Tin vào nhân quả
Tôi lập gia đình tính đến nay đã hai mươi lăm năm. Mười bốn năm tôi làm dâu, mười bốn năm không dài nhưng cũng không ngắn, có đắng, cay, chua, ngọt… như gia vị không thể thiếu cho thực đơn ăn hằng ngày.
Về làm dâu nhưng vợ chồng tôi ăn riêng ngay từ đầu. Ngày đó vào năm 1987, cuộc sống khó khăn, chồng tôi đi bán cà-rem. Tôi ở nhà bán quán nhỏ để nuôi sống gia đình. Nhà chồng tôi cũng chật hẹp, chỉ có nhà trên, nhà dưới chỉ hạ thêm che ngói không có được một cánh cửa để đóng lại khi ban đêm. Tháng mưa dột nát, ngủ phải mua bạc về đậy lên trên cho có chỗ khô ráo mà nằm. Gần chỗ vợ chồng tôi ngủ là cái bếp nấu ăn. Ngày đó, nấu bằng củi. Mẹ chồng tôi làm nghề nấu bánh canh bán nên khuya nào cũng phải ngửi mùi khói. Mẹ chồng tôi rất khó khăn. Tôi luôn cố gắng hết sức mình để vừa lòng mẹ… nhưng kết quả cũng chỉ là con số không. Nhưng câu dân gian người ta thường nói “chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào”.
Chồng tôi rất yêu thương vợ con và rất hiếu tánh ý mẹ mình. Tôi không bao giờ than thở về mẹ chồng tôi với chồng. Ngay cả ba mẹ anh chị ruột của tôi. Tôi sợ ba mẹ anh chị tôi buồn, sợ chồng tôi khó xử “bên mẹ, bên vợ” nên chuyện gì tôi vẫn âm thầm chịu đựng. Và tôi luôn nghĩ “dù sao bà cũng sinh ra chồng mình” nên tôi cố gắng chịu đựng, không bao giờ cãi lại, chỉ im lặng dù bà “chửi chó mắng mèo”. Nhưng rồi có một lần rổ nhựa của mẹ chồng tôi lại lọt dưới nhà hàng xóm. Bà vẫn khẳng định tôi đem xuống nhà hàng xóm bỏ. Bà chửi tôi: “ma quỷ thì ra hàng tre ở, người ta thì ở trong nhà”. Tôi ngồi ngoài quán nước mắt tôi cứ tuôn trào, không nói được lời gì. Mẹ chồng tôi ở trong nhà chửi ra. Chồng tôi đi bán cà-rem về thình lình, chứng kiến mẹ đang chửi tôi, chồng tôi lên tiếng “rổ đó con bỏ chứ không phải nó bỏ đâu”. Tôi biết chồng tôi chỉ muốn mẹ đừng chửi, nên hứng chịu chứ chồng tôi không làm việc đó. Mẹ chạy ra đánh xối xả vào chồng tôi. Chồng tôi nắm tay bà lại để bà đánh không được. Bà nằm xuống la lên “thằng Son đánh tôi”. Cả xóm xúm lại xem. Chồng tôi chỉ nói một câu: “Tôi đánh mẹ tôi thì cả đời này tôi không có chén cơm ăn”.
Cũng chưa vừa lòng bà, bà phát đơn đi kiện… nỗi oan ức không giãi bày được vì làm sao người ta tin được lời chồng tôi. Người ta phải tin mẹ tôi. Chồng tôi đi bán cà rem bị dư luận xầm xì. Về nhà rất buồn. Tôi nói với chồng: “Rồi mọi chuyện sẽ qua anh à. Mẹ có vu khống như thế nào nhưng còn một tòa án lương tâm. Mẹ anh là người hiểu nhất…”. Ngày đó đâu được như bây giờ, có nhà trọ, nhà cho thuê.
Sống chung một nhà một bầu không khí ảm đạm, cũng đành ngậm đắng mà ở chung một mái nhà. Thật tình bà chỉ muốn nhắm vào tôi, chứ không phải con trai bà. Rồi một buổi chiều tôi vừa đứng gần bà, mở cửa củi lấy thức ăn. Bà chửi cạnh khóe “đồ đó cũng chết yểu”. Tôi vẫn lặng thinh không nói gì. Khuya hôm đó, chồng tôi đi lãnh cà-rem. Bà thức dậy nấu bánh canh. Con gái tôi ngủ lại khóc. Tôi dỗ và nói: “Nín đi con. Đừng khóc nữa, khóc sẽ bị chết yểu”. Tôi cố nói cho bà nghe vì sức chịu đựng của tôi đã quá hạn. Bà liền la toáng lên “bớ hàng xóm, có con dâu nào nói vậy không. Tôi mới nói hồi chiều bây giờ nó nói con nó như vậy”. Cả xóm đến nhà xem, tôi quay lại hỏi bà “Hồi chiều má nói ai chết yểu?”. Bà nói: “Tao nói thằng Mỹ” (Mỹ là em út chồng tôi). Tôi nói: “Con tưởng má nói câu này đúng nên con nói theo. Nếu câu này sai thì hai mẹ con mình cùng sửa. Vì con học theo má. Má lấy quyền làm mẹ nói con của má. Con cũng lấy quyền làm mẹ nói con của con”. Cả xóm không ai nói lời gì, lặng lẽ ra về và mẹ chồng tôi cũng vậy. Từ đó, mẹ chồng tôi không chửi bới tôi nữa… tôi lúc đó chưa hiểu gì về đạo pháp nhưng cũng còn một chút phước duyên. Tôi biết tôn trọng người lớn. Tôi nhẫn nhịn được và luôn biết hàm ơn người đã sinh ra và nuôi chồng mình khôn lớn… nên tôi cũng chực mang tiếng là con dâu hỗn.
Tôi còn nhớ câu nói của chồng tôi: “Cũng may là anh gặp được đạo pháp, nếu không chuyện sẽ không dừng tại đây”.
Rồi đến năm 2003, tôi mua một miếng đất cất nhà. Tôi ra riêng thỉnh thoảng về thăm mẹ vì dù sao ba đã mất, mẹ ở vậy nuôi đàn con khôn lớn. Nói thật với lòng mình, tôi thực sự quên những gì mẹ đã đối xử vợ chồng tôi. Tôi chỉ tạm quên thôi. Đến lúc gặp được đạo pháp, học hiểu về “luật nhân quả”, tôi mới thật sự nhổ một cái răng hư tận gốc để tìm thấy sự an lạc và tin chắc rằng kiếp trước tôi đã gây bao điều tội lỗi nên kiếp này cho tôi lại gặp mẹ để trả nợ.
Nay tôi viết bài này, không mang ý nói xấu mẹ, chỉ muốn nói luật nhân quả luôn công bằng. Tôi phát nguyện xin sám hối và xem chuyện đã qua như một ký ức. Đời là vay trả trả vay. Giờ đây mẹ cũng đã yêu thương tôi. Không còn như ngày xưa, chắc là con đã trả nợ hết cho mẹ rồi.
Giờ đây tôi xin phát nguyện sống trong chánh niệm, nói lời ái ngữ, biết lắng nghe, dù chuyện gì xảy ra to tát cũng thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ sẽ thành chuyện không có. Để cuộc đời còn lại tôi không sống trong sự oán thù, giận dữ, cố chấp, tìm được an lạc cho chính mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Những người Thầy khả kính
Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.
Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận
Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.
Xem thêm