Bài kinh: Phật dùng ví dụ con voi giữ vòi để răn dạy La Hầu La
Thuở xưa, lúc La Vân chưa đắc đạo, tính tình thô tháo, lời nói không thành thật. Đức Phật sai La Vân đến ở tinh xá Hiền Đề, nhiếp tâm gìn giữ khẩu nghiệp, siêng tu học theo kinh giới.
La Vân y giáo làm lễ ra đi. Nơi đó, La Vân suốt chín mươi ngày hổ thẹn tinh cần sám hối. Đức Phật đến thăm, La Vân hoan hỉ ra lễ Phật, rồi bày giường dây thỉnh Phật nghỉ ngơi. Đức Phật ngồi trên giường dây, rồi bảo La Vân:
- Ông hãy lấy chậu múc nước cho ta rửa chân.
La Vân vâng lời làm theo. Rửa chân xong, đức Phật hỏi:
- Này La Vân, con có thấy nước đã rửa chân ở trong chậu không?
- Bạch đức Thế Tôn, con có thấy. La Vân đáp.
- Nước này còn có thể dùng để ăn uống, súc miệng nữa không? Đức Phật hỏi tiếp.
- Bạch đức Thế Tôn, không thể. Nước này vốn sạch, giờ đã rửa chân chứa đầy bùn đất, cho nên không thể dùng. La Vân lại đáp.
Đức Phật liền dạy:
- Này La Vân, ông cũng như vậy, ông tuy là con Ta, cháu của Quốc vương, xả bỏ vinh hoa thế lợi, xuất gia làm Sa-môn, nhưng không tinh tấn nhiếp phục thân khẩu, bụi nhơ tam độc đầy ắp trong lòng, khác nào nước dơ trong chậu không dùng được nữa.
Phật lại sai đổ nước dơ đi, rồi hỏi:
- Này La Vân, nước dơ đã đổ đi, vậy chậu không này có thể dùng đựng thức ăn được chăng?
- Bạch đức Thế Tôn, không thể. Chậu này đã mang tên chậu rửa chân từng đựng đồ dơ cho nên không thể. La Vân đáp.
Phật lại dạy:
- Này La Vân, ông cũng như vậy, tuy là Sa-môn mà lời nói không thành tín, tâm tính cứng cỏi không chịu siêng tu. Ông đã từng mang tiếng xấu như cái chậu rửa chân kia không thể đựng được thức ăn.
Đức Phật lại dùng ngón chân hất chậu văng đi, tung lên rơi xuống mấy cái, quay tròn mấy vòng rồi mới dừng lại.
Đức Phật hỏi:
- Này La Vân, ông có tiếc chậu rửa chân, sợ nó bị vỡ không?
La Vân đáp:
- Bạch đức Thế Tôn, đồ rửa chân là vật rẻ tiền, trong lòng có tiếc song không tiếc lắm.
Đức Phật dạy:
- Này La Vân, ông cũng như vậy, tuy làm Sa-môn mà không gìn giữ thân khẩu, nói năng thô tháo, ác khẩu làm thương tổn đến người khác. Cho nên, mọi người không yêu mến, bậc trí không thương. Khi thân chết, thần thức đi khỏi phải luân hồi trong ba đường dữ, chịu sinh tử khổ não vô lượng. Chư Phật, Hiền Thánh đều không thương tiếc ông, như ông nói không thương tiếc chậu rửa chân.
La Vân nghe xong hổ thẹn sợ hãi. Đức Phật lại nói:
- Này La Vân, hãy nghe ta kể thí dụ:
Xưa có một vị vua nuôi được một con voi lớn dũng mãnh, giỏi xông pha trận mạc. Tính ra sức của nó còn mạnh hơn năm trăm con voi nhỏ gộp lại.
Một hôm, vua nước đó muốn hưng binh đánh vua nước đối nghịch. Vua cho voi mặc một tấm giáp sắt, cột vào hai ngà là hai thanh giáo, cột ở hai tai là hai thanh kiếm rồi bốn chân cũng buộc vào bốn lưỡi đao cong, đuôi cũng buộc một cây mác sắt. Chín món binh khí buộc vào mình voi đều rất bén nhọn. Song voi phải rút vòi vào trong, giấu kín vì đây là nơi mềm mại, hiểm yếu nếu trúng tên sẽ chết. Voi không được phép vươn vòi ra để chiến đấu. Người lính quản tượng rất mừng vì voi được bảo vệ chu đáo. Khi ra trận, voi xông pha không ngại lằn tên mũi đạn. Song chiến đấu một hồi lâu, voi bỗng vươn vòi ra định đoạt kiếm của kẻ địch. Người lính quản tượng không cho. Nghĩ rằng, con voi này không biết tiếc thân mạng, vươn vòi ra đoạt kiếm suýt chút nữa bị thương, vua và quần thần tiếc con voi lớn này nên không cho nó ra trận nữa.
Đức Phật bảo La Vân:
- Người ta dầu phạm chín điều ác, duy phải giữ gìn cửa miệng. Cũng như con voi lớn kia phòng hộ cái vòi không dùng chiến đấu. Voi giữ vòi vì sợ trúng tên chết, còn người giữ miệng vì sợ đau khổ của ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Người không phòng hộ miệng phạm đủ mười điều ác, như con voi kia không kể mạng sống, không sợ trúng tên vươn vòi ra chiến đấu. Người ta cũng vậy, phạm đủ mười điều ác do không nghĩ đến đau khổ trong ba đường dữ. Nếu thực hành thập thiện, thu nhiếp thân khẩu ý, không phạm bất cứ điều ác nào, có thể đắc đạo xa hẳn ba đường dữ, không còn tai họa sinh tử.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Ta như voi lâm trận
Không sợ giữa rừng tên
Giữa hạng không giới hạnh
Độ họ với tín thành.
Như voi đã điều phục
Vua vừa ý cưỡi đi
Người điều phục tôn quí
Nhờ gìn giữ tín thành.
La Vân nghe được những lời dạy bảo ân cần tha thiết của Phật, vô cùng cảm kích, tự khích lệ ghi nhớ mãi không quên. Từ đó, tâm ông trở nên nhu hòa nhẫn nhục như đất. Ông tinh tấn tu hành, thức tưởng vắng lặng chứng quả A-la-hán.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 17:30 20/12/2024Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh phân biệt về sự thật
Kinh Phật 19:00 19/12/2024Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)
Kinh Phật 10:24 19/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 19:30 18/12/2024Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Xem thêm