Chủ nhật, 11/11/2018, 17:35 PM

TP.HCM: TT.Thích Chân Quang thuyết giảng tại chùa Từ Tân

Sáng ngày 27/10/Mậu Tuất (04/11/2018), nhân Khóa tu thiền hàng tháng tại chùa Từ Tân (số 90/153 Trường Chinh, P.12, Q. Tân Bình, Tp.HCM), TT.Thích Chân Quang, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã thuyết giảng về đề tài “Bản ngã vô hình” cho hơn 1.000 thiền sinh các giới và hơn 1.500 phật tử.

Nói về “Bản ngã vô hình”, đây là một chủ đề không hề dễ hiểu, vì đụng đến bản ngã là đi vào vấn đề sâu xa phức tạp nhất của tâm thức, của sự tu tập. Chỉ những ai có tu thiền, có quyết tâm tu tập thì bài Pháp này đã đem đến cho họ cảm xúc dứt những điều nghi và an tâm tu tập để thành tựu những kết quả của con đường thiền theo lời dạy của đức Phật. Phải hiểu rằng Phật pháp có hưng thịnh hay không là nhờ vào những người tu thiền có chứng ngộ, có kết quả tâm linh thật sự.

Chúng ta đều biết mục tiêu tối thượng của đạo Phật là đạt đến vô ngã tuyệt đối, chấm dứt mọi hình thức bản ngã. Tuy nhiên sức mạnh của bản ngã quá khủng khiếp, chỉ trừ bậc đã chứng ngộ viên mãn, còn lại chúng sinh cứ luẩn quẩn trong sự chi phối sai xử của bản ngã. 
 
Trở lại nội dung chính, mở đầu đề tài, Thượng tọa khẳng định nếu đã thực hành đúng đạo lý Phật dạy, đã gây tạo nhiều công đức lành thì chắc chắc ta sẽ được kết quả gần là từng bước nội tâm mình an vui hạnh phúc. Những công lao khó nhọc giúp người giúp đời đều trở thành cái phước đi vào nội tâm, khiến tâm ta càng lúc càng tự tin, an vui, vững vàng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những công đức đó có một điều cực khổ không kém đó là diệt trừ bản ngã, diệt trừ sự kiêu mạn. Đây là chỗ thâm sâu trong Phật pháp. Bản ngã, sự kiêu mạn nằm sâu trong tâm, nhưng ta vẫn phải nhìn cho ra, bởi nếu để cho bản ngã thao túng thì chúng ta mãi mãi ở lại trong thân phận phàm phu tầm thường, đọa lạc, trầm luân, không bao giờ tung bay vào bầu trời giải thoát cao xa.

Bản ngã có rất nhiều lớp, từ lớp rất thô cho đến lớp sâu xa, tinh tế, khó thấy. Mà tới đến lớp tận cùng sâu xa, tinh tế, khó thấy thì phải chứng A La Hán mới hết được. Còn một bậc A Na Hàm tuy thần thông quảng đại, tâm cực kì thanh tịnh cũng không thấy hết được bản ngã cuối cùng.

Riêng chúng ta chưa phải là bậc Thánh nào cả thì bản ngã rất to, rất thô, mà hiện tướng của bản ngã chính là những lầm lỗi: hơn thua, đố kị, sân hận, tham lam… Chính vì vậy, ai biết lỗi chính mình, đó là người đang từng bước điều phục bản ngã. 

Có những người không chịu thấy bản ngã, không chịu thấy sự kiêu mạn, những lầm lỗi của mình, như thế họ chỉ có ba chỗ để đến sau khi chết là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh mà thôi. Bản ngã vô hình đã hiện tướng ra thành tham lam, ác độc, ích kỉ, sân si, nóng nảy, hơn thua, đố kị,… mà vẫn không chịu thấy đó là lỗi, thì người này chỉ có ba chỗ đến là vậy. 

Có thể nói, biết lỗi chính mình giúp ta đặt chân vào ranh giới của sự tu hành. Người nào biết lỗi mình là người có trí, còn ai biết lỗi rất nhanh và vô cùng sâu sắc thì theo lời đức Phật, đó là người đã nhập lưu vào dòng Thánh. Đó cũng là lý do mà người xuất gia mỗi tháng đều phải phát lồ sám hối, nói cái lỗi của mình ra cho đại chúng nghe. 
 
Lỗi là hiện tướng của bản ngã. Theo tâm lý bình thường rất hiếm ai chịu thấy lỗi mình, ta luôn thấy lỗi mình chậm hơn người ngoài một bước. Lỗi đã sờ sờ trước mắt nhưng ta không chịu nhận, thậm chí có khi được người khác góp ý rồi mình vẫn không thấy ra.

Theo thời gian tu tập, tốc độ biết lỗi phải nhanh hơn, lúc người ngoài thấy cái lỗi của mình cũng phải là lúc chính ta thấy lỗi mình. Càng biết lỗi bao nhiêu bản ngã càng được gọt giũa đi bấy nhiêu.

Ta cứ khiêm tốn tu mãi thì sẽ đến lúc lỗi không bao giờ bộc lộ ra ngoài nữa, tâm mình hiền hòa, thanh tịnh, nhu nhuyến, từ lời nói, cử chỉ đều không sai lầm, mọi người nhìn vào thấy kính nể… Đến lúc này hãy vô cùng cẩn thận, bởi đây có thể là lúc bùng nổ của đại bản ngã. 

Vì sao vậy, vì lúc nội tâm đã nhu thuận hiền thiện, được mọi người ngợi khen, ta không tránh khỏi cảm giác sung sướng hạnh phúc trong tâm. Cảm giác này âm thầm vi tế nhưng thật là khủng khiếp, nếu ta không đủ trí tuệ thấy cho ra thì nó sẽ khơi mào cho bản ngã rất nhanh và sau đó ta sẽ nhanh chóng làm bậy.

Đây có thể được xem như một cửa ải lớn trên con đường tu. Nếu chấp nhận cảm giác này, để nó chi phối tâm hồn mình thì ta rẽ sang hướng đi về cõi ma, còn nếu không chấp nhận thì ta tiếp tục tiến bước trên con đường Phật đạo. Đây cũng là bí mật của những bậc Thánh, những bậc đại Bồ Tát. 

Những bậc Bồ Tát ở tầng thấp, tầng trung, công đức tu tập của các vị đã khá dày, không bao giờ nói hay làm điều sai, chúng sinh nơi nơi ngưỡng mộ và đương nhiên cảm giác vui mừng cũng xuất hiện, dù nó rất nhẹ nhàng kín đáo chứ không sôi trào mạnh mẽ. Và các vị luôn phải âm thầm chiến đấu với nó cho đến ngày đạo quả viên mãn.

Có thể thấy rằng cả thế gian này đi tìm cảm giác sung sướng của sự ngợi khen, ngưỡng mộ, khâm phục. Người ta có thể sống chết vì nó. Cảm giác này khốc liệt, mạnh mẽ, chi phối toàn bộ tâm hồn con người. Và người tu đến giai đoạn mà mọi tâm hạnh đều như Thánh thì cảm giác đó đương nhiên sẽ xuất hiện, dù không sôi trào mạnh mẽ như người thường. 

Cái khó là phải tinh tế vượt qua, mà vượt qua một lần cũng không phải là vĩnh viễn, vì cảm giác đó sẽ còn lặp đi lặp lại cho đến khi mình thành Phật. 

Thử thách này thật khủng khiếp, định hình con đường tu tập của mình là đúng hay sai. Mà để vượt qua đòi hỏi phải có công phu thiền định. Nhờ thiền định mà tâm ta thanh tịnh trống không, cho nên khi cảm giác sung sướng tự hào vừa khởi lên, mình phát hiện ra ngay, giống như trong căn phòng trống trải nếu có một người bước vào, người đó sẽ hiện ra rất rõ ràng. 

Khi tâm loạn động thì mọi thứ trộn với nhau, ta bị cảm giác đó lừa mà không hay. Cho đến khi tâm thanh tịnh trống không thì cảm giác vừa khởi lên ta phát hiện ra ngay. 
 
Lại nữa, để đối trị với cái tâm vui mừng tự hào, hãy thường tự nhắc mình qua những câu kệ vào thiền: 

“Thân này không phải ta 
Tâm này không phải ta 
Chẳng có gì là ta 
Trong từng hơi thở vào 
Trong từng hơi thở ra 
Trọn niềm tôn kính Phật”

Khi cảm giác của bản ngã, của sự kiêu ngạo hiện ra thì hãy dùng câu “thần chú” này mà đối trị. Phật gọi đây là phép “như lý tác ý”. Nhờ vậy ta thoát được cảm giác sung sướng thấy mình là trung tâm. Ta biết ơn người đã yêu quý mình nhưng không chấp nhận cảm giác sung sướng, vì biết mình chỉ là cát bụi mà thôi. Có thể thấy, ở ngoài nhìn vui vẻ bình thường chứ thật sự bên trong mình đã khước từ hết rồi, không để cho sự ngợi khen ngưỡng mộ làm lay động tâm hồn. 

Có người thắc mắc rằng, ta chịu bao nhiêu vất vả khó nhọc, nhường nhịn hi sinh, bố thí, cúng dường… để rồi khi được kính nể, mình phải tác ý diệt cảm giác sung sướng vui mừng đi, phải thấy mình không là gì, chỉ là cát bụi, chẳng có gì là ta. Vậy mục tiêu này có đáng để ta hướng về không? 

Lý giải về điều này, Thượng tọa đặt câu hỏi rằng ta không cho cảm giác sung sướng xuất hiện, không chấp nhận nó để làm gì? Không biết để làm gì, nhưng chỉ vì đúng và sai: chấp nhận cảm giác đó là sai, khước từ là đúng. Ta chỉ sống vì đúng và sai, ngoài ra không sống vì điều gì nữa. Tiền muôn bạc vạn không cần, ngưỡng mộ kính phục không cần, chỉ cần đừng để cái gì sai từ trong bí mật tâm hồn mình mà thôi. 

Cái đúng, cái sai bí mật trong tâm mình chẳng ai phát hiện, nhưng lương tâm mình biết, trí tuệ mình biết đó là sai và không bao giờ chấp nhận nó. Người có trí tuệ và có đạo đức họ sống không cần tiền bạc, không cần vinh hoa phú quý, mà chỉ cần điều đúng, đừng làm điều sai mà thôi.

Chúng ta cứ nghĩ rằng tu là để được quả Thánh, được vinh quang, được công đức, nhưng một bậc Thánh thật sự thì thấy những điều đó là hư ảo, mà chỉ cần điều này thôi: “đúng và sai”. Các vị khắt khe nghiêm khắc với chính mình trong từng hạt bụi, cái sai rất nhỏ cũng không bỏ qua, mặc dù với người khác thì độ lượng bao dung. Các ngài tùy lúc, tùy người, tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh, tùy căn cơ mà xử sự, làm cho chúng sinh sửa lỗi. 
 
Thậm chí khi ta tu tập được kết quả, ta nói tâm mình thanh tịnh như mây trời, như hư không, như vô tận bao la… thì các ngài cười mỉm, vì những câu này chỉ để dụ người mới tu. Còn những người đã đứng vững trong giới đức một bậc Thánh rồi thì trong tâm chỉ còn canh một điều là đúng và sai. Suốt cuộc đời như vậy, cứ canh chừng từng hành động, lời nói, suy nghĩ của mình. 

Từ cái bản ngã thô thiển ban đầu, hiện ra thành ích kỉ, gian tham, sân si, nóng nảy, thù dai, hại người… Cho đến giai đoạn khi nội tâm đã hiền thiện, lầm lỗi không bộc lộ ra ngoài nữa, thì ta luôn luôn phải chiến đấu với bản ngã, chưa bao giờ ta thoát ra cả. Và chiến đấu với bản ngã cũng có nghĩa là tìm từng cái lỗi của mình, dù trong cô đơn lầm lũi không ai thấy mà chỉ giúp cho ta cả. Sự cô đơn này rất vĩ đại. Cái vĩ đại của một bậc Thánh là tự tìm lỗi mình giữa đúng và sai, trong đơn côi lặng lẽ, ngoài ra trên đời không còn gì quan trọng nữa.

Tóm lại, bài Pháp thoại rất ý nghĩa và sâu sắc, giúp cho mọi người nhận thức đúng đắn về thực chất của bản ngã từ cạn đến sâu để diệt trừ (diệt cái tôi), bởi vì một khi bản ngã vẫn còn chỗ để bám víu thì đường về vô ngã sẽ bị ngăn ngại.   

Tuy nhiên, diệt cái tôi cá nhân là một việc làm rất khó. Chúng ta phải đấu tranh với bản thân mình rất vất vả, thường xuyên. Mà ai có quyết tâm tu tập thiền định hướng về mục tiêu vô ngã, người đó là người có thiện căn lớn, có trí tuệ. Đó cũng là người theo đúng con đường của Phật. 

Thiết nghĩ, trên đây, những chia sẻ của Thượng tọa là những bài học cực kì quý giá cho việc tu tập của người phật tử. Nó giúp mọi người tu tập theo con đường đúng đắn, sớm đạt được mục tiêu vô ngã của mình./.

Tuệ Đăng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng: Trường TCPH chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Phật sự địa phương 13:15 20/11/2018

Nhằm tôn vinh giá trị của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, vào ngày 20/11/2018, Ban giám hiệu cùng toàn thể tăng ni sinh trường Trung cấp Phật học Đà Nẵng đã tổ chức ngày lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam.

Đồng Tháp: Trường TCPH tỉnh chúc mừng ngày 20/11

Phật sự địa phương 11:28 20/11/2018

Ngày 13/10/Mậu Tuất (19/11/2018), chư tăng ni trường Trung cấp Phật học tỉnh Đồng Tháp đã đến các tự viện chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. 

Đắk Nông: Lễ đúc đại hồng chung và an vị tôn tượng Bổn sư

Phật sự địa phương 10:55 19/11/2018

Sáng ngày 12/10/Mậu Tuất (18/11/2018), tại chùa Bửu Thành (TT.Đức An, huyện Đắk Song), cùng Chư tôn thiền đức tăng, ni và bà con phật tử trang nghiêm tổ chức buổi lễ an vị tôn tượng Bổn sư, có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại huyện nhà.

Hà Nội: Chùa Hòa Phúc tưởng niệm 30 năm ngày HT.Ngộ Chân Tử viên tịch

Phật sự địa phương 14:37 18/11/2018

Ngày 11/10/Mậu Tuất (17/11/2018), chùa Hòa Phúc (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 30 năm ngày viên tịch của Hòa thượng Ngộ Chân Tử - Tổ Sư khai sơn chùa Hoằng Pháp.

Xem thêm