Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 21/10/2019, 04:32 AM

Truyện thơ: Tôn giả Tu Bồ Đề

Những truyện thơ, truyện cổ Phật Giáo tuy giản dị nhưng rất thâm thúy, thường hàm chứa đầy đủ và sâu sắc về đạo đức, giáo dục, luân lý và triết học. Truyện nói lên cái tinh hoa hay đẹp của giáo lý, từ bi và trí tuệ đồng thời mang lại sự xây dựng, thức tỉnh và giác ngộ cho người đời.

Phatgiao.org.vn xin giới thiệu tới quý Phật tử truyện thơ "Tôn giả Tu Bồ Đề" do Tâm Minh Ngô Tằng Giao phát tâm thực hiện:

1. Quý tử ra đời

Tu Bồ Đề sinh ra đời

Một ngày đặc biết đất trời lạ sao

Trong nhà của cải biết bao

Tự nhiên biến mất đường nào ai hay.

Các thầy tướng số đoán ngay:

“Đây là việc đáng mừng thay thật tình!

Khi mà quý tử vừa sinh

Bạc vàng, châu báu trở thành ra không

Điều này tốt đẹp vô cùng

Tương lai cậu bé thoát vòng lợi danh

Đặt tên cậu là ‘Không Sinh’

Hay là ‘Thiện Cát’ quả tình hợp thay!”

Thời gian chỉ mới ba ngày

Bỗng nhiên của cải hiện ngay lại rồi

Y nguyên như cũ mà thôi

Thật là điềm rất lạ đời xưa nay.

2. Thích làm từ thiện

Khi còn niên thiếu trước đây

Tu Bồ Đề sống đủ đầy, giàu sang

Tuy gia đình lắm bạc vàng

Chàng đâu nô lệ, chẳng màng giữ chi

Bạc tiền cha mẹ cho kia

Chàng luôn tìm dịp phân chia giúp đời,

Đôi khi cởi áo tặng người

Biếu ai nghèo khó, tả tơi, bần hàn.

Mẹ cha thấy vậy phàn nàn

Chàng bèn kính cẩn phân trần trước sau:

“Thưa rằng không rõ vì đâu

Thân tâm con cảm thấy sao rõ ràng

Những gì trên khắp thế gian

Cùng con quan hệ vô vàn thiết thân

Như cùng thân thể, chung phần

Nào đâu có khác, thật gần gũi thay

Nên con đem của trong tay

Giúp người cũng giống giúp ngay chính mình!”

Sau khi chàng đã trần tình

Thời chàng tiếp tục giúp quanh xóm làng.

Mẹ cha thấy khó khuyên chàng

Cho nên quyết định tìm đường cầm chân

Không cho đi lại xa gần

Cấm ra khỏi cửa, giữ luôn trong nhà.

Vận may từ đó ai ngờ

Tu Bồ Đề có thời giờ rảnh rang

Đọc về triết học kỹ càng

Đọc về tôn giáo lời vàng khắc ghi

Để rồi kiến thức ai bì

Chàng thưa cha mẹ rất chi tự hào:

“Vạn tượng dày đặc biết bao

Khắp trong vũ trụ hiện vào tâm con

Nhưng tâm khi xét ở trong

Dường như trống rỗng chẳng còn vật chi!”

3. Quay về nương tựa Phật

Nơi thôn xóm Tu Bồ Đề

Phật đi giáo hóa lần kia ghé vào

Dân làng vội vã theo nhau

Quy y với Phật trước sau rộn ràng,

Mặc dù tín ngưỡng nhà chàng

Bà La Môn giáo đã hằng bao lâu

Giờ đây cha mẹ cùng nhau

Xin quy y Phật. Thấy sao lạ lùng!

Lại xưng tụng Phật vô cùng:

“Từ bi, trí tuệ, thần thông tuyệt vời!”

Ngạc nhiên, muốn hiểu rõ thôi

Tu Bồ Đề lén tới nơi đạo tràng.

Đêm nay đèn đuốc sáng choang

Tới nghe thuyết pháp dân làng đông sao

Phật ngồi trên pháp tòa cao

Chàng nhìn, lòng bỗng dâng trào niềm tin:

“Ngài sao tướng mạo uy nghiêm

Vô cùng viên mãn giữa miền hào quang!”

Chàng nghe Phật dạy tỏ tường:

“Chúng ta tất cả chung cùng bản thân

Đừng phân biệt “ngã” với “nhân”

“Ta” với “người” chẳng chia phân chút nào

Nhân duyên hòa hợp dài lâu

Ta và vạn pháp nương nhau muôn đời

Nên khi bố thí cho người

Cũng là lợi lộc cho nơi chính mình!”

Chàng nghe cảm động thật tình

Những lời Phật dạy anh minh sáng ngời.

Sau khi đức Phật trở lui

Quay về tịnh thất nghỉ ngơi, khuya rồi

Tu Bồ Đề lén theo thôi

Muốn xin gặp Phật nhưng hơi ngại ngần

Thập thò qua lại vài lần

Phật bèn lên tiếng gọi luôn chàng vào.

Chàng quỳ ra mắt thỉnh cầu:

“Con xin được Thế Tôn thâu nhận vào

Xuất gia theo học đạo màu

Trong hàng đệ tử dài lâu của Ngài!”

Chàng xưng danh tánh xong xuôi

Phật lên tiếng dạy: “Mọi người địa phương

Nói con thông tuệ nhất vùng

Lành thay con muốn theo đường xuất gia

Nhưng còn ý kiến mẹ cha

Hai người có thuận thông qua chuyện này?”

Chàng bèn kính cẩn thưa ngay:

“Phụ thân con chắc khi hay rõ rồi

Sẽ cùng hoan hỉ mà thôi

Hai người cũng đã theo Ngài quy y!”

Phật vui chấp nhận tức thì,

Tu Bồ Đề được yên bề xuất gia

Khoác lên mình áo cà sa

Trở thành đệ tử thật là uy nghi.

4. Khuất thực nhà giàu không tới nhà nghèo

Một bình bát với ba y

Tu Bồ Đề sáng ra đi theo đoàn

Cùng đi khất thực trong làng,

Chiều nghe Phật giảng đạo vàng uyên thâm

Rồi tham thiền rất chuyên cần,

Nhưng khi khất thực thầy luôn khác người

Chọn nhà giàu có mà thôi

Không ngừng chân trước nhà nơi nghèo nàn

Thầy thường bộc lộ tâm can:

“Người nghèo sinh sống vô vàn khó khăn

Tự nuôi thân không đủ ăn

Không còn chi để phát tâm cúng dường

‘Lòng dư, sức thiếu’ đáng thương

Đừng nên bắt họ đảm đương chuyện này!”

Thầy Đại Ca Diếp khác thay

Chỉ nhà nghèo mới khiến thầy dừng chân

Chọn nhà nghèo túng xin ăn

Nói rằng: “Muốn họ được ban phước lành

Cúng dường tạo phước tâm thành

Kiếp sau thoát khổ, mặc tình sướng vui!”Hai thầy khác biệt nhau rồi

Phật hay biết được Ngài thời sửa sai:

Dạy rằng: “Khất thực hàng ngày

Phải đi tuần tự nhà này, nhà kia

Giàu, nghèo không được phân chia

Chớ nên chọn lựa! Oai nghi giữ gìn!”

5. Khóc trong pháp hội Bát Nhã

Tại nơi tu viện Kỳ Viên

Tu Bồ Đề đã nêu lên một lần

Điều thầy thắc mắc thiết thân:

“Thiện nam, tín nữ phát tâm bồ đề

Làm sao an trú trọn bề?

Và khi vọng niệm u mê quấy rầy

Làm sao hàng phục được ngay?”

Pháp hội bát nhã hôm nay đông người

Phật nghe hỏi bèn trả lời:

“Trong khi bố thí ta thời chớ quên

Để an trú tâm cho bền

‘Bố thí vô tướng’ ta nên nhớ hoài

Không thấy ta, không thấy người

Và pháp bố thí xét thời cũng không!”

Nói xong Phật dạy thêm luôn:

“Độ sinh cũng vậy, cũng không khác gì

Muốn hàng phục vọng niệm kia

‘Độ sinh vô ngã’ thầy thì nên theo

Theo ‘ba không’ vừa mới nêu

Ta và người được độ đều là không

Cũng không có pháp độ luôn,

Ba không phải nhớ nằm lòng chớ quên!”

Thầy Tu Bồ Đề hiểu liền

Nghe lời khai ngộ quả nhiên tuyệt vời

Hiểu sâu sắc đủ mọi lời

Trong lòng cảm kích, lệ thời khẽ tuôn,

Và rồi trong khắp tăng đoàn

Đứng đầu hiều rõ “tính KHÔNG” là thầy.

6. "Không" là gì?

Bà La Môn giáo vùng này

Có người trí thức một ngày nêu lên

Hỏi rằng: “Thầy nói khó tin!

Hãy nhìn vạn vật khắp trên cõi trần

Hiện đang tồn tại rõ ràng

Tại sao thầy lại cho rằng là ‘không’?”

Thầy Tu Bồ Đề giảng luôn:

“Ngôi nhà trước mặt hiện trong mắt người

Do bốn yếu tố mà thôi

‘Đất, nước, gió, lửa’ cùng vài nhân duyên

Hợp thành nhà, cấu tạo nên

Tách riêng từng thứ nhà liền tiêu vong

Cho nên ta gọi là ‘không’

Nhà không thật có như trong ý mình

Như ta nhận thức thường tình!

‘Có’, ‘không’ chẳng khác, hợp thành ‘một’ luôn

Nhớ rằng ‘sắc bất dị không’

‘Không bất dị sắc’ ghi lòng chớ quên!

Những gì có ‘sắc’ hiện lên

Đều không có thật, chẳng bền vững lâu

Tấm thân ta cũng khác đâu

Chỉ là ‘giả có’, rã vào tương lai!”

Rồi thầy chỉ tới cây xoài

Dạy rằng: “Khi trái chín. Rồi rụng rơi

Hạt xoài được đất chôn vùi

Nảy mầm. Mọc lại. Với thời gian qua

Thành cây xoài mới. Nở hoa

Trở thành nguyên dạng như là trước tiên,

Một khi có đủ nhân duyên

Hột xoài, đất, nước lại thêm tay người

Thì ta có cả vườn xoài,

Nếu nhân duyên thiếu ta thời thấy ngay

Cây xoài không mọc tại đây

Đó là ‘không’ đấy! Điều này chớ quên!

Sinh thành tạo bởi nhân duyên,

Đến khi hoại diệt cũng nguyên nhân này!”

7. Người nghinh tiếp Phật trước nhất

Cung trời Đao Lợi một ngày

Phật đang chuẩn bị từ đây trở về,

Tin vui, đệ tử vừa nghe

Tranh nhau rảo bước vội đi đón Ngài

Muốn là người trước nhất thôi,

Tu Bồ Đề cũng nghe lời báo trên

Đang ngồi vá áo động bên

Thầy bèn ngưng lại, đứng lên theo cùng

Muốn đi đón Phật chào mừng

Nhưng rồi nghĩ lại thầy dừng chân ngay

Trở vào trong động vá may

Trong khi ngồi xuống lòng thầy nghĩ suy:

“Đi nghinh đón Phật làm chi?

Chân thân của Phật dễ gì thấy ra

Bằng sáu căn trước mắt ta

Nếu đi nghinh đón quả là lầm sai

Khác nào nghĩ pháp thân Ngài

Thật do tứ đại lâu nay hợp thành

Thế là ta đã vô minh

‘Tính KHÔNG các pháp’ chẳng rành biết chi!”

Thầy Tu Bồ Đề không đi

Thản nhiên vá áo lòng thì ung dung.

Phật về từ chốn thiên cung

Bao nhiêu đệ tử đón mừng tới đây

Liên Hoa Sắc trong số này

Quỳ thưa cùng Phật cơ may của mình

Rằng: “Con vui có duyên lành

Nhanh chân đón Phật cung nghinh hàng đầu.”

Phật bèn dạy: “Không phải đâu

Tu Bồ Đề chính người đầu mà thôi

Tuy ngồi trong động xa xôi

‘Tính KHÔNG’ hiểu rõ tuyệt vời hơn ai

Rõ pháp thân của Như Lai

Cho nên mới thực là người đầu tiên!”

8. Mưa hoa rợp đất cúng dường

Thầy Tu Bồ Đề thường xuyên

Ưa vui sống giữa thiên nhiên, núi rừng

Những ngày mưa gió bão bùng

Ngồi yên trong động, thầy không ra ngoài,

Những hôm nắng ráo đẹp trời

Kinh hành, thiền định ven đồi, dưới cây.

Ở trong động núi một ngày

Thầy ngồi nhập định, tâm đầy an nhiên

Chợt đâu oai đức bừng lên

Tỏa ra ánh sáng tới miền thiên cung

Khiến cho ngay gìữa hư không

Chư thiên xuất hiện cùng tung hoa trời

Và cùng ca ngợi hết lời:

“Tu Bồ Đề ở cõi người mà thôi

Nhưng mà xứng được cõi Trời

Mưa hoa rợp đất tận nơi cúng dường

Chúng tôi kính ngưỡng vô cùng

Và xin đảnh lễ tỏ lòng bữa nay!”

Thầy nghe bèn xuất định ngay

Ngước nhìn và hỏi: “Quý ngài là ai?”

Dẫn đầu thiên chúng đáp lời:

“Tôi là Đế Thích, đồng thời quanh tôi

Đều là thiên chúng cõi Trời!”

Thầy bèn cảm tạ! Hoa rơi thơm lừng!

Việc này đặc biệt vô cùng

“Chư thiên ca ngợi, cúng dường muôn hoa”

Ngoại trừ có Đức Phật ra

Thầy người duy nhất! Quả là quý thay!

9. Chư thiên trổi nhạc thăm bệnh

Thầy Tu Bồ Đề một ngày

Bị lâm bệnh nặng, hao gầy tấm thân

Tâm thời mệt mỏi vô ngần

Nhưng thầy cố gắng quyết tâm ngồi thiền

Giữ cho chánh niệm vững bền

Đồng thời quán tưởng: “Các duyên đời này

Có quan hệ bất ổn thay

Cộng thêm nghiệp báo trước đây chất chồng

Nên mình bệnh hoạn khốn cùng

Thuốc men chỉ trị bệnh trong tạm thời

Phải cần sám hối ngay thôi

Và tu thiền quán để rồi nhận chân

Các điều nhân quả xoay vần

Mới trừ đau khổ nơi tâm ý người,

Khổ đau tâm ý diệt rồi

Khổ đau thân thể tức thời tiêu tan!”

Thầy thiền định một thời gian

Để rồi cảm thấy nhẹ nhàng trong tâm

Ung dung tự tại tấm thân

Bệnh tình khổ não biến dần hết luôn.

Ngay vào lúc đó trên không

Vua Trời Đế Thích hiện cùng chư thiên  

Cùng thần âm nhạc uy nghiêm

Giáng lâm đàn hát, trổi lên giữa trời

Sau khi khúc hát ngưng rồi

Cả đoàn bái kiến thầy nơi đất liền.

Tạ ơn, thầy vội đứng lên

Thốt lời đáp lễ, tâm hồn thăng hoa:

“Tu Bồ Đề bệnh sinh ra

Khi mà các pháp bất ngờ chống nhau

Nhưng mà pháp Phật nhiệm màu

Nước cam lồ khiến bệnh mau hết rồi

Thêm thiền như gió xuân tươi

Khiến tôi bình phục, nay thời an nhiên!”

Chư thiên hoan hỉ vô biên

Cùng nhau đảnh lễ rồi lên đường về.

Xưa tôn giả Tu Bồ Đề

Trí tuệ bát nhã muôn bề tinh thông

Nhận chân về đạo lý KHÔNG

Sâu xa, màu nhiệm nhất trong tăng đoàn

Mọi người xưng tụng vẻ vang

Thầy là bậc nhất am tường tính KHÔNG.

Tham khảo: “MƯỜI VỊ ĐỆ TỬ LỚN CỦA PHẬT”; Nguyên tác Hán văn: Tinh Vân Pháp Sư; Dịch: Hạnh Cơ - Hiệu đính: Tịnh Kiên.

Tranh vẽ: “THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ PHẬT THÍCH CA”

Lời: Thái Thuận - Tranh: Trường Quán

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?

Kiến thức 17:08 24/11/2024

Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt.

Giải thích các cõi trong lục đạo

Kiến thức 16:00 24/11/2024

Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?

Sự cúng dường ý nghĩa nhất là gì?

Kiến thức 15:37 24/11/2024

Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: “Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân”.

Tứ ân là gì?

Kiến thức 14:50 24/11/2024

Tứ ân hay Tứ trọng ân là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Người Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày.

Xem thêm