Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 31/07/2019, 15:44 PM

Trải rộng từ tâm, mở lòng nhân ái của một nhà sư ở Thái Bình

Từ nhiều năm nay, chùa Hới, xã Tân Lễ (Hưng Hà) là nơi nương náu, chốn đi về của những đứa trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa. Tiếng chuông nguyện tĩnh tâm chốn tu hành cùng lòng từ bi của Đại đức Thích Thanh Tân đã cứu giúp nhiều mảnh đời bất hạnh.

>>Gieo mầm thiện

Chùa Hới tên chữ là Hải An Tự là ngôi chùa cổ tọa lạc giữa không gian xanh, yên bình của thôn Hải Triều, xã Tân Lễ. Bên trong ngôi chùa ấy lúc nào cũng đầy ắp tình yêu thương càng làm tăng thêm sự gần gũi giữa cửa Phật và cuộc sống bên ngoài. 

Bài liên quan

Đại đức Thích Thanh Tân cho biết: Năm 1998, tôi về chùa làm môn đệ của Hòa thượng Thích Thanh Quảng, năm 2005 khi Hòa thượng viên tịch, tôi chính thức trụ trì chùa Hới. Những ngày đầu cuộc sống còn khó khăn, chùa chỉ có mấy gian nhà tranh vách đất, xuống cấp nghiêm trọng, cây cối rậm rạp, quạnh vắng. Tôi đã đứng ra vận động các tín đồ, Phật tử, con em quê hương ủng hộ xây dựng lại ngôi chùa khang trang. 

Trong khuôn viên ấm cúng của chùa, bên ấm trà xanh, chúng tôi được nghe Đại đức Thích Thanh Tân kể về những câu chuyện cảm động và đáng nhớ trên hành trình thiện nguyện của mình. Đại đức chia sẻ: Là người xuất gia, tôi luôn tâm niệm “Vào chùa không chỉ tụng kinh gõ mõ mà phải làm việc có ích cho đời”. Tôi đã nhận thiếu niên hư do gia đình không giáo dục được về chùa dạy bảo; cưu mang những cháu mồ côi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa.

Nhiều gia đình ở Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nội... cũng gửi con về chùa nhờ nuôi dạy. Khi về đây, mỗi đứa trẻ có hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng lại có một điểm chung là chúng rất cần tình yêu thương. Do vậy, mình coi chúng như con, khuyên nhủ, dạy bảo từng ly từng tý, vun đắp xây dựng một “gia đình” thực sự dưới mái chùa này. Tôi giảng giải, phân tích cho các con hiểu về tình yêu thương con người, lòng từ bi của đức Phật, sự hiếu thuận với đấng sinh thành, lẽ phải ở đời... Hàng ngày, thầy trò cùng lao động để giáo dục bọn trẻ thấy rõ giá trị của cuộc sống. Mỗi tuần, “gia đình” họp mặt một lần, các con tự do bày tỏ quan điểm cá nhân, nói ra những khó khăn, khúc mắc trong học tập, sinh hoạt để thầy trò cùng bàn bạc, giải quyết. Nhờ vậy mà tất cả các thành viên trong “gia đình” đều hòa thuận, yêu thương nhau như anh em ruột thịt.

Đại đức Thích Thanh Tân cưu mang người già cô đơn trong chùa Hới.

Đại đức Thích Thanh Tân cưu mang người già cô đơn trong chùa Hới.

Hơn 20 năm qua, hơn 70 đứa trẻ, người già cô đơn không nơi nương tựa đã được Đại đức Thích Thanh Tân cưu mang, nuôi dưỡng trong ngôi chùa Hới ấm tình người. Hễ nghe ở đâu có trẻ có hoàn cảnh khó khăn thầy lại tìm đến để nhận về nuôi. Nhiều người được Đại đức nuôi dưỡng nay đã trưởng thành ở nhiều ngành nghề khác nhau giờ quay trở lại giúp thầy nuôi dưỡng các em. 

Chúng tôi hỏi thầy: Chùa là chùa làng, thầy lấy gì ra nuôi bọn trẻ, thì Đại đức chỉ cười bảo: Có ít thì cho ít, có nhiều thì cho nhiều, cốt là ở cái tâm là chính. Ăn uống chẳng đáng bao nhiêu, tôi nuôi bọn trẻ vì không muốn chúng phải bươn trải ngoài đời khi còn quá sớm, dễ sinh hư và làm xấu xã hội. Tôi mong sẽ có nhiều tín đồ, Phật tử, các nhà hảo tâm cùng đồng hành để giúp đỡ thêm nhiều mảnh đời bất hạnh. Khi thấy mỗi đứa trẻ rời ngôi chùa này ra xã hội trưởng thành, trở thành người có ích tôi mừng lắm, đó là món quà còn quý hơn tiền bạc. 

Hiện tại, trong chùa Hới đang cưu mang, nuôi dưỡng 3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, 1 người già neo đơn và 1 cựu thanh niên xung phong và một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được gia đình gửi về ở chùa nhờ thầy dạy bảo. 

Điển hình như trường hợp em Hoàng Văn Hùng, quê ở huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng được Đại đức đón về nuôi từ năm học lớp 3, nay em đã vào học lớp 10. Hùng chia sẻ: Em ở với Đại đức Thích Thanh Tân đến nay 7 năm và cảm ơn thầy đã cưu mang em trong những năm qua. Thầy hết lòng chăm lo cho chúng em. Em mong thầy luôn khỏe mạnh để có thể giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như em.

Không chỉ nuôi dưỡng các cháu mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, Đại đức Thích Thanh Tân còn tích cực kêu gọi sự đóng góp của các tín đồ, Phật tử, các nhà hảo tâm tham gia công tác xã hội và các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Nhà chùa tích cực tham gia xây dựng quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học khuyến tài của xã, thôn trợ cấp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ cho thiếu niên, nhi đồng và tặng quà cho học sinh, sinh viên đạt kết quả cao trong học tập. 

Bài liên quan

Trong nhiều năm qua, nhà chùa kết hợp với chùa Tịnh Xuyên vận động tín đồ, Phật tử ủng hộ người nghèo ở huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) và tỉnh Sơn La hàng nghìn suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Nhà chùa cũng đã tặng hàng trăm đôi chiếu cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn và tặng hàng trăm suất quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cụ già neo đơn trong thôn, trong xã mỗi dịp tết đến, xuân về. Khi gặp những cháu nhỏ gia đình nghèo, cha mẹ bệnh tật, hay những cụ già neo đơn, sư thầy thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ tiền ăn học, sinh hoạt. 

Hàng năm, Đại đức vẫn giữ một việc làm đẹp là tặng chăn ấm, quần áo ấm cho các cụ già neo đơn trong vùng, đến năm học mới thì tặng sách, bút, cặp... cho các em học sinh nghèo. 

Đặc biệt, vừa qua Đại đức Thích Thanh Tân đã hỗ trợ gia đình bà Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Thị Búp, thôn Hải Triều (xã Tân Lễ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng 2 căn nhà, trị giá mỗi căn khoảng 90 triệu đồng. Bà Búp chia sẻ: Tôi sống một mình, cuộc sống rất khó khăn nên thường xuyên được Đại đức Thích Thanh Tân hỗ trợ, nay lại được thầy xây cho căn nhà mới không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn tấm lòng nhân hậu của thầy.

Để có tiền lo cho những đứa trẻ, chăm lo cho người già, làm từ thiện, Đại đức Thích Thanh Tân làm việc không ngừng nghỉ. Thầy và các con tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn chùa 2.160m2 sang trồng nhãn đặc sản từ năm 2015 bước đầu cho thu hoạch 60 triệu đồng/năm. Diện tích ao 1.570m2 thả cá cho thu hoạch 300kg cá các loại, thu được 15 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhà chùa còn nuôi hàng trăm con gia cầm, cấy hàng mẫu ruộng, trồng cây vụ đông lấy lương thực thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày. 

“Mình chịu cực, chịu khổ nhưng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều mảnh đời, số phận bất hạnh thì dù cực khổ đến mấy cũng rất có giá trị và ý nghĩa” - Đại đức Thích Thanh Tân chia sẻ. 

Và đúng là cuộc sống của các em nhỏ tại chùa đã thực sự đổi thay khi có bàn tay chăm sóc của thầy.

Theo: baothaibinh.com.vn

Nguyễn Hình (Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Nước ngọt về xã đảo ở Giồng Trôm

Gieo mầm thiện 17:54 24/04/2024

Bà con xã đảo Hưng Phong (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), ngày 23/4 đã nhận được nước ngọt và thùng nhựa từ một hoạt động từ thiện mang tên "Giọt nước nghĩa tình".

Làm điều không ai làm suốt 6 năm, cụ bà tái sinh cuộc đời cho một người dưng

Gieo mầm thiện 14:33 20/04/2024

Dù không phải là máu mủ ruột rà, hơn 6 năm qua, bà Thử vẫn tình nguyện chăm sóc nam bệnh nhân liệt tứ chi tại bệnh viện, đưa anh về nhà chăm lo như con ruột.

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Gieo mầm thiện 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Xem thêm