Thượng tọa Thích Chân Quang thuyết giảng tại Thiền viện Bồ Đề
Vừa qua, nhận lời mời của TT Thích Thanh Nguyên - Trưởng BTS GHPGVN quận Liên Chiểu, Trụ trì Thiền viện Bồ Đề (TP. Đà Nẵng), TT TS Thích Chân Quang đã quang lâm Pháp toà chia sẻ đạo lý giúp các Phật tử hiểu rõ rằng dù khoa học có phát triển, tiến bộ đến đâu cũng không thể thay thế đạo Phật.
Chỉ có đạo Phật mới giúp con người giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ, nâng cấp tâm thức, kiến tạo tương lai theo ý mình. Nhờ đó, các Phật tử có thêm động lực, vượt qua mọi thử thách, kiên định với con đường, mục tiêu, lý tưởng tu hành của mình.
Buổi thuyết giảng có sự chứng minh tham dự của: TT Thích Thanh Nguyên - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Liên Chiểu, Trụ trì Thiền viện Bồ Đề (TP. Đà Nẵng); TT Thích Giác Minh - Trụ trì chùa Phong Hòa (tỉnh Đồng Tháp); Ni trưởng Thích Nữ Từ Nhu - Trụ trì chùa Từ Đức (Thừa Thiên Huế); cùng chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh, đại diện các Ban điều hành Đạo tràng và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước và hơn 3.000 Phật tử gần xa, các Chúng thanh niên, sinh viên trên khắp 3 miền về tham dự và công quả.
Mở đầu bài giảng, Thượng toạ khẳng định đạo Phật có mặt, từng ngôi chùa có mặt trên đời là để mang lại an vui lợi ích cho cuộc đời. Tuy nhiên ngày nay giữa thời đại kỹ thuật đã rất phát triển, công nghệ dường như thay thế cho cả những thần thông phép lạ mà các tôn giáo hay diễn tả. Vì vậy mà chùa như mất dần sức hút với chúng sinh, ngày nay rất nhiều ngôi chùa thưa thớt người đến dần. Có một số chùa cả năm không thực hiện được một hoạt động Phật sự nào. Thực trạng đáng buồn này đang diễn ra khắp nơi.
Chúng ta cũng vậy, không biết đạo Phật thì thôi nhưng biết rồi thì trước hết phải xác định trách nhiệm của mình là sống vì mọi người. Hiện nay, Phương Tây có một lối sống, một quan điểm rằng phải thương mình trước, sau đó mới có thể thương người khác. Đây là một cái bẫy, nếu không có kinh nghiệm tu tập, không đủ tỉnh táo, ta sẽ mãi bị kẹt trong sự ích kỉ, vô minh, ngu si, hẹp hòi đó. Nếu chỉ thương mình, ta mãi sẽ không thể lo cho người khác.
Ngay cả bản thân Thượng toạ cũng vậy, Người cố gắng học tập, đạt được học vị Tiến sĩ cũng vì đệ tử mình. Trên con đường giáo hóa, không ít lần Người đã nghiên cứu, viết sách, mang tâm huyết của mình đến nhiều nơi. Tuy nhiên, khi thấy tác giả không có học vị gì, nhiều người bảy tỏ ý nghi ngờ về tính chính xác của các tri thức được truyền tải trong các cuốn sách đó. Giờ có học vị rồi, việc đưa sách vào trường học, hội thảo, hay các trại giam cũng dễ dàng hơn. Vậy nên, dù là việc gì, chỉ cần có lợi cho người khác thì vất vả đến mấy Thượng tọa cũng cố gắng làm cho được.
Dịp này Thượng toạ nhắc nhở, đã vì người khác thì phải vì từ cái nhỏ nhất. Ngay việc ta hít thở, ăn uống hàng ngày hay việc xây cất chùa cũng vậy, phải lấy lợi ích của chúng sinh làm mục đích hàng đầu. Chỉ khi chúng sinh biết tu tập, có đạo lý, họ sẽ tiếp nối ta làm lợi cho đời. Như vậy, xây chùa chính là nhằm mục đích phục vụ, làm lợi cho chúng sinh. Vậy tại sao có những ngôi chùa bỗng nhiên vắng bóng dần?
Nguyên nhân chính là khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng đã lấy hết cuộc đời của chúng ta. Ngày xưa, khi cuộc sống đơn sơ thì tôn giáo là cái gì đó nhiệm màu, thiêng liêng, vượt khỏi khả năng của con người. Giờ công nghệ hiện đại, có khả năng thay thế cho những thần thông phép lạ mà các tôn giáo hay kể lể. Tức là khoa học cao siêu, có thể làm được tất cả mọi thứ một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Vì khoa học quá thực tế, hiệu quả nên giới trẻ bây giờ dần dần quên mất tôn giáo, các chùa cũng vì thế mà vắng bóng dần. Tuy nhiên có những chân lý mà khoa học công nghệ không thể thay thế được đạo Phật, nếu người xuất gia nắm được chỗ này thì đạo Phật mới mãi mãi là một lợi ích mà chúng sinh không thể nào quay lưng lại được. Dù thế giới sẽ tàn hoại hay thịnh vượng đến đâu thì có ba điều ta phải hiểu như sau.
- Thứ nhất, bản chất cuộc đời mãi mãi là đau khổ bởi chúng sinh là vô minh, và chỉ có đạo lý Phật pháp mới giúp chúng sinh chấm dứt được sự đau khổ đó.
Phật pháp không phải khoa học nhưng trong Phật pháp có giới, có định, có tuệ, có Bát chánh đạo, có Tứ niệm xứ, có 37 Phẩm trợ đạo…. để bảo hộ tâm hồn, bảo hộ cuộc đời ta hết kiếp này và vô lượng kiếp về sau. Đó mới là con đường giúp chấm dứt đau khổ.
Ngược lại, nhiều lúc khoa học còn là phương tiện, tạo cơ hội cho con người dễ dàng thực hiện cái tham lam, vô minh của mình. Tức là khoa học không làm con người hết buồn khổ, có khi lại khiến họ trầm cảm nhiều hơn. Chỉ có tu tập đúng cách, con người mới hết khổ.
Nhiều người nói, chỉ cần khiến não tiết ra chất hormone Dopamine thì con người sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Rồi họ bắt đầu nghĩ đến việc uống hormone Dopamine thay vì tu hành vất vả. Họ nói, không cần Phật pháp, không cần tụng kinh hay làm phước gì hết. Vậy nhưng họ không biết rằng cuộc sống của họ đều do cái phước chi phối. Việc lạm dụng uống Dopamine chỉ khiến não họ bị hư, có khi trầm cảm, tự tử luôn. Thật vậy, thuốc thang chỉ là biện pháp tạm thời, không phải là cái gốc cho ta chuyển nghiệp. Chỉ có đạo lý mới giúp ta chuyển hóa được nỗi đau của mình. Cho nên, khoa học kĩ thuật có tiến đến đâu, nếu không có đạo lý, cuộc sống của ta vẫn đầy rẫy đau khổ. Đây chính là lí do ta nên tích cực đến chùa để lễ Phật, ngồi thiền, nghe Pháp.
Và trong vô số công đức lành, ta phải lấy lễ Phật làm gốc. Nhờ đó, những nghiệp xưa từ từ vơi dần, phước của ta cũng bắt đầu tăng lên. Có phước rồi, tự nhiên trong nội tâm mình, Phật sẽ dắt ta đi. Ta phải nhớ, Phật pháp chính là liệu pháp duy nhất giúp con người chữa trị nỗi đau của mình. Đạo Phật không phải khoa học nhưng lại có tất cả những thứ giúp bảo hộ tâm hồn, cuộc đời của ta trong vô lượng kiếp. Nhờ tu theo đạo Phật mà ta cuộc đời ta hết khổ.
Phật pháp mêng mông, ta dần đi vào cái lõi của thiền định đến khi tâm bình an, thanh tịnh, không có vọng tưởng. Lúc này, mọi người nhìn từng ánh mắt, cử chỉ, hành động của ta đều toát lên sự bình yên nhưng ta không được an trú nơi cái bình yên của chính mình bởi đó là cái lỗi rất nặng. Nó không chỉ khiến ta mất luôn cái bình an, hạnh phúc đó mà còn bị lui lại rất nhiều kiếp nữa. Đến với Phật pháp để tìm bình an thì chỉ thấy bất an thôi. Thân tâm ta là một khối tội lỗi nên đừng cầu bình an cho mình mà hãy sống vì mọi người, vì dân tộc, nhân loại.
Trong thế giới đầy đau khổ này, ta vất vả bỏ bao công sức, tìm mọi phương pháp để được bình an, cuối cùng lại không được an trú nơi bình an. Đây thực sự là một trạng thái khó giải thích bởi bình an, hạnh phúc là một điều cấm kỵ, không được nói, không được nắm giữ. Theo Thượng tọa ai tu được đến tận cùng chỗ nút thắt này mà đủ phước duyên sẽ theo được chân Phật.
- Thứ hai, dù thế giới đi về đâu thì Luật nhân quả nghiệp báo vẫn chi phối tất cả. Kỹ thuật, máy móc, thuốc thang không thể thay đổi thân phận của ta, chỉ Luật nhân quả mới làm được điều đó. Nhân quả là chìa khóa, là nền tảng, là bệ phóng giúp ta tự điều chỉnh lấy số phận của chính mình bằng cách gieo nhân tạo phúc.
Đặc biệt trong thời đại khoa học kỹ thuật này, nếu ta khôn ngoan, khiêm tốn tận dụng công nghệ để gieo rắc điều thiện, lan truyền đạo lý vào lòng người thì phước cũng cực kỳ lớn. Ngược lại, người không hiểu Nhân quả, lại dùng khoa học làm việc sai trái thì thật nguy hiểm.
Ví dụ, lúc trước ta rỉ tai, nói xấu, làm bậy thì chỉ vài người nghe. Ngày nay, ta lên các phương tiện truyền thông đại chúng phát ngôn bậy bạ thì lượng người bị ảnh hưởng bởi tà kiến của ta tăng nhanh theo cấp số nhân. Tức là trong thời đại khoa học phát triển nhanh chóng như hiện nay, mỗi sai lầm của ta đều phải trả một cái giá rất đắt, giống việc một người chế tạo ra con virus gây bệnh vậy. Nó gieo bao nhiêu sự chết chóc, kéo đổ bao nền kinh tế, đẩy mọi việc vào bế tắc, khiến cả nhân loại khốn đốn. Nên quả báo của người tạo ra con virus thật không thể lường được.
Đến đây ta thấy, khoa học công nghệ luôn có 2 mặt: Một là làm cho tội thì tội rất nặng; hai làm cho phước thì phước rất lớn. Đây cũng chính là sự công bằng của Nhân quả. Nhân quả là nền tảng quan trọng của Phật pháp. Vì vậy người trong đạo Phật nếu nói những lý thuyết nghe cao xa hoa mỹ mà không hề dựa trên nền tảng nhân quả thì người đó vẫn là tà kiến. Chúng ta cần tỉnh táo nhận ra chỉ nơi nói kĩ về nhân quả, mới là nơi ta cần tìm đến nương tựa và tu hành,
- Thứ ba, trong Phật pháp mênh mông ta phải đi dần vào cái lõi thiền định. Cho đến lúc tâm được lắng yên trong thiền, ta vẫn không bao giờ an trú nơi sự bình yên đó mà vẫn mãi tìm lỗi mình, mãi hướng về vô ngã mà thôi.
Khoa học phát triển mà không có Thiền thì chúng sinh mãi mãi vẫn chỉ luẩn quẩn trong loạn động, ích kỷ, tầm thường và rồi cũng khổ đau. Chỉ Thiền định (thiền hướng về Vô ngã), mới nâng cấp tâm thức, đạo đức, trí tuệ chúng sinh, giúp chúng sinh đạt được vô ngã. Đây cũng là chỗ giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau.
Tóm lại, Thượng tọa nhấn mạnh: thế giới có tan vỡ hay thịnh vượng thì 3 điều trong đạo Phật mãi mãi chúng ta cần: Một là ta cần toàn bộ Phật pháp vì đó là liều thuốc chữa trị đau khổ. Hai là dù khoa học tiến bộ tới đâu thì Nhân quả vẫn là chìa khóa chi phối tất cả. Ba là con người ai cũng phải biết tu tập Thiền định, lắng tâm hướng về vô ngã.
Thực sự, chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều trước sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học kỹ thuật. Thay vì đi trước, đón đầu công nghệ, chúng ta lại bị lệ thuộc, thậm chí là chạy theo công nghệ một cách mù quáng. Nguy hiểm hơn, vì mải chạy theo công nghệ mà ta phớt lờ, coi thường cả đạo lý và những người xung quanh. Dần dần, ta đánh mất luôn cả cuộc đời và tương lai của mình.
May mắn thay, hôm nay ta được nghe những chia sẻ hết sức chân thành từ Thượng tọa Giảng sư, được sống chậm lại, ngồi lại suy ngẫm về cuộc đời, tương lai mình. Giờ thì ta biết khoa học chỉ là phương tiện hỗ trợ, giúp cuộc sống ta trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn chứ không thể giúp ta giải thoát khỏi đau khổ. Chỉ có tu tập đúng chánh pháp; tích cực làm phước, sám hối; biết yêu thương, chăm lo, phụng sự chúng sinh thì cuộc sống ta mới trở nên có ý nghĩa. Và cũng chỉ có tu theo đạo Phật ta mới nâng cấp tâm thức mình lên cao dần, vượt khỏi sự loạn động, giác ngộ, giải thoát hoàn toàn được.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn (TP.HCM) viên tịch
Trong nước 05:45 03/12/2024Ni trưởng Thích nữ Bửu Hòa, Chứng minh Phân ban Ni giới H.Hóc Môn, viện chủ chùa Phước Thiện (xã Nhị Bình, H.Hóc Môn, TP.HCM) vừa viên tịch.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông chia sẻ về Giới luật Phật giáo cho gần 800 Tăng Ni
Trong nước 14:00 02/12/2024Sáng ngày 02/12, tại trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM (Việt Nam Quốc Tự, quận 10), Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Thông – Phó Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Cố vấn BTS GHPGVN TP.HCM – đã chủ trì buổi thuyết giảng và thảo luận chuyên đề “Giới luật Phật giáo”.
“Hãy lấy tinh thần phụng sự làm niềm vui trên bước đường đến giác ngộ giải thoát”
Trong nước 12:15 02/12/2024Sáng ngày 02/12/2024, Thượng tọa Thích Quảng Lộc - UV HĐTS, Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã có buổi thuyết trình chuyên đề “Sinh hoạt Giáo hội” đến với chư hành giả khóa Kiết Đông lần thứ 2.
Tiền Giang: Thành kính tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông (1308-2024)
Trong nước 13:15 01/12/2024Sáng ngày 01/12/2024 (nhằm mùng 1 tháng 11 năm Giáp Thìn), BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Tiền Giang đã trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng niệm lần thứ 716 năm, ngày Đức vua Phật Hoàng nhập Niết Bàn 01/11 năm Mậu Thân (1308) – 01/11 năm Giáp Thìn (2024); đồng thời khai mạc khóa tu Kiết Đông lần thứ 2.
Xem thêm