Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 27/03/2023, 21:00 PM

Tiểu sử Hòa thượng Thích Minh Thanh (1949 -2021)

Ngài không để lại gì, ngoài những dấu ấn cao quý trong lòng những bạn đạo, những ngôi chùa, những tổ chức Phật giáo mà Ngài đã đi qua, từng chia sẻ, từng nâng đỡ hay từng mở lối đưa đường cho những ai lầm lỡ. Rồi như một cánh nhạn khuất bóng sau đồi,... Vô thường thị thường, tịch diệt phi diệt.

Hoà Thượng Thích Minh Thanh thế danh là Nguyễn Kế An, sanh tháng chạp năm Mậu Tý, nhằm tháng giêng năm 1949, tại làng Long Đức, quận Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Thân phụ là cụ ông Nguyễn An Ri.

Thân mẫu: Cụ bà Nguyễn Thị Phước.

Được sinh ra trong một gia đình danh gia ở 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, bên nội và ngoại của Ngài đều là hậu thế của những người có khoa bảng, giàu có. Cha Mẹ ngài vốn là sinh viên đại học Sài Gòn sắp ra trường, nhưng hưởng ứng phong trào "Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội" đã tham gia dấn thân cứu nước, chống thực dân Pháp.

7

Sau khi Ngài được sinh ra (ở Miền Nam), cha mẹ gởi Ngài lại cho ông bà ngoại nuôi để lên đường tập kết ra Bắc. Ngài lớn lên thiếu tình thương cha mẹ, nhưng được bù đắp là gia đình bên ngoại rất mực yêu thương, đặc biệt bà ngoại là người Phật tử thọ Bồ Tát Giới rất thuần thành nên Ngài được đưa đến chùa thường xuyên để tu tập theo bà. Nhờ đó, Ngài sớm bén duyên với đạo và đã xin ông bà ngoại cho phép được xuất gia theo Phật. Bà ngoại xét thấy Ngài có nhiều thiện căn, giác ngộ nên đã trợ duyên cho Ngài được toại nguyện. Năm 1960, bà gửi Ngài đến cầu pháp với Thượng Toạ Hoàn Quan, bấy giờ là Giám Đốc Phật Học Viện Khánh Hoà (Chùa Phước Hoà) tỉnh Trà Vinh, tham dự lớp sơ đẳng Phật học. Nhưng chỉ hơn một năm vì sức khoẻ yếu kém nên bà ngoại đã đưa Ngài về tịnh dưỡng tại nhà, sau đó Ngài được bà ngoại đưa lên Sài Gòn theo học các lớp gia giáo ở chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, và chính thức xuất gia năm 1964 với Ngài Thượng Toạ Thích Thiện Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Hoá Đạo GHPGVNTN (tức HT. Hoàn Tuyên, Pháp huynh của HT. Hoàn Quan, và là bổn sư của HT. Thanh Từ). Ngài được ân sư cho pháp danh là Minh Thanh, pháp tự Nhật An nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41, rồi gửi Ngài về Phật học viện Khánh Hoà, tiếp tục tu học chương trình trung cấp Phật học.

Năm 1964, Chùa Long Khánh được hiến cúng cho GHPGVNTN làm trụ sở chính của tỉnh Giáo Hội Vĩnh Bình, Thượng Toạ Thích Quảng Phát đảm nhận chức vụ Chánh đại diện kiêm trụ trì và ĐĐ. Thích Thiện Căn là Chánh Thư Ký. Năm 1966, Thượng Toạ Thích Quảng Phát lâm trọng bệnh nên xin Viện Hoá Đạo cho cáo lui về chùa Long Sơn quận Tiểu Cần và viên tịch. Lúc bấy giờ Giáo Hội tạm cử Ngài về làm Tri Sự của Chùa Long Khánh cho đến năm 1968, khi Thượng Toạ Thích Hoàn Thông được Viện Hoá Đạo đưa về làm Chánh đại diện kiêm trụ trì chùa Long Khánh. TT. Hoàn Thông cũng rất mến hạnh đức của Ngài nên tiếp tục cho Ngài làm tri sự và chúng trưởng của học chúng trên 30 vị. Ngài thọ giới Tỳ Kheo năm 1971 tại Đại Giới Đàn chùa Hiệp Châu tỉnh Sóc Trăng (Đàn Đầu giới đàn là HT. Thích Hoàn Thông).

Với tư chất thông minh từ huyết thống và giống bồ đề từ nhiều kiếp vun bồi nên sau khi học ở Phật học viện Khánh Hoà, Ngài xin Thầy cho phép tự học, tự nghiên cứu giáo lý và tham vấn với nhiều vị cao tăng thạc đức thời bấy giờ là Hoà Thượng Huệ Phúc (sư huynh Tổ Huệ Quang), Thượng Toạ Thái Không, Thượng Toạ Hoàn Thông, Thượng Toạ Hoàn Quan, Thượng Toạ Thành Lệ. Ngài từng giảng dạy ở một số lớp gia giáo trong và ngoài tỉnh Vĩnh Bình.

Năm 1974, Ngài được Ni Trưởng Thích Nữ Bửu Kim (bào tỷ của Thượng Toạ Viện trưởng Thích Thiện Hoa), trụ trì chùa Bảo An di chúc cho Ngài làm trụ trì nhưng Ngài từ chối với lý do còn trẻ tuổi chưa kinh nghiệm trụ trì, đến lúc Ni Trưởng sắp viên tịch (năm 1976), có viết lại di chúc cho Ngài chính thức làm trụ trì. Vì không dám cô phụ lòng hoài bão của Ni Trưởng nên Ngài đã tiếp nhận, nhưng chỉ vài năm sau Ngài lại đích thân đến mời Thượng Toạ Thích Thanh Từ (là sư huynh) về thay thế Ngài đảm nhận trụ trì chùa Bảo An. Mười năm sau Hoà Thượng Thích Thanh Từ cũng xin Ngài nhận lại chùa Bảo An, cốt chủ trở về với cốt chủ, Ngài buộc phải tiếp nhận và bắt đầu trùng tu ngôi chùa để tiếp Tăng độ chúng cho đến ngày Ngài viên tịch.

Năm 1983 khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, cha của Ngài đã đưa Ngài đến gặp Hoà Thượng Thích Thiện Hào gửi gắm để Ngài tham gia Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mới thành lập. Ngài thương tình cha và kính đức Hoà Thượng Thiện Hào nên tạm thời nhận một vài nhiệm vụ như theo các phái đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đi tham dự các cuộc họp Phật giáo các nước. Nhưng sau đó Ngài lui về tịnh tu ở chùa quê, là chùa Bảo An.

Năm 2000(?) chùa Bửu Sơn nguyên là ngôi đền thờ Ông Bổn, do một gia đình làm chủ rất quý kính Ngài nên đã hiến cúng cho Ngài cải gia vi tự, sau đó không lâu, vì quá nhiều cơ sở liên hệ trong tông môn rất mong Ngài tiếp sức trùng tu nên Ngài đã giao ngôi chùa Bửu Sơn lại cho Thượng Toạ Thanh Phong. Thượng tọa Thanh Phong cử Đại Đức Thích Giác Hiệp trụ trì, Ngài lui về nhập thất chuyên tu.

Trong những năm còn lại trước khi theo Phật, Ngài hết lòng vận động Phật tử cùng quý Hoà Thượng Thiện Nhơn, Hoà Thượng Thiện Tâm, Hoà Thượng Hoằng Tri trùng tu Tổ Đình Phi Lai. Sau gần 4 năm, năm 2019, ngôi chùa Tổ đã được khánh thành giai đoạn 1. Ngôi Chánh Điện thật uy nghiêm hùng vĩ bên chân núi Ông Cấm, xứng đáng là ngôi già lam cổ tự một thời rạng danh như tiếng gầm sư tử của bậc Tổ Đức khai sơn, là nơi nương tựa, xuất thân của bao lớp đống lương, nhân tài Phật Giáo ngày nay và còn truyền thừa mãi mãi đến ngàn sau. Bên cạnh đó Ngài cũng giúp trùng tu ngôi Tổ đình Long Thành là một cổ tự chốn tổ của Hoà Thượng Pháp Chủ Thích Huệ Quang, Hoà Thượng Y Chỉ Sư Thích Huệ Phúc. Ngài cảm thấy lòng mình rất nhẹ nhàng mãn nguyện.

Những tưởng sau bao thăng trầm theo vận nước nổi trôi, con thuyền đạo cũng chao nghiêng mấy độ, giờ là phút giây thanh thản, được lui về tịnh thất an bần thủ đạo, vui thú với thiên nhiên với bạn đạo tâm giao, nhưng … Mới ngày nào, sức khoẻ không có gì bất ổn, mà bỗng dưng dịch bệnh đến thăm! Ngài chỉ kịp từ giã vài câu trước khi thâu thần thị tịch vào lúc 6 giờ sáng ngày 29, tháng 9, năm 2021, nhằm ngày 23, tháng 8 âm lịch, năm Tân Sửu, trụ thế 74 tuổi, với 50 năm hạ lạp.

Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng, là "thân giới sư" cho hàng hậu học và Phật tử noi theo.

Ngài không để lại gì, ngoài những dấu ấn cao quý trong lòng những bạn đạo, những ngôi chùa, những tổ chức Phật giáo mà Ngài đã đi qua, từng chia sẻ, từng nâng đỡ hay từng mở lối đưa đường cho những ai lầm lỡ. Rồi như một cánh nhạn khuất bóng sau đồi, ảnh hoá trong làn nước biếc… Vô thường thị thường, tịch diệt phi diệt.

Hôm nay, phút tiễn đưa Ngài, huynh đệ chúng con xin được thắp lên những nén tâm hương ngũ phần, gửi lòng thành dâng lên tách trà thơm hòa với nước suối tiên núi Cấm, thành kính chúc nguyện Ngài cao đăng tịnh cảnh, hoàn lai độ tận chúng sanh báo Phật ân Đức.

Nam mô Bảo An, Bửu Sơn Đường Thượng, Từ Lâm Tế Gia Phổ tứ thập nhất thế, huý Nhật An, thượng Minh hạ Thanh, Trưởng Lão Hoà Thượng Giác Linh.

Thuỳ từ chứng giám.

Sư đệ : HT. Thích Thiện Tâm

(Viện Trưởng tu viện Trúc Lâm - Tây Thiên Canada)

KÍNH GHI.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Tông trưởng Thiền Tịnh đạo tràng

Tăng sĩ 10:27 06/11/2024

Trưởng lão Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, ngài đã đóng góp nhiều công đức trong sự phát triển, ổn định của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Là bậc Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng, ngài là bậc đống lương, nương tựa của tứ chúng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống thiền môn.

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức

Tăng sĩ 10:30 01/11/2024

Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, thế danh Mai Văn Tạo, pháp húy Nhựt Quang, thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ, sinh ngày 12/4/1949 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Sư thầy hai bằng thạc sĩ, lấy bằng tiến sĩ tuổi ngoài 60

Tăng sĩ 09:39 07/10/2024

Con đường tu học không điểm dừng, đó là điều nhiều người thấy được từ hòa thượng Danh Lung - trụ trì chùa Chantarangsay, người vừa nhận bằng tiến sĩ dân tộc học ở độ tuổi ngoài 60.

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931-1995)

Tăng sĩ 14:27 02/10/2024

Hòa thượng Thích Chánh Trực là một trong những vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến, lân mẫn và gắn bó với tín đồ ở các hoàn cảnh nguy khốn...

Xem thêm