Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 13/10/2014, 09:19 AM

Tiểu sử Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt (1911 - 1987)

Năm Quý Hợi (1983) sau khóa An cư kiết hạ, Đại giới đàn Pháp Hoa tại Phước Ân Cổ Tự, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

Nhân dịp Lễ tưởng niệm 27 năm ngày viên tịch của cố Hòa Thượng Thích Vĩnh Đạt, vị Tiền bối suốt đời thanh tu tri túc, an bần lạc đạo, uy phong đạo hạnh; hãy cùng bày tỏ lòng tôn kính và tưởng niệm bậc Tôn túc.

Chúng ta cùng nhau thành tâm thắp hương tưởng niệm và ôn lại hành trạng của Ngài để nêu gương sáng cho hàng hậu học :

Hòa thượng thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh tông đời thứ 40, pháp húy Hồng Hạnh, hiệu Vĩnh Đạt, sinh năm Tân Hợi (1911) Niên hiệu Duy Tân năm thứ 11, tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Ngài sinh trong gia đình tộc họ Khổng (do hoàn cảnh đặc biệt, sau khi hoạt động Phật giáo Cứu quốc, mới đổi thành Nguyễn Vĩnh Đạt), gia đình làm nghề nông sùng mộ đạo Phật.


Năm lên 9 tuổi, Ngài xuất gia, thí phát với Hòa thượng Khánh Thông ở chùa Bửu Sơn, (nay thuộc xã An Thuỷ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) và được ban pháp danh Hồng Hạnh.

Hòa thượng Bổn sư cho Ngài thọ giới Sa Di vào ngày mồng một tháng 7 năm Tân Dậu (1921) tại Bổn tự Bửu Sơn do Bổn sư của Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Bấy giờ trong chùa Tăng chúng tu học khá đông, nên được Bổn sư cho Ngài làm Thị giả hầu nhị vị đại lão Hòa thượng Khánh Hòa, chùa Tuyên Linh (nay thuộc xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) và làm Thị giả đại lão Hòa thượng Từ Phong ở chùa Giác Hải, (địa chỉ hiện nay 345/45 đường Hùng Vương, phường 12, quận 6, TP. Hồ Chí Minh).

Năm Tân Mùi  (1931) Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 16, Ngài được thọ Cụ Túc giới, rồi đi tham học các nơi. Bấy giờ bắt đầu có phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ do Hòa thượng Khánh Hòa chủ xướng. Nhiều Phật học đường được tổ chức khắp nơi để đào tạo Tăng tài, quan trọng nhất là Phật học đường Lưỡng Xuyên. Đến đâu Ngài cũng một lòng khiêm cung học hỏi và gìn giữ tốt nếp sống thanh qui tự viện, nên được mọi người mến thương, nhắc nhở.

Năm 24 tuổi (Ất Sửu - 1925) Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 10, Ngài được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp hiệu Vĩnh Đạt và phú pháp truyền đăng:

Hồng huy kế chánh tông
Hạnh hòa phước huệ thông
Vĩnh truyền Tăng tục đạo
Đạt ngộ liễu chơn không.

Ngài Trụ trì các Tự viện trong tỉnh Bến Tre như: Tổ đình Long Khánh (Chùa Ông Đồ) Ấp An Hòa, Xã An Bình Tây, huyện Ba Tri. Chùa Mỹ Thành, Ấp 2, xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri. Chùa Bửu Linh (do Tổ Lê Khánh Hòa sáng lập năm 1908-Cơ sở nuôi chứa chiến sĩ Cách mạng thời kháng Pháp), Ấp 3, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Tiếp đến Cách Mạng Tháng Tám thành công rồi Nam bộ kháng chiến. Ngài cùng toàn dân chống giặc cứu nước. Trong thời gian này Ngài tham gia công tác cho Mặt trận Việt Minh và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bến Tre.

Trong quá trình hoằng dương chánh pháp, hóa độ chúng sinh, với uy phong, đức hóa trong sự nghiệp : “Trụ Pháp vương gia; Trì Như lai tạng” Ngài đã được Giáo hội Tăng già Nam Việt tín nhiệm và bổ nhiệm trụ trì nhiều danh lam cổ tự như chùa Long Phước tại thị xã Vĩnh Long, chùa Vạn Đức nơi đặt Phật học đường Sóc Trăng, Sắc tứ Tam Bảo Cổ Tự, Hà Tiên, (nơi đây Ngài khóa an cư kiết hạ và lớp giáo lý dạy Phật pháp căn bản cho Phật tử vào thập niên 50, thế kỷ 20).

Năm Nhâm Dần (1962), sau khi dự khóa tu nghiệp trụ trì “Như Lai Sứ Giả” tổ chức tại chùa Pháp Hội (Sài Gòn), Ngài được chư Tôn đức Giáo Hội Tăng Già Nam Việt bổ nhiệm về trú trì Phước Hưng Cổ Tự tại thị xã Sa Đéc.

Trong chức vụ trụ trì, Ngài bắt tay vào việc chỉnh đốn lại quy luật thiền môn cho phù hợp với đường lối Giáo hội đương thời, kiến thiết và tu bổ một phần của chánh điện, xây dựng cổng rào, Đông Tây lang, kiến tạo lại các tháp của chư vị trú trì tiền bối, xây thành tượng đài Quán Âm lộ thiên. Ngài còn cho xây Phật học đường chùa Bửu Quang và tháp thờ Xá lợi Phật trong khuôn viên chùa, xây Tăng xá, Pháp Bảo đường để tàng trữ kinh sách, làm cơ sở cho Phật học viện trong tương lai. Công trình này rất qui mô, nên thực hiện trong nhiều năm cho đến cuối đời Ngài vẫn chưa hoàn mãn. Mặc dù chưa hoàn chỉnh hết, nhưng trên đại thể phong cảnh rất đẹp, làm tăng thêm pháp hỷ cho người.

Năm Giáp Thìn (1964), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, Ngài tổ chức khóa An cư kiết hạ tại Bổn tự Phước Hưng.

Năm Quý Sửu (1973) Đại giới đàn do Ngài tổ chức tại Bổn tự Phước Hưng và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

Sau ngày nước nhà thống nhất, năm 1981, Ngài là đại biểu của phật giáo tỉnh Đồng Tháp đi dự Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội vào tháng 11/1981.

năm Nhâm Tuất (1982) Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp được thành lập, Ngài được chư tôn đức Tăng già suy cử ngôi vị Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Tháp, khai mở và chứng minh các đàn giới, các khóa an cư kiết hạ trong tỉnh cho đến ngày viên tịch.
 
Năm Quý Hợi (1983) sau khóa An cư kiết hạ, Đại giới đàn Pháp Hoa tại Phước Ân Cổ Tự, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

Năm 1987, huyễn thân tứ đại đến hồi suy yếu. Dù pháp thể bất an, Ngài vẫn thản nhiên giữ chánh niệm.

Vào đêm rằm tháng 9 năm Đinh Mão (07-10-DL), sau khi tắm gội sạch sẽ, Ngài cho gọi môn đồ đến dặn dò các Phật sự, giao Thượng tọa Thích Thiện Huệ kế thế trụ trì Phước Hưng Cổ Tự và chuyển giao công việc còn lại. Thấy môn đồ buồn khóc trước lúc vĩnh ly, Ngài bèn nhắc lời Cổ Đức rằng:

Sanh tùng hà xứ khứ ?
Tử tùng hà xứ lai ?
Tri đắc lai xứ khứ;
Phương danh học đạo nhơn.

Đọc xong Ngài an nhiên từ biệt đại chúng trong tư thế ngồi trên chiếc ghế gỗ đơn sơ và chân mang đôi guốc gỗ mộc mạc. Lúc đó là giờ Hợi. Ngài trụ thế 76 xuân, giới lạp 56 hạ, pháp lạp 52 thu.

Đương thời Ngài được sự quý mến, tín nhiệm của Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt, và Giáo hội đã bổ xứ Ngài Trụ trì tòng lâm Tự viện khắp các tỉnh thành miền Tây Nam bộ.

Suốt đời Ngài thanh tu tri túc, an bần lạc đạo, uy phong đạo hạnh. Đời sống thật giản dị, quần áo tự may tự giặc. Trong quá trình hoằng pháp độ sinh, dĩ huyễn độ chân qua các phương tiện xem mạch bốc thuốc, phong thủy, địa lý, dùng Mật chú Tổng trì Đà la ni để chữa bệnh điên và trừ tà ma ám nhập…

Thị giả Thích Vân Phong
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Thiện thần bảo vệ người giữ giới

Tư liệu 14:30 24/04/2024

Ngày xửa ngày xưa, ở một nước kia, nhà vua bắt buộc nhân dân phải giữ năm giới. Một người bạn ở nước khác về chơi, vô tình đem một chai rượu biểu Lam Xoa. Lam Xoa nể bạn, cùng nhau ăn uống. Tại vách mạch rừng đem chuyện đến vua. Lam Xoa bị trục xuất ra khỏi nước.

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Xem thêm