Thứ sáu, 06/09/2024, 15:44 PM

Thưởng thức im lặng nội tâm

Trong thời khóa tu học, chúng ta có giờ im lặng bắt đầu từ sau giờ sinh hoạt buổi tối cho đến sau buổi ăn sáng ngày hôm sau. Đôi lúc chúng ta còn kéo dài giờ im lặng này cho đến sau buổi ăn trưa.

Tôi đã gom giữ thời khóa của nhiều khóa tu qua nhiều năm và thấy rằng vào năm 1993, chúng ta bắt đầu gọi pháp môn này là “Im Lặng Hùng Tráng”.

Im lặng hùng tráng không có nghĩa là chúng ta không được phép nói chuyện mà chúng ta không cần phải nói chuyện, không nhất thiết phải nói trong khoảng thời gian ấy.

Sự im lặng trở nên hùng tráng khi nó là một sự im lặng nội tâm. Tâm ta bình thản và nhẹ nhàng. Mỗi khi nghe chuông, dù là tiếng chuông báo chúng bên ngoài, tiếng chuông điện thoại, hay tiếng chuông đồng hồ, tôi đều thực tập Im lặng hùng tráng. Tôi trở về với hơi thở, tôi cảm nhận không khí đi vào và đi ra khỏi thân. Tôi ý thức về nhiệt độ và phẩm chất của không khí qua mũi. Với sự thực tập dừng lại và lắng nghe tiếng chuông, tâm tôi dần đi về hướng im lặng nội tâm.

Sự thực tập ý thức toàn thân, từ đỉnh đầu đến các ngón chân, và duy trì ý thức này trong suốt buổi ngồi thiền đem đến cảm giác hỷ lạc trong thân tâm, một sự nuôi dưỡng rất lớn. Nguồn ảnh: Làng Mai.

Sự thực tập ý thức toàn thân, từ đỉnh đầu đến các ngón chân, và duy trì ý thức này trong suốt buổi ngồi thiền đem đến cảm giác hỷ lạc trong thân tâm, một sự nuôi dưỡng rất lớn. Nguồn ảnh: Làng Mai.

Tôi nhận ra rằng khi tâm mình đang bận rộn nghĩ suy, thân mình cũng bận rộn và hành động của mình cũng trở nên ồn ào. Tôi thường xem thân là cánh cửa đi vào sự im lặng nội tâm. Vì vậy, tôi thực tập ý thức về các âm thanh gây ra qua sự cử động của chính tôi. Sự thực tập này đã đưa đến một kết quả mầu nhiệm: sự cử động của thân tôi trở nên rất yên lặng và tâm tôi trở nên lắng dịu.

Mỗi khi ngồi thiền, tôi thấy sự thực tập ý thức về thân giúp tôi thiết lập được sự quân bình và vững chãi. Đôi lúc ngồi trên bồ đoàn hoặc ngồi trên ghế nhưng ta không thực sự ngồi thiền. Tâm ta dường như không có mặt ở đó. Khi ngồi trên bồ đoàn, tôi ý thức sự tiếp xúc của thân với chiếc bồ đoàn và sự căng thẳng nếu có trong thân. Sự căng thẳng này có thể đang hiện diện trên trán, trên vai hoặc nơi bụng. Khi thở vào, tôi ý thức về thân mình và khi thở ra, tôi buông bỏ sự căng thẳng ấy từ thân. Rồi từ từ với mỗi hơi thở ra, tôi tiếp xúc sâu thêm với chiếc bồ đoàn cho đến khi tôi thực sự ngồi vững vàng như một quả núi.

Sự thực tập ý thức toàn thân, từ đỉnh đầu đến các ngón chân, và duy trì ý thức này trong suốt buổi ngồi thiền đem đến cảm giác hỷ lạc trong thân tâm, một sự nuôi dưỡng rất lớn.

Khi thực tập thiền đi chậm (kinh hành) trong thiền đường, tôi ý thức thân mình đang di chuyển trong không gian. Mỗi khi bước một bước, tôi ý thức đến sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất. Tôi thích đặt hết trọng lượng của thân trên mỗi bước chân. Khi đặt chân xuống, tôi ngừng một chút để buông thư và cảm được sự lắng đọng trong bước chân ấy.

Tôi cũng thích thực tập như vậy khi đi bên ngoài, tuy ít chậm hơn. Đôi lúc sự thực tập buông thư trong từng bước chân có thể là một thử thách lớn. Thí dụ, khi tiếng chuông báo chúng được thỉnh lên, chúng ta có cảm tưởng rằng chúng ta phải vội hơn để đi đến điểm sinh hoạt kế tiếp. Khi chúng ta bước đi một cách vội vàng, chúng ta không buông thư được trong từng bước chân. Thay vì vậy, chúng ta đi để cho mau đến một nơi nào đó. Trong những lúc như thế, tôi thực tập buông bỏ sự vội vàng để có thể nghỉ ngơi trong mỗi bước chân. Điều này có thể là một sự thử thách, vì trong tôi có tiếng nói rằng nếu không nhanh chân tôi sẽ bị trễ. Nhưng thực ra, nếu không vội vàng, tôi có thể đến nơi sớm hơn, vì vội vàng đến từ lo lắng và năng lượng lo lắng là một năng lượng rất nặng nề, làm chậm bước chân tôi. Nếu buông bỏ được sự vội vàng và lo lắng, chúng ta sẽ di chuyển một cách nhẹ nhàng hơn, có mặt trong từng bước và đến nơi đúng giờ. Chúng ta có thể di chuyển nhanh mà không cần phải vội vàng.

Khi các hành động của thân có sự bình an, lắng đọng, tâm cũng được lắng đọng và an bình. Sự im lặng bên ngoài sẽ trở thành sự im lặng bên trong. Sự im lặng bên trong này là nền tảng cho pháp môn Lắng nghe. Đây là bản chất của sự thực tập Hiện pháp lạc trú và khả năng tiếp xúc với những gì đang xảy ra trong thân tâm và xung quanh ta. Sự im lặng bên trong cho ta tiếp xúc với chính mình, với người thân của mình và với những mầu nhiệm của cuộc sống.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?

Kiến thức 09:15 04/12/2024

Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.

Xem thêm