Thứ sáu, 04/09/2015, 09:38 AM

Tu hành theo Phật pháp là thế nào?

Vấn đề tu hành của Phật giáo là rất xưa cũ vì đã có lịch sử gần 2600 năm kể từ lúc đức Phật chứng Vô thượng Chính đẳng Chính giác vào khoảng năm 593 trước Công nguyên, lúc đó Ngài 30 tuổi. Phật đã giảng rất nhiều pháp môn, chế ra nhiều Giới luật để giúp những ai muốn tìm kiếm sự giải thoát khỏi mê lầm và đau khổ.

Tuy nhiên vì lịch sử quá lâu dài, phạm vi cũng quá rộng, vì ngày nay trong Phật giáo cũng có rất nhiều tông phái, mỗi tông phái đều có đường lối tu tập riêng.

Vì vậy phật tử đâm ra rối trí không biết rõ tu hành thực chất là phải làm sao. Những khái niệm chung còn đọng lại trong đầu mỗi người bình thường có lẽ là : tu hành là phải giữ giới luật, ít nhất là ngũ giới căn bản của Phật tử tại gia, tích cực hơn nữa là ăn chay, niệm A Di Đà Phật nếu theo Tịnh Độ Tông, ngồi thiền nếu theo Thiền tông, tụng kinh hàng ngày nếu theo giáo môn, niệm chú Đà la ni (dhāraṇī- chân ngôn, thần chú) nếu theo Mật tông v.v…Đó là những phương pháp tu hành cụ thể, còn ý nghĩa tại sao tiến hành những phương pháp như vậy, đây chính là nội dung tôi muốn lạm bàn tu hành là thế nào trong bài viết này.


Phật tử chúng ta đều biết tu hành là tìm cách xóa bỏ những nhận thức mê lầm để đi tới giác ngộ, nói theo Tổ Sư Thiền là kiến tính thành Phật, tức thành một người giác ngộ. Tại sao phải tu hành tìm cầu giác ngộ ? Bởi vì thế gian đầy đau khổ, sinh lão bệnh tử, bát khổ, thiên tai, nhân họa, áp bức bất công, chiến tranh, loạn lạc, cuộc sống đầy bất trắc không thể nào an tâm được. Tại sao có đau khổ ? Đức Phật đã chứng thực nguyên nhân của đau khổ chính là nhận thức mê muội đầy sai lầm về thế giới. Sai lầm như thế nào ? Các giác quan của chúng ta : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não, chỉ là cơ chế tạo ra sự ảo hóa. Ý thức của chúng ta tổng hợp những cảm giác thấy, nghe, ngửi nếm, sờ mó, suy nghĩ, thành cái mà Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng, tức là tưởng tượng đã lưu truyền phổ biến ở thế gian. Tất cả các kết quả đó chỉ là giả lập tức không phải thật có, nhưng chúng ta đều tưởng là có thật. Thế lưu bố tưởng là thế nào ? Là tưởng tượng như thế này :
Đây là con trâu
Đây là con ngựa
Thực chất của con trâu hay con ngựa là gì ? Không có gì cả (tính không), chỉ là tưởng tượng mà thôi, nhưng đây là tưởng tượng có cơ sở khoa học. Cơ sở đó như thế nào ? Chúng cấu tạo bằng những hạt ảo gọi là quark và electron. Ba quark hợp lại tạo thành hạt proton, ba quark khác có cấu tạo hơi khác một chút tạo thành hạt neutron. Proton và neutron hợp lại tạo thành hạt nhân nguyên tử, bên ngoài có những hạt electron chạy quanh, tạo thành nguyên tử. Nguyên tử đơn giản nhất là hydrogen chỉ có 1 proton và 1 electron. Các đồng vị của hydro có thêm 1 neutron là deuterium, có thêm 2 neutron là tritium.
 Hydrogen              Deuterium         Tritium 


Vì quark và electron đều là hạt ảo, nên vật chất do chúng cấu tạo cũng đều là ảo, nghĩa là tất cả nguyên tử của tất cả các loại vật chất đều là ảo, không có thật, như thế nghĩa là tất cả vũ trụ, thế giới, sơn hà đại địa, nhà cửa xe cộ, vật dụng sinh hoạt, kể cả thân tứ đại của chúng ta cũng đều là ảo. Vậy tại sao chúng ta lại thấy chúng rất thật ? Chính vì có sự giả lập của lục căn, lục trần và lục thức, cộng chung 18 giới. Con người là một cấu trúc ảo có lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não). Lục căn tiếp xúc với lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) cũng là những cấu trúc ảo, phát sinh ra lục thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó, ý thức) đều là tưởng tượng. Tưởng tượng này hoàn toàn có cơ sở khoa học và rất vững chắc. Lý do khiến các cấu trúc ảo đều vững chắc, vô cùng kiên cố, là vì có hiện tượng giam hãm (confinement) xảy ra đối với hạt proton và hạt neutron, nghĩa là 3 hạt quark (2 up 1 down) của proton và 3 hạt quark khác (1 up 2 down) của hạt neutron bị giam hãm vĩnh viễn trong hạt proton và hạt neutron. Điều đó khiến hạt nhân nguyên tử rất vững chắc, khó bị phá vỡ, do đó vật chất trở nên kiên cố. Các hạt ảo được kết nối với nhau bởi 4 lực cơ bản, trong đó lực tương tác mạnh (force interactive forte, the strong interaction) là rất lớn, đó chính là sức mạnh nguyên tử khi lực đó được giải phóng theo công thức nổi tiếng của Einstein :

E (năng lượng) = M (khối lượng vật chất) x C2 (bình phương vận tốc ánh sáng)

Nói tóm lại con trâu, con ngựa hay tất cả vật chất đều chỉ là tưởng tượng chứ không phải có thật, nhưng vì có sự đồng bộ của lục căn, tức là mắt thấy, tai nghe, ngửi nếm được, sờ mó được, ăn uống, tiêu hóa, tăng trưởng đều được cả nên chúng ta tin chắc 100% là có thật. Giống như một cuốn phim trong đó có chim bay, cá lội, nam nữ yêu nhau, có nhiều nhân vật, có đời sống, có nói năng, ăn uống, sung sướng hay đau khổ. Nhưng chúng ta biết rõ tất cả chỉ là ảo chứ không phải thật. Đó chỉ là hình ảnh chuyển động trên mặt phẳng hai chiều, tiếng nói, âm thanh đều là giả lập. Nếu những hình ảnh đó được dựng đứng lên trên không gian 3 chiều thì sẽ trở thành cuộc sống đời thường của chúng ta. Người ta đã phát hiện ra rằng hình ảnh 3 chiều có thể ghi lại đầy đủ trên mặt phẳng 2 chiều bằng phương pháp toàn ảnh (holography) gọi là ảnh toàn ký (hologram). Ngược lại từ ảnh toàn ký có thể biến trở lại thành vật thể 3 chiều. Người ta đã ứng dụng phương pháp này để tạo ra máy in 3D, từ ảnh toàn ký của của một vật mẫu, có thể in ra cái vật mẫu đó bằng nhựa thật.
 
Máy in 3D có thể in ra một vật thể 3 chiều từ ảnh toàn ký của nó

Điều đó chứng tỏ thế giới đời thường của chúng ta cũng là ảo hóa giống như cuốn phim.

Trên đời chỉ có rất ít người hoài nghi rằng vật chất không có thật, chúng ta có thể kể ra một số rất ít người hoài nghi như : Cồ Đàm, Long Thọ, Trang Chu, Descartes, Immanuel Kant…Đối với Cồ Đàm, Long Thọ hay các thiền sư kiến tính thì họ đã chứng thực điều đó, không còn hoài nghi nữa. Còn Descartes khi tuyên bố « Je pense donc je suis » (Tôi tư duy vậy tôi hiện hữu) thì cũng đã mặc nhiên xác nhận rằng sự tồn tại của bản thân mình hay của vật chất cũng chỉ là tư duy. Những người khác thì hoài nghi nhưng cũng chưa thực chứng.

Đối với người bình thường chúng ta, chưa kiến tính, chưa tự mình chứng thực vật chất chỉ là ảo thì dựa vào đâu để tin vật chất có bản chất là ảo ? Dựa vào những hiện tượng kỳ lạ mà khoa học không thể giải thích nổi, chẳng hạn hiện tượng rối, vướng víu lượng tử (quantum entanglement). Hiện tượng này đã được Nicolas Gisin và các đồng sự của ông tại Đại học Geneva Thụy Sĩ tái lập thí nghiệm năm 2008, và gần đây nhất là Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow tiến hành năm 2012. Các thí nghiệm này xác nhận rằng các lượng tử (ví dụ hạt photon) có những tính chất kỳ bí không thể tưởng tượng nổi. Đó là không có số lượng, một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau thì nó trở thành 100.000 hạt photon. Ngoài ra là tính bất định xứ (nonlocal), khoảng cách không gian là không có thật vì tín hiệu truyền đi từ vị trí này qua vị trí khác (cách xa 18 km theo thí nghiệm của Gisin) không mất chút thời gian nào, hay nói cách khác, tất cả các vị trí trong không gian đều là ảo, là giả lập, không có thật, giống y chang khái niệm Như Lai của Đức Phật. Tóm lại hiện tượng đó chứng tỏ một cách rõ ràng không thể chối cãi rằng số lượng, không gian, thời gian đều là giả lập chứ không phải có thật. Vậy khoảng cách từ Sài Gòn ra Hà Nội theo đường thẳng là 1146 km có thật hay không ? Đối với người bình thường thì có thật, họ phải đi máy bay mất gần 2 tiếng đồng hồ mới tới. Còn đối với Bồ Tát Quán Thế Âm thì khoảng cách đó không có thật, chỉ cần khởi niệm là tức khắc đến. Có người có thể không tin về sự tồn tại của Bồ Tát Quán Thế Âm, nên tôi dùng Hầu Hi Quý làm chứng cớ. Năm 1979, Hầu Hi Quý dùng tâm niệm lấy một gói thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa từ huyện Lạc Đô, tỉnh Thanh Hải đến làng Loan Sơn, Du Huyện, tỉnh Hồ Nam, khoảng cách hơn 1500 km chỉ trong nháy mắt là tới, chứng tỏ khoảng cách không có thật.

Ngoài thí nghiệm khoa học, còn có thực nghiệm nào trong thực tế chứng minh thêm rằng vật chất là ảo không ? Xin thưa rằng có đấy. Biểu diễn của các nhà đặc dị công năng như Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý, Nghiêm Tân, trong thế kỷ 20 rõ ràng chứng thực vật chất là ảo. Họ có thể hóa giải hiện tượng giam hãm (confinement) trong các hạt cơ bản như proton, neutron, làm cho vật chất biến mất hoàn toàn không còn chút dấu vết nào, hiệu ứng vượt xa các vụ nổ nguyên tử, sau đó phục nguyên chúng. Đó chính là lời giải thích cho việc Trương Bảo Thắng đã dùng tâm niệm lấy một trái táo ra khỏi thùng sắt bị hàn kín, hoặc lấy các viên thuốc ra khỏi lọ thủy tinh bị đóng kín mà cái thùng sắt hay cái lọ thuốc không hề hấn gì. Hầu Hi Quý có thể trong chớp mắt lấy một gói thuốc lá từ tỉnh Thanh Hải xa xôi hàng ngàn dặm đến làng Loan Sơn nay gọi là Loan Sơn Trấn 鸾山镇 trực thuộc Chu Châu Thị 株洲市, Du Huyện 攸县, tỉnh Hồ Nam nơi làm thực nghiệm chỉ bằng tâm niệm, không mất chút thời gian nào, hoàn toàn giống như thí  nghiệm rối lượng tử. Hầu Hi Quý cũng có thể dùng tâm niệm di chuyển nguyên một cái bàn tiệc với đầy đủ ly tách, chén dĩa, thức ăn trên đó đến phục vụ cho Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Chấn và Phó Thủ tướng Dư Thu Lý, khiến các ông này vô cùng khâm phục và chủ động đề nghị chụp hình với Hầu Hi Quý để lưu niệm.
 
Từ trái qua phải : Hầu Hi Quý, Lương Quảng Đại (chủ tịch Tp.Châu Hải), Phó chủ tịch nước Vương Chấn, Phó thủ tướng Dư Thu Lý. Hình chụp ngày 14-12-1989.

Mặt khác tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều nhà ngoại cảm, tiêu biểu là Phan Thị Bích Hằng, họ có khả năng tiếp xúc được với vong linh người đã chết, từ đó tìm ra hàng vạn mộ liệt sĩ. Họ chứng tỏ rằng thế giới vong linh quả thật là có tồn tại. Các vong linh có thể đầu thai, tái sinh trên địa cầu, hoặc đi đến những cõi giới xa xôi trong tam giới bằng vận tốc của ý niệm, hay nói cách khác, tam giới, trong đó có vũ trụ của chúng ta, chỉ là tâm thức, là giả lập, không có một vị trí nào là thật cả, tất cả chỉ là ảo hóa. Nhưng trong cuộc sống đời thường thì chúng ta thấy có vật chất, có số lượng, có không gian, có thời gian, rất rõ ràng.

Tóm lại, chúng ta tự mình viết ra một vở kịch bi hài rồi tưởng tượng rằng vở kịch đó là thật, rồi đau buồn khổ sở hay vui sướng với các tình tiết tưởng tượng trong đó. Như thế gọi là điên đảo mộng tưởng. Tất cả chúng sinh đều điên đảo mộng tưởng như thế cả.

Trên đây là nhắc lại một số khái niệm chứng tỏ thế giới vật chất là ảo hóa, là tưởng tượng có cơ sở khoa học. Trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Đức Phật đã nói một cách rõ ràng, tất cả chỉ là ảo, không phải thật, chỉ là tưởng tượng mà thôi.

Như vậy tu hành là con đường phá bỏ các nhận thức mê lầm để nhận chân thực tướng của vạn pháp, phải chứng nghiệm được điều đó chứ không phải chỉ là nói miệng. Nhưng vì tập quán mê lầm đã quá lâu đời, trải qua nhiều đời nhiều kiếp, tâm niệm mê muội cố chấp đó đã quá kiên cố, sự kiên cố đó được thể hiện rõ ràng qua hiện tượng giam hãm của hạt proton và hạt neutron khiến chúng ta không thể điều khiển được vật chất theo ý muốn. Chúng ta phải tu hành buông bỏ tập khí, bỏ thói quen chấp trước cho rằng vật chất, không gian, thời gian có thật. Đến khi thực sự dứt bỏ được tập khí chấp thật, không còn mảy may hoài nghi thì sẽ có thần thông giống như Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý. Nhưng người tu hành không cầu thần thông bởi vì dù có thần thông cũng không thắng nổi nghiệp chướng, không thoát được sinh tử luân hồi. Như Hầu Hi Quý dù có thần thông nhưng đã mất sớm năm 2007 vì bệnh ung thư phổi lúc mới có 61 tuổi, bỏ lại người vợ trẻ là ca sĩ Hồ Nhạn (vợ thứ hai) lúc cô này mới 38 tuổi sau chỉ 5 năm hôn phối.
Hầu Hi Quý và phu nhân là ca sĩ Hồ Nhạn
Người tu hành phải ăn chay để tránh gây thêm các nghiệp ác, mặt khác ăn chay, từ bỏ các món ngon, cũng là cách để bỏ dần tâm niệm phân biệt ngon dở. Ăn chay là ăn uống đạm bạc, không tìm cảm giác ngon miệng, không cầu ngon, ăn chỉ để duy trì mạng sống chứ không phải sống để ăn. Người tu hành dù không xuất gia cũng giảm dần, đi đến chấm dứt ham muốn ân ái, thôi tìm cảm giác sướng khoái của thể xác. Người tu hành cũng ăn mặc đơn giản, không tìm cách làm đẹp nữa vì phải từ bỏ thói quen phân biệt đẹp xấu, hướng tới vô phân biệt trí, từ đó mới nhận thức được bản thể của thế giới là do tâm phân biệt chứ không phải thật có. Người tu hành cũng không kiếm tiền làm giàu, không ở nhà lầu cao sang, không đi xe đắt tiền, chỉ cần một mái nhà che mưa nắng, khi cần di chuyển thì chỉ cần có phương tiện là đủ, không cần nhiều tiện nghi sang trọng. Người tu hành không xem phim ảnh, không nghe ca nhạc, không phải tuyệt đối cấm nhưng không chạy đuổi theo âm thanh sắc tướng, đôi lúc cũng xem, cũng nghe, nhưng là để thẩm định nhân tâm thế thái để xem nhân loại đang chạy theo khuynh hướng gì, suy nghĩ thế nào, tâm tư tình cảm ra sao chứ không phải chạy đuổi theo dục lạc.

Tóm lại tu hành là làm theo lời dạy của Bồ Tát Đại Thế Chí « Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương tục » Đô nhiếp lục căn là kiểm soát lục căn không để cho chúng tự do chạy đuổi theo lục trần, tịnh niệm tương tục là giữ cho tâm niệm luôn thanh tịnh, ăn thì không phân biệt ngon dở, ở thì không phân biệt sang hèn, mặc thì chỉ cần đủ che thân, đủ ấm, không phân biệt đẹp xấu. Bởi vì nếu cứ mãi phân biệt sẽ rơi vào cái bẫy mê muội ảo hóa của vạn pháp, sẽ dẫn tới chấp ngã (cho rằng ta là có thật) và chấp pháp (cho rằng thế giới vật chất là có thật). Những người chấp trước như thế chính là tác nhân của sự tranh giành chém giết, áp bức bất công trong xã hội, cuối cùng dẫn tới những cuộc chiến tranh tương tàn. Luật pháp của xã hội dựa trên sự chấp ngã và chấp pháp, cho rằng mỗi cá nhân là một thực thể, thế giới vật chất là có thật, nhưng muốn chế tài hành vi của các cá nhân, muốn mọi người phải tuân thủ luật pháp, nếu làm sai phải bị trừng phạt. Nhưng thật tế luật pháp thế gian không đủ khả năng giữ cho xã hội yên ổn, trật tự, người có nhiều tiền vẫn có thể bẻ cong luật pháp, có những người vẫn đứng trên luật pháp, tội phạm, khủng bố vẫn hoành hành rất nhiều, ngay cả ở những nước tự hào là văn minh nhất, luật pháp hoàn bị nhất như Mỹ chẳng hạn. Thế nhưng trên đời không ai có thể thoát khỏi luật nhân quả. Nếu trong vật lý học có lực và phản lực. Một trái banh ném vào tường sẽ bị văng trở lại vì lực ném tự động tạo ra một phản lực có chiều ngược lại. Phản lực vốn là lực quán tính của vật chất. Vì vậy phi cơ phản lực lao tới phía trước vì nhiên liệu của động cơ tạo ra lực đẩy về phía sau. Trong cuộc sống đời thường, luật nhân quả cũng chính là một thứ phản lực của hành vi và tâm niệm. Nếu mình làm hành vi thiện thì phản lực sẽ tốt, nếu mình có tâm niệm ác thì phản lực sẽ khiến mình khổ. Ta và người không phải là hai thực thể riêng biệt hoàn toàn đâu, mà là một đấy, làm gì cũng sẽ có phản lực đáp lại, chỉ vì nó không tức thời nên không nhìn thấy liền mà thôi, phản lực chính là luật nhân quả.

Tóm lại, tu hành là phải giữ giới luật, gõ mõ tụng kinh phải đi đôi với quán tưởng mới là tu, ngồi thiền hay tham câu thoại đầu thì phải phát khởi được nghi tình nhưng không tìm cách lý giải mà chỉ nghi thôi, nghi tình phải kéo dài cho tới khi bùng nổ. Còn niệm Phật thì phải đô nhiếp lục căn tịnh niệm tương tục đi đến chỗ nhất tâm bất loạn. Tu hành thì phải dần dần thay đổi nhận thức đi tới chỗ vô phân biệt trí. Vô phân biệt trí là rất khó, ta phải nhận thức được cục phân và cục vàng là không hề khác nhau, là bình đẳng. Lý luận thì rất dễ vì khoa học ngày nay đã biết chắc chắn cục phân hay cục vàng cũng đều cấu tạo bằng quark và electron, nghĩa là bản chất của chúng không hề khác nhau, chỉ có cấu trúc khác nhau, mà cấu trúc khác nhau này chỉ có tâm chúng sinh là phân biệt mà thôi, robot là một thiết bị, nó cũng có thể phân biệt, nhưng khi nó biết phân biệt thì nó phải có cấu trúc hay cơ chế nào đó để phân biệt, có thể đơn giản hơn lục căn của con người rất nhiều. Nếu nó không có cơ chế nào để phân biệt cục phân và cục vàng thì ắt là sẽ phản ứng như nhau đối với hai thứ này nghĩa là không phân biệt. Còn con người có lục căn là một cơ chế vô cùng tinh vi mà tâm lại không phân biệt thì chỉ có Phật và Bồ Tát mới làm được, mà một khi đã làm được thì họ hoàn toàn có khả năng biến cục phân thành cục vàng. Nhưng người tu hành muốn trở thành Phật và Bồ Tát (giác ngộ) không phải mong cầu có thần thông, mà chỉ để thoát khỏi mê lầm ngu muội, thoát khỏi những khổ sướng ảo tưởng. Thật ra cũng không cần thoát, bởi vì giác ngộ là hiểu ra tất cả chỉ là ảo hóa, tự mình chứng minh, tự mình hòa nhập vào cái tâm chung của tất cả chúng sinh, tự ngộ tâm như hư không vô sở hữu như Long Thọ Bồ Tát đã nói. Bồ Tát tự nguyện xuống trần gian, vào địa ngục, để cứu chúng sinh đang đau khổ nhưng tâm từ bi biết rằng thật ra không có chúng sinh nào để cứu cả vì tất cả chỉ là ảo mà thôi. Cái đó thật là bất khả tư nghị.

Một câu hỏi được nêu ra là nếu đông đảo Phật tử tu hành, thực hiện nhiều hành vi « tiêu cực » như vậy thì xã hội làm sao phát triển. Cụ thể là như bộ tộc Kogi ở Nam Mỹ. Họ có cuộc sống an bình và hạnh phúc về mặt tinh thần, nhưng xã hội của họ quá lạc hậu, ngàn năm không thay đổi, xã hội đó ngày càng thu hẹp và khó tồn tại, vì các cánh rừng sẽ ngày càng bị thu hẹp, cuộc sống văn minh bên ngoài càng lúc càng lấn tới, chẳng bao lâu nữa sẽ nuốt trọn họ. Họ chẳng có cách nào khác ngoài tuyệt diệt, có thể họ sẽ được vãng sinh sang Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, nhưng quả thật là họ không thể tồn tại được trong Dục giới đầy sôi động này.

Thực tế thì Phật tử không thể bám víu vào một hình thức cố định nào (Ưng vô sở trụ). Họ vẫn phải ở trong những ngôi nhà hiện đại, ăn mặc hiện đại, sử dụng những phương tiện di chuyển hiện đại như xe hơi, xe bus, máy bay, sử dụng những công cụ liên lạc thông tin hiện đại như máy vi tính, laptop, smartphone. Và họ cũng tham gia vào mọi ngành nghề hoạt động của xã hội, chỉ tránh những ngành nghề sát sinh hại vật như chăn nuôi, đánh bắt chế biến thủy hải sản, buôn bán súc vật gia cầm v.v…Như thế cũng không làm cho xã hội chậm phát triển. Ví dụ họ làm trong ngành may mặc, bản thân mình thì ăn mặc đơn giản nhưng sản phẩm của họ cũng phải hợp mốt thời trang mới bán được. Ví dụ họ phục vụ trong quân đội, bản thân không muốn sát sinh nhưng khi nước nhà bị xâm lược họ vẫn phải tòng quân nhập ngũ, tham gia chiến đấu. Việc này đã có tiền lệ. Thời Nhà Trần, các vị vua như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông đều là thiền sư, họ không bao giờ muốn sát sinh, nhưng khi giặc Nguyên Mông đến xâm lược, họ vẫn lãnh đạo cuộc kháng chiến, ba lần đẩy lui quân xâm lược, giết hại không ít bọn giặc. Nhưng việc làm đó, họ không có tác ý, bọn giặc đi xâm lược là tạo nghiệp và bị phản nghiệp mà chết chứ không phải có ai muốn giết họ. Xong việc các vua Trần vẫn ung dung tự tại lên núi Yên Tử mà tiếp tục tu hành.

Không phải trời tạo ra thiên tai như núi lửa, động đất, dông bão, lụt lội, sóng thần để giết chúng sinh mà vì chúng sinh tự tạo nghiệp nên mới có thiên tai như là phản nghiệp, là lực do chính họ tạo ra và bị quả báo, trời không có tác ý. Tôi tự hỏi tại sao trong suốt hàng trăm năm qua, có vô số cơn bão ập vào bờ biển Việt Nam, mỗi năm cả chục cơn bão, vậy mà tất cả các cơn bão đều tránh không đi qua làng Long Tuyền. Tôi nghĩ có lẽ dân chúng nơi đây không có nghiệp bị thiên tai. Ở đây là đất lành, hoàn toàn không có bất cứ thiên tai nào.

Tóm lại, tâm ung dung tự tại, giác ngộ tâm như hư không vô sở hữu mới là cốt yếu, còn tất cả cảnh vật bên ngoài đều là thế lưu bố tưởng, tùy thời, tùy nghiệp mà biến đổi.

Truyền Bình

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm