh Tăng Chi III, chương 8, phẩm Từ, phần Từ)

5. Kết luận

Ðức Phật được biết như một người đã bỏ trượng (Nihita danda: bỏ đao trượng), một người đã bỏ vũ khí (Nihita satta: bỏ đao kiếm). Vũ khí duy nhất Ngài xử dụng một cách thành công là vũ khí từ bi. Ngài đã tự trang bị cho mình với vũ khí chân thật và từ bi này. Ngài điều phục những kẻ tàn ác như dạ xoa Àlavaka, tướng cướp Angulimàla và voi say Nalàgiri, cũng như rất nhiều trường hợp hãm hại Ngài khác, bằng sức mạnh của lòng từ bi này. Đức Phật cũng dạy hàng đệ tử cần thể hiện lòng từ bi trong cuộc sống, không tin rằng hận thù có thể thắng được hận thù. Ngài nói một cách dứt khoát:

“Với hận diệt hận thù,

Ðời này không có được,

Không hận diệt hận thù,

Là định luật ngàn thu”.  (KPC 5

Xưa nay định luật ngàn thu

Hận thù đối đáp hận thù khó phai

Từ bi dập tắt hận ngay

Ấy là diệu dược đại tài  xưa sau”.

Trong kinh Tương Ưng, một lần nữa Đức Phật đã khẳng định rằng nếu ai tu tập làm cho tâm từ bi phát triển, vị ấy sẽ sống trong chánh niệm an lạc và xóa bỏ mọi thù hận có mặt nơi tự thân.

Có một Dạ-xoa Manibhadda nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay, thường chánh niệm,

Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.

Có niệm, mai đẹp hơn,

Hận thù được giải thoát.

Có niệm, mai đẹp hơn,

(Thế Tôn):

Hận thù chưa giải thoát.

Với ai trọn ngày đêm,

Tâm ý lạc, bất hại,

Từ tâm mọi hữu tình,

Vị ấy không thù hận.

(Kinh Tương Ưng I, chương 10, phần Manibhadda)

"Nếu ta muốn phát triển một lòng từ được xem là vĩ đại thực sự, rửa sạch mọi tham muốn chấp giữ và sở hữu, lòng từ trong sạch cực kỳ đó phải không bị ô nhiễm với bất kỳ dục vọng nào, lòng từ đó không trông đợi chút lợi lạc vật chất nào, nghĩa là một hành động từ ái không vụ lợi, lòng từ đó phải vững chắc nhưng không chấp giữ, bất động mà không ràng buộc, dịu dàng và điềm tĩnh, rắn chắc và có thể xuyên thấu được như kim cương nhưng không tác hại, giúp đỡ nhưng không can thiệp, một tình thương mát mẻ, tiếp thêm sinh lực cho mọi người, cho nhiều hơn nhận, trang nghiêm mà không kiêu mạn, mềm mỏng nhưng không uỷ mị, lòng từ mà chỉ đưa ta đến đỉnh cao của sự thành tựu tinh khiết, trong một con đường như vậy chắc chắn không thể có chút sân hận nào nữa".

Ví như, này các Tỷ-kheo, những gia đình nào có nhiều phụ nữ và ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị các đạo tặc, trộm ghè não hại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không tu tập từ tâm giải thoát, không làm cho sung mãn, thời vị ấy dễ bị phi nhân não hại.

Ví như, này các Tỷ-kheo, những gia đình nào có ít phụ nữ và nhiều đàn ông, thời gia đình ấy khó bị các đạo tặc, trộm ghè não hại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, thời vị ấy rất khó bị phi nhân não hại.

(Kinh Tương Ưng II, chương 9, phần Gia đình)

Ai tu tập từ tâm

Vô lượng thường ức niệm

Các kiết sử yếu dần

Thấy được sanh y diệt

Với tâm không ác độc

Từ mẫn mọi chúng sanh

Do vậy, vị ấy thành

Bậc thuần nhất chí thiện

Với tâm ý từ mẫn

Ðối với mọi chúng sanh

Bậc Thánh khéo thực hiện 

Nhiều công đức tốt lành

Sau khi đã chinh phục

Rất đông đảo loài người

Các ẩn sĩ vua chúa

Theo nghi lễ tế tự

Lễ tế ngựa tế người 

Lễ uống nước thắng trận

Lễ ném cầu may rủi

Lễ rút lui khóa cửa

Không được phần mười sáu

Bậc khéo tu từ tâm

Như ánh sáng mặt trăng

Ðối với các quần sao

Không giết, không bảo giết

Không thắng, không bảo thắng

Từ tâm mọi chúng sanh

Không hận thù với ai.

(Kinh Tăng Chi III, chương 8, phẩm Từ, phần Từ)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hòa thượng Giác Toàn hướng dẫn "Phát triển lòng từ"

Xiển dương Đạo pháp 17:52 04/10/2024

Ðức Phật là sự biểu hiện của lòng từ vô lượng. Một tấm gương tiêu biểu cho lòng từ cả bằng ngôn giáo và thân giáo.

Một bổn phận thiêng liêng và cấp bách

Xiển dương Đạo pháp 19:00 02/10/2024

Hiện giờ có một số Phật tử khá đông không thấy trách nhiệm của mình đối với sự tồn vong của chánh pháp. Họ cũng chẳng xác nhận rõ ràng tính cách vô cùng cần thiết của chánh pháp trước thời đại.

Phổ biến chánh pháp tức là bảo vệ chánh pháp

Xiển dương Đạo pháp 11:30 29/09/2024

Phật tử phải phổ biến chánh pháp bởi vì chánh pháp là ánh sáng chân lý, là nguồn vui bất diệt cho loài người. Phật tử phải vận dụng mọi phương tiện tốt để đem chánh pháp đến cho đời: nghĩa là làm cho mọi người hiểu và sống Ðạo.

Quay về nương tựa Phật

Xiển dương Đạo pháp 09:54 28/09/2024

Tôi từng là một người sống giữa dòng đời hối hả, mải mê tìm kiếm thành công và hạnh phúc từ những điều bên ngoài. Trong những năm tháng đó, tôi đã lao vào cuộc sống với biết bao kỳ vọng và áp lực.

Xem thêm