Thiền sư Vạn Hạnh - thiền sư tiêu biểu của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi
Vạn Hạnh người họ Nguyễn, quê làng Cổ Pháp, từ thuở nhỏ thông minh siêu dị, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo, xem giàu sang xe ngựa không vào đâu.
Dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi khởi đầu ở Việt Nam vào thế kỷ thứ VI đã tạo một bước ngoặt cho Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó với cuộc sống phục vụ đất nước và dân tộc. Dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi góp phần đào tạo nhân tài cung cấp cho công cuộc vận động độc lập, tự chủ của dân tộc. Vạn Hạnh Thiền sư là linh hồn của dòng Thiền này đã có thái độ ứng xử và hành động của một người thấy xa hiểu rộng, cho những giải đáp thật chính xác như “Nội trong 21 ngày quân Tống phải rút lui” hoặc “phải gấp cất quân đại phá Chiêm Thành ngay, không được bỏ lỡ cơ hội tốt” khi Ngài được các vua Lê hỏi ý kiến.
Vạn Hạnh người họ Nguyễn, quê làng Cổ Pháp, từ thuở nhỏ thông minh siêu dị, học thông Nho, Lão, Phật và nghiên cứu hàng trăm bộ luận Phật giáo, xem giàu sang xe ngựa không vào đâu. Năm hai mươi mốt tuổi ông xuất gia, cùng tu học với bạn là thiền sư Ðịnh Tuệ dưới sự chỉ dẫn của thiền sư Thiền Ông tại chùa Lục Tổ, siêng năng đêm ngày. Sau khi Thiền Ông mất, ông bắt đầu chuyên thực tập về Tổng Trì Tam Ma Ðịa, và sau đó, hễ nói lời gì đều được thiên hạ cho là lời phù sấm. Vua Lê Ðại Hành rất tôn kính ông. Năm 980, Hầu Nhân Bảo của nhà Tống mang quân sang đóng ở núi Cương Giáp Lãng định xâm chiếm Việt Nam. Vua triệu Vạn Hạnh và nói nếu đánh thì thắng hay bại. Vạn Hạnh bảo: Nội trong vòng từ ba đến bảy ngày giặc sẽ rút lui. Lời nói này sau quả ứng nghiệm. Khi vua Lê Ðại Hành muốn can thiệp vào Chiêm Thành để cứu sứ giả Việt Nam bị Chiêm Thành bắt giữ nhưng còn do dự, thì Vạn Hạnh nói đây là cơ hội đừng để mất. Sau quả y lời, trận ấy quân Lê thành công.
Thiền sư Pháp Hiền kế thừa thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi
Trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, Vạn Hạnh đã vận động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách Thiền Uyển Tập Anh nói những loại sấm truyền và tiên tri mà Vạn Hạnh dùng có rất nhiều thứ, không kể ra hết được. Sách này kể ra một vài phương sách đã dùng:
1) Hồi Lê Ngoại Triều đang thi hành chính sách bạo ngược[8], bị thiên hạ ghét bỏ, thì tại Cổ Pháp, có một con chó lông trắng xuất hiện trên lưng nó có hai chữ “thiên tử” lấm tấm bằng lông đen. Thiên hạ bèn đồn rằng con chó là tượng trưng cho năm Tuất, và một bậc thiên tử sẽ sinh vào năm Tuất sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất (năm 1010, năm cách mạng thành công);
2) Sét đánh lên cây gạo do thiền sư La Quý An trồng ngày xưa, in thành chữ. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư nói rằng dân làng đọc được những chữ sau đây trên thân cây gạo:
Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng
Mười tám hạt thành
Cành đông xuống đất
Cây khác lại sinh
Ðông mặt trời mọc
Tây sao ẩn hình
Sáu bảy năm nữa
Thiên hạ thái bình.
(Thọ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Ðông a nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Ðoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình.)
Sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư nói tiếp: “Nhà sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng: Trong câu “thọ căn diểu diểu” chữ căn là gốc, gốc tức là vua, chữ diểu đồng âm với chữ yểu, thế là nhà vua chết yểu; trong câu “mộc biểu thanh thanh”, chữ biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ thanh là xanh, đồng âm với chữ thanh là thịnh, thế là một người trong số quần thần sẽ lên nắm chính quyền; ba chữ hòa đao mộc góp lại là chữ Lê, lạc là rớt, tức là nhà Lê rớt; ba chữ thập bát tử góp lại là chữ Lý; thập bát tử thành là nhà Lý lên; trong câu “đông a nhập địa”, chữ đông và chữ a hợp lại là chữ Trần, nhập địa là người phương Bắc vào cướp; câu “dị mộc tái sinh” tức là họ Lê khác lại nổi lên; trong câu “chấn cung kiến nhật” thì chấn là phương Ðông, kiến là mọc ra, nhật là thiên tử; thiên tử xuất hiện ở phương Ðông; trong câu “đoài cung ẩn tinh” thì đoài là phương Tây, ẩn là lặn, tinh là người tầm thường, người tầm thường mai một ở phương Tây. Mấy câu này có ý nói vua thì non yếu, tôi thì cường thịnh, họ Lê mất họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Ðông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trong vòng sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình”; 3) Trong chùa Song Lâm côn trùng ăn lá cây si thành chữ “quốc” là nước; 4) Ban đêm ở mộ Hiển Khánh Ðại Vương, người ta nghe tiếng thần nhân ngâm kệ từ bốn phương vọng tới, các bài kệ đều báo trước sự lên ngôi của Lý Công Uẩn.
Ngày Lý Công Uẩn được suy tôn hoàng đế trong cung thì Vạn Hạnh đang ở chùa Lục Tổ. Ông biết trước về việc này và nói cho mọi người xung quanh nghe. Họ hoảng hốt chạy về Kinh Sư nghe tin, thì đó quả là sự thực.
. Kiến thức của ông rất rộng: những hiểu biết của ông về Nho học cũng được ông đem ra sử dụng trong phạm vi hành động, và sử dụng trong tinh thần tự do phá chấp của đạo Phật. Thái độ của ông đượm nhuần tinh thần tự do phá chấp ấy. Triết học hành động của ông tóm lược trong câu nói của ông với môn đệ trước khi ông qua đời: “Các vị nên nương tựa vào đâu? Tôi thì tôi không nương tựa vào nơi có thể không nương tựa và cũng không nương tựa vào chỗ không thể nương tựa”. Câu nói này thật là thấm nhuần tinh thần Bát Nhã và cho ta thấy đâu là bí quyết thành công của ông. Ta còn thấy lập trường về triết học hành động của ông rõ ràng hơn nữa, khi ta đọc bài kệ thị tịch ông để lại để dặn dò đệ tử về vấn đề sinh diệt, thịnh suy và thành bại. Ông nói:
Thân như sấm chớp, có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu héo hon
Nhìn cuộc thịnh suy, đừng sợ hãi
Thịnh suy: ngọn cỏ giọt sương hồng.
(Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy, vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.)
Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127) sau này nghe nói đến hành trạng Vạn Hạnh, đã viết bài thơ sau đây để ca ngợi vị thiền sư có công nhất trong buổi đầu lập quốc của nhà Lý:
Hành tung thấu triệt ba đời
Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa
Quê hương Cổ Pháp bấy giờ
Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền.
(Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm cơ
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.)
Bước theo con đường Bát Chánh Đạo mà đức Phật đã dạy, Thiền sư Vạn Hạnh đã hành động theo đúng chiều hướng tiến triển của lịch sử, sáng tạo ra lịch sử đúng với quy trình vận động của nó.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Tông trưởng Thiền Tịnh đạo tràng
Tăng sĩ 10:27 06/11/2024Trưởng lão Hòa thượng đã cống hiến trọn đời mình cho Đạo pháp và Dân tộc, ngài đã đóng góp nhiều công đức trong sự phát triển, ổn định của Phật giáo TP.Hồ Chí Minh. Là bậc Tông trưởng của Thiền Tịnh đạo tràng, ngài là bậc đống lương, nương tựa của tứ chúng, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống thiền môn.
Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức
Tăng sĩ 10:30 01/11/2024Hòa thượng Thích Huệ Cảnh, thế danh Mai Văn Tạo, pháp húy Nhựt Quang, thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ, sinh ngày 12/4/1949 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Sư thầy hai bằng thạc sĩ, lấy bằng tiến sĩ tuổi ngoài 60
Tăng sĩ 09:39 07/10/2024Con đường tu học không điểm dừng, đó là điều nhiều người thấy được từ hòa thượng Danh Lung - trụ trì chùa Chantarangsay, người vừa nhận bằng tiến sĩ dân tộc học ở độ tuổi ngoài 60.
Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực (1931-1995)
Tăng sĩ 14:27 02/10/2024Hòa thượng Thích Chánh Trực là một trong những vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến, lân mẫn và gắn bó với tín đồ ở các hoàn cảnh nguy khốn...
Xem thêm