Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 15/11/2013, 14:15 PM

Thức tỉnh nơi cửa Phật

Tiếp chúng tôi bên ly trà của một buổi chiều trong sân chùa Thiên Phước, anh kể về cuộc đời mình khi chưa biết gì về Phật pháp; với chất giọng trầm ấm, âm vực rộng oang oang như hiệu lệnh quân ngũ, người thương binh 1/4 kể về những ngày tháng tăm tối của cuộc đời anh

Anh tên Nguyễn Khắc Điệp 54 tuổi, thương binh 1/4, là bộ đội tình nguyện Việt Nam tại chiến trường Campuchia những năm 1979 - 1980. 

Rời cuộc chiến quay lại quê hương, anh bỏ lại trên chiến trường một chiếc chân trái. Trở về mảnh đất Đồng Tháp, anh Điệp rơi vào trầm uất khó trị, một chàng thanh niên đang phơi phới căng tràn nhựa sống, đột nhiên anh thấy mình vô dụng đến thế, sự bất lực của một chàng trai tháo vát ngày nào làm anh thấy mình như gánh nặng cho gia đình, cho vợ; Nỗi buồn bực khiến anh khó kiểm soát được lời ăn tiếng nói, và chuyện gì đến cũng đã đến, vợ anh không chấp nhận anh, không chấp nhận một người chồng khiếm khuyết trên cơ thể nên bỏ anh biền biệt không quay về. 

Túng quẫn, không người chia sẻ, anh bắt đầu những tháng ngày chìm nghỉm, tăm tối bằng những cuộc vui chơi vô độ; hết ngày này qua tháng nọ, Nguyễn Khắc Điệp không còn nhớ mình bao nhiêu tuổi, lúc nào trong người cũng có hơi men; dường như chưa đủ độ “phê”, anh lần mò làm quen đến cả ma túy, và chính đây là thứ đã đẩy cuộc đời của anh đến tận đáy cùng xã hội. Với đồng lương thương binh ít ỏi, anh Điệp không thể thỏa mãn được, anh làm mọi việc để có tiền để vượt qua cơn nghiện. Bà con làng xóm xem anh như một đối tượng bất an cho cuộc sống của họ, đi đến đâu mọi người cũng ngại ngùng khi tiếp xúc. 
 Chú Sa di Lê Chiếu
Cứ thế cuộc đời của chàng thanh niên tên Điệp ngập chìm trong men rượu, khói thuốc. Anh dường như mặc kệ mọi thứ quanh mình. Và một lần trong giấc ngủ, dường như tâm thức ít ỏi còn lại của một con người đã từng là thanh niên xung phong, từng là người bộ đội giàu lý tưởng đã cho anh một sự thức tỉnh lạ kỳ.

Trong cơn mê, anh nghe văng vẳng những lời trách móc của ai đó hay của chính lương tri anh, cho rằng anh thiếu ý chí, và khuyên anh hãy đứng dậy, hòa trong những lời khuyên đó, là những tiếng chuông chùa xa xăm đâu đó vọng đến trong cơn mộng mị, cái thứ âm thanh mà anh chưa từng nghe hoặc có nghe thì cũng vô cảm. Anh giật mình choàng dậy, tiếng chuông đó vẫn còn vọng lại, đó là một buổi chiều của năm 1996, mà anh cũng không còn nhớ vào ngày tháng nào.

Cứ thế, thêm vài lần nữa anh lại nghe tiếng chuông chùa; một lần nọ anh quyết định lần theo tiếng chuông ấy xem phát ra từ đâu, và anh đã lần mò đến được ngôi chùa cách nhà anh chỉ vài km, một nơi mà anh chưa từng để ý tới, và anh cũng không biết ngôi chùa đó tên là gì.

Đến trước cổng chùa, anh đã chạm vào ngõ Phật, nhưng rồi anh không dám bước vào chính điện tôn nghiêm, anh cảm thấy run lên và như tìm thấy một điều kì diệu cho lối thoát cuộc đời. Để rồi từ đó, anh nhất quyết vào trại để cai nghiện.

Sau khi cai nghiện thành công tại trại cai nghiện của Sở Thương Binh tỉnh Đồng Tháp lúc bấy giờ, anh quyết xin vào chùa làm công quả, đó là năm 1997.

Cơ duyên lại đến với anh, gặp được thầy Thích Lệ Nhật trụ trì chùa Thiên Phước, anh đã xin xuất gia; cuộc sống nơi thiền môn dần giúp anh khôi phục lại tâm linh, anh trở nên tinh tấn, tiến bộ dần và được phong luật Phật, thọ 10 giới Sa di, cấp phòng riêng cho ăn ở, ngày ngày tụng niệm đúng giờ giấc không biếng trễ. Được sư phụ dạy cách dâng hương lễ Phật, tập làm công quả và học giáo lý của đức Phật. 

Với dáng người cao, đôi mắt sáng ẩn chứa một nghị lực, chất lính vẫn toát ra trong người anh, anh Điệp thổ lộ: “Cuộc sống khiếm khuyết trên người (mất một chân trái) đã xô đẩy cuộc sống tôi vào con đường tăm tối, sa ngã nhất là sau lần vợ tôi bỏ đi, tôi sống lang thang phiêu bạt, đã không từ chối một thói hư tật xấu nào như cờ bạc, uống rượu phá rối trị an, nhưng tồi tệ hơn là tôi đã sa vào vào con đường ma túy, nghiện ngập. Ai gặp tôi cũng chẳng dám nhìn”

Theo Đại đức Thích Lệ Nhật: Sa di Điệp hiện ăn chay trường, lương thương binh từng tháng khoảng 5 triệu đồng, anh đóng góp cho chùa một nửa để làm công quả, xây dựng phòng tăng, phòng ni, ngoài ra anh thường giúp cho những mảnh đời nghiệt ngã, gạo, thuốc men, tiền từ đồng lương còn lại, với tâm nguyện làm cần câu giúp họ một phần nào qua cơn khốn khó.

Mọi người khi tiếp xúc cùng anh, họ nhìn anh với đôi mắt thiện cảm, họ rất vui mừng khi biết Nguyễn Khắc Điệp với pháp danh Lệ Chiếu, sau những tháng ngày vấp ngã, sống vô nghĩa, giờ là lúc anh làm lại cuộc đời và ghi nhận sự vượt thoát, quay đầu ngoạn mục của anh.

Tôn Thất Lang

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Bánh mỳ 0 đồng dành cho người nghèo và người khuyết tật

Gieo mầm thiện 16:55 13/04/2024

Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi sáng, tủ bánh mì 0 đồng tại địa chỉ 296 đường Thống Nhất (TP. Nha Trang) phục vụ cả trăm ổ bánh mì cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Nha Trang. Tuy trị giá mỗi ổ bánh mì không lớn nhưng chứa đựng tình cảm ấm áp của người cho.

Ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt trao hơn 600 triệu đồng cho người nghèo Thừa Thiên-Huế

Gieo mầm thiện 21:54 10/04/2024

Vừa qua, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt (trụ trì chùa Phổ Hiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng đoàn thiện nguyện mang hơn 600 phần quà nghĩa tình từ miền Nam trao cho người nghèo tại Thừa Thiên-Huế.

"Mái ấm" của cô Hồng

Gieo mầm thiện 15:47 08/04/2024

Suốt 18 năm qua, giữa vùng quê ấp Rạch Bảy (xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) có một mái ấm cưu mang các cụ già neo đơn, bệnh tật không nơi nương tựa.

Xem thêm