Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Tinh thần hộ trì chính pháp của cư sĩ Phật tử qua kinh Trường Bộ (II)

Cư sĩ Phật tử là một trong bốn chúng đệ tử của đức Phật, có vai trò rất lớn đối với sự tồn vong của chính pháp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, có rất nhiều cư sĩ phật tử vẫn còn thờ ơ, lãnh đạm, thậm chí không hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với việc hộ trì chính pháp.

Tinh thần hộ trì chính pháp của cư sĩ Phật tử qua kinh Trường Bộ (I)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hình ảnh cư sĩ, Phật tử tiêu biểu hộ trì chính pháp

2.1. Cư sĩ, Phật tử lãnh đạo đất nước

2.1.1. Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la)

Khảo sát qua kinh Trường bộ, vua Bimbisāra xuất hiện trực tiếp và gián tiếp qua năm bài kinh (2, 4, 5, 18, 31). Trong đó, với sự xuất hiện gián tiếp thông qua địa điểm thuyết kinh của đức Phật ở bài kinh số 4 (kinh Chủng đức, Sonadanda Sutta), bài kinh số 5 (kinh Cứu-la-đàn-đầu, Kutadanta Sutta) và bài kinh số 31 (kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Singàlovàda Sutta); thông qua bài kinh số 2 (kinh Sa-môn quả, Sàmanana-Phala Sutta), ta thấy sự xuất hiện gián tiếp của vua Bimbisāra thông qua lời sám hối của vua Ajātasattu với đức Phật.

Với bài kinh số 4, 5, ta thấy được ngoài hộ trì Tam Bảo, vua Bimbisàra rất tôn kính những vị tu sĩ Bà-la-môn, bằng chứng là vua đã dâng cúng nhiều khu đất tốt đẹp đến những vị trưởng lão Bà-la-môn như Kùtadanta và Sonadanda để làm nơi tu tập. Khu đất tốt đẹp ấy được diễn tả là “một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, lúa gạo phì nhiêu, một vương địa do vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la), vua nước Magadha (Ma-kiệt-đà) cấp, một ân tứ của vua, một tịnh ấp.” Nhờ đó đức Phật có sự đối đáp, hàng phục ngoại đạo và thuyết giảng chân lý, rất đông chúng đệ tử được khai ngộ. Đặc biệt, ở bài kinh số 5, đức Phật có trình bày phương pháp trị nước an dân. Người lãnh đạo đất nước phải dùng lòng từ đối đãi với dân, không vì trong nước có loạn trộm cướp mà đánh thêm thuế, hoặc dẹp loạn bằng hình phạt, giam cầm, tử hình… Ở đây, thái độ đúng đắn của người lãnh đạo là cung cấp thực phẩm, lúa mạ cho nông dân, vốn đầu tư cho người kinh doanh, lương bổng cho công chức.

Với bài kinh số 31, đức Phật ngụ tại Veluvana (Trúc Lâm), một tinh xá do vua Bimbisàra cúng dường. Đức Phật thuyết kinh này, nguyên nhân vì khi Ngài đi khất thực và biết được thanh niên Singàlaka với lòng kính tín, theo lời di chúc của cha mình trước khi chết, phải đảnh lễ sáu phương vào mỗi buổi sáng sớm, mà không hiểu biết ý nghĩa của việc làm đảnh lễ này. Đức Phật đã giảng giải một cách cặn kẽ ý nghĩa của việc đảnh lễ sáu phương, tiếp đó Ngài còn giảng giải nhiều vấn đề liên quan đến các mối quan hệ xã hội của cư sĩ, phật tử.

Với bài kinh số 18, nhân vì Ngài A-nan hỏi đức Phật về sự tái sinh của dân chúng ở Magadha và vua Bimbisàra. Khi ấy, có sự xuất hiện của Dạ-xoa tên Janavasabha (Xà-ni-sa), Dạ-xoa này hiện lên với nhan sắc phi thường, ngay cả Tôn giả A-nan khi nghe đến tên Janavasabha thì râu tóc dựng ngược. Dạ-xoa này tự xưng là hậu thân của vua Bimbisàra: “Bạch Thế Tôn, con là Bimbisàra! Bạch Thiện thệ, con là Bimbisàra! Bạch Thế Tôn, nay là lần thứ bảy con được sinh vào giòng họ vua Vessavana (Tỳ-sa-môn Thiên vương). Con chết đi trong địa vị làm vua ở nhơn gian, nay được sinh trên thiên giới, làm bậc phi nhân.”[4] Đức Phật rất dè dặt về những vấn dề tái sinh và chuyện tiền thân, nhưng vì nhân duyên khai ngộ chúng đệ tử hiểu Pháp và khởi lên lòng tin sâu dày nơi Tam Bảo, Ngài đã trình bày một cách khéo léo khi mượn lời của Dạ-xoa Janavasabha.

Theo một số sử liệu, Bimbisāra hay còn gọi là Tần-bà-sa-la (558 – 491 TTL) là vua của nước Magadha, được xem là vi đệ tử tại gia đầu tiên của đức Phật trong tầng lớp Kshastriya giữ quyền thống trị dân chúng. Vua Bimbisāra cũng đã có nhiều đóng góp, bảo trợ cho Tăng đoàn khi đức Phật còn tại thế. Bimbisāra lên ngôi vua năm 15 tuổi và trị vì xứ Rājagaha 52 năm, vua đã mất 8 năm trước khi đức Phật nhập diệt. Vua Bimbisāra có nhiều người con trai, nhưng đáng kể nhất là Ajātasattu – người kế nhiệm của vua Bimbisāra, và Vimala Kondañña được sinh ra từ nữ cư sĩ nổi tiếng của đức Phật là Ambapāli.

Tại Uruvela, đức Phật hóa độ được ba anh em nhà Kassapa và một ngàn đệ tử của họ, đức Phật đã dẫn anh em nhà Kassapa cùng chư đệ tử đi đến Rājagaha của nước Magadha. Vua Bimbisāra nghe tin đức Phật đã đến kinh thành nên dẫn các quan lại, Bà-la-môn đến gặp đức Phật. Trong lịch sử của đức Phật, khi Ngài còn là một vị đạo sĩ, vua Bimbisāra đã từng gặp và cúng dường Ngài khi đang trên đường khất thực. Vua Bimbisāra đã thỉnh đức Phật trở lại viếng thăm vương quốc Magadha sau khi chứng được đạo quả. Do vậy, sau khi giác ngộ, đức Phật đã quay lại Magadha để viếng thăm vua Bimbisāra. Đức Phật đã thuyết giảng Tứ Diệu Đế cho đại chúng cùng nghe, vua Bimbisāra đã đạt được thánh quả Tu đà Hoàn, pháp nhãn thanh tịnh, không còn trần cấu. Sau đó, vua Bimbisāra lạy Phật, thưa rằng ngài đã đạt được năm điều ước khi còn là hoàng tử, đó là: Được lên ngôi vua, được gặp bậc giác ngộ, được tôn kính bậc giác ngộ, được bậc giác ngộ thuyết giảng giáo Pháp, và có thể hiểu được giáo Pháp của bậc giác ngộ. Vua Bimbisāra xin được Quy y với Tam Bảo và cúng dường bữa ngọ trai vào ngày hôm sau. Bên cạnh đó, vua Bimbisāra cũng xin dâng cúng tu viện Veḷuvana, cũng là ngôi tu viện đầu tiên của Tăng đoàn. Nhưng ngay trong đêm, vua Bimbisāra nghe được tiếng khóc kêu thảm thiết ở trong cung, vua vội vã đến bạch với đức Phật, đức Phật dạy: Nguyên nhân là do vua có nhiều quyến thuộc ở nhiều đời bị tái sinh vào loài ngạ quỷ và khuyên vua nên làm phước, hồi hướng công đức cho họ. Một lần nữa, vua Bimbisāra lại thỉnh cúng đức Phật thọ thực vào hôm sau để hồi hướng công đức cho quyến thuộc đã chết của mình. Nhờ công đức ấy, các loài ngạ quỷ vui mừng được tắm ao sen, thọ hưởng thức ăn và đầy đủ các loại vật dụng.[5]

Sau khi trở thành phật tử, vua Bimbisāra đã nổ lực thúc đẩy các thành viên khác trong hoàng tộc theo Phật giáo, điển hình nhất là hoàng hậu Khemā. Hoàng hậu rất tự hào và đắm chìm trong sắc đẹp của mình, vua Bimbisāra đã tìm cách để Khemā đi đến gặp Phật, nghe Pháp.

Khi đến nơi, đức Phật đã cho Khemā thấy được các sự thật của vẻ đẹp con người và những vô thường đoạn diệt của dục vọng. Sau khi nghe Pháp, Hoàng hậu Khemā đã chứng đắc được thánh quả A-la-hán và trở thành vị Tỷ-kheo ni nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo.

Bên cạnh việc tôn kính và cúng dường đức Phật, Bimbisāra cũng rất quan tâm đến Tăng đoàn. Bimbisāra là một trong những vị vua thường hay lui tới để được nghe và học Pháp của đức Phật. Vua Bimbisāra được nhận một ít tóc và móng tay của đức Phật, ông đã cho người xây dựng bảo tháp trong cung điện để cất giữ chúng. Vua cũng thường thỉnh giáo đức Phật về các phương pháp cai trị đất nước theo Phật giáo và thỉnh Phật không cho những người phạm tội trộm cắp, hay trốn ngục trong hoàng gia được xuất gia làm Tỳ Kheo. Bên cạnh đó, Vua Bimbisāra cũng thỉnh đức Phật tập hợp Tăng đoàn vào mỗi nữa tháng một lần để tụng đọc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa.[6] Đó được gọi là hành sự Uposatha (Bố tát) cho chúng Tăng.[7]

Đến cuối đời, hoàng tử Ajātasattu nghe lời xúi giục của Devadatta mà giành lấy vương quyền của vua Bimbisāra. Vua Bimbisāra đã làm lễ giao quyền và để hoàng tử Ajātasattu kế vị, nhưng lại bị hoàng tử giam trong ngục cho đến chết. Với tinh thần từ bi, thấm nhuần giáo lý nhân quả nghiệp báo, vua Bimbisāra đã không trách giận Ajātasattu, Devadatta hay những vị đồng mưu; vào những giờ phút cuối đời, ông chỉ ngưỡng vọng về núi Linh Thứu thành tâm quy ngưỡng Tam Bảo. Từ đó, ta mới thấy được cách hành xử cao thượng của những người đệ tử thấm nhuần giáo lý Phật đà.

Từ những vấn đề trên, ta có thể rút ra nhận xét về tinh thần hộ trì chính pháp của vua Bimbisāra: Về phương diện cá nhân và gia đình: Khi chưa Quy y Tam Bảo, vua Bimbisāra là người phóng túng, đắm chìm hưởng thụ vật chất và nữ sắc. Nhưng khi trở thành cư sĩ, phật tử, Bimbisāra dần hoàn thiện các nhân cách cao thượng, tiết chế trong năm dục, thấm nhuần lối sống từ bi-trí tuệ, chuyên tâm thực hành các Pháp mà Đức Thế Tôn và chư Thánh đệ tử giảng dạy.

Kết quả ông trở thành bậc Thánh Dự Lưu và đang hướng đến thành tựu Thánh quả Nhất lai. Với những người thân trong gia đình ông hết mực thương yêu, nếu có vấn đề gì khúc mắc, ông sẽ tìm cách tháo gỡ. Hơn thế nữa, ông còn tạo mọi điều kiện để gia quyến tìm hiểu, có cơ hội gặp gỡ đức Phật cũng như Tăng đoàn để học hỏi và thực hành Pháp. Ông là một người cha, người ông mẫu mực để con cháu kế thừa noi gương theo cả về lối sống thanh cao, đạo đức tăng thượng khó ai sánh phần và phương thức trị nước-an dân, dùng chính pháp để trị nước. Với tư cách là một người chồng, kể từ khi biết đến Phật Pháp, ông chấm dứt đời sống trăng hoa, không còn dang díu với những nữ nhân bên ngoài, thay vào đó ông sống chung thủy, hết mực thương yêu người bạn đời của mình.

Về phương diện xã hội, ông là bậc minh quân, dùng chính pháp trị nước, thương yêu dân như con, tạo mọi cơ hội để người dân ổn định đời sống gia đình, phát triển kinh tế, nhà nhà ấm no hạnh phúc. Ngược lại, những người thân xung quanh và dân chúng hết mực cung kính, tôn trọng, quý mến vua Bimbisàra, đã có những lời ca tụng, tán thán công đức vua trong nhân gian như sau: “Vua Seniya Bimbisàra xứ Magadha, sống như Pháp, dùng Chính pháp trị nước, có lòng thương tưởng các vị Bà-la-môn, Gia chủ, dân chúng thị thành và dân chúng thôn quê”. Thật khó có vị vua nào hoàn thiện được cả về phương diện tự lợi và lợi tha như vua Bimbisàra.

Về phương diện đạo Pháp, ông là một cư sĩ, phật tử thuần thành, hết lòng giữ gìn, xây dựng và phát triển giáo Pháp. Tinh thần hộ trì chính pháp đáng được ca tụng, như một tượng đài, ngọn đuốc lớn thắp sáng cho những thế hệ sau quy ngưỡng và làm theo. Vua ra sức bố thí, cúng dường tứ sự, tinh cần học, thực hành Pháp, góp ý thiết lập giới luật và bảo vệ Tăng đoàn. Công hạnh của vua dược dân chúng ca tụng: “Vị Vua này cũng tin tưởng Phật, tin tưởng Pháp, tin tưởng Tăng và giới luật đầy đủ… Cho đến khi mệnh chung, vua Seniya Bimbisàra xứ Magadha luôn luôn tán dương Thế Tôn”. Với tư cách là một vị vua, thành phần trí thức lãnh đạo đất nước theo Chính pháp, vua Seniya Bimbisàra thật xứng đáng để biểu dương, làm khuôn mẫu để những cư sĩ, phật tử về sau noi gương.

2.1.2. Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc)

Khảo sát qua kinh Trường bộ, ta thấy sự xuất hiện của vua Pasenadi qua các bài kinh số 3 (kinh A-ma-trú, Ambattha Sutta), 4 (kinh Chủng Đức, Sonadanda sutta), 5 (kinh Cứu-la-đàn-đầu, Kutadanta sutta), 12 (kinh Lô-hi-gia, Lohicca Sutta), 23 (kinh Tệ Túc, Pàyàsi Sutta), 27 (kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Agganana Sutta).

Thông qua bài kinh số 3 và 12, ta thấy được vua Pasenadi là một người người rất quý trọng những vị xuất gia tu hành, dù ở bất kỳ tôn giáo, học thuyết nào vua đều hoan hỷ cúng dường, chu cấp tức sự; bằng chứng là vua Pasenadi đã chu cấp cho Pokkharasàdi và Lohica những khu đất màu mỡ, tốt tươi để làm nơi tu hành; tuy nhiên, ngoại trừ đức Phật và Tăng đoàn, vua luôn giữ thái độ chừng mực, không có sự thân cận với những vị Bà la môn hay các tôn giáo khác.

Với bài kinh số 4, 5, thông qua lời kể của hai vị Bà la môn là Sonadanda và Kutadanta, ta thấy được những phẩm hạnh cao quý của vua Pasenadi khi hết lòng tôn Đức Như Lai: “Này các Hiền giả, thật vậy, Sa-môn Gotama được vua Pasenadi nước Kosala kính trọng, tôn sùng, chiêm ngưỡng, kính lễ trọng vọng.” [8] Ở bài kinh số 27, qua lời dạy của đức Phật, càng xác chứng hơn sự cung kính, tôn trọng của vua Pasenadi dành cho đức Phật và Pháp do Ngài tuyên thuyết.

Vua Pasenadi cũng là một vị đại thí chủ trong hàng vua chúa của đức Phật, ông trị vì xứ Kosala. Vua Pasenadi là anh của hoàng hậu Videhi, vợ của vua Bimbisara; vua Ajātasattu là cháu của vua Pasenadi; vợ của vua Pasenadi là hoàng hậu Malika. Hoàng hậu Malika là người rất kính tin Tam bảo và cũng là người hướng dẫn vua Pasenadi quy y với đức Phật. Sau khi quy y, vua Pasenadi có nhiều hỗ trợ đóng góp cho đức Phật và cũng như Tăng đoàn.

Vua Pasenadi đã từng khởi binh chiến tranh với cháu trai của mình là vua Ajātasattu vì cái chết của em gái – hoàng hậu Videhi. Đức Phật đã hai lần đứng ra giải hòa cho mâu thuẫn của hai nước. Một lần, đức Phật đã dạy cho vua Pasenadi nên từ bỏ hận thù, từ bỏ chiến tranh để được sống an lạc hạnh phúc hơn. Đức Phật còn dạy vua Pasenadi về luật nhân quả của việc xâm lăng, cướp bóc người khác.

Trong Tương Ưng bộ kinh, vua Pasenadi đã đi đến với đức Phật và thưa hỏi đức Phật về đạo quả của đức Phật khi tự cho mình đã đạt được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Đức Phật đã giảng cho vua Pasenadi về bốn loại tuổi trẻ (còn nhỏ) không nên kinh thường hay miệt thị, đó là khattiya (hoàng tử trẻ), con rắn nhỏ, ngọn lửa nhỏ và Tỷ-kheo trẻ.  Sau khi nghe bài pháp thoại này, vua Pasenadi sinh lòng hoan hỷ và quy y Tam Bảo.

Khi hoàng hậu Mallikā sinh được tiểu công chúa, vua không vui vì điều đó. Đức Phật cũng đã dạy cho vua Pasenadi về cách nhìn nhận khác trong việc phân biệt đối xử trong giới tính. Khi bà nội của vua Pasenadi chết, vua buồn phiền và đi đến thưa đức Phật cách nào để  lấy lại sự sống của những người vua yêu thương. Đức Phật an ủi vua Pasenadi rằng: tất cả chúng sinh đều phải chết, cái chết luôn hiện hữu trước mắt và không ai thoát khỏi cái chết. Ngoài ra, vua Pasenadi hay đi đến đảnh lễ đức Phật, thỉnh pháp và nghe được rất nhiều pháp thoại của đức Phật về các đề liên quan đến tâm, con người và đất nước.

Phải nói vua Pasenadi rất may mắn, vì có cơ hội được tiếp xúc, thân cận, học hỏi giáo Pháp với đức Phật và chư Tăng rất nhiều (trong kinh Tương Ưng, có nguyên một chương Tương Ưng Kosala nói về sự trao đổi giáo Pháp giữa đức Phật và vua Pasenadi).  Ban đầu, vì chưa đạt được chính tri kiến, nên nhà vua có những tư tưởng lệch lạc với chính pháp, đôi khi có những hành động sai lầm, suýt gây nên tội ác. Như chuyện thiết lễ tế đàn, giết hại rất nhiều sinh vật; hay chuyện luyến mộ một phụ nữ đã có chồng và có ý định tư thông, vua tìm cách giết hại người chồng; cho đến sự ăn uống vô độ, sinh ra nhiều tật bệnh… Nếu không được những người thân xung quanh can ngăn, cùng với sự khuyên giải, giảng dạy của đức Phật thì vua Pasenadi hẳn là một người ác.

Vua Pasenadi có một hoàng tử tên là Vidudabha (Tỳ-lưu-ly), mẹ của hoàng tử thuộc dòng dõi Sakya nhưng lại là con của một nô tỳ. Cho nên, khi hoàng tử Vidudabha biết được thân thế của mình và bị ngoại tộc phân biệt đối xử, hoàng tử rất tức giận và nuôi ý định trả thù. Về sau, khi vua Pasenadi vào hầu chuyện với đức Phật tại Medatalumpa, tướng quân Dīgha-Kārāyana đã tiến hành đảo chính, tôn Tỳ Lưu Ly lên làm vua. Sau khi kết thúc cuộc hội kiến và bái biệt đức Thế Tôn, nhận ra tình hình nguy cấp, vua Pasenadi không quay trở lại Sāvatthī, mà ngay tức khắc cùng với người hầu gái cưỡi ngựa thẳng đến Rājagaha nhằm tìm sự trợ giúp từ vua Ajātasattu. Do tuổi già, cộng với khoảng cách quá xa, khi đến Rājagaha thì trời tối nên cổng thành đã đóng, chính vì vậy vua Pasenadi đã đột ngột băng hà trong trước cổng thành Rājagaha.[9] Khi chiếm được vương quyền, không lâu sau Tỳ Lưu Ly tiến hành các cuộc chinh phạt đẫm máu dòng tộc Sakya.

Xét về phương diện cá nhân và gia đình, vua Pasenadi là người có nhân cách cao thượng, từ ái, thành tựu những phạm hạnh tốt đẹp do Thế Tôn chỉ dạy. Bên cạnh đó, đối với những người thân trong gia đình, vua đã tạo mọi phương tiện tốt nhất để ai cũng có thể Quy y Tam Bảo, thực hành lời dạy của đức Phật, như việc cho phép con trai của mình là Brahmadatta xuất gia và Tôn giả này đã chứng đắc quả vị A-la-hán[10]. Đúng như lời nói của vị Bà la môn Sonadanda và Kutadanta về vua Pasenadi: “Này các Hiền giả, thật vậy, vua Pasenadi nước Kosala, cùng với vương tử, cung phi, thị tùng đều quy y Sa-môn Gotama.”[11]

Xét về phương diện xã hội, nhờ Thập vương pháp đức Phật chỉ dạy[12], vua Pasenadi là một vị vua từ ái, hết lòng thương yêu dân chúng, quần thần, ngay cả với kẻ thù và nghiêm minh trong phép nước. Với trí tuệ của mình, vua không để ai phạm phải án oan và cực kỳ sáng suốt trong cách phân xử.[13] Nhằm giữ gìn kỷ cương, phép nước, đối với những kẻ phạm trọng tội, vua đã dùng những hình phạt hết sức nghiêm khắc để răn đe.[14] Những việc làm của vua Pasenadi giúp quốc gia Kosala phồn thịnh, dân chúng an hòa. Mặc khác, vì Kosala là nơi có các Tinh xá lớn, đức Phật và chư Tăng hay cư ngụ để thuyết giảng chính pháp, nhờ đó dân chúng có cơ hội học hỏi, thực hành Pháp và Luật do đức Thế Tôn giảng dạy.

Xét về phương diện đạo Pháp, vua Pasenadi là một cư sĩ, phật tử thuần thành, tận tụy trong việc bảo vệ thanh danh của đức Phật Tăng chúng, áp đảo mọi hành động bôi nhọ, xuyên tạc Phật giáo. Bên cạnh đó, vua còn góp phần xây dựng Luật Tạng về việc không cho Tỷ-kheo tắm giỡn dưới nước, nếu làm phạm Ưng Đối Trị. Với phương diện vật chất, vua Pasenadi cho xây dựng Tinh xá Rājakārāma [15] để chị của mình là Sumanā và chư Ni ở Rājagaha có chỗ cư trú, tu tập. Vua còn nhiệt tâm hộ trì tứ sự đến đức Phật và Tăng đoàn. Với phương diện tu tập, vua Pasenadi là người ưa thích học hỏi và thực hành Pháp, hễ có điều gì bất trắc trong đời sống khi cai trị đất nước, hoặc chỉ đơn giản là muốn bỏ ác-làm lành, tăng tiến trên đạo lộ tâm linh, vua đều tìm cách gặp đức Phật cùng chư Tăng để thưa hỏi giáo Pháp, lắng nghe một cách chân thành, thực hành một cách miên mật. Như kinh Trường bộ đã nêu, vua hết sức tôn kính Phật và Pháp, vô cùng quý trọng chư Tăng, luôn dành những phần ưu ái nhất đối với Tam Bảo. Có thể nói, vua Pasenadi là một tấm gương sáng để các thế hệ về sau học hỏi về phương diện hộ trì chính pháp.

2.1.3. Vua Ajātasattu (A-xà-thế)

Khảo sát qua kinh Trường bộ, ta thấy sự xuất hiện của vua Ajātasattu qua bản kinh số 2 (kinh Sa Môn Quả, Sàmanana-Phala Sutta) vài bài kinh số 16 (kinh Đại Bát Niết-bàn, Mahà-Parinibbàna Sutta).

Với bài kinh số 2, Ajātasattu ý thức thấm thía về tội ngũ nghịch, chỉ vì lòng tham và sự ngu muội, đã giết cha, hại mẹ, Ajātasattu rơi vào trầm cảm nặng nề. Mặc dù được quần thần tìm kiếm những vị danh y chữa trị, hay giới thiệu những vị tu hành có tiếng để vua yết kiến, giải tỏa tâm bệnh, nhưng không thể chữa trị tâm lý “kẻ trực tiếp giết cha, gián tiếp hại mẹ” của mình. Về sau, y sĩ Jīvaka đã khích lệ tinh thần của Ajātasattu rằng: Đức Phật là đấng giác ngộ, Ngài sẽ tha thứ cho lỗi lầm của vua. Do vậy, vua cùng Jīvaka đi đến diện kiến đức Phật, học Pháp, hiểu Pháp và xin sám hối với Thế Tôn: “Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chân chính, để đạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chận về tương lai”[16], vì sám hối đúng Pháp, đức Phật đã đồng ý nhận lời sám hối chân thành của vua. Từ đó, Ajātasattu Quy y đức Phật và Tăng đoàn, trở thành đệ tử tại gia của Ngài. Hơn thế nữa, khi Ajātasattu ra về, đức Phật còn khẳng định với đại chúng: “Này các Tỷ-kheo, tâm vua ấy rất ăn năn, này các Tỷ-kheo, tâm vua ấy rất hối lỗi. Nếu vua ấy không hại mạng vua cha, một vị vua rất chân chính, thì tại ngay chỗ ngồi này, vua ấy đã chứng được pháp nhãn, không trần cấu, không ô uế”.[17]

Với bài kinh số 16, không bao lâu sau trước khi Phật nhập Niết bàn, Ajātasattu cử đại thần Vassakāra đến xin ý kiến của đức Phật nên đi đánh lại người Vajjian không. Đức Phật đã nói bảy pháp khiến đất nước được hưng thịnh của người Vajjian, nên không thể tấn công được người Vajjain. Tuy nhiên, đức Phật cũng nói rằng: Ajātasattu sẽ có cơ hội đánh thắng người dân Vajjain khi họ từ bỏ lối sống hiện tại của họ. Ba năm sau, Ajātasattu đã đánh thắng người Vajjian vì Vassakāra đã gieo hạt giống bất hòa giữa người dân Vajjian.

Theo một số sử liệu, vua Ajātasattu là con của vua Bimbisāra và hoàng hậu Videhi. Tên “Ajātasattu” có ý nghĩa là kẻ thù của cha mình khi được sinh ra. Vua Ajātasattu trị vì được 32 năm và 8 năm trong thời kì đức Phật còn tại thế. Lúc còn trẻ, Vua Ajātasattu là một vị vua hùng mạnh của vương quốc Magadha và cũng bị tác động rất nhiều bởi Tỷ-kheo Devadatta trong giáo đoàn của đức Phật.

Có một thời kì, Vua Ajātasattu đã bị điều phục bởi năng lực siêu nhiên của Devadatta, nên Ajātasattu trở thành một người đệ tử hết sức tận tụy của Devadatta. Vua Ajātasattu đã xây dựng cho Devadatta một tu viện tại Gayāsīsa, và cung cấp đầy đủ các vật dụng cho giáo đoàn của Devadatta. Bên cạnh đó, Ajātasattu đã nghe lời xúi giục của Devadatta, dẫn hành động ngũ nghịch là âm mưu giết cha (vua Bimbisāra) để giành lấy vương quyền. Mặc dù biết Ajātasattu có ý xấu như vậy, vua Bimbisāra vẫn giao lại ngai vàng cho con. Bị quyền lực che mờ đôi mắt tuệ, cũng như nghe những lời xúi giục bất chính, Ajātasattu tống giam cha mình vào trong ngục tối. Vua Bimbisāra bị cấm không cho ai vào thăm trừ hoàng hậu Videhi. Vì thương chồng, hoàng hậu tìm đủ mọi cách để đem thức ăn vào cho vua Bimbisāra, ngay cả việc trét bơ sữa vào người mà vẫn bị phát hiện. Đến cuối cùng, vua Bimbisāra phải chết trong ngục tối. Không những thế, Devadatta còn sai khiến Ajātasattu mọi cách, trong đó có việc dùng voi say để ám hại đức Phật nhưng không thành.

Sau khi vua Bimbisāra chết, Hoàng hậu Videhi (em gái của vua Pasenadi) cũng chết theo vì quá đau khổ trước cái chết của chồng. Do vậy, vua Pasenadi đã phát động chiến tranh với nước Magadha do vua Ajātasattu trị vì, trải qua nhiều trận chiến dằng co, vua Ajātasattu bị bắt sống. Để giữ mối quan hệ hòa bình và tính mạng, vua Ajātasattu đã cưới con gái vua Pasenadi làm vợ.

Xét về phương diện cá nhân và gia đình, Ajātasattu như một chúng sinh điển hình đam mê quyền lực và danh vọng, khi lý trí bị lu mờ, bị những ác tâm chi phối, sẽ sẵn sàng làm tất cả nghiệp ác để đạt được mục đích mà không màng đến hậu quả. Nhưng thẩm sâu trong tâm mỗi con người đều hàm chứa Phật tính-tức tâm thuần thiện và có khả năng thành Phật, Ajātasattu cũng không ngoại lệ. Thẩm sâu trong tâm khảm Ajātasattu là một người con hiếu thảo, biết lắng nghe và thực hành những Pháp thiện, chỉ vì gặp nhân duyên xấu ác nên mới có những hành động bất thiện.

Như đức Phật đã từng dạy, trên đời có hai hạng người đáng quý: Một là không bao giờ phạm phải lầm lỗi, hai là phạm lỗi nhưng biết sám hối; Ajātasattu là một người đáng quý trọng, mặc cho trước có làm việc ác, khi trở thành người con Phật vua đã hết sức ăn năn và hối cải, trở thành một con người mới, ra sức hướng thượng, hướng thiện, thành tựu đạo đức Phạm hạnh và những nhân cách cao thượng. Mặc khác, đối với vợ con của mình, Ajātasattu hết đỗi thương yêu và bảo bọc. Khi thấy vua một lòng sám hối và hướng đời sống đến đời sống Thánh thiện, những người thân xung quanh vua dần có được cảm tình và yêu quý vua như xưa.

Xét về phương diện xã hội, khi trở thành người con Phật, vua Ajātasattu đã xây dựng một quốc gia hùng mạnh, trị nước bằng chính pháp, khuyến khích người dân làm thiện. Giữ gìn, phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp trong nước như kính trên, nhường dưới, hiếu thảo cha mẹ, tôn kính các bậc sư trưởng…

Xét về phương diện đạo Pháp, Ajātasattu là một cư sĩ, phật tử thuần thành, với những phẩm hạnh tốt đẹp đáng để học hỏi. Tiếp nối vua cha, Ajātasattu ra sức hộ trì tứ sự cho đức Phật và Tăng đoàn, vua sẵn sàng đứng ra bênh vực và bảo vệ Tam Bảo khi bị ngoại đạo hay người thế gian xuyên tạc. Bên cạnh đó, vua còn tinh tấn tu học không có biếng lười. Mặc khác, sau khi đức Phật nhập diệt, vua Ajātasattu đã sai sứ giả đến nhận một phần xá lợi của Ngài và xây bảo tháp thờ cúng tại Rājagaha. Đồng thời sau hai tháng đức Phật nhập diệt, chính vua Ajātasattu đã bảo trợ cho công cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, nhằm xác chứng lại những lời dạy của đức Phật và chư Thánh đệ tử trong suốt 45 năm thuyết Pháp độ sinh.[18] Thật quý giá thay, trước là một người lầm đường lạc lối, sau khi sám hối đã trở thành Pháp khí trong Phật Pháp, có những đóng góp không hề nhỏ trong phong trào hộ trì chính pháp, như người truyền cảm hứng cho những thế hệ về sau.

(Còn tiếp)

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Nghiên cứu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Nghiên cứu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm

Nghiên cứu 08:10 01/11/2024

Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.

Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa

Nghiên cứu 13:20 29/10/2024

Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.

Xem thêm