Thứ tư, 25/12/2024, 08:42 AM

Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Quang (1895 - 1953)

Hòa thượng Thích Thiện Quang, pháp húy Hồng Xứng, là đệ tử của Tổ Chí Thiền - Như Hiển (1861-1933), tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài là bổn sư của Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

I. THÂN THẾ

Hòa thượng Thích Thiện Quang, pháp húy Hồng Xứng, là đệ tử của Tổ Chí Thiền - Như Hiển (1861-1933), tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài là bổn sư của Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Ngài thế danh Nguyễn Văn Xứng, sinh năm 1895 tại Vồng Keo (nay là ấp Tân Thuận, xã Tân Bình, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre) trong gia đình phú nông giàu đức hạnh.

Thân sinh là cụ ông Nguyễn Văn Chiếu, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Sáng. Ngài là con thứ năm và con trai duy nhất trong bảy anh chị em, lớn lên trong bối cảnh đất nước bị Pháp đô hộ.

Từng tham gia Thiên Địa hội – tổ chức chống Pháp có nguồn gốc từ Trung Hoa, ngài chịu ảnh hưởng sâu sắc từ hoàn cảnh xã hội. Vì hoàn cảnh, ngài lập gia đình và có hai con, sau đó lại đối diện nhiều biến cố, đặc biệt khi lâm bệnh mà thuốc thang không thuyên giảm. Lời khuyên của một vị sư đồng hương đã thôi thúc ngài tìm đến Thất Sơn.

Năm 1918, khi Thiên Địa hội bị đàn áp, ngài thoát được sự truy lùng của mật thám. Một mâu thuẫn nhỏ với Hương quản trong làng đã trở thành sự kiện quyết định. Không chịu khuất phục, ngài rời bỏ tất cả, thu xếp gia đình, tìm về Thất Sơn, bắt đầu hành trình hướng đạo.

II. XUẤT GIA TU ĐẠO

Tìm đến núi Két, ngài được vị sư đồng hương cưu mang, chữa bệnh và dạy nghề thuốc. Bệnh tình thuyên giảm, ngài dần gần gũi chư Tăng, học hỏi Phật pháp, và nhen nhóm ý chí xuất gia khi nhận ra sự vô thường của cuộc đời. Sau thời gian qua lại giữa nhà và núi, đạo tâm của ngài ngày càng vững chắc.

Do núi Két đông Phật tử viếng thăm, lại gần chợ nên Ngài có ý tìm về nơi khác. Sau khi nghe ở núi Kỳ Hương, có chùa Phi Lai, nơi Tổ Chí Thiền - Như Hiển đang giáo hóa, Ngài đã tìm đến quy ngưỡng, được Tổ chấp thuận và bắt đầu thời gian công quả tập sự.

Năm 1925, ngài chính thức xuất gia, được Tổ ban pháp danh Thiện Quang, húy Hồng Xứng, và từ đó tinh tấn tu học tập kinh luật, từng bước xây dựng đời sống phạm hạnh.

III. HÀNH ĐẠO

Hòa thượng vốn trầm lặng, yêu thích sự yên tĩnh để chuyên tâm tu hành. Năm 1927, sau mùa An cư, ngài xin phép Tổ lên núi Cấm, dựng am dưới chân Vồ Bồ Hong để tu tập, chuyên trì chú Đại Bi và niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm đến mức thuần thục, đến độ khi ngủ vẫn niệm.

Sinh thời, ngài nổi tiếng với những hành tung kỳ bí, người thường khó biết. Những việc lớn nhỏ trong chùa ngài thường huyền ký cho biết trước, như việc huyền ký về cuộc đời Hòa thượng Vạn Đức được người đời sau nghiệm lại rất đúng. Ngoài khả năng tiên đoán chính xác, ngài còn có tài trị bệnh, đặc biệt là bệnh tà, bằng những phương thuốc núi đơn giản.

Tiếng lành lan xa, cảm ân đức của ngài, nhiều người tìm đến học đạo, trị bệnh, thậm chí xin xuất gia. Lúc bấy giờ, am tranh nhỏ hẹp, nhờ sự ủng hộ của tín chủ, ngài hưng công xây dựng chùa viện với quy mô lớn, hoàn thành vào năm 1941, trở thành trung tâm đạo pháp quan trọng, tiếp Tăng độ chúng và xiển dương đạo pháp.

Năm 1945, chiến tranh kháng Pháp bùng nổ, núi Cấm trở thành căn cứ kháng chiến. Đến năm 1946, Pháp cưỡng bức người dân rời núi, buộc ngài cùng đồ chúng lánh nạn tại Tri Tôn. Năm 1947, không thể trở lại núi, ngài về chùa Linh Bửu ở Sài Gòn, tiếp tục chuyên tâm tu hành trên căn gác nhỏ, giữ vững tinh thần đạo pháp giữa thời cuộc.

IV. VIÊN TỊCH

​Ngày 20-11-Quý Tỵ (1953) sau khi dự lễ thượng lương nhà bổn đạo về, ngài không chịu ăn, chỉ uống nước. Thị giả dâng cơm, ngài nói: “Ăn cũng vậy, không ăn cũng vậy. Ăn chi, để cho nó sạch.”

Đến ngày 23-11, đồ chúng mời thầy thuốc nhưng ngài từ chối thuốc và nói: “Uống cũng vậy, không uống cũng vậy, uống chi?”

​Ngày 24-11, Ngài bảo với đại chúng: “Mấy đứa bây chuẩn bị, sáng mốt đưa tao về.” Đồ chúng tưởng ngài muốn về núi nên thưa: “Lúc này trên núi còn lộn xộn lắm chưa về được.”, Ngài nói: “Thôi, mấy đứa bây có giỏi niệm Phật đua với tao.”, rồi cùng đại chúng chuyên tâm niệm Phật.

Đến sáng ngày 26-11, ngài ngồi trên giường cùng đại chúng niệm Phật; sau khi niệm to đứt quảng câu hồng danh “Nam-mô A Di Đà Phật” rồi từ từ nằm ngay thẳng xuống giường, an nhiên thị tịch vào lúc 8 giờ 15 phút ngày 26-11-Quý Tỵ (31-12-1953), trụ thế 59 tuổi.

Lễ nhập kim quan diễn ra ngày 27-11, sau 24 tiếng viên tịch nhưng nhục thân Ngài vẫn mềm mại và được an táng tại khu đất sau chùa Vạn Đức, Thủ Đức.​

​Đến năm 1985, Hòa thượng Thích Thiện Thành, trụ trì tổ đình Vạn Linh đời thứ 2, tổ chức thỉnh nhục thân ngài về núi nhưng sự việc không thành, đồ chúng đưa về Sài Gòn hỏa táng, tro cốt được thờ ở tháp Phổ Đồng tại chùa Huệ Nghiêm, Bình Chánh.

​Năm 1995, Hòa thượng Vạn Đức chỉ đạo khởi công trùng kiến tổ đình Vạn Linh. Chánh điện sau khi được hưng công cơ bản hoàn chỉnh, tháp Tổ được kiến thiết sau đó.

​Ngày 24-11-Mậu Dần (1998), Hoà thượng Vạn Đức tổ chức thỉnh Phật lên núi phụng thờ tại chánh điện mới, đồng thời thỉnh linh cốt Hoà thượng nhập bảo tháp. Sau đúng 45 năm, tâm nguyện đã được viên thành; sự nghiệp của Hòa thượng đã được hàng môn hạ tiếp nối, lưu truyền mối đạo từ đời này sang đời khác qua bao thế hệ cho đến ngày nay.

Hòa thượng Vạn Đức đã tóm lược cuộc đời của ngài bằng bốn câu thơ:

Thiện Tự nội tàng thời hản ngộ

Quang truyền ngoại hoá thế đa quy

Vạn Linh sơn trụ khai mông muội

Linh Bửu Tây quy hiển thoại tường.

Tạm dịch

Thiện ẩn bên trong đời ít biết

Quang độ người ngoài lắm kẻ quy

Vạn Linh ở núi khai mông muội

Linh Bửu về Tây hiển điềm lành.

Nam-mô Vạn Linh đường thượng, tự Lâm Tế Gia Phổ, Tứ Thập thế, thượng Thiện hạ Quang, húy Hồng Xứng, Nguyễn Công Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Quang (1895 - 1953)

Chân dung từ bi 08:42 25/12/2024

Hòa thượng Thích Thiện Quang, pháp húy Hồng Xứng, là đệ tử của Tổ Chí Thiền - Như Hiển (1861-1933), tiếp nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài là bổn sư của Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhị Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 1

Chân dung từ bi 09:00 01/12/2024

Thiền sư Thích Thanh Từ là cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, nhà hoằng pháp lớn, dịch giả và tác gia nổi tiếng về Phật học, người có công dịch giải nhiều nhất về thiền tông, người phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp nổi bật cho Phật giáo của Lương Võ Đế

Chân dung từ bi 17:42 29/11/2024

Tài liệu tu học Huynh trưởng Bậc Trì,do Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Hoa Kỳ biên soạn.

Đại Trưởng lão Hộ Tông (1893 -1981) - Sơ tổ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam

Chân dung từ bi 09:30 26/11/2024

Trước khi thị tịch, Ngài rất trầm tĩnh sáng suốt, giảng giải cặn kẽ về thiền an-ban sổ tức cho hàng đệ tử, và nhắc lại lời Đức Phật: “An trú hơi thở là an trú của các bậc Thánh”, rồi Ngài trút hơi thở cuối cùng với một nụ cười điểm trên nét mặt bình an tươi tỉnh.

Xem thêm