Tịnh Độ, ngay tại đây và bây giờ
Chúng ta ở nhà hoặc đến chùa học phương pháp niệm Phật hướng về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà, đó là cái phần sự. Ngày hôm nay chúng ta đi qua cái phần lý, thường thường trong Phật pháp thường có sự và lý.
Nếu chúng ta hiểu phần sự mà chúng ta bỏ phần lý cũng không được, nếu chúng ta hiểu phần lý mà bỏ phần sự cũng không được. Cho nên tinh thần trong nhà Phật thường gọi là lý sự phải viên dung.
Bây giờ tôi xin hỏi: “Trong lúc ngồi, quý vị niệm Phật, vậy trong giờ phút thực tại đó quý vị niệm Phật hay Chư Phật, Chư Bồ Tát niệm Phật lại cho mình?”. Mình niệm, hay nói cách khác hơn là mình tự tu, tự chứng nghiệm. Như vậy, dù tu theo phương pháp nào, Tịnh độ, Thiền tông hay Mật tông, thì mỗi người hành giả đều phải bỏ công sức ra tu học mới có kết quả. Tinh thần tu học theo nhà Phật là không chờ sung rụng.
Lục Tổ dạy: “Tịnh độ cách đây không xa, nếu luận về tướng mà nói thì số dặm có mười muôn tám ngàn dăm. Tức là trong thân có mười ác tám tà. Nếu ôm lòng chẳng thiện thì niệm Phật vãng sanh khó mà đến. Nay khuyên thiện tri thức trước nên dẹp trừ thập ác, sau nên dẹp trừ tám tà, bèn qua được tám ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy móng tay liền thấy Đức Phật A Di Đà”.
Mình tưởng rằng Tịnh độ ở nơi nào đó xa xôi nhưng Lục Tổ dạy Tịnh độ cách đây không xa. Mười ác quý vị biết rồi, thân có ba là sát sanh, trộm cắp, tà dâm; khẩu có bốn là nói lời thêu dệt, nói ác độc, nói hai lưỡi, nói thị phi; ý có ba là tham, sân, si. Tám tà là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà mạng, tà nghiệp, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
“Nếu ôm lòng chẳng thiện, niệm Phật vãng sanh thì khó mà đến”, tức là miệng thì niệm mà ba độc tham, sân, si không chừa bỏ thì Ngài nói rất khó vãng sanh đến cõi đó. Chẳng hạn quý vị thích đi du lịch ở bên Mỹ, châu Âu, đến những nơi đẹp, nhưng nếu không có tiền thì làm sao đi được? Hoặc không có hộ chiếu thì cũng không đi được. Những nước đó còn không đến được hà huống là cõi Phật, cho nên nếu tu pháp này mà còn ôm lòng bất thiện thì khó mà đến được. Kể cả người xuất gia, tụng kinh niệm Phật nhiều mà trong lòng chứa đầy tham dục, thấy người khác được hạnh phúc, an ổn mình không thích, thấy người khác được Phật tử thương mến không chịu được, ôm lòng bất thiện hại người thì dù tu đến mấy chục năm, khi chết cũng thẳng xuống địa ngục chứ đừng nói đến vãng sanh về Tây phương tịnh thổ.
Trong Kinh điển, Đức Phật dạy rất rõ, đa phần nói cho người sống phải ráng tu tập, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc với chánh pháp, hãy tự mình làm hòn đảo cho chính mình, toàn là khuyên nhắc quý vị tu lúc mình còn mạnh, đầu óc còn tỉnh táo, sáng suốt, còn đợi đến lúc chết mới cầu siêu thì không chắc chắn. Một người lúc sống chuyên làm ác, giống như hòn đá nặng chìm xuống sống, bảo cầu siêu để hòn đá nổi lên có nổi được không? Không bao giờ, vì không đúng với lời Phật dạy. Đành rằng là phải có trợ duyên nhưng nhân tố chính là lúc còn sống, quý vị biết tu các thiện pháp, ráng tu tập chuyển hóa các niệm bất thiện. Biết được như thế rồi thì quý vị an ổn tu, pháp nào cũng là pháp của Phật, tu pháp nào cũng phải dọn tâm của mình.
“Nay khuyên thiện tri thức trước nên dẹp trừ thập ác, sau nên dẹp trừ tám tà, bèn qua được tám ngàn, mỗi niệm thấy tánh thường hành bình trực, đến như trong khảy móng tay liền thấy Đức Phật A Di Đà”: Chúng ta dẹp đi thì Tịnh độ ở ngay trước mắt, còn bằng không trong thân của chúng ta đầy đủ hết mười ác, tám tà, rất khó đến cõi đó. Sao gọi là tà? Tà nghĩa là khác với chánh. Trong bát chánh đạo đầu tiên là chánh kiến, đến chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh mạng, chánh niệm, chánh định. Tinh thần của nhà Phật dạy cho chúng ta trong mọi hành động hằng ngày, lúc uống nước, lúc đi kinh hành, lúc quét sân, quét nhà… phải chánh niệm. Chánh niệm là gì? Chẳng hạn chúng ta đóng cửa thì đóng nhẹ nhàng, uống nước cũng nhẹ nhàng, đi, đứng, nằm, ngồi cái gì cũng nhẹ nhàng hết gọi là chánh niệm. Tuy nhiên, có người nói, một người ăn trộm cũng có chánh niệm vì trước khi nó muốn vào nhà người ta ăn trộm, nó cũng phải đi nhẹ, mở tủ cũng nhẹ luôn chứ đi nhanh hay lớn tiếng mở cửa thì sẽ bị chủ nhà phát hiện. Vậy quý vị có hiểu cái điểm khác nhau giữa một người ăn trộm và một người công phu tu tập là ở chỗ nào không? Ngay trong giờ phút đó, tuy rằng nó đi nhẹ thiệt, nó mở cửa nhẹ thiệt nhưng mà đó là tà niệm. Nó cũng cố gắng thức đêm, thức khuya để đi ăn trộm thì đó là tà tinh tấn. Rồi nó cũng tư duy là cái nhà này phải ăn trộm làm sao, mấy giờ đi ăn trộm, gọi là tà tư duy. Mà có cái nhìn như thế gọi là tà kiến, trong lúc nó hành nghề ăn trộm gọi là tà nghiệp.
Nếu chúng ta khéo tu, khéo chuyển hóa tâm, mỗi niệm, mỗi niệm thường thấy tánh tức là thấy Đức Phật A di đà. Lục Tổ dạy “mỗi niệm, mỗi niệm thường thấy tánh” là thấy làm sao? Ở đây Lục Tổ chỉ về cái quả cứu kính rốt ráo, còn chúng ta tu nhân thì phải tu như thế nào? Tôi xin kể câu chuyện, ở bên Tây Tạng có một vị Lạt ma tu hành rất miên mật, giới đức trang nghiêm nên được một bà thí chủ mời đến cúng dường cùng với các vị cao tăng khác. Trước khi thọ trai, bà thí chủ mời Ngài đi dạo thăm các kho, khi đến kho trà, Ngài thấy một bao trà thật thơm, Ngài thò tay định bốc nắm trà, vừa lúc đó Ngài la lên liền: “Ăn trộm, ăn trộm”. Bà thí chủ quay lại hỏi: “Ăn trộm ở đâu?”. Ngài chỉ bàn tay của mình nói: “Đây chính là ăn trộm”. Đó là thấy được từng niệm tham của mình, mà thấy từng niệm tham thì còn tham không? Hết tham. Mà hết tham thì Đức Phật A Di Đà có mặt ngay trong giờ phút thực tại này. Nếu mình tu như vậy thì rất là tiến. Đến khi thọ trai, Ngài ngồi cuối bàn, bà thí chủ cầm bình sữa rót vào từng ly từ đầu bàn đến cuối bàn, Ngài khởi niệm “chắc đến lượt mình thì bình sữa hết”. Đến khi bà thí chủ đến chỗ Ngài rót sữa thì Ngài không uống nữa. Bà hỏi tại sao thì Ngài nói là: “Tôi đã uống ly sữa của bà rồi”. Bà lại hỏi: “Ngài uống lúc nào?” Ngài nói: “Hồi nãy bà rót sữa cho từng vị, tôi đã khởi niệm bình sữa này đến tôi thì chắc là hết, cho nên lòng tham của tôi đã uống ly sữa của bà rồi”. Như vậy chúng ta thấy các Ngài chăn và chuyển hóa ngay từng ý niệm. Nếu quý vị trong suốt một ngày tu mà chăn tâm được như thế thì tiến bộ rất nhanh, còn mình lấy đồ rồi về nhà mới ăn năn hối hận thì đã muộn. Như vậy quý vị thấy Tịnh độ hay Thiền, pháp môn nào cũng không ra ngoài con đường Giới Định Tuệ. Nhờ dừng lại không có lòng tham là giữ giới, còn cái gì thấy được niệm đó là Tuệ, còn dừng lại không tạo tác nữa là định.
Cho nên Tổ Đạt Ma dạy: “Phàm niệm Phật tức là thực hành chánh niệm, hiểu nghĩa là chánh, không hiểu nghĩa là tà. Chánh niệm thì được vãng sanh, tà niệm thì làm sao đến được bên đó. Phật tức là giác, là biết rõ thân tâm không để cho việc ác khởi dậy. Niệm tức là nhớ, là nhớ giữ giới hạnh không hư dối. Tinh tấn siêng năng, đó gọi là niệm. Nên biết niệm tại tâm, không niệm nơi lời, dùng nơm bắt cá, được cá quên nơm, dùng lời cầu ý, được ý quên lời”.
Phật tức là giác, nhớ lại ông Phật giác của mình là chánh niệm, là biết rõ thân tâm không để cho việc ác khởi dậy: có nghĩa là lúc mình niệm, hoặc là niệm thiện, hoặc là niệm ác khởi lên, chúng ta đều đưa tất cả vào Vô dư y Niết bàn. Còn trong lúc niệm, những việc ác khởi dậy mà chúng ta duyên theo thì cũng chưa phải là chân chánh niệm Phật. Vì niệm tức là nhớ. Thứ nhất là nhớ giữ giới hạnh không hư dối, cũng là đi trên con đường Giới. Chẳng hạn như sáng hôm nay mình trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì tối về niệm Phật có yên không, có nhất tâm không hay là loạn động vì nhớ các chuyện hồi sáng?
Niệm là tại nơi tâm, chuyển hóa ở nơi tâm, không phải niệm nơi lời, bởi vì tâm chính là gốc của muôn pháp. Nếu như mình niệm suốt mà trong tâm chưa có lần nào chuyển hóa thì cũng chưa phải là niệm Phật chân chánh. Cho nên người tu học với Phật rất là nhiều nhưng hiểu lời của Phật, tu để chứng nghiệm thì rất là ít. Đức Phật cũng đã dạy: “Người học pháp của ta như lông của con bò, mà người hiểu pháp và hành trì pháp của ta thì giống như sừng con bò”. Quý vị thấy lông con bò nhiều hay sừng con bò nhiều? Lông thì nhiều mà sừng có hai. Có một số người có khả năng đặc biệt, thấy được cõi giới vô hình nhưng nếu không thấy được tâm mình thì cũng uổng một kiếp người, bởi vì dù thấy được tam thiên đại thiên thế giới đi nữa cũng là thấy cái bên ngoài, đó là tướng sanh diệt. Chúng ta lừa dối được ai chứ không lừa dối được chính mình, tự mình thấy tâm mình vẫn còn tham lam, tật đố, ích kỷ, thấy để mà chuyển hóa.
Thời Đức Phật tại thế, Ngài A nậu lâu đà thấy một ngàn tiểu thiên thế giới nên đến trình Ngài Xá Lợi Phất. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Dù cho ông thấy hai, ba ngàn tiểu thiên thế giới nhưng chỉ là vỏ cây chứ không phải lõi cây. Lõi cây là làm như thế nào đó để chuyển hóa tham sân si, trở về con đường giới định tuệ. Còn thấy bao nhiêu tiểu thiên thế giới cũng chỉ là tướng bên ngoài sanh diệt. Chừng nào ông thấy được tâm của mình thì hãy đến gặp ta”. Ngài A nậu lâu đà vào rừng quyết tâm tu, quả nhiên ba tháng sau chứng quả A la hán. Chẳng hạn như hàng tháng quý vị về đây tu bát quan trai, mà nghe dưới Châu Đốc có người đi trên nước, bay trên hư không thì quý vị còn ngồi ở đây không hay chạy về đó liền? Phật dạy mình tu ngay ở tâm, dù cho quý vị chứng đắc cũng không nói ra huống là những người nói mình chứng A la hán thì biết là không phải. Người tu Phật chân chánh là tìm ngay nơi tâm mình để dọn.
Một ví dụ khác, bây giờ có một cái ly, bỏ chiếc nhẫn vào trong đó rồi đậy nắp lại. Trong chùa có hai vị sư xuất gia cùng năm cùng tháng, về công phu hai người đều tinh tấn siêng năng như nhau. Quý vị đến gặp ông thầy thứ nhất trước, hỏi: “Trong cái ly này có cái gì?”. Ông thầy trả lời: “Có một chiếc nhẫn”. Quý vị lại cầm cái ly này đến gặp ông thầy thứ hai hỏi: “Trong ly này có cái gì?” Ông thầy thứ hai nói: “Không biết”. Vậy trong hai ông thầy đó, quý vị quý ông thầy nào hơn? Ông thầy thứ nhất phải không? Vì ông có thần thông thấy được chiếc nhẫn. Nhưng đối với tinh thần nhà Phật, nhà thiền, tinh thần Bát Nhã thì dù có thấy xa ngoài chợ hay thấy chiếc nhẫn trong cái ly thì ma quỷ nó cũng thấy, ngoại đạo nó cũng thấy, nhưng dù thấy xa hay thấy gần mà tâm còn đắm nhiễm vào các pháp, mắt mình gặp sắc thì ham thích, khởi niệm ưa muốn thì Phật cũng gọi là con mắt phàm, còn quý vị tuy không thấy được ngoài chợ, không thấy được chiếc nhẫn nhưng mắt mình nhìn sắc mà không đắm nhiễm, không chạy theo, rõ biết được từng niệm để chuyển hóa, thì Phật nói đó là mắt Bát Nhã, mắt Phật, mắt vô nhiễm. Mình tu phải cần điểm đó. Tu như vậy thì đời đời kiếp kiếp hạt giống Phật không mất, còn mình ham thần thông, ham sự biến hóa, thấy cái này cái kia, đó gọi là rớt vào con đường tà, bởi vì “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, cái gì thấy được là có tướng, mà có tướng là hư vọng.
Tổ Đạt Ma nói tiếp: “Nên biết niệm là tại nơi tâm. Đã gọi là niệm danh hiệu Phật thì phải hiểu đạo lý niệm Phật. Nếu tâm không thật thì miệng chỉ là tụng danh hiệu rỗng, ba độc vẫn đến từ bên trong, nhân ngã đầy trong trí nhớ, theo tâm vô minh không thấy được Phật, chỉ là phí công, quả tụng và niệm nghĩa lý riêng biệt, tại lời là tụng mà tại tâm tức là niệm. Niệm từ tâm mà khởi, gọi là cửa vào giác ngộ”.
Niệm từ tâm mà khởi là sao? Đây là vào lý hơi sâu một chút. Chẳng hạn mình ngồi đây, chưa khởi vọng mà câu niệm Phật lúc nào cũng sẵn bật ra, chưa khởi niệm chứ không phải đợi niệm, đợi niệm là muộn rồi. Chẳng hạn nghĩ gì đó, mình niệm Nam mô A Di Đà Phật, thì đó là trễ một đường bước rồi. Còn đằng này, niệm chưa khởi mà luôn luôn vẫn có thì đó là niệm từ nơi tâm. Mà niệm từ nơi tâm khởi thì gọi là cửa vào giác ngộ, không khác gì công án.
“Tụng là ở nơi miệng, tức là tướng âm thanh, bám vào tướng mà cầu lý rốt chẳng được gì. Cho nên biết rằng các vị Thánh trong thời quá khứ tu hành đều không nói bên ngoài, mà chỉ tìm ở nơi tâm. Tâm là nguồn của mọi thiện. Tâm là chủ của vạn đức. Niết Bàn thường vui là do sự dừng nghỉ của tâm mà sanh, ba cõi luân hồi theo tâm mà khởi. Tâm là cửa ngõ của hết thảy, tâm là bến bờ của giải thoát. Biết cửa ngõ đâu còn lo khó thành tựu, biết có bờ đâu có sợ không đến chốn”.
Tổ Đạt Ma dạy cuối cùng cũng quy hướng về tâm, bởi vì sao? Niết Bàn thường vui là do sự dừng nghỉ của tâm mà sanh. Tâm không còn vọng động nữa thì Niết Bàn có mặt. Tâm dừng nghỉ thì tương đương với cõi Tịnh thổ của Đức Phật A Di Đà, ba cõi luân hồi theo tâm mà khởi, ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới khởi từ tham, sân, si. Tất cả từ chư Phật, chư Tổ, chư vị thiền sư, các bậc thiện hữu tri thức cũng đều chỉ mình quy hướng về tâm, chuyển hóa được tâm của mình thì cái thường vui lúc nào cũng có. Quý vị thử nghiệm bữa nào mình không vọng tưởng, yên ổn, tự tại thì ngày đó mình thấy an ổn, thanh thoát, nhẹ nhàng giống như mình được giải thoát. Còn hôm nào tâm mình nghĩ lung tung, nhớ chuyện này, nhớ chuyện nọ thì mình thấy thân uể oải, có gì đó bứt rứt, khó chịu, bởi vì thân bị ảnh hưởng bởi tâm. Tâm an rồi thì nhìn cái gì cũng được an ổn.
Trong Thiền thoại có kể: Một bà lão đến pháp hội của Thiền sư Bạch Ẩn nghe pháp. Thiền sư dạy: “Tâm tịnh thì cõi nước được thanh tịnh. Đức Phật trong mỗi chúng sanh, một khi Đức Phật xuất hiện thì mọi vật trên thế gian đều chiếu ánh quang minh. Nếu ai muốn nhận được điều này phải phản quang tự kỷ đến chỗ nhất tâm bất loạn. Vì tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Vậy làm sao để trang nghiêm tịnh độ? Vì Phật vốn sẵn trong mỗi chúng sanh thì tướng tốt và vẻ đẹp của Phật là gì?”.
Muốn được ở cõi Tịnh độ thì chúng ta phải dọn tâm cho sạch, bởi vì tâm tịnh tức Phật độ tịnh. Muốn nhận ra Phật A Di Đà nơi tự tâm của mình thì chúng ta phải luôn luôn phản quang tự kỷ, tức là nhìn lại chính mình để dọn sạch tâm của mình.
Bà già nghe xong nghĩ: “Điều đó không quá khó”. Trở về, bà quán chiếu suốt ngày đêm, đeo đuổi mãi trong tâm dù ngủ hay là thức.
Quý vị lưu ý, dù tu Thiền hay tu Tịnh, muốn nhận ra được ông Phật nơi tự tâm của mình thì phải hạ thủ công phu, quán chiếu suốt ngày và đêm như bà lão đó. Mình cũng tu nhưng khi niệm Phật, ngồi thiền thì tâm an, còn khi không niệm Phật, xả thiền ra thì chạy theo niệm. Chúng ta tu còn dính mắc rất là nhiều nên đành phải tu từ từ chứ đừng nghĩ rằng pháp này tu sao lâu quá, lại nhảy qua pháp khác. Mình phải tin chắc con đường mình đi thì chắc mới đến. Tôi thấy có người đang niệm Phật rất hăng say, có các vị Lạt ma Tây Tạng đến lại chuyển qua trì chú theo Mật tông, rồi sau các vị Lạt ma về, thấy các sư Miến Điện tới lại chuyển qua tu Tứ niệm xứ. Đi như vậy bao giờ mới đến nơi được. Ở Miến Điện cũng có một bà đến gặp một vị trưởng lão hỏi là tại sao bà tu suốt mà không có kết quả. Vị trưởng lão hỏi: “Vậy bà có tin tôi không?” – “Dạ tin chứ”. – “Vậy bà nhớ ba chữ thôi. Đó là ‘Mặc kệ nó”. Vừa về nhà, chồng bà nói miếng đất ngày xưa bán không được giờ có người định mua rồi. Bà nghĩ mặc kệ nó. Đứa con gái báo tin đã đậu đại học, bà cũng mặc kệ nó. Chuyện gì đến bà cũng chăm chú phản quang, cho đến một hôm khi đang rán con cá, chồng bà nhắc cá bị cháy thì bà nói mặc kệ nó, ngay đó tức khắc ngộ đạo. Quý vị có dám làm như thế không? Nếu chúng ta còn dính mắc nhiều duyên thì chuyện ngộ đạo rất khó đến với mình.
Trở lại chuyện bà lão ở pháp hội Thiền sư Bạch Ẩn. Rồi một hôm, khi đang rửa nồi bà thình lình tỏ ngộ, ném cái nồi qua một bên, bà đến gặp Thiền sư nói: “Tôi bỗng gặp Đức Phật trong thân tôi, mọi vật rạng ngời ánh sáng, thật là kỳ diệu, thật là kỳ diệu”.
Thiền sư nói: Bà nói cái gì cũng sáng, nhưng còn hầm phân của bà thì sao?
Bà già giơ nắm đấm lên, đấm vào mặt Thiền sư nói: Ông già này chưa ngộ.
Thiền sư Bạch Ẩn cười ha hả, ấn chứng cho bà.
Có nghĩa là một khi tâm mình sáng rồi thì thấy cái gì cũng sáng hết, hầm phân, nhà cầu, nhà tiểu cái gì cũng sáng. Nếu một người thực sự buông hết các duyên, sống cuộc đời tự tại thì ở nhà cũng là tự tại, đến chùa cũng tự tại, chứ không phải đến chùa thì vui, tự tại, còn về nhà thì phiền não, khổ đau. Như vậy là vẫn còn có sanh có diệt, có pháp tạo tác. Còn từ nội tâm của quý vị được an ổn, được hạnh phúc, được an vui thì đến đâu cũng được an ổn, an vui hết, đến chỗ nào cũng có Phật A Di Đà. Đó gọi là từ nơi tâm mà hiển bày ra các pháp. Đó là nói về lý Tịnh độ.
Trong Thiền thoại ghi có một vị Tăng hỏi Thiền sư Ran-ji về công dụng Thiền Tịnh khác nhau như thế nào? Sư đáp:
Thiền định và trì niệm
Như hai tòa núi lớn
Căn cơ người sai khác
Phật tánh vốn chung đồng.
Kẻ lên được tận đỉnh
Thấy trăng chiếu muôn nơi
Thương người thiếu tín tâm
Mờ mịt giữa dốc ghềnh.
Chẳng hạn giờ muốn lên núi Châu Đốc thì có rất nhiều đường. Ai thích đi đường nào thì đi đường đó, cuối cùng lên tới đỉnh cũng gặp nhau. Người có duyên tu thiền cũng trở về Phật tánh, người có duyên tu Tịnh cũng trở về ông Phật nơi tự tâm của mình, phóng chiếu ra các pháp thì tự nhiên tâm tâm tương ứng. Người đã sáng mắt thì cười thôi, còn chúng ta chưa sáng mắt, lại không lo tu, không lo chuyển hóa mà ngồi bàn cãi pháp mình hay, pháp người kia dở thì chưa đi được đến đâu hết. Chúng ta phải ngồi yên lại để quán chiếu, nhận diện được tâm của mình để chuyển hóa thì đó là chúng ta có đức tin về pháp. Còn người thiếu đức tin thì như người mờ mịt giữa dốc ghềnh.
Cho nên có một Phạm chí Bà la môn một hôm đến hỏi Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là Bà la môn tranh đấu với Bà la môn?”. Đức Phật trả lời: “Do chấp ngã”. Ông hỏi tiếp: “Bạch Đức Thế Tôn, thế nào là Sát đế lợi tranh đấu với Sát đế lợi?”. Đức Phật trả lời: “Do chấp ngã”. Ông lại hỏi tiếp: “Thế nào là Sa môn tranh đấu với Sa môn?”. Đức Phật trả lời: “Do chấp pháp”. Người đời sở dĩ tranh đấu với nhau là do chấp ngã, còn người xuất gia mà tranh đấu với nhau là do chấp pháp. Giống như câu chuyện một ông vua sai cận thần đi tìm 4 người mù từ nhỏ đến lớn về, mang đến một con voi và hỏi con voi như thế nào? Người thứ nhất rờ trúng cái chân, nói con voi giống như cột nhà, người thứ hai rờ trúng cái đuôi, nói con voi giống như cái chổi, người thứ ba rờ trúng lỗ tai, nói con voi giống như cái quạt. Mấy ông người mù cãi nhau, cho rằng mình đúng người kia sai nên cãi nhau và cuối cùng đánh lộn. Ông vua đứng ở trên cười ha hả, bởi vì ông sáng mắt nên thấy rõ. Bốn người này nói cũng đúng, nhưng chỉ ở một khía cạnh thôi. Ông vua tiêu biểu cho những người sáng mắt, thấy hết.
Tổ Đạt Ma dạy tiếp: “Trong tâm có ba độc là quốc độ nhơ bẩn. Trong tâm không có ba độc là quốc độ thanh tịnh”. Hàng ngày, quý vị bớt tham, bớt sân, bớt si chừng nào thì khi chết được giải thoát chừng ấy, được Đức Phật đưa về cõi tương ưng. Còn trong tâm đầy rẫy những cấu nhiễm, cù cặn thì Phật nói rất là khó đến, cho nên dù tu pháp môn nào cũng phải cố gắng chuyển hóa niệm tham, sân, si.
“Khi không vọng tưởng thì một tâm là một cõi Phật, khi có vọng tưởng thì một tâm là một địa ngục”. Nếu như quý vị ngồi đạt đến nhất tâm bất loạn hay ngồi không dấy một niệm tưởng nào thì đó là cõi Phật. Còn dấy khởi một vọng tưởng thì đó là địa ngục. Quý vị thử nghĩ xem hằng ngày chúng ta ở địa ngục bao nhiêu lần? Còn vọng tưởng vắng bóng thì đó là một cõi Phật. Hàng ngày nếu chúng ta kéo dài thời gian giác, một thời gian nó huân sâu thì những sự kiện, những nghịch duyên khốn cùng trong cuộc đời, nhờ năng lực không vọng tưởng sẽ đánh bạt hết các ác pháp. Cho nên, không ai cứu được mình ngoài chính bản thân mình.
“Chúng sanh tạo tác vọng tưởng do tâm sanh tâm nên thường ở trong địa ngục. Bồ Tát quán sát vọng tưởng chẳng do tâm sanh tâm nên thường ở trong cõi Phật. Nếu chẳng do tâm sanh tâm thì tâm tâm vào không, niệm niệm về lặng, từ một cõi Phật đến một cõi Phật. Nếu do tâm sanh tâm thì tâm chẳng lặng, niệm niệm về động, từ một địa ngục này chạy qua một địa ngục khác”.
Chẳng hạn chúng ta khởi niệm lên rồi chạy theo niệm hoặc ai chửi mình, niệm mình khởi lên, mình thấy mà không chịu dừng, lao theo chửi lại người ta tức là từ tâm này sanh thêm cái tâm khác nữa. Mình tưởng mình đang ở cõi người nhưng suốt ngày vọng tưởng thì thực ra đang ở trong địa ngục. Vọng tưởng khởi lên liên tục mà mình chạy theo là từ địa ngục này qua địa ngục khác, nó tương tục mà mình không chuyển hóa được thì rất đáng sợ. Chẳng hạn mình có niệm tật đố, ích kỷ, san tham, hại người này người kia thì vừa chết liền xuống địa ngục bởi vì nó tương xứng với tâm của mình. Còn Bồ Tát quán chiếu, biết được vọng tưởng không có thật tánh, luôn sống trong ánh sáng Bát Nhã thì tự nhiên vọng tưởng tan biến. Lúc này đang ở trong cõi Phật, đơn giản vậy thôi.
“Nếu một niệm tâm dấy lên tức là có hai niệm thiện ác, có thiên đường, có địa ngục. Nếu một niệm tâm chẳng dấy lên tức là không có hai niệm thiện ác, cũng không có thiên đường, địa ngục. Vì thế chẳng phải có, chẳng phải không, ở phàm là có, ở thánh tức không, thánh nhân không có tâm ấy nên trong tâm rỗng suốt cùng với trời đồng lượng”.
Một ngày, nếu quý vị luôn nhìn lại tâm mình để chuyển hoá thì tu rất có kết quả, chứ không chỉ đợi ngồi thiền mới tu. Quét nhà chúng ta cũng tu, nấu cơm chúng ta cũng tu, rửa chén tu, ngồi trên xe cũng tu, làm cái gì cũng tu, tức là chăn nơi tâm. Tôi hay kể câu chuyện có hai huynh đệ tu trên núi, sư đệ suốt ngày ngồi thiền, ngược lại ông sư huynh thì nằm ngủ, không chịu ngồi thiền. Ông sư đệ chịu hết nổi, cầm cục than viết lên vách tường: “Đời người rất ngắn, sao cứ nằm hoài. Kiếp sau thành rắn, khổ ơi là khổ”. Sư huynh thấy bài kệ đó, lấy cục than ghi kế bên: “Ngồi mãi chẳng nằm, kiếp sau thành cóc. Rầu ơi là rầu”. Quý vị thấy con cóc ngồi hay là nằm? Con cóc ăn cũng ngồi, ngủ cũng ngồi. Ông sư đệ sau khi thấy bài kệ tức khắc đốn ngộ. Nếu chúng ta chấp ngồi thiền, lấy đó là công phu thì cũng không phải, nhưng nếu bỏ ngồi thiền thì cũng không được. Cho nên, ngay chỗ ngồi thiền, chúng ta nhìn lại từng ý niệm khởi lên trong tâm mình để chuyển hoá. Như vậy dù ra vào đời sống hàng ngày nhưng chúng ta vẫn còn năng lượng tỉnh giác của lúc ngồi thiền để hoá giải những chuyện xảy đến với mình trong cuộc đời. Đó là lợi ích của ngồi thiền. Niệm Phật cũng như thế, chứ không phải đợi lúc ngồi xuống mới niệm Phật, còn ngoài lúc đó ra chúng ta vẫn tạo tác ác pháp thì chưa phải là người tu giỏi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm