Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Từ điển phật học online
Từ điển Phật học được sắp xếp theo thứ tự từ A đến Z
A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z

Bạn đang tìm kiếm để hiểu ý nghĩa của từ khóa . Ý nghĩa của từ Trung Nguyên theo Tự điển Phật học như sau:

có nghĩa là:

(中元): tức Trung Nguyên Tiết (中元節), đối với Thượng Nguyên (中元) nhằm ngày rằm tháng giêng âm lịch, Hạ Nguyên (下元) vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, Trung Nguyên nhằm vào ngày rằm tháng 7 âm lịch. Trung Nguyên Tiết là tên gọi của Đạo Giáo, Vu Lan Bồn Tiết (盂蘭盆節) là tên gọi của Phật Giáo, còn gọi là Trung Nguyên Phổ Độ (中元普渡), Hiếu Tử Tiết (孝子節).Thuyết Tam Nguyên này phát xuất từ Đạo Giáo, sau này lễ Trung Nguyên được hỗn hợp với truyền thống Vu Lan Bồn của Phật Giáo để cúng dường và cầu siêu độ cho các vong linh đã quá cố. Vì vậy khi nói đến Trung Nguyên cũng có nghĩa là Vu Lan Bồn. Bên cạnh đó, theo truyền thống Phật Giáo, rằm tháng 7 cũng là ngày xá tội vong nhân, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày Tự Tứ (s: pravāraṇā, p: pavāraṇā, 自恣) của chư tăng ni, như trong Tuế Thời Quảng Ký (歲時廣記) quyển 29, phần Kinh Sở Tuế Thời Ký (荊楚歲時記) có đề cập rằng: “Tứ nguyệt thập ngũ nhật nãi Pháp Vương cấm túc chi thần, Thích tử hộ sanh chi nhật, tăng ni dĩ thử nhật tựu Thiền sát kết hạ lực, hựu vị chi Kết Chế; cái trưỡng dưỡng chi tiết tại ngoại hành, khủng thương thảo mộc trùng loại; cố cửu thập nhật An Cư, chí thất nguyệt thập ngũ nhật Giải Hạ, hựu vị chi Giải Chế (四月十五日乃法王禁足之辰、釋子護生之日、僧尼以此日就禪剎結夏力、又謂之結制、蓋長養之節在外行、恐傷草木蟲類、故九十日安居、至七月十五日解夏、又謂之解制, rằm tháng tư là ngày đấng Pháp Vương [đức Phật] cấm túc [giới hạn đi ra ngoài], là ngày người con Phật bảo vệ sinh mạng, tăng ni lấy ngày này đến các Thiền viện Kết Hạ An Cư, còn gọi là Kết Chế; lấy năng lực đó nuôi lớn, giới hạn việc đi ra ngoài, sợ làm tổn thương cây cỏ, côn trùng; cho nên sau 90 ngày An Cư, đến ngày rằm tháng 7 thì Giải Hạ [kết thúc kỳ Kết Hạ An Cư], còn gọi là Giải Chế).” Sau ngày Giải Hạ, từ ngày 16 tháng 7 âm lịch trở đi, cuộc sống mới bắt đầu; vì vậy ngày rằm tháng 7 cũng tượng trưng cho sự phục hoạt và sinh sống mới. Xưa kia, trong dân gian vẫn thường gọi lễ hội này là Quỷ Tiết (鬼節). Tương truyền có một hôm nọ, cửa địa ngục mở tung ra, các âm linh, quỷ sứ dưới âm ty được tự do thoát ra ngoài. Người nào có chủ thì về nhà mình, người không chủ thì đi lang thang, vất vưởng đây đó; cho nên, trong dân gian thường thiết lễ tụng kinh cầu nguyện vào dịp tháng 7 để cầu siêu độ các âm linh cô hồn, để họ không gây họa cho con người, và trở lại phò trợ cho tật bệnh tiêu trừ, gia trạch bình an. Về truyền thuyết của lễ hội này, bên cạnh thuyết đệ tử của đức Phật là Mục Kiền Liên (s: Maudgalyāyana, p: Moggallāna, 目犍連) cứu mẹ như được thuyết trong Vu Lan Bồn Kinh (s: Ulambanasūtra, 盂蘭盆經) của Phật Giáo, về phía dân gian cung như Đạo Giáo, có truyền thuyết khác đến tiền giấy. Theo thuyết của Thái Luân (蔡倫, khoảng 63-121) thời Đông Hán (東漢, 25-220) sau khi phát minh ra tiền giấy, cuộc sống hưng thịnh, khá giả, tiền của dư dật. Anh trai ông là Thái Mạc (蔡莫) cùng với chị Huệ Nương (慧娘) thấy vậy rất thèm muốn. Cả hai cùng đến gặp Thái Luân xin học cách chế tạo giấy. Tuy nhiên, tâm của Thái Mạc thì quá nôn nóng muốn làm giàu, nên công phu học tập tuy chưa thuần thục đã vội mở tiệm kinh doanh. Cuối cùng, kết quả cho thấy rằng giấy do ông làm ra có phẩm chất không tốt, bị mọi người chê trách; cả hai vợ chồng ngồi buồn rầu rĩ. Chợt Huệ Nương nảy ra một diệu kế, bàn nhỏ với chồng và thực hiện. Có một đêm nọ, người dân hàng xóm bỗng nhiên nghe tiếng khóc lóc thảm thiết vọng lại từ nhà của Thái Mạc. Mọi người chạy đến xem hư thực, mới biết là Huệ Nương đã chết tối hôm qua. Đến sáng hôm sau, trước mặt mọi người, Thái Mạc kêu gào bi thương bên quan tài vợ hiền, vừa khóc vừa đốt giấy. Bỗng nhiên, từ trong quan tài vọng ra tiếng nói rằng: “Mở cửa ra, mở cửa ra ! Ta sống lại đây !” Người tham dự kinh sợ, cuối cùng có người gan dạ mới dám bước đến mở nắp quan tài ra. Huệ Nương từ trong quan tài bước ra kể với mọi người rằng sau khi bà qua đời, sanh xuống cõi âm; khi ấy Diêm Vương xét tội trạng và ban cực hình, chịu cực khổ muôn vàn. Nhưng nhờ có Thái Mạc đốt giấy tiền, chúng tiểu quỷ thâu lấy đem dâng cho Diêm Vương; cho nên Diêm Vương mới tha cho trở về lại dương gian. Nghe vậy, Thái Mạc giả vờ hỏi: “Ta đâu có đốt tiền.” Huệ Nương lấy tay chỉ vào đống tro tàn bảo: “Dưới cõi âm đó chính là tiền.” Từ đó, người dân mới phát hiện ra công dụng và lợi ích của tiền giấy; họ đỗ xô đến tiệm của Thái Mạc mua giấy tiền về cúng. Ngày Huệ Nương sống lại cũng đúng vào rằm tháng bảy; cho nên cũng nhân ngày này, dân chúng mua giất tiền đốt dâng cúng tổ tiên cũng như những người đã qua đời. Theo Đạo Giáo, ngày Thượng Nguyên là ngày Thiên Quan (天官) ban phước; ngày Trung Nguyên là ngày Địa Quan (地官) xá tội; và ngày Hạ Nguyên là ngày Thủy Quan (水官) giải ách. Cho nên, vào ngày rằm tháng 7, dân gian thường chuẩn bị các mâm cỗ cúng rất phong phú để dâng cúng cho Địa Quan cũng như tổ tiên quá cố. Về tập tục cúng tế vào dịp Trung Nguyên này, có nhiều tài liệu ghi lại như tác phẩm Đường Lục Điển (唐六典, tức Đại Đường Lục Điển [唐六典]) ghi rằng: “Trung Thượng Thự thất nguyệt thập ngũ nhật tấn Vu Lan Bồn (中尚署七月十五日進盂蘭盆, vào ngày rằm tháng bảy, Trung Thượng Thự [cơ quan chuyên trách đồ ẩm thức hiến cúng] hiến cúng Vu Lan Bồn).” Như vậy, đương thời việc tiến cúng Vu Lan Bồn vào dịp Trung Nguyên là định lệ trong cung nội. Trong Đông Kinh Mộng Hoa Lục (東京夢華錄) quyển 8 do (孟元老, ?-?) nhà Tống soạn có đoạn: “Tiên sổ nhật, thị tỉnh mại minh ngoa hài, kim tê giả đái, ngọc thải y phục, … cập ấn mại Tôn Thắng Mục Liên Kinh (先數日、市井賣冥器靴鞋、金犀假帶、五綵衣服、… 及印賣尊勝目蓮經, trước [Trung Nguyên] vài ngày, phố xá có bán các thứ giày dép, tê giác vàng, dây đai giả, y phục lụa năm màu đồ âm binh, … và mua Tôn Thắng Mục Liên Kinh).” Hay như trong Đế Kinh Cảnh Vật Lược (帝京景物略) quyển 2 do Lưu Đồng (劉侗, khoảng 1593-1636) và Vu Dịch Chánh (于奕正, ?-?) nhà Minh soạn, có kể rằng: “Thập ngũ nhật, chư tự kiến Vu Lan Hội, dạ ư thủy thứ phóng đăng, nhật phóng hà đăng (十五日、諸寺建盂蘭會、夜於水次放燈、日放河燈, vào ngày rằm, các chùa mở hội Vu Lan, đêm về thả đèn trên nước, ban ngày thả đèn trên sông).” Hoặc như trong Huyền Đô Đại Hiến Kinh (玄都大獻經) của Đạo Giáo có dạy rằng: “Thất nguyệt thập ngũ nhật, Trung Nguyên chi tiết dã; … thị nhật Địa Quan hiệu duyệt, sưu thuyết chúng nhân, phân biệt thiện ác, chư thiên Thánh chúng, phổ nghệ cung trung, giản định kiếp số nhân quỷ bộ lục, ngạ quỷ tù đồ, nhất thời câu tập, dĩ kỳ nhật tác Huyền Đô đại trai, địch ư Ngọc Kinh, cập thái hoa quả, thế gian sở hữu kỳ dị chi vật, ngoạn lộng phục sức, tràng phan bảo cái, trang nghiêm cúng dường chi cụ, thanh thiện ẩm thực, bách vị phân phương, hiến chư chúng Thánh, cập dữ đạo sĩ, dữ kỳ nhật nguyệt giảng tụng thị kinh, thập phương Đại Thánh, cao lục linh thiên, tù đồ ngạ quỷ, đương thời giải thoát, nhất câu bão mãn, miễn ư chúng khổ, đắc tuyển nhân trung; nhược phi như thử, nan khả bạt thoát (七月十五日、中元之節也、…是日地官校閱、搜說眾人、分別善惡、諸天聖眾、譜詣宮中、簡定劫數人鬼簿錄、餓鬼囚徒、一時俱集、以其日作玄都大齋、敵於玉京、及採諸花果、世間所有奇異之物、玩弄服飾、幢幡寶蓋、莊嚴供養之具、清膳飲食、百味芬芳、獻諸眾聖、及與道士、與其日月講誦是經、十方大聖、高錄靈篇、囚徒餓鬼、當時解脫、一俱飽滿、免於眾苦、得選人中、若非如此、難可拔脫, ngày rằm tháng bảy là Tiết Trung Nguyên; ngày này Địa Quan xét duyệt, sưu tra mọi người, phân biệt thiện ác; các Thánh trên trời, tập trung trong cung điện, định rõ sổ bộ kiếp số của quỷ và con người, chúng quỷ đói giam tù, cùng lúc tập họp, lấy ngày này làm ngày cúng chay Huyền Đô, tranh nhau cúng ở Ngọc Kinh; cùng chọn các thứ hoa quả, những vật kỳ dị hiếm có trên đời, áo quần trang phục vua đùa, tràng phan lọng báu, các vật cúng dường trang nghiêm, mâm cỗ ăn uống trong sạch, trăm vị thơm ngon, hiến cúng các bậc Thánh, cùng những đạo sĩ, vào ngày tháng này giảng tụng kinh này; các Đại Thánh trong mười phương, ghi rõ sổ linh; chúng quỷ đói bị giam cầm, lúc bấy giờ được giải thoát, hết thảy đều no đủ, xa lìa các khổ, được sanh làm người; nếu không làm như vậy, khó được giải thoát)”, v.v. Lễ hội này cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống tâm linh con người Á Châu, dầu bất cứ tôn giáo nào đi nữa; cho nên, văn chương, thi phú ca ngợi nhiều về nó. Như Linh Cô Sở (令孤楚, 766-837) có làm bài thơ Nhật Tặng Trương Tôn Sư (日贈張尊師) về Tiết Trung Nguyên rằng: “Ngẫu lai nhân thế trị Trung Nguyên, bất hiến Nguyên Đô vị nhật nhàn, tịch tịch phần hương tại tiên quán, tri sư diêu lễ Ngọc Kinh San (偶來人世值中元、不獻元都未日閒、寂寂焚香在仙觀、知師遙禮玉京山, tình cờ nhân thế gặp Trung Nguyên, chẳng cúng Nguyên Đô chưa an nhàn, lẳng lặng đốt hương nơi tiên quán, biết thầy xa lễ Ngọc Kinh San).” Thi sĩ Ân Nghiêu Phiên (殷堯藩, ?-?) nhà Đường có bài Trung Nguyên Quán Pháp Sự Bộ Hư (中元觀法事步虛) rằng: “Ngột đô khai bí lục, bạch thạch lễ tiên sanh, thượng giới thu quang tịnh, Trung Nguyên dạ khí thanh, tinh thần triều đế xứ, tư hạc bộ hư thanh, ngọc động hoa trường phát, châu cung nguyệt tối minh, tảo đàn thiên địa túc, đầu giản quỷ thần kinh, thảng tứ Đao Khuê Dược, hoàn lưu bất tử danh (兀都開秘籙、白石禮先生、上界秋光淨、中元夜氣清、星辰朝帝處、鷥鶴步虛聲、玉洞花長發、珠宮月最明、掃壇天地肅、投簡鬼神驚、儻賜刀圭藥、還留不死名, kinh đô bày bí điển, đá trắng lạy tiên sanh, cõi trên ánh thu lắng, Trung Nguyên đêm khí trong, sao trời chầu đế chúa, cò hạc bước thong dong, động ngọc hoa nở ngát, cung báu trăng sáng ngần, quét đàn trời đất dịu, gieo ống quỷ thần kinh, nếu ban Đao Khuê Thuốc [thuốc tán viên bột], lưu mãi bất tử danh).” Trong khi đó, Biên Cống (邊貢, 1476-1532) nhà Minh có làm bài Trung Nguyên Kiến Nguyệt (中元見月) như sau: “Tọa ái thanh quang hảo, cánh thâm bất hạ lâu, bất nhân phùng nhuận nguyệt, kim dạ thị trung thu (坐愛清光好、更深不下樓、不因逢閏月、今夜是中秋, ngồi ngắm ánh trăng sáng, hồi lâu chẳng xuống lầu, chẳng hay gặp tháng nhuận, đêm nay là giữa thu)”, v.v.

Trên đây là ý nghĩa của từ trong hệ thống Tự điển Phật học online do Cổng Thông tin Phật giáo Việt Nam cung cấp. Các từ khóa khác về Phật học trên hệ thống sẽ được tiếp tục cập nhật.

Cảm ơn bạn đã truy cập Tự điển Phật học online trên trang nhà.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các từ khóa Phật học khác có cùng ký tự tương ứng trên Tự điển Phật học online:

tả tả ta tạ tả ta
Tự điển Phật học online được cung cấp bởi Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.