Truyện ngắn: Hai người mẹ
Nhân ái, rất cao cả ái. Hy sinh, càng quý hơn. Nhưng đã đủ chưa? Truyện ngắn dưới đây của Kiều Bích Hậu có thể giúp ta trả lời câu hỏi này, dưới dạng một ngụ ngôn thời hiện đại. Thông qua một câu chuyện cảm động về người phụ nữ nhận đứa trẻ tự kỷ làm con nuôi.
Dùng hai chân làm cùm, quặp chặt bé Dứa trong lòng, tay cầm thìa cơm, tay giữ trán con, chị Thinh cố gắng đút thìa cơm vào miệng con. Con bé lắc đầu quầy quậy, tay đập tứ tung. Thinh cố mãi mới nhét được miếng cơm vào miệng con, thì nó lại nhổ phì ra và khóc rống lên như bò. Không nản, Thinh tiếp tục xúc thìa cơm nữa, nhưng đột ngột, bé Dứa cúi đầu, cắn mạnh vào cánh tay mẹ đang ôm ngang người bé.
- Ái. Đau quá. Con khốn này, sao mày cắn mẹ hả?
Chị hẩy con ra, tay trái bịt chặt vết cắn bên cánh tay phải, nước mắt giàn ra vì đau.
Bé Dứa lểu nghểu bò qua lớp cơm vung vãi trên sàn mà nó vừa phun ra, dãi nhểu trên mép, nhe hàm răng xô lệch rên gừ gừ. Nó cứ bò lẩn quẩn loanh quanh, không định hướng. Gần sáu tuổi rồi mà bé Dứa không biết đi, đứng dậy cũng không nổi nữa. Hơn bốn năm nay, chị Thinh không đi làm, chỉ ở nhà chăm con. Chị đã vay tiền khắp nơi cùng chốn, thậm chí đã dùng hết cả số tiền già của mẹ đẻ.
Khi chị ngỏ ý mượn cuốn sổ đỏ ngôi nhà hai mẹ con đang ở trong ngõ phố Khuất Duy Tiến, bà Thịnh đã giãy nảy:
- Mày bị ma làm rồi hả Thinh? Đặt sổ đỏ, vay tiền ngân hàng để gặm dần ngôi nhà này ư. Hết tiền thì ra đê ở hả con? Cái đồ ngu muội thối thây, mày để con Dứa cho mẹ trông, mày đi làm kiếm tiền ngay đi.
- Mẹ đau khớp đi còn không nổi, sao trông con Dứa được? Mà nó cắn đau thế, mẹ chẳng sống qua được một nhát cắn của nó đâu.
- Thế thì vứt mẹ nó ra ngoài đường! – Bà Thịnh rên lên.
“Mẹ ơi, sao con làm điều ác thế được. Bé Dứa đã cứu vớt cuộc đời con. Con cần yêu thương bé, vịn vào bé mà sống...” – Thinh muốn nói với mẹ như vậy, nhưng rồi chị lại lặng im.
- Cái con bé ma quái dị dạng này, nó đang dìm đời mày xuống đáy, mày biết không hả Thinh? – Bà Thịnh tiếp tục hét lên, tay chỉ vào bé Dứa đang ngửng đầu, nhe hàm răng xô lệch trên sàn nhà - Nếu mày không dám vứt nó ra ngoài đường, thì tao sẽ vứt!
Bà Thịnh nhào đến chỗ bé Dứa, trong cơn giận đỉnh điểm, bà giơ tay tóm lưng áo con bé nhấc lên. Vừa lúc Thinh nhao đến, ôm chặt lấy mẹ, gỡ tay bà khỏi bé Dứa. Nhưng chưa cần chị gỡ, thì bà Thịnh đã buông tay, ôm lấy chị. Hai người đàn bà xổ nước mắt khóc tu tu, như nhà có đám tang vậy.
***
Thinh không biết ông Giời thử thách chị, hay mẹ chị. Nhưng khi chị sinh ra, đã không có cha. Sau này, mẹ chị một mực giải thích, rằng cha chị mất tích trong chiến trường. Chị chẳng thể hài lòng với lời giải thích chung chung đó, nhất là khi một bức ảnh cha trong nhà cũng không có. Đến tuổi phải có lứa có đôi, thì chị vẫn dùng dằng ở mãi trong ngôi nhà nhỏ ngõ phố Khuất Duy Tiến này, cho đến khi mẹ chị làm dữ, thì chị đi lấy chồng.
Ở với chồng ba năm vẫn không đậu thai, vợ chồng Thinh đưa nhau đi khám vô sinh, thì oái oăm thay lỗi là tại chị. Chị bị vô sinh. Bác sĩ gợi ý một số giải pháp, nhưng Thinh có giải pháp của riêng chị. Chị li dị chồng, về ở lại trong ngôi nhà nhỏ ngõ phố Khuất Duy Tiến với mẹ. Chị cho rằng, ông Giời thu xếp vậy là hợp lý, chị cần ở với mẹ, chị không đành lòng rời xa mẹ.
Tưởng vậy mà không phải vậy, từ lúc li dị chồng, về ở với mẹ, cái án “vô sinh” vẫn trở lại hành chị ngày đêm. Chị bị trầm cảm, mất ngủ triền miên, rồi bị công ty sa thải. Chị lang thang, vật vờ ngoài đường không mục đích, cho đến ngày chị vào chùa Báo Ân, và gặp bé Dứa, một bé gái mới bảy tháng tuổi bị mẹ nó bỏ rơi nơi cửa chùa khi mới sinh, được nhà chùa nuôi nấng. Như chết đuối vớ được cọc, Thinh đã vật nài với sư thầy, xin bé Dứa về nhà nuôi.
Bé Dứa đã lật cuộc đời chị sang một trang mới. Chị đã có động lực để sống. Chị có mẹ để nương tựa tinh thần, có con gái để chăm lo suốt đời, và khi chị về già, con sẽ chăm chị. Chị chẳng cần gì hơn ở đời. Bé Dứa chính là vị cứu tinh, giúp chị nhìn ra cách sắp xếp lại cuộc đời mình, nhìn rõ con đường mình cần đi. Chị kiếm được việc làm mới ở công ty may mặc nhỏ, gần nhà, tiện việc chăm sóc con nhỏ. Chị làm việc chăm chỉ nhất, để có tiền mua sữa, bỉm, áo quần cho con, lại tích lũy để sau này cho con đi học... Bao nhiêu kế hoạch cho con được chị sắp sẵn trong đầu. Chị sẵn sàng làm tăng ca để có thu nhập thêm. Nụ cười tin tưởng luôn nở trên môi chị.
Chỉ có điều, bé Dứa lên hai tuổi, mà chỉ biết nhoài, bò, không đứng dậy nổi. Bé cũng không chịu ăn bột, ăn cơm, chỉ uống sữa, đặc biệt thích nhai kẹo và ăn dứa, nên chị gọi tên bé là Dứa. Hàm răng của bé cũng mọc xiên xẹo, và suốt ngày chảy dãi, đến mức mép và cằm bé thường bị loét ra. Chị cho con đến bệnh viện khám, thì rụng rời nhận kết quả: bé Dứa bị tổn thương não rải rác, khó phục hồi, bé thuộc diện khuyết tật trí tuệ và thể chất. Không chấp nhận nổi kết luận ấy, Thinh cho con đi khám ở bệnh viện khác, thì họ lại kết luận con chị bị tự kỷ do tổn thương não.
Thinh không nản, chị có niềm tin mãnh liệt rằng, với tình yêu của chị, chị sẽ tìm ra nơi có thể chữa lành cho con. Chị bắt đầu hành trình không mệt mỏi đưa con đi chữa bệnh, điều trị. Chị bỏ việc ở công ty may, lê lết ôm con đi hết bệnh viện này tới trung tâm điều trị khác, cho đến khi cạn kiệt tiền để dành của chị, cạn kiệt tiền phòng thân lúc già của bà Thịnh...
Cho đến khi chị nghĩ đến cuốn sổ đỏ mà bà Thịnh giữ cẩn thận hơn giữ bổn mạng, thì mẹ chị kịch liệt phản đối. Cơn giận khiến mẹ chị bùng nổ. Bà nhất quyết yêu cầu chị phải mang trả bé Dứa về chùa.
Nhưng chị không thể làm như thế. Bé Dứa đã cứu chị khỏi hố lầy trầm cảm, cho chị động lực sống, khiến chị có thể vẽ ra một tương lai, thì sao chị có thể vì tật bệnh của con, mà ném con lại với cửa chùa, như người mẹ đẻ của bé từng làm thế với bé. Cuộc đời bé, không thể bị ném đi lần nữa.
***
Thinh khá băn khoăn khi gặp người sẽ làm Mẹ của bé Dứa trong Ngôi làng Hạnh phúc. Đó là một cô gái trạc mười chín, đôi mươi, nước da nâu giòn được nắng, đôi mắt một mí luôn vui vẻ như cười. Thoan, cô gái quê Nghệ An dang tay đón bé Dứa vào lòng. Và thật ngạc nhiên, bé Dứa ở yên trong vòng tay người mẹ mới, không giãy đành đạch như mỗi khi đụng chạm người lạ.
Nhưng không vì thế, mà nỗi bất an trong Thinh giảm bớt. Chị vẫn nấn ná trong cơ sở làng Hạnh phúc, để xem cô gái “vắt mũi còn chưa sạch” kia làm mẹ của con chị ra sao. Chị đi thơ thẩn trong khuôn viên ngôi làng, xem những đứa trẻ tự kỷ khác đang học nói, học đi, học đứng thăng bằng trên con lăn, học cách xếp bát đũa vào giá. Thinh chú ý đến một điều, đó là tinh thần vui vẻ của các bố, mẹ nuôi của các bé, cũng như chính các em tự kỷ khi cùng nhau luyện tập, chơi đùa, học hành tại đây. Vẫn có tiếng la hét của những em tự kỷ bị kích động thỉnh thoảng xen vào tiếng cười, nhưng tràn ngập trong không gian là sự vui vẻ, hoạt bát, năng động. Nó hoàn toàn khác với sự lo lắng, căng thẳng và khổ sở trong các nơi điều trị trẻ tự kỷ mà Thinh từng đưa con Dứa đến trước kia.
- Thầy ơi, cháu bé này vào làng được bao lâu rồi mà tung hứng bóng giỏi thế? – Thinh hỏi Toàn - giám đốc làng Hạnh phúc - vung tay chỉ một em bé trai chừng bảy tuổi, đang đứng thăng bằng trên con lăn, trong lúc đầu đội một chai nước và tung hứng tới năm quả bóng trên tay.
- Cháu tới làng Hạnh phúc chúng tôi được gần một năm rồi chị ạ. – Toàn chắp tay sau lưng, nhìn bé trai đang tung hứng bóng đầy tự hào – Cháu nào vào đây cũng đều có tiến bộ.
- Mới gần một năm thôi ư? – Thinh lẩm bẩm – Sao có thể nhanh thế được?
- Con chị cũng sẽ tiến bộ nhanh thôi – Toàn khẳng định.
- Tôi không dám nghĩ thế đâu – Thinh lắc đầu, thở dài – Con tôi bị tổn thương não nặng, đến giờ còn chưa đứng lên được nữa... Nó sẽ là đứa khuyết tật suốt đời thôi.
- Chị có biết tại sao ở đây chúng tôi lại đặt tên làng là Hạnh phúc không? – Toàn mỉm cười hỏi chị, tay anh khoát một vòng bao quanh không gian rải rác những nhóm trẻ đang chơi, luyện tập vui nhộn.
- Đó là một kỳ vọng ư? – Thinh hỏi lại.
- Không phải là kỳ vọng, mà đó là hiện thực. Hiện thực HẠNH PHÚC ngay lúc này, ngay tại đây - Toàn nhìn sâu vào mắt chị, nói từ tốn – Các em bé này, chẳng cần nhớ quá khứ, cũng không lo lắng tương lai, các em chỉ có hiện tại hạnh phúc, được chơi đùa với những người bạn đồng cảnh, đồng cảm. Chẳng gì sung sướng hơn được sống với những người đồng cảm tương thân phải không chị? Chị nhìn xem, em lớn giúp em bé luyện tập, em giỏi hơn dạy cho em mới đến, các em tạo nên một cộng đồng yêu thương, đồng cảm, sống vì nhau và hạnh phúc với nhau tại đây, lúc này.
- Như vậy, các con cần mãi mãi bên nhau, ở đây thì mới hạnh phúc? – Thinh băn khoăn hỏi – Các con sẽ không thể trở về nhà và phục hồi được như người bình thường ư?
- Như thế nào mới là “bình thường”? Theo cách nhìn của chúng ta mà thôi. Nếu chị nhìn con chị theo cách nhìn của thế giới bình thường ngoài kia, lập tức con chị là đứa trẻ đáng thương vì bị khuyết tật cả đời. Chị và thế giới bình thường đã vô tình kết án chung thân cho con, khiến con sống mà như chết, như bị đầy ải ở trong địa ngục, dù chị yêu thương con, nhưng đó là cách yêu thương sai trái với con. Còn khi các con sống với nhau ở khu làng Hạnh phúc, các con là những người bình thường trong mắt nhau, thậm chí còn có những tài năng, như cháu Phiên đang đứng trên con lăn tung hứng bóng kia.
- Ồ, lần đầu tiên tôi được nghe những điều này... – Thinh ngạc nhiên nói.
- Đây là một thế giới riêng, được thiết kế phù hợp cho các con như con của chị. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên thần, cần một bầu trời đủ rộng cho thiên thần tung cánh. Trong khi đó, chị cũng như một số người khác lại cứ coi thiên thần của mình là bệnh tật và ra sức điều trị, vô tình cắt cụt đôi cánh thiên thần đi. Nhiệm vụ của chúng tôi ở đây, chỉ là hỗ trợ để phát hiện ra năng lực riêng của con, để thiên thần tung cánh.
- Thầy đã khai tâm cho tôi. Tôi thực sự yên tâm rồi – Thinh nói, thở phào nhẹ nhõm.
Thinh ghé qua chỗ bé Dứa, chị nấp sau bức tường ngăn để bé không thấy chị. Bé đang được tập đứng. Thoan giữ một tay bé Dứa, nâng lên, một thiếu niên tự kỷ khác giữ tay bên kia, cả hai đều cười vui, miệng khen ngợi không ngớt. Bé Dứa cứ chực thụp xuống, hai chân đong đưa không chút lực nào tì xuống mặt đất. Thoan đặt tay bé Dứa lên vai mình, ngồi thụp xuống, hai tay nắn hai chân Dứa cho thẳng, đặt nhẹ hai bàn chân con trên mặt đất, để sức nặng của cơ thể bé dồn lên đôi chân... Thoan kiên nhẫn giữ như thế hồi lâu, miệng liên tục động viên:
- Dứa đứng lên này, Dứa tựa trên hai chân này, chân con khỏe nhé. Nào Dứa đứng đây này...
Tim Thinh chợt nhao đi. Ôi, sao chị chưa từng nghĩ ra cách thế này để làm cho con? Chị thật có lỗi với con quá. Tại sao đến bây giờ chị mới đưa con mình tới Ngôi làng Hạnh phúc?
***
Sau khi từ làng Hạnh phúc trở về nhà, Thinh tìm đến công ty may nơi trước kia chị làm việc, để xin được trở lại với công việc, dù là bất cứ việc gì. Thật lạ, khi có niềm tin rằng con chị sẽ được sống hạnh phúc và tiến bộ ở đó, Thinh càng có quyết tâm đi làm kiếm tiền, chị sẽ làm việc gấp đôi, gấp ba để có tiền trả nợ, để có tiền đóng học phí cho con. Thật may là đúng lúc công ty đang mở rộng sản xuất, cần thêm công nhân, nên Thinh đã được tiếp nhận ngay vào làm việc. Chị đăng ký làm thêm giờ, làm cả ngày cuối tuần, làm thế chân người ở ca khác có việc riêng phải nghỉ. Thinh làm việc không biết mệt mỏi, chị chỉ mong có sức khỏe tốt để làm việc.
Một ngày Chủ nhật, sau hơn hai tháng gửi con vào làng Hạnh phúc, Thinh đột ngột đến thăm Dứa mà không báo trước với Giám đốc Toàn và Thoan. Chị muốn họ không có sự chuẩn bị gì, chị muốn thực sự thấy con chị sinh sống ra sao. Khéo léo lấy lòng người bảo vệ vòng ngoài, chị đã lọt được vào ngôi làng. Chị lặng lẽ quan sát xung quanh khu vực trẻ học tập, vui chơi để tìm bóng con gái chị. Thinh đưa mắt một lượt nhìn kỹ các nhóm trẻ tự kỷ trong đồng phục xanh da trời đang cùng nhau tung bóng trên bãi cỏ xanh mướt, có nhóm ngồi vẽ dưới bóng cây, nhóm ngồi học trong khu sàn rộng lợp mái cọ, nhóm nắm tay nhau đi xe đạp một bánh như làm xiếc giữa đường chạy, nhóm tập plank trong sân rộng...
Nhưng chị không thấy Dứa đâu.
Chị lẻn đến gần khu nhà ăn. Nấp bên bức tường phía sân sau, nhòm qua cửa sổ, chị thấy Thoan và Dứa đang ngồi bên một bàn ăn. Thoan đang cầm tay con, giữ đôi đũa, gắp hạt lạc trong đĩa. Họ cứ gắp từng hạt lạc ra bỏ vào bát, cho đến hết lạc thì lại đổ lạc trở lại đĩa, rồi Thoan buông tay, để Dứa tự gắp lạc, nhưng con không thể nào giữ đôi đũa cho chặt được, đũa rời khỏi tay con, rơi xuống sàn.
Thoan cúi xuống, nhặt đũa lên, đặt lại vào tay Dứa, kiên nhẫn luyện con cách cầm đũa gắp lạc. Tim Thinh chợt chấn động khi chị thấy ánh mắt yêu thương của cô gái trẻ đang nhìn con chị.
Thinh đẩy cửa bước vào phòng ăn.
- Chào hai mẹ con! - Chị nói hồ hởi. Thinh mừng thật sự khi thấy nước da con có vẻ hồng hào hơn, không tái xanh tái tử như hồi ở nhà.
- Ồ, chị tới từ lúc nào, sao không báo cho em biết? – Thoan kéo ghế cho mẹ con Dứa ngồi cạnh nhau.
- Tôi tranh thủ được ít thời gian, vội quá nên không kịp báo – Thinh lúng túng nói dối - Chắc em vất vả với con lắm. Mà chị không hiểu việc luyện con cầm đũa gắp lạc sẽ có tác động gì?
- Dạ, nó giúp điều chỉnh dần hệ thần kinh của con, chị ạ. Tuần đầu thì em cũng vất vả với con thật – Thoan nói, vuốt lọn tóc mai hung hung xòa trên má kẹp gọn lại bên tai – Nhưng đến tuần thứ hai thì con chịu ăn cơm, có lực hơn, nên đỡ quấy khóc và luyện tập có tiến bộ. Chị xem này.
- Dứa, con đứng lên cho mẹ Thinh xem nào – Thoan kéo ghế đứng dậy, miệng nói, tay cầm tay trái Dứa, nâng lên.
Thinh tròn mắt thấy con gái mình đã ngập ngừng đứng lên được bằng hai chân, tuy một tay vẫn phải bám vào tay Thoan. Nhưng trời ạ, con đã đứng thẳng được.
Thinh ngẩn người ngắm con, rồi chị ngồi thụp xuống, nắn nắn chân Dứa. Nó đã đứng lên được thật rồi. Bằng chính đôi chân này, vậy mà chị đã tưởng đôi chân của con tèo rồi, vĩnh viễn không đứng lên nổi. Nước mắt chị trào ra, chị ôm cứng lấy chân con mà khóc, vai chị rung lên. Chị thật có tội lớn, sao bao năm nay chị coi con là đứa tật nguyền, chị đã giam hãm con chị bao lâu nay, lẽ ra con đã có thể biết làm rất nhiều thứ trên đời. Chị thật là đồ vô dụng! Chị cứ nghĩ thương con là đủ ư?
- Chị ơi, đừng khóc – Thoan vỗ về vai chị - Chị nhìn bé Dứa cười này. Lêu lêu, mẹ khóc nhè, mẹ lớn mà khóc nhè đấy, con nhỉ.
- Em ơi, chị muốn lạy em ngàn lạy. Làm sao em nhỏ thế này, mà em biết làm mẹ giỏi hơn chị? – Chị quay sang vái Thoan – Em xứng đáng làm mẹ của Dứa hơn chị. Chị đội ơn em suốt đời này.
- Chị đừng làm thế mà em tổn thọ – Thoan kéo Thinh đứng lên - Ở nơi này, chúng em chỉ có một sứ mệnh, đó là yêu thương các con, cho các con sống hạnh phúc, coi các con là những thiên thần.
- Chị cũng yêu thương con chị lắm chứ - Thinh kéo tay áo lau nước mắt – Nhưng sao chị không thể làm con chị tiến bộ như em đã làm trong một thời gian ngắn. Như có phép thần, chị không thể tin nổi.
- Vì ở đây các con là những thiên thần, sống cùng nhau trong môi trường yêu thương. Một thế giới của các con. Ở nhà các con cũng được yêu thương, nhưng lại không có môi trường đồng cảm, đồng cảnh, cùng nhau rèn luyện, hỗ trợ để tiến bộ, điều này quan trọng lắm chị à.
- Em ơi, em vất vả nhiều với con, chị không biết cảm ơn em thế nào cho đủ. Chị có chút quà tặng em – Thinh nói, nhẹn tay dúi một phong bì vào túi Thoan.
- Ồ, chị đừng làm thế mà em tổn phước – Thoan nhét trả lại phong bì vào tay Thinh - Ở đây, chúng em sống với các con cả ngày, thế giới thiên thần chẳng cần đến tiền làm gì. Chị giữ mà nộp học phí cho con.
- Em ơi, chị hỏi thật nhé, bố mẹ em là ai, em sinh ra trong gia đình thế nào, mà em có tâm Giời tâm Phật như vậy?
- Bố mẹ em đều là nông dân ở Nghệ An, chị ạ. Em mười tám tuổi không có tiền đi học nữa, bố mẹ dồn sức làm ruộng cũng chỉ đủ nuôi em trai em ăn học, còn em đi làm để tự lo thân – Thoan nói – Em may mắn tìm được Ngôi làng Hạnh phúc, được giám đốc giao việc luôn sau một tháng được học kỹ năng và học Đạo. Sau đó, em sống ngày đêm trong ngôi làng này.
- Nhưng em đang tuổi thanh niên, tuổi bay nhảy, mà chỉ sống ở đây với các con, chăm sóc các con cả đêm lẫn ngày quá vất vả, em không thấy buồn nản chút nào ư?
- Chị ơi, so với việc ngày trước ở quê đi làm ruộng một nắng hai sương, thì công việc ở đây có thấm gì. Nhưng điều quan trọng hơn, là khi ở bên các con, em cũng như những giáo dưỡng viên tại ngôi làng, học được rất nhiều bài học cuộc sống. Dạy được các con vô cùng khó, chị chắc hiểu, và để dạy con thành công, thì chính em phải giỏi hơn, kiên nhẫn hơn mỗi ngày. Cùng với sự tiến bộ của con, là sự tiến bộ gấp bội của các bố mẹ giáo dưỡng con. Nhiều lúc, em tự hỏi, không biết là em đang dạy con, hay chính con đang dạy em bài học mới mỗi ngày? Mỗi tối, trước khi đi ngủ, em đều cảm ơn con đã đến với cuộc đời em, cho em làm Mẹ của con, để em học được bài học yêu thương...
- Em ít tuổi thế, mà trưởng thành hơn chị nhiều – Thinh nắm chặt tay Thoan – Bé Dứa nhà chị may mắn gặp được em, chứ nếu cứ ở mãi với chị, chắc là...
- Em thì nghĩ ngược lại – Thoan cười – là em may mắn gặp được bé Dứa.
Hai người mẹ ôm chặt nhau, cảm nhận nhau bằng trái tim nồng ấm, biết ơn. Nước mắt Thinh lại trào ra giàn dụa. Nhưng lần này, chị cảm nhận những giọt nước mắt khác. Cả phần đời trước kia của chị, chị luôn phải khóc trong cơ cực, tủi hờn, thì nay, chị biết khóc vì hạnh phúc, vì cảm nhận sâu sắc nhất tình yêu thương. Những giọt nước mắt nóng ấm của chị nhỏ xuống ngực áo Thoan, khiến người mẹ trẻ này cũng thổn thức. Bé Dứa lết đến bên họ, hai tay vịn vào chân hai người mẹ, run run tự đứng lên, bé ngẩng mặt, nụ cười tươi nở khoe hàng răng xô lệch dễ thương của bé.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa
Tư liệu 19:45 30/11/2024Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.
Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội
Tư liệu 09:26 30/11/2024Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.
Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm
Tư liệu 13:15 28/11/2024Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.
Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà
Tư liệu 16:15 27/11/2024Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.
Xem thêm