Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 06/03/2023, 13:13 PM

Tình bạn giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King chỉ quen nhau vài năm trước khi mục sư Mỹ bị ám sát, nhưng gắn bó nhờ tầm nhìn chung.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ, diễn ra tại thành phố Chicago vào ngày 31/5/1966, do đại diện của Hội Thân hữu Hòa giải tại Mỹ sắp xếp. Hai người đã trao đổi riêng một lúc, thảo luận về cuộc chiến ở Việt Nam, sau đó tổ chức họp báo chung tại Khách sạn Sheraton-Chicago.

Điểm đáng chú ý là không có ghi chú chi tiết về cuộc trao đổi riêng, cũng chưa xuất hiện bản ghi nội dung hay ghi âm họp báo nào. "Chúng tôi đã thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Chúng tôi nhất trí rằng không thể tiến thật xa nếu không xây dựng được một cộng đồng", thiền sư Thích Nhất Hạnh hé lộ về cuộc gặp trong buổi phỏng vấn với người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ Oprah Winfrey năm 2009.

Bằng chứng lịch sử cho cuộc gặp năm 1966 là những bức ảnh chụp Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư King, được coi là biểu tượng cho tình bạn và tình đoàn kết. Họ không phải hai người hoạt động về những vấn đề riêng rẽ, mà cùng chung lý tưởng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (phải) và mục sư Mỹ Martin Luther King (giữa) tại cuộc gặp năm 1966 ở Chicago. Ảnh: Parallax Press.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (phải) và mục sư Mỹ Martin Luther King (giữa) tại cuộc gặp năm 1966 ở Chicago. Ảnh: Parallax Press.

Điều này được thể hiện trong một đoạn tuyên bố chung giữa hai người sau cuộc gặp ở khách sạn Sheraton-Chicago, được ghi lại trong một cuốn sách của tác giả người Mỹ Marc Andrus.

"Chúng tôi tin rằng các phật tử đã hy sinh bản thân họ, cũng như những người ra đi vì phong trào dân quyền, không nhằm mục đích gây tổn hại những kẻ đàn áp, mà chỉ muốn thay đổi chính sách. Kẻ thù của những người đấu tranh cho tự do và dân chủ không phải con người, mà là sự phân biệt đối xử, chuyên quyền, tham lam, hận thù và bạo lực, những điều nằm trong trái tim con người. Đó mới là kẻ thù thực sự, không phải bản thân con người", tuyên bố có đoạn.

"Và chúng tôi tin rằng chỉ trong một thế giới hòa bình, quá trình xây dựng những xã hội tốt đẹp ở khắp nơi mới có thể tiến triển. Chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi mà thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào ngày 1/6/1965 trong thư gửi Martin Luther King: 'Đừng giết người, dù là nhân danh con người. Xin hãy giết những kẻ thù thực sự hiện diện khắp nơi, trong chính trái tim và khối óc của chúng ta'", tuyên bố cho biết thêm.

Đưa ra một tuyên bố chung ngay trong lần gặp đầu tiên được đánh giá là bước khởi đầu phi thường cho quan hệ giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư King. Theo tác giả Andrus, hai người đã bắt đầu một tình bạn ở vị trí trung tâm trong Cộng đồng Yêu thương, tầm nhìn chung về một tương lai mà tất cả sống hòa bình với nhau, mỗi cá thể trong cộng đồng đều được kết nối với xung quanh, mục tiêu mà cả hai đã dành cả đời để cống hiến.Tuy nhiên, cuộc gặp sau đó một năm vào tháng 5/1967 lại là lần gặp cuối cùng giữa hai người. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và mục sư King cùng tham gia một hội nghị tại Geneva, Thụy Sĩ, do Hội đồng Các giáo hội Thế giới tổ chức. Tờ NY Times đưa tin mục sư King khi đó đã "lên án gay gắt" cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành tại Việt Nam.

Tác giả Andrus mô tả đây là cuộc gặp đầy ấm áp và vui vẻ giữa hai người bạn. Theo lời kể của thiền sư Thích Nhất Hạnh, ông được sắp xếp ở tầng 4, còn mục sư Mỹ ở tầng 11 và đã mời ông ăn sáng. Tuy nhiên, thiền sư đến muộn do phải trả lời báo chí.

"Ngài ấy đã giữ ấm bữa sáng và chờ đợi tôi. Tôi cất lời chào: 'Ngài King, Ngài King!', rồi ngài ấy cũng chào lại tương tự", thiền sư Thích Nhất Hạnh cho biết, thêm rằng họ đã tiếp tục thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng, cùng những biện pháp Mỹ có thể thực hiện để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

"Tôi đã nói với ngài ấy: 'Martin, ngài biết không, ở Việt Nam họ gọi ngài là bồ tát đang cố gắng thức tỉnh những chúng sinh khác, giúp họ hướng tới thương yêu và thấu hiểu hơn'. Tôi mừng vì mình có cơ hội nói với ngài ấy điều này, bởi chỉ vài tháng sau ngài ấy bị ám sát ở Memphis", thiền sư Thích Nhất Hạnh cho hay.

Martin Luther King bị ám sát khi đang đứng trên ban công nhà nghỉ Lorraine ở thành phố Memphis, bang Tennessee, vào ngày 4/4/1968. Buổi sáng sau khi nghe tin, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết một bức thư đau buồn gửi tới Raphael Gould, một trong các lãnh đạo của Hội Thân hữu Hòa giải và là bạn chung của ông với Luther King.

"Đêm qua tôi không ngủ được. Họ đã giết Martin Luther King. Họ đã giết chúng ta. Tôi e là gốc rễ của bạo lực đã ăn quá sâu vào trái tim, tâm trí và cách cư xử của xã hội này. Họ giết ngài ấy và cũng dập tắt luôn hy vọng của tôi. Tôi chẳng biết phải nói gì. Ngài ấy đã gây ấn tượng quá tuyệt vời đối với tôi. Sáng nay, tôi cảm tưởng như mình không thể chịu đựng nỗi mất mát", bức thư có đoạn.

Sau này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hồi tưởng lại khoảnh khắc nghe tin dữ trong lúc ông đang ở New York, cho biết ông đã mất ăn mất ngủ vì quá đau lòng.

"Tôi đã thề rằng sẽ tiếp tục xây dựng điều mà ngài ấy gọi là Cộng đồng Yêu thương, không chỉ cho bản thân tôi mà còn vì ngài ấy. Tôi đang làm những việc đã hứa với Martin Luther King. Tôi nghĩ rằng mình lúc nào cũng cảm nhận được sự ủng hộ từ ngài ấy", thiền sư cho biết.

Lúc 0h ngày 22/1/2022, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ở tuổi 96 tại Tổ đình Từ Hiếu, TP Huế, theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai.

Với những hoạt động không ngừng nghỉ, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là một trong những lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất ở phương Tây.

Theo VnExpress

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Tư liệu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Tư liệu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm