Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 12/11/2013, 10:39 AM

Tiểu sử cố Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Đạo (1911-2011)

Kỷ niệm ngày Đại tường cố Đại lão Hòa thượng Thích Chánh Đạo, vị tiền bối phúc trí trang nghiêm, suốt đời cống hiến cho Đạo pháp Dân tộc, một trong những Thạch trụ Tòng lâm để tứ chúng phật tử noi theo tu học. Trân trọng kính ôn lại hành trạng của Ngài để soi đường dẫn bước cho thế hệ mai sau

TIỂU SỬ
ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH CHÁNH ĐẠO
(1911-2011)
 
Ngài thuộc dòng Lâm Tế Gia phổ đời thứ 41, Pháp húy Nhật Đăng hiệu Chánh Đạo, thế danh Nguyễn Minh Đăng tự Nguyễn Đến, sinh năm Tân Hợi (1911), tại làng Thọ Xuyên, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ngài sinh trong một gia đình trung nông, nhiều đời kính tin Tam bảo, phụ thân là cụ ông Nguyễn Văn Sang, hiền mẫu là cụ bà Đào Thị Thở. Ngài có hai anh em, một nam một nữ, Ngài là anh cả.

Thuở nhỏ, Ngài thường theo song thân đến chùa lễ Phật, nghe Pháp. Sớm ảnh hưởng những tinh hoa Phật học, nhân chuyến theo phụ thân đi tham quan đất phương Nam, một hôm đứng bên bờ sông Hậu, nhìn sang bên kia trông thấy một ngôi già lam uy nghi hùng vĩ, tĩnh mịch và tiếng chuông chùa ngân vang, nghe lòng dạ lâng lâng, khiến Ngài muốn gởi thân chốn Thiền môn.

Trở về quê hương xứ Quảng, chí xuất trần ngày thêm mãnh liệt, Ngài xin phép song thân bỏ tục xuất gia. Trước ý chí và tâm thành xuất gia học đạo, năm 15 tuổi, Ngài được song thân cho phép thế phát với Hòa thượng Thích Minh Trí tại chùa Bảo Thọ, huyên Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, làm Bổn sư được ban pháp hiệu là Chánh Đạo. Sau khi xuất gia, tuy tuổi còn nhỏ nhưng với chí hiếu học cần tu, Ngài được Thầy bổn sư cho phép trở lại đất phương Nam để tham học với vị cao Tăng miền sông nước Cửu Long.

Khi trở lại đất phương Nam, vốn sẵn túc duyên Sư Đồ nhiều đời, nơi chốn Tổ An Phước, Ngài đã đắc pháp với Hòa thượng Thích Hồng Năng hiệu Chơn Ý, được truyền phú pháp với  pháp danh là NHỰT ĐĂNG, pháp tự là CHÁNH ĐẠO, thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia phổ đời thứ 41.

Nhận thấy chí tu học, sáu thời thiền tịnh tinh nghiêm, khả dĩ tiến xa đạo nghiệp, có thể kế thừa tâm ấn của Thiền phái Lâm Tế, là bậc đống lương của Phật pháp sau này, Ngài được Hòa thượng nghiệp sư gởi sang đất nước chùa tháp để nghiên cứu và học tập giáo điển Phật giáo Nam truyền. Và tại đây, năm Đinh Mão (1927) được sự cho phép của Hòa thượng Bổn sư, Ngài đăng đàn cầu thọ Sa di giới.

Sau một thời gian nghiên tầm giáo điển Nam truyền, Ngài trở về Việt Nam để hầu thầy. Khi Phật học đường Lưỡng Xuyên được thành lập, Ngài theo học Phật pháp tại đây và các Phật học đường khác tại Nam bộ bấy giờ.

Sau khi tham học, nghiên tầm giáo điển tại các Phật học đường, nghĩa lý đã tinh sâu, Ngài trở về chốn tổ An Phước tiếp tục hầu thầy. Dưới sự giáo huấn của Hòa thượng nghiệp sư, Ngài càng tinh cần tinh tấn trong tu học, nghĩa lý ngày thêm tinh tường và đủ khả năng dụng báo Tứ ân, bạt tế tam hữu.

Năm Kỷ Tỵ (1929), Hòa thượng Bổn sư nhận biết Ngài là pháp khí đại thừa, có thể kế thừa Tổ ấn, đã cho phép Ngài đăng đàn thọ cụ túc giới tại đại giới đàn chùa Phước Hòa, Trà Vinh, Đàn giới này do Thiền sư Thích Khánh Hòa bậc cao Tăng đương đại làm Hòa thượng đàn đầu.

Từ những năm Canh Thìn (1940), Ngài đi nhiều nơi để tham học như chùa Phật Quang, Trà Ôn, chùa Tiên Linh, Bến Tre, chùa Giác Lâm, Chùa Linh Sơn, Chùa Ấn Quang, Sài Gòn và trở lại chùa Triều Long, chùa Gò Tháp, chùa Phước Long, Campuchia để nghiên cứu thiền Minh Sát Tuệ.

Năm Canh Tuất (1970), trước khi lâm tịch, Hòa thượng Bổn sư đã phó chúc cho Ngài kế vị ngôi trụ trì chùa An Phước. Từ đây, Ngài dành mọi thời gian để nhập thất tham thiền, trùng tu chốn Tổ An Phước ngày thêm tráng lệ huy hoàng, tiếp Tăng độ chúng.

Năm Quý Mão Ngài tích cực tham gia nhiều hoạt động để bảo vệ Đạo pháp và dân tộc trong phong trào đấu tranh Phật giáo năm 1963, dưới ách gia đình trị của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Mùa xuân năm Ất Mão (30/4/1975), miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Ngài cùng chư tôn Thiền đức tỉnh nhà cố vượt qua sóng gió trong những năm tháng khó khăn vất vả của buổi đầu đất nước mới đi vào ổn định và từng bước tích cực hoàn thành sự nghiệp thống nhất Phật giáo tỉnh An Giang. 

Năm Nhâm Thân (1992), Ngài được Chư tôn thiền đức, tăng, ni, phật tử tín nhiệm cung thỉnh vào cương vị Trưởng ban Trị sự lâm thời Phật giáo tỉnh An Giang.

Năm Quý Dậu (1993), tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ nhất, Ngài được Chư tôn thiền đức, tăng ni, phật tử suy cử vào cương vị Trưởng ban Trị sự và Ngài tiếp tục đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Trị sự liên tục ba nhiệm kỳ, từ năm 1993 đến 2007.  

Năm 2007, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh An Giang lần thứ tư,  Ngài được Đại hội suy tôn lên ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự cho đến ngày viên tịch.

Năm Nhâm Thân (1992), tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Ngài được Đại hội tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hòa thượng.

Năm Đinh Sửu (1997), tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Ngài được Đại hội suy tôn vào cương vị thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Năm 1993, 1995, 1997, 1999. 2001, 2003, 2006 Ngài liên tục đương vi Hòa thượng đàn đầu truyền trao giới pháp cho hơn 2.000 giới tử.

Với đạo phong, giới đức thanh tịnh, Ngài luôn là hình ảnh giải thoát vô ngại, là bậc lãnh đạo mô phạm cho Tăng tín đồ quy ngưỡng, suốt đời tận tuỵ phục vụ đạo pháp và dân tộc, là trung tâm của sự đoàn kết nội bộ, đoàn kết đạo đời. Do đó Ngài đã được:

- Trung ương Giáo hội tặng nhiều bằng Tuyên dương  công đức.

-  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết.

- Ban Dân vận Trung ương trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Dân vận.

- Trong sự ghiệp bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc (1976-1979), Ngài tích cực cùng quân dân An Giang giữ vững biên cương Tổ quốc, được tặng thưởng Kỷ niệm chương Ban Liên lạc quân tình nguyện miền Tây.

-  Và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thân tứ đại nhân duyên giả hợp theo duyên tăng giảm, huyễn thân ngũ uẩn đến lúc phân ly, tuy đã được Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang và Môn đồ pháp quyến tận tâm chăm sóc, nhưng do niên cao lạp trưởng, Hòa thượng đã an nhiên viên tịch tại chùa An Phươc vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 06 tháng 11 năm 2011, nhằm ngày 11/ 10 / Tân Mão, Trụ thế 101 năm, 81 hạ lạp.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang từ nay vĩnh viễn vắng bóng một bậc cao Tăng đấng lương Phật pháp, Tăng Ni, Phật tử vĩnh viễn mất đi bậc thạc đức chân tu, môn đồ pháp quyến vĩnh viễn mất đi bậc tôn sư khả kính, đạo cao đức trọng, nhưng thế gian hữu hạn này sẽ mãi mãi lưu lại hương thơm đạo đức và oai nghi thánh hạnh của Hòa thượng.

Nam mô Việt Nam Phật giáo Giáo hội, Chứng minh Hội đồng Thành viên, An Giang tỉnh, Trị sự Ban chứng minh, An Phước đường thượng, tự Lâm Tế Gia phổ, tứ thập nhất thế, húy Nhựt Đăng, thượng Chánh hạ Đạo, Nguyễn công Hòa thượng giác linh đài tiền chứng giám. 
 
Thích Vân Phong biên tập (Theo môn phong pháp phái chùa An Phước, Châu Đốc)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Truyền thuyết về Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Tư liệu 13:45 13/04/2024

Truyện kể về Từ Đạo Hạnh lấy nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử làm đối tượng phản ánh. Tuy nhiên, khi đi vào trong trang truyền thuyết, nhân vật này một mặt được thần thánh hóa theo quan niệm của dân gian, một mặt lại được tôn giáo hóa theo quan niệm Phật giáo. 

Nghiệp giết hại

Tư liệu 10:36 09/04/2024

Có một vị vua luôn được xem là đức độ và tài giỏi nhất của Ấn Độ từ xưa đến nay, đó là vua A-dục. Ông có một hoàng tử tên là Câu-na-la. Hoàng tử Câu-na-la rất khôi ngô tuấn tú, tướng mạo như tranh vẽ, khuôn mặt như trăng rằm, vì thế có rất nhiều cô gái muốn được gần gũi với chàng.

Người dạy voi

Tư liệu 07:02 09/04/2024

Những người trong đại hội nghe Phật thuyết ai cũng đạt ngộ, người thì đắc được bốn thánh vị, người thì phát tâm đạo rộng lớn, người thì phát nguyện xuất gia, không ai là không hoan hỉ kính vâng theo lời Phật dạy.

Sân hận giết hại chịu quả báo tức thì

Tư liệu 17:59 08/04/2024

Tại Chiết Giang có người họ Thiệu, làm nghề giết mổ và bán rượu thịt. Ông nuôi mấy con lợn, một hôm đang chọn xem con nào béo mập để giết thịt, bỗng một con trong số đó quỳ mọp xuống mà rơi lệ khóc. Họ Thiệu không hề khởi tâm thương xót, ngược lại còn nổi giận mang con lợn ấy đi giết ngay.

Xem thêm