Tiểu sử Hoà thượng Thích Thanh Định (1960 - 2024)
Cuộc đời của Hoà thượng là một tấm gương sáng về đạo hạnh, hết lòng hi sinh trong việc lợi đạo ích đời, đặc biệt là có công lao rất lớn trong việc xiển dương Phật Pháp.
TIỂU SỬ HOÀ THƯỢNG THÍCH THANH ĐỊNH
Đạo hiệu: CHÍNH NIỆM (1960 – 2024)
- Nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN;
- Nguyên Uỷ viên Thường trực Ban Hoằng pháp TƯ;
- Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Thái Bình;
- Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Thái Bình;
- Nguyên Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XIII, XIV;
- Nguyên Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình khóa XVII, XVIII;
- Trưởng sơn môn Bộ La – Đa Cốc;
- Nguyên Trụ trì chùa Thánh Long, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình;
- Trụ trì chùa Từ Xuyên, tổ 7, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình;
- Trụ trì chùa Văn Môn, xã Vũ Vân và chùa An Phú, xã Việt Thuận (huyện Vũ Thư).
1. Thân thế:
Hòa thượng pháp danh Quảng Định, đạo hiệu Chính Niệm. Thế danh là Lê Văn Định. Hoà thượng sinh ngày 02/07/1960, trong một gia đình có nề nếp đạo đức gia phong và có truyền thống kính tin Tam Bảo, ở tại số nhà 70, phố Hàng Sắt, phường Nguyễn Du, thành phố Nam Định. Hòa thượng là người con thứ hai trong gia đình có 5 anh chị em, 3 trai, 2 gái. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Hải – pháp danh Phúc Thành. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Thắng – pháp danh Diệu Lợi.
Thuở thiếu thời, Hoà thượng là người rất thông minh sáng dạ, hiếu học và hiền hoà nên được mọi người vô cùng yêu quý. Tuy sinh ra vào thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, miền Bắc vừa được giải phóng, nhưng Hoà thượng với tâm hướng Phật vẫn thường xuyên theo song thân lên chùa lễ Phật, tụng kinh và cho thấy Hoà thượng là người có túc duyên sâu dày đối với Phật pháp.
Khi đến tuổi trưởng thành, nghĩ đến trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc và nhân dân, năm 18 tuổi, Hòa thượng đã lên đường nhập ngũ và đóng quân tại tỉnh Thanh Hóa.
2. Thời kỳ xuất gia tu học:
Sau khi thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc trở về, Hoà thượng thường xuyên đến Tổ đình Vọng Cung (thành phố Nam Định) để thân cận quý Hòa thượng, Ni trưởng, Ni sư, quy y Tam Bảo, học hỏi giáo lý nhà Phật. Đến năm 1988, được sự đồng ý của song thân và dưới sự hướng đạo của cố Đại lão Hoà thượng Thích Tâm Thông, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký HĐCM, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định, trụ trì Tổ đình Vọng Cung, Hoà thượng đã phát tâm xuất gia cầu đạo với cố Đại lão Hoà thượng Thích Nguyên Chất, Thành viên Hội đồng Chứng minh, nguyên Uỷ viên Hội đồng Trị sự, nguyên Phó Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thái Bình (nay là GHPGVN tỉnh Thái Bình), trụ trì Tổ đình Bộ La (chùa Khánh Sơn), xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, được ban pháp danh là Quảng Định.
Năm 1989, sau hơn một năm chấp tác, ngày đêm miệt mài chấp lao phục dịch, hầu cận bên Thầy, sớm khuya nỗ lực kiên trì, tinh chuyên đạo hạnh, làm tròn bổn phận của người đệ tử, cố Đại lão Hoà thượng Thích Nguyên Chất nhận thấy Hòa thượng là người có tâm nguyện dũng mãnh xuất gia, tâm tính đã thuần thục, nên Hòa thượng được Thầy Nghiệp sư cho hạ đao thế phát.
Được thế phát rồi, Hòa thượng tinh tiến học các pháp uy nghi, quy củ thiền gia, thường chính niệm, tỉnh giác trong tứ uy nghi, ngày ngày tu học, chấp tác, chăm nom chùa chiền, "Thượng Tam Bảo, hạ trù táo". Trải qua một thời gian thử thách, tu học không mệt mỏi, năm 1990, Hoà thượng đã được Hoà thượng Nghiệp sư cho đăng đàn thụ giới Sa di tại Đại giới đàn chùa Thánh Long, trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Thái Bình (phường Kỳ Bá, thị xã Thái Bình, nay là thành phố Thái Bình), được ban pháp tự là Thích Quảng Định. Đến năm 1991, thắng duyên đã đến, Hòa thượng được chư Hòa thượng trong Ban Trị sự Tỉnh hội và Thầy Nghiệp sư cho đăng đàn thụ giới Cụ túc tại Đại Giới đàn chùa Thánh Long. Giới đàn do cố Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Bình làm Hòa thượng Đàn đầu, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Hiền làm Thầy Yết-ma A-xà-lê, cố Đại lão Hòa thượng Thích Nguyên Chất làm Thầy Giáo thụ A-xà-lê, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Kỳ, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tịnh và Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục làm Tôn chứng Tăng-già. Từ đây Hoà thượng được dự vào hàng Tăng Bảo, là sứ giả của Đức Như Lai với trọng trách “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sinh”.
Giới châu viên mãn, Hòa thượng càng ra sức tiến tu đạo nghiệp, được Thầy Nghiệp sư rất mực tin yêu. Trải qua thời gian tu tập và hành đạo, Hòa thượng được Thầy Nghiệp sư cho tòng Tăng tham gia các khoá an cư kết hạ tại trường hạ chùa Thánh Long.
3. Thời kỳ hành đạo:
Với tâm nguyện phụng sự Đạo pháp và dân tộc, Hòa thượng được chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình, Tăng Ni trong tỉnh tin tưởng và giao trọng trách đảm nhiệm các công việc trong Giáo hội.
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo huyện Vũ Thư lần thứ I nhiệm kỳ (1992 - 1997), với sự tin tưởng về khả năng lãnh đạo của Hòa thượng, Tăng Ni trong huyện Vũ Thư đã suy cử Hòa thượng giữ chức vụ Trưởng Ban Đại diện Phật giáo huyện Vũ Thư.
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Thái Bình lần thứ III nhiệm kỳ (1992 - 1997) Hòa thượng được Đại hội suy cử giữ chức vụ Phó Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình. Đến năm 1994, giữa nhiệm kỳ III, Hòa thượng được suy cử giữ chức vụ Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình.
Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Thái Bình lần thứ IV, lần thứ V (từ năm 1997 đến năm 2007), Hòa thượng được suy cử giữ chức vụ Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Chánh Thư ký kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình.
Trong ba nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VI, VII, VIII (từ năm 2007 – 2022), Hòa thượng được suy cử giữ các chức vụ như: Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII năm 2017, Hòa thượng được Đại hội tấn phong hàng giáo phẩm Thượng tọa.
Tại Hội nghị thường niên năm 2023 của Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hoà thượng được đặc cách tấn phong hàng giáo phẩm Hoà thượng.
Đến kỳ Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ (2022 – 2027) của GHPGVN tỉnh Thái Bình, Hòa thượng được suy cử vào ngôi Chứng minh Ban Trị sự.
Hòa thượng là một bậc uyên thâm giới luật và trì giới tinh nghiêm. Điều này được thể hiện qua đạo phong cốt cách của Hoà thượng, nhất là đức hạnh khiêm cung. Vì thế, từ năm 2000, Hòa thượng thường được cung thỉnh làm Thầy Tôn chứng Tăng-già, Yết-ma A-xà-lê, Giáo-thụ A-xà-lê trong các Đại Giới đàn của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức để trao truyền giới pháp cho các giới tử Tăng, Ni tu học. Trong các khóa an cư kết hạ của Phật giáo Thái Bình, Hòa thượng luôn được cung thỉnh vào Ban Duy-na, Ban Giảng huấn để lãnh chúng và giảng pháp trong các hạ trường cho Tăng Ni Phật tử trong toàn tỉnh.
Sau khi cố Hòa thượng Trưởng Sơn môn viên tịch, vào năm 1996, tiếp nối nhiệm vụ cao cả của Sư phụ để lại, Hòa thượng được Tăng Ni trong sơn môn cung thỉnh lên ngôi vị Trưởng Sơn môn Bộ La–Đa Cốc. Hoà thượng luôn quan tâm tới các công việc Phật sự của Sơn môn, đi đầu là việc thành lập ban điều hành Sơn môn, ban hành nội quy hoạt động của Sơn môn. Hòa thượng luôn quan tâm và hướng dẫn Tăng Ni trong Sơn môn tu học đúng Chính pháp và thực hiện công tác hoằng pháp lợi sinh.
Để tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Hòa thượng đã tiếp độ được 15 vị đệ tử xuất gia, cho thụ giới Cụ túc trở thành những vị Tăng chúng trong Tăng đoàn Phật giáo. Đồng thời Hòa thượng cũng hướng đạo cho nhiều Tăng, Ni xuất gia đầu Phật. Hiện tại, các đệ tử của Hòa thượng đều đã trưởng thành, có nhiều vị đang tham gia các công tác Phật sự, gánh trọng trách của Giáo hội.
Vào ngày 01 tháng 03 năm Canh Thìn (2000), với lòng tín ngưỡng Phật pháp, nhân dân Phật tử, chính quyền địa phương thôn Duy Tân, xã Hoàng Diệu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình (ngày nay là tổ 7, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) đã đến Tổ đình Bộ La, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, cung thỉnh Hòa thượng về trụ trì chùa Từ Xuyên, phường Hoàng Diệu. Đến năm 2001, Hòa thượng được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình bổ nhiệm Trụ trì chùa Từ Xuyên. Sau khi về chùa Từ Xuyên, Hòa thượng đã giao lại trách nhiệm cho đệ tử trưởng của Hoà thượng là Đại đức Thích Minh Thành làm Trụ trì Tổ đình Bộ La (chùa Khánh Sơn).
Năm 2006, Hòa thượng được công cử ngôi Trụ trì chùa Thánh Long, trụ sở Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Tuy vừa phải điều hành Phật sự tại chùa, lại nhận lĩnh các chức vụ trọng yếu của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà nhưng Hòa thượng luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Ở bất kỳ cương vị nào, Hòa thượng cũng đều tận tâm, nêu gương tiêu biểu trong việc tốt đạo đẹp đời. Hòa thượng đã tham gia làm Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình 2 khóa (từ năm 2004 đến 2011), tham gia Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, huyện trong nhiều nhiệm kỳ, tham gia Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh.v..v.
Với tâm nguyện “Hoằng pháp vi gia vụ, Lợi sinh vi sự nghiệp” và phương châm “phục vụ chúng sinh tức là cúng dàng chư Phật”, Hòa thượng là người khởi xướng thành lập các đạo tràng Phật tử đầu tiên trong tỉnh như: thành lập đạo tràng Bồ tát giới năm 1998 tại Tổ đình Bộ La, thành lập Đạo tràng Phật tử Mai Tâm Tĩnh năm 2007 tại chùa Thánh Long, thành lập đạo tràng Thanh niên Phật tử chùa Từ Xuyên năm 2008 và đưa đạo tràng Phật tử Mai Tâm Tĩnh về chùa Từ Xuyên sinh hoạt tu họcnăm 2009. Từ năm 2010 đến năm 2020, Hoà thượng đã đứng ra thành lập hoặc hướng dẫn Tăng Ni trụ trì các chùa thành lập rất nhiều đạo tràng ở trong tỉnh.
Hoà thượng là giảng sư thuyết pháp cho các khóa tu học của giới cư sĩ Phật tử trong toàn tỉnh. Hoà thượng còn dành thời gian hướng dẫn tín đồ Phật tử thông qua việc chỉ đạo tổ chức, chứng minh tham dự, ban đạo từ tại các đại lễ.
Trên cương vị Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình, Hòa thượng luôn trăn trở làm thế nào để Phật pháp được lan tỏa khắp mọi nơi từ thành phố đến nông thôn, đi vào ngõ ngách các làng quê trong toàn tỉnh. Do đó, Hòa thượng đã đăng cai tổ chức các đại lễ của Phật giáo tỉnh; mở các khóa tu một ngày, khóa tu mùa hè, các lớp học giáo lý; tổ chức lễ quy y Tam Bảo cho hàng nghìn Phật tử khắp mọi nơi; hướng dẫn giảng giải cho nhân dân Phật tử địa phương, thập phương hiểu được chính pháp, hiểu được giáo lý nhân quả biết làm lành lánh ác, góp phần làm cho Phật pháp tại địa phương ngày một hưng long. Thông qua đó giúp cho đời sống văn hóa đạo đức của nhân dân trong tỉnh ngày một phát triển.
Tại chùa Từ Xuyên, mỗi tháng Hòa thượng đã và đang duy trì đều đặn 2 khóa tu một ngày dành cho các Phật tử về tu học, khóa tu Bát Quan trai được tổ chức hai lần trong tháng, các khoá chuyên tu niệm Phật, sinh hoạt đạo tràng Bồ tát giới vẫn được duy trì đều đặn. Khóa tu mùa hè là một mô hình tu học lành mạnh mà Hoà thượng dành cho giới trẻ hàng năm với sự tham gia từ 500 đến 1000 em mỗi khóa.
Mặc dù bận rộn công việc Giáo hội, xã hội nhưng Hòa thượng vẫn dành thời gian để nghiên cứu và giảng các bộ kinh Tịnh độ, xiển dương pháp môn Niệm Phật. Hoà thượng chuyên tâm hành trì 3 bộ kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Di Đà và giảng dạy nhiều bộ kinh khác tại các đạo tràng tu tập trong tỉnh.
Với tâm nguyện mong muốn hành giả tu học pháp môn Tịnh độ vững chắc niềm tin vào phương pháp hành trì và giải nghi trong pháp môn Niệm Phật, Hòa thượng đã biên soạn và xuất bản cuốn sách: “Con đường Tịnh Độ” - tập 1 (năm 2017), tập 2 (năm 2018).
Vào đời bằng hạnh nguyện Bồ tát, Hòa thượng đã tham gia tích cực các công tác từ thiện - xã hội để đem lại an lạc, hạnh phúc cho nhân sinh. Người thường xuyên tổ chức các chuyến từ thiện lên miền cao phía Tây Bắc của Tổ quốc tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Hà Giang… Tại tỉnh nhà, hàng năm Hoà thượng đều tổ chức trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng xe lăn cho người bị khuyết tật, nấu cháo từ thiện phát tại các bệnh viện, xây nhà đại đoàn kết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, Hoà thượng luôn quan tâm và giúp đỡ tận tình để họ vượt qua thời gian khó khăn vất vả.
Từ năm 2002, Hoà thượng thường xuyên dành thời gian về bệnh viện phong Văn Môn (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư) để động viên các bệnh nhân cũng như rất tâm huyết trụ trì, xây dựng ngôi chùa Văn Môn, biến nơi ấy trở thành điểm tựa tinh thần cho những người bệnh đang điều trị tại bệnh viện.
Năm 2017, Hoà thượng thành lập nhóm từ thiện “Mắt Thương Nhìn Cuộc Đời” tại bệnh viện tâm thần thành phố, thực hiện phát bữa sáng cho các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, hoạt động vẫn đang được duy trì đến ngày nay.
4. Công tác xây dựng trùng tu:
Khi Hòa thượng về trụ trì, ngôi chùa Từ Xuyên, phường Hoàng Diệu chỉ là một cổ tự không người trông coi, xuống cấp trầm trọng. Năm 2002, Hòa thượng đã phát đại nguyện trùng tu xây dựng ngôi Đại hùng Bảo điện, đến năm 2005 thì hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Hòa thượng luôn chăm lo để chùa cảnh ngày một khang trang, rộng rãi, làm nơi tu học, hoằng pháp cho Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh.
Ngoài trách nhiệm trụ trì chùa Từ Xuyên, nguyên trụ trì chùa Thánh Long, Hòa thượng còn xây dựng được rất nhiều ngôi chùa cho Phật tử và các đạo tràng tu tập.
Với vai trò của một người trụ trì - sứ giả của Như Lai, đồng thời lại ở trên các cương vị công tác của Giáo hội cũng như của xã hội Hòa thượng vẫn luôn giữ mình trong phạm hạnh thanh tịnh của người đệ tử Phật. Đối với tự thân thì khắc kỷ, đối với người thì rộng lượng bao dung. Luôn từ bi, khoan hòa, nhã nhặn, đãi nhân, tiếp vật, mẫn niệm độ sinh; Cần cù siêng năng hành trì, lễ niệm, tăng trưởng các hạnh lành, lánh xa các điều ác, với cả cuộc đời thanh bần giản dị. Vậy nên Tăng Ni, Phật tử và nhân dân chính quyền tỉnh Thái Bình rất quý mến và dành sự tôn kính đối với Hòa thượng.
Trải qua gần 40 năm tham gia các Công tác Giáo hội, xã hội, các hoạt động từ thiện nhân đạo, Hòa thượng đã được các cấp lãnh đạo, Giáo hội và các cấp chính quyền trao tặng nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương và Bằng Tuyên dương công đức.
Ngày 28 tháng 12 năm 2021, Hoà thượng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong các công tác Phật giáo và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Suốt chặng đường mấy chục năm hành đạo, Hòa thượng luôn sống “Tốt đạo đẹp đời”, làm lợi cho đạo, làm đẹp cho đời. Ở trên mỗi vị trí, dù là đạo hay đời, nhưng Hòa thượng luôn đặt sự cống hiến lên hàng đầu, luôn lấy đức lục hòa để đối nhân xử thế. Nhờ vậy mà các công việc Phật sự cũng như các công việc thế sự Hòa thượng tham gia đã có những đóng góp tích cực đối với đạo pháp và dân tộc.
5. Thời kỳ lâm bệnh:
Thời gian trôi đi, vô thường sinh diệt, năm 2020, sau chuyến Phật sự từ Quảng Trị trở về, Hòa thượng lâm trọng bệnh. Khi đó Hòa thượng còn đương nhiệm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Bình. Hoà thượng đã ủy nhiệm tất cả Phật sự trong Giáo hội cho chư Tôn đức trong Ban Trị sự điều hành và ủy nhiệm lại công tác Phật sự tại các chùa Hoà thượng trụ trì cũng như các đạo tràng tu học tại các chùa cho đệ tử trông nom và phụ trách hướng dẫn, tự thân phát nguyện tịnh tu đến ngày về cõi Phật. Dù bệnh duyên, nhưng Hoà thượng luôn ân cần dạy bảo chúng đệ tử, chư Tăng Ni, Phật tử tu học, trao dồi giới đức, tích cực tham gia các công tác hoằng pháp, từ thiện để lợi đạo ích đời. Mặc dù thân thể có mỏi mệt do tuổi cao và vừa trải qua cơn bạo bệnh, nhưng Hòa Thượng không bỏ một thời kinh Tịnh độ nào, chuyên tâm giữ vững câu Phật hiệu.
Tháng 11 năm 2024, bệnh tình của Hoà thượng trở nặng mặc dù được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thái Bình, môn đồ pháp quyến hết lòng chạy chữa, các y bác sỹ tại các bệnh viện tận tình chăm sóc. Biết không qua khỏi, ngày 17 tháng 12 năm 2024, Hoà thượng gọi chúng đệ tử tới và ân cần chỉ dạy sách tấn các đệ tử tu học, lấy thành kính mà phụng sự Tam bảo, lấy chân thành mà đối đãi nhân sinh, lấy từ bi trí tuệ làm cốt lõi mà độ chúng sinh còn khổ cực, lấy tông chỉ: “Thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” để thực hành tu tập.
Quả thật là:
“Lợi tha hạnh nguyện tròn đầy,
Từ bi tế độ nguyện xây Lạc thành,
Xả thân huyễn mộng chỉ mành,
Tây phương Cực Lạc nguyện sinh liên đài.”
“Sinh tử chính là hai việc lớn, Xuân thu giáo hóa tháng ngày qua”, khi hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, hóa độ chúng sinh của Hòa thượng đã viên mãn thì cũng chính là lúc quy luật sinh diệt của tạo hóa đưa Hòa thượng về Tây phương kiến Phật.
Vào lúc 21 giờ 30 phút, ngày 18 tháng 12 năm 2024 (nhằm ngày 18 tháng 11 năm Giáp Thìn), trong lúc chúng đệ tử và Phật tử đang ngồi xung quanh hộ niệm, Hoà thượng tự tại thuận thế vô thường, trút hơi thở cuối cùng, an nhiên thâu thần thị tịch, nhẹ nhàng như đang vào giấc ngủ thiên thu, trụ thế 65 năm, hạ lạp 38 năm.
Cuộc đời của Hoà thượng là một tấm gương sáng về đạo hạnh, hết lòng hi sinh trong việc lợi đạo ích đời, đặc biệt là có công lao rất lớn trong việc xiển dương Phật Pháp. Tinh thần hoằng pháp độ sinh của Hoà thượng vẫn sống mãi trong lòng Tăng Ni, Phật tử tỉnh Thái Bình và trong lòng đồng bào Phật tử các giới gần xa. Giờ đây, Hoà thượng đã đi vào cõi vô tung bất diệt, để lại vô vàn thương tiếc cho Giáo hội, cho môn đồ pháp quyến và cho quần chúng Phật tử gần xa.
Kính nguyện Giác linh cố Hoà thượng:
Y Bát nhã Tây phương trực chỉ,
Chứng bồ đề nhậm ý tiêu dao.
Bất vong nguyện lực tái hiện đàm hoa,
Tịnh độ, Sa bà tuỳ duyên lai khứ.
Hoá độ chúng sinh tảo đăng bỉ ngạn.
Ngộ vô sở ngộ chi pháp, chứng vô sở chứng chi môn.
Đản đản nan vong, như như bất động”.
Nam Mô Lâm Tế Chính Tông, Nam Thái Bảo Tháp, Bộ La Pháp Phái, Ma Ha Sa Môn, Tỷ Khiêu Bồ Tát Giới, Lê Tộc Tính, Pháp Huý Thích Thanh Định, Đạo Hiệu Chính Niệm Giác Linh, Thuỳ Từ Chứng Giám.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiểu sử Hoà thượng Thích Thanh Định (1960 - 2024)
Tăng sĩ 06:30 24/12/2024Cuộc đời của Hoà thượng là một tấm gương sáng về đạo hạnh, hết lòng hi sinh trong việc lợi đạo ích đời, đặc biệt là có công lao rất lớn trong việc xiển dương Phật Pháp.
HT.Thích Chơn Kim - đời khí phách, tu nghiêm mật
Tăng sĩ 09:47 19/12/2024HT.Thích Chơn Kim thế danh Nguyễn Phúc Liên Phú, Pháp danh Tâm Phú, đời thứ 43 dòng Lâm Tế, xuất thân từ dòng họ Nguyễn ở Gia miêu ngoại trang tỉnh Thanh Hóa. Tiên tổ là ngài Nguyễn Kim bậc đại thần đã tận trung phục hưng lại nhà Hậu Lê là Lê Trung Hưng; tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng cùng 8 đời chúa kế sau đã trấn giữ và mở mang bờ cõi đến tận phương Nam.
Lễ giỗ Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo tại tổ đình Chúc Thánh
Tăng sĩ 13:45 07/12/2024Chư tôn đức Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh sáng 6/12 đã cử hành khóa lễ cung tiến Giác linh Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo và lịch đại Tổ sư, tại tổ đình Chúc Thánh (P.Tân An, TP.Hội An, Quảng Nam).
Thà chết chứ nhất định không phá giới
Tăng sĩ 19:30 27/11/2024“Nếu chết thì xin được chết, chứ không thể phá bỏ giới luật”.
Xem thêm