Toa thuốc trị bệnh tham
Trước khi nói cách đuổi, tôi giải thích rõ tham có nhiều loại. Thông thường có năm thứ: tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực, tham thùy. Đó là năm thứ tham. Năm thứ tham này phải trị bằng thuốc gì?
Trước tiên, tôi nói về con rắn tham.
Muốn đuổi rắn tham ra khỏi nhà thì phải dùng thuốc gì?
Trước khi nói cách đuổi, tôi giải thích rõ tham có nhiều loại. Thông thường có năm thứ: tham tài, tham sắc, tham danh, tham thực, tham thùy. Đó là năm thứ tham.
1. Người tham tiền của nhiều thì dùng thuốc bố thí để trị.
Tại sao bố thí lại trị được bệnh tham tiền của? Bởi vì tham nên được ít muốn nhiều, được nhiều muốn nhiều hơn nữa. Như gia đình mình mỗi tháng có một triệu bạc thì sống thoải mái, nếu tháng đó có được triệu rưỡi thì sao? Dư năm trăm phải không? Người tham khi dư năm trăm, liền muốn kiếm thêm năm trăm nữa cho được hai triệu.
Do đó để trị bệnh tham, Phật dạy phải bố thí.
Khi dư năm trăm, chúng ta xem ai nghèo thiếu, ai khổ hơn mình thì giúp cho họ. Bố thí như vậy vừa được việc lợi ích cho người, vừa hết lòng tham cho mình. Có dư liền cho thì đâu còn tham, dư mà tích lũy hoài thì đó là tham.
Nên trong kinh Phật thường dạy, lòng tham như túi không đáy, bỏ bao nhiêu nó cũng tuột hết, không biết tới đâu là đầy, tới đâu là đủ.
Vì vậy chúng ta có dư nên giúp người nghèo thiếu, đó là biết trị bệnh tham tài.
2. Tham sắc dùng thuốc gì để trị?
Nếu người tham sắc phải dùng thuốc quán bất tịnh để trị.
Quán bất tịnh có hai cách:
Một là quán nơi thân mình có ba mươi sáu vật nhơ nhớp.
Hai là quán thân người chết, từ khi mới tắt thở lần lần tới sình thối v.v... quán như vậy sẽ hết tham sắc.
Tại sao?
Vì thấy thân này nhơ nhớp, bẩn thỉu đáng gớm thì thân người khác cũng nhơ nhớp, bẩn thỉu như thế, có gì để yêu thích.
Nói tóm lại thân mình, thân người chỉ là một cái bô đậy kỹ vậy thôi. Quý vị nghĩ trong nhà có một cái bô đã khó chịu rồi, huống là thêm hai, ba cái nữa thì đáng gớm không?
Khi đức Phật gần thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ma vương đến phá Ngài bằng cách hiện hình những thiếu nữ kiều diễm ca múa, để Ngài nhớ trở về hoàng cung.
Ngài liền quở: "Đi, các ngươi là đãy da hôi thúi. Ta không có dùng". Chúng hổ thẹn rút lui hết.
Sau đó, chúng hiện ra một đám đầu trâu mặt ngựa hung dữ, cầm gươm giáo bao vây muốn khiến cho Ngài run sợ.
Nhưng đức Phật chỉ an ở trong chánh định, không thèm nghĩ, không thèm thấy nó. Lát sau, bọn chúng cũng bỏ đi.
Nên trong kinh nói rằng, đức Phật dùng cung Thiền định, kiếm trí tuệ mà dẹp tan ma quân.
Chúng ta tu là dùng thiền định, trí tuệ để dẹp sạch ma quân.
Nhưng bây giờ có nhiều người ngồi Thiền hoặc niệm Phật bắt ấn, đọc chú hoặc vẽ bùa để trấn ma.
Đó là đã đi lệch hướng rồi.
Chúng ta phải dùng Thiền định, dùng trí tuệ để dẹp ma chớ không phải dùng bùa, dùng chú.
Bùa chú như vậy là lạc vào ngoại đạo rồi.
Quý vị nhớ phải thật kỹ.
Nói thân này nhơ nhớp, có người không bằng lòng, vì họ cho rằng mình vệ sinh sạch sẽ thì làm sao nhơ nhớp được?
Tôi nói một thí dụ rất đơn giản để minh chứng điều này. Nếu thân này sạch thì nó luôn toát ra mùi thơm như hoa sen rồi, chúng ta đâu cần phải dùng xà bông thơm.
Nhưng vì nó hôi quá nên phải dùng xà bông thơm, dùng nước hoa cho bớt hôi.
Vì biết mình nhơ nhưng muốn giấu, không cho người ta biết nên dùng cái này cái kia để khỏa lấp đi. Đó là chúng ta chưa thấy lẽ thật.
Thêm một điều nữa, biết rõ thân mình nhớp nhúa, nhưng nghe ai nói: "Chị này hôi quá" thì buồn liền.
Sự thật mình nhớp nhưng nghe người ta chê lại buồn.
Như vậy rõ ràng chúng ta không dám nhìn nhận sự thật.
Chúng ta chỉ tưởng tượng chứ không thấy đúng lẽ thật.
Người biết tu rồi phải nhìn thấu đáo sự thật. Thân này nhớp nhúa, chúng ta nhận là nhớp nhúa nên nghe ai chê, mình chấp nhận đúng như vậy.
Chúng ta kiểm lại từ đầu đến chân có cái gì không nhớp đâu.
Như quý nhất là con mắt, nhưng khi ghèn cháo đổ ra có gớm không? Rồi đến lỗ mũi, nước mũi chảy ra có gớm không? Kế là miệng, miệng khi khạc nhổ ra rồi, có can đảm liếm lại không?
Như vậy tất cả từ đầu đến chân toàn là nhơ nhớp, mà chúng ta cứ tưởng nó sạch.
Tưởng tượng thì không phải lẽ thật. Đó là cái thấy sai lầm, không có trí tuệ.
Chúng ta biết rõ thân này nhớp nhúa, mà đã nhớp nhúa thì tại sao lại mê đuổi theo nó?
Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai, nếu người bệnh tham ái trầm trọng, thấy ai cũng dễ thương hết, thì Phật dạy quán thây chết.
Từ lúc mới tắt thở cho đến một giờ, hai giờ, tới bầm xanh rồi sình lên v.v...
Bây giờ nói gần nhất như người thân của mình, hoặc anh em cha mẹ, khi tắt thở chừng vài chục tiếng đồng hồ, mình dám lại gần không?
Đó, lúc sống là cha, là mẹ, là anh, là em mà chết liền thành thây ma, gớm sợ đủ thứ hết.
Như vậy mới thấy rằng thân đó không thật quý. Nếu thật quý thì chúng ta đâu có sợ.
Phật bảo ai bệnh nặng về sắc, thì phải luôn luôn quán thân là nhớp nhúa. Từ tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, ba mươi sáu vật xét cho thật kỹ, vật nào cũng nhớp hết. Quán như vậy mà không hết bệnh thì phải quán thây chết. Đó là cách trị bệnh tham sắc.
Lâu nay quý vị có trị bệnh đó chưa?
Tu mà không chịu trị bệnh, nên bệnh còn hoài.
Rồi than sao tôi tu lâu quá mà những thói xấu không chịu hết. Vì có chịu quán đâu, không chịu uống thuốc mà cứ đọc toa thuốc của Phật suốt ngày thì làm sao hết bệnh được.
Đó là bệnh thứ hai.
3. Bệnh tham danh.
Tham danh tức là muốn được chức phận cao, muốn được người ta khen ngợi v.v...
Phật dạy bệnh tham danh lấy thuốc vô thường để trị.
Giả sử người ra ứng cử Tổng thống được đắc cử, người đó hưởng địa vị ấy bao lâu? Bốn năm, tám năm rồi cũng hết.
Sau đó cũng thành thường dân trở lại, đâu có bền, đâu có lâu dài mà phải chịu bao nhiêu thứ khổ sở. Đó là dùng thuốc vô thường để trị bệnh tham danh. Song muốn uống cho hết gốc thì phải thêm thang thuốc quán "khổ" nữa.
Bởi vì người cầu danh trước khi được cũng khổ, sau khi được cũng khổ. Như trước khi được làm Tổng thống phải vận động, chạy ngược chạy xuôi cầu mong người ta bỏ phiếu cho mình, vận động là khổ rồi.
Đến khi đắc cử Tổng thống có vui không? Phải lo đủ thứ việc, rồi lại sợ người ta đoạt mất ghế nữa. Đó, được và gìn giữ cho đừng mất cũng khổ. Đến khi lỡ rớt xuống có khổ không? Khổ.
Như vậy quán ba thời đều là khổ: trước khổ, giữa khổ, sau cũng khổ.
Một cái vô thường mà muốn được, phải khổ như vậy thì muốn làm gì? Muốn được khen ngợi làm gì, muốn chức tước cao làm gì?
Nhờ quán như thế, tự nhiên mình hết tham danh vọng chức tước cao.
Đó là phương thuốc trị bệnh tham danh.
4. Bệnh tham ăn.
Bệnh tham ăn này ai cũng có hết.
Ăn thì muốn ăn thật ngon, cho vừa với cái lưỡi tham vị ngon. Bệnh tham ăn này phải dùng thuốc gì để trị? Phải dùng hai thứ thuốc trị mới lành.
Thuốc thứ nhất là quán thức ăn nhơ nhớp, không sạch.
Khi còn ở trên mâm, nó thơm tho hấp dẫn, nhưng nhai nuốt rồi nó mất.
Sau khi mất, tới hồi trả ra rất ghê gớm.
Như vậy nó có thật ngon không? Nếu thật ngon thì trước sau đều ngon. Khi đem vô ngon, lúc trả ra cũng phải ngon. Nhưng đằng này đem vô thì ưa, mà đem ra thì gớm. Như vậy đâu phải thật ngon.
Đó là nói tiêu hóa được, còn như không tiêu hóa, ăn vô khỏi cổ mà bao tử không chịu chứa, bắt ụa ra thì có gớm không?
Như vậy ngon chỗ nào? Chúng ta xét thức ăn nhơ nhớp không có gì quan trọng, ăn để sống chớ không phải ăn để tìm vị ngon.
Mà không tìm vị ngon thì bớt tham ăn.
Thuốc thứ hai, chúng ta xét thức ăn ngon chỉ có mấy phút ở lưỡi thôi, khi nuốt vô rồi liền hết ngon. Cái ngon đó là cảm giác tạm bợ, vô thường, không lâu bền. Vì vô thường nên không quan trọng. Lại thêm nữa, nếu người có tiền của dư dả, muốn ăn gì đều được nấy.
Ăn đủ thức ăn ngon sẽ dẫn đến kết quả mập phì, bị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, đủ thứ bệnh v. v…
Như vậy ăn càng ngon thì càng khổ, càng bệnh chớ có lợi gì đâu.
Tóm lại, cái mà chúng ta nói ngon đó không phải là lẽ thực, không phải là kế lâu dài, chỉ là tạm bợ.
Nếu chúng ta lệ thuộc nó thì phải khổ thôi. Quán cái ngon là vô thường, là nhơ nhớp thì lần lần hết tham muốn ăn ngon.
Như vậy dùng thuốc quán vô thường, quán bất tịnh để trị bệnh tham ăn.
5. Bệnh tham ngủ.
Bệnh này trong chùa dễ mắc lắm.
Vì phải thức khuya dậy sớm, nên người nào tham ngủ nhiều sẽ khó thức lắm.
Hồi tôi còn ở trường, có mấy huynh đệ thường dặn:
"Khuya nhớ kêu tôi dậy đi công phu nghe". Tới khuya đánh kẻng tôi kêu, lắc qua lắc lại một hồi, huynh ấy nói đau đầu quá, rồi ngủ ót không thèm dậy công phu luôn.
Đó là bệnh tham ngủ. Bởi tham ngủ nên mất hết thì giờ tu hành của mình.
Làm sao để trị bệnh tham ngủ?
Muốn trị bệnh này, cũng có hai thứ thuốc.
Một là thuốc vô thường.
Hồi xưa, mỗi khi tụng kinh thường nghe câu: "Thị nhựt dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư... " nghĩa là ngày nay đã qua, mạng cũng theo đó mà giảm, như cá cạn nước…
Như vậy cuộc sống thật ngắn ngủi, thật tạm bợ mà mình cứ lo ngủ, tức là giết hết thì giờ quý báu rồi. Cho nên phải siêng năng thức dậy tu.
Hai là lấy roi tinh tấn để đánh ma ngủ.
Nghe tiếng kẻng, chưa chịu dậy thì phải rầy cho nó trỗi dậy liền.
Tu hành mà lười biếng là cái nhân đọa vào đường ác. Nên phải mạnh mẽ, phải tinh tấn, nhắc như vậy cho mình cố gắng lên.
Đó là dùng thuốc tinh tấn và thuốc quán vô thường để trị bệnh lười biếng. Nhờ thế ma ngủ lui mất.
Tóm lại, để trị năm thứ bệnh tham đó, chúng ta phải biết và dùng các toa thuốc như sau:
Tham tài dùng thuốc bố thí.
Tham sắc dùng thuốc quán bất tịnh.
Tham danh dùng thuốc quán vô thường và quán khổ.
Tham ăn dùng thuốc quán bất tịnh và quán vô thường.
Tham ngủ dùng thuốc quán vô thường và roi tinh tấn.
Trong năm thứ tham này không ai giống ai, kẻ tham thứ này, người tham thứ kia, không giống nhau.
Cho nên mỗi thứ đều có thuốc để trị.
Như vậy là trị được bệnh tham.
Trị được bệnh tham là đuổi con rắn tham ra rồi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đại sư, Pháp sư, Thái sư nghĩa là gì?
Kiến thức 20:26 24/12/2024Đại sư, Pháp sư, Thái sư là những danh từ chúng ta thường gặp trong các sách về Phật giáo, Đạo giáo và lịch sử.
Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni (bản tiếng Việt)
Kiến thức 10:00 24/12/2024Thần chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni còn gọi là Tối Thắng Phật Đảnh Thần Chú, được đức Thế Tôn thuyết trong kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni. Thần chú này rất mầu nhiệm, oai lực bất khả tư nghì, độ thoát chúng sinh trong sáu đạo luân hồi và lần lượt đều được chứng quả giải thoát.
Tâm chú Lăng Nghiêm có lợi ích vô cùng
Kiến thức 09:35 24/12/2024Nếu sáng sớm bạn tụng niệm Chú Lăng Nghiêm một lần, sau đó tụng tâm Chú 108 lần, thì sẽ được phước báu vô lượng vô biên. Cho nên nói, nếu bạn trì tụng Chú Lăng Nghiêm, thì đời sau sẽ đắc được giàu sang phú quý bảy đời.
Ngũ giới là gì?
Kiến thức 09:20 24/12/2024Sau khi chúng ta quy y Tam bảo, cần phải thực hành những lời Phật dạy, những giới điều để ngăn ngừa việc ác, thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo đức, nhân cách của người Phật tử.
Xem thêm