Tôn giả Potthila và bài học bắt dế, quan sát vọng niệm
Potthila là vị giáo thọ của một tăng đoàn ở tịnh xá Ðại Lâm. Ngài tinh thâm tam tạng, uy nghi cốt cách sư phạm rất đường bệ. Chỉ hiềm một điều là tôn giả chưa chứng quả, dù Ngài đã được đức Phật cắt đặt công việc trùng tuyên kinh luật cho một hội chúng tỳ kheo đông đảo.
Vì thế, mỗi lần tôn giả Potthila đến hầu thăm Phật, Đức Thế Tôn liền gọi một cách thân ái lẫn trêu chọc:
- À đây! Cái ông sư rỗng đã đến!
Và khi tôn giả cáo từ, Ngài liền bảo đại chúng:
- Cái sư thầy rỗng đó đi rồi!
Những lời nói này lọt vào tai tôn giả Potthila khiến cho Ngài vô cùng đau xót. Biết Đức Từ phụ muốn sách tấn mình, tôn giả Potthila lấy làm bối rối, không biết làm cách nào đề hạ thủ công phu sao cho thành một ông sư “đặc” hẳn hoi.
Cho đến một hôm lòng buồn tột độ, tôn giả bỏ hội chúng vào rừng. Nhà sư đáng thương này đi hoài đi mãi cho thật xa cái nơi mà uy danh giáo thọ đã làm Ngài cực lòng khôn tả đó. Và cuối cùng tôn giả gặp phải 30 vị La Hán đang ẩn cư trong rừng, vốn là học trò cũ của Ngài.
Tôn giả Potthila đến đỉnh lễ với vị thủ tòa, khiêm tốn xin vị này chỉ cho cách hạ thủ công phu.
Vị thủ tòa mỉm cười:
- Ồ! Làm sao tôi dám làm điều đó, bạch thượng tọa? Khi Ngài là vị giáo thọ của tôi.
Tôn giả bị đẩy xuống đệ nhị tòa cũng bị từ chối. Cuối cùng, tôn giả đến trước vị La Hán thứ 30, nhỏ tuổi nhất, mới lên 7, van nài một cách khẩn thiết:
- Bạch đại đức! Xin đại đức thương xót chỉ cho con cách “hạ thủ công phu”.
Vị La Hán trẻ tuổi im lặng tiếp tục vá áo. Tôn giả Potthila tiếp tục van nài một cách tuyệt vọng, đến nỗi vị thánh tăng tí hon này phải mở lời:
- Ồ! Thượng tọa, tuy ngài nói thế nhưng tuổi tác và sở học của tôi kém ngài rất xa. E rằng lời tôi hãy còn nhẹ lắm liệu ngài có tin nổi hay không?
- Bạch đại đức! Lòng con tha thiết khẩn cầu. Mỗi lời chỉ bảo của đại đức là một lời vàng ngọc đối với con, thì dù đại đức bảo con nhảy vào lửa con cũng “y giáo phụng hành”.
- Thôi, đừng nhảy vào lửa, đằng kia có cái hồ nước mát, thượng tọa thử nhảy xuống xem.
Vị La Hán chưa dứt lời, tôn giả Potthila đã nhảy ùm xuống nước. Ðợi tôn giả Potthila vừa ngoi đầu lên, vị La Hán trẻ dõng dạc ra lệnh:
- Hãy leo lên đây!
Tôn giả Potthila lồm cồm bò lên, vị thánh tăng lại bảo:
- Nhảy xuống hồ mau!
- Leo lên đây!
Sau khi bắt tôn giả Potthila nhảy xuống leo lên hơn 3 lần như thế, vị thánh tăng mới đến ngồi kiết già trên một tảng đá, và tôn giả Potthila ướt như chuột lột, thành kính quỳ trước mặt La Hán giảng giải:
- Này Thượng tọa, lúc còn sống đời tại gia ta thường chơi đá dế với bạn, thượng tọa có biết con dế không?
- Thưa biết ạ!
- Ồ, tốt lắm. Giả sử như có một cái hộp vuông chứa đầy dế. Nếu cái hộp ấy có 6 cửa, cửa nào cũng để hé ra hết, thì các chú dế sẽ thò râu hoặc chân tay ra ngoài các cửa ấy. Có phải thế không nào?
- Thưa vâng!
- Và nếu cửa ngỏ nào mở rộng thì có thể các chú dế sẽ chui ra mất theo các cửa ấy phải không?
- Thưa đúng như vậy.
- Bây giờ, muốn quan sát các chú dế ấy cho kỹ, chúng ta có thể bịt kín đi năm lỗ, chỉ chừa một cửa thôi. Và nhìn chăm chăm vào cửa ấy. Thượng tọa có theo kịp không?
- Thưa kịp ạ!
- Chỉ nhìn thôi chứ không thò tay chân vào trong hộp ấy nhé…
- Vâng!
- Nhìn thật rõ ràng, chăm chú vào các sinh hoạt của bầy dế trong hộp, ta sẽ biết rõ về chúng hơn, từng đứa một, dế than, dế lửa, dế cơm, tất cả đều rõ ràng tách bạch đấy nhé!
- Thưa vâng!
- Này Thượng tọa, các cửa của cái hộp dế ấy dụ cho 6 căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của ta… Những vọng tưởng lao xao và rộn ràng không khác nào bầy dế kia. Muốn điều phục chúng không cách nào tốt hơn là giảm bớt các hoạt động của ý thức, bình thản nhìn một cách rõ ràng chăm chú như đứa trẻ chơi dế nhìn bầy dế lao xao trong hộp. Có thể nào Thượng tọa áp dụng trò chơi này một cách bình an, thoải mái, quan sát theo dõi những vọng niệm của mình mà không xen vào những ước muốn lấy bỏ, loại trừ chăng?
- Bạch đại đức, con đã hiểu rồi…
Và tôn giả Potthila, sau khi từ giã 30 vị La Hán, đi tìm một trú xứ thích hợp để tọa thiền. Ðể khuyến khích tôn giả, Ðức Thế Tôn gửi đến một bài kệ:
“Tu thiền trí huệ sinh
Bỏ thiền trí huệ diệt
Biết con đường hai ngả
Ðưa đến hữu, phi hữu
Hãy tự mình nỗ lực
Khiến trí huệ tăng trưởng.”
(Pháp cú 282)
Chẳng bao lâu, tôn giả Potthila đắc quả A La Hán. Từ dạo đó Ðức Phật không trêu Ngài là “ông sư rỗng” nữa.
Thích Nữ Như Thủy
(Nguồn: Hư hư lục)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm