Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 06/06/2024, 18:04 PM

Từ Jhana đến Buddha

Trước khi thành Phật (Buddha), Đức Phật đã học và thành tựu bốn thiền vô sắc ở nơi hai vị thầy Kalama và Rammaputta.

Đức Phật bấy giờ được hai vị thầy xác chứng và mời ở lại để cùng dẫn dắt các môn đệ. Đức Phật biết ơn và từ chối lời mời của hai vị thầy, vì biết bốn thiền vô sắc vẫn chưa phải là giải thoát thật sự. Cuộc hành trình đi tìm giải thoát cần phải được tiếp tục.

buddha-2546326_1280

1.Hành trình một Buddha

Sau khi từ giả hai vị thầy, Đức Phật tự mình khổ hạnh đến khốc liệt để tìm giải thoát. Nhịn ăn, nhịn nước, đứng ngồi giữa mưa nắng, không tắm giặt, loã thể, Đức Phật đều trải qua. Đến cuối cùng, khi thân xác đã khô, tinh thần đã cạn, Đức Phật bất chợt nhận ra có cái gì đó sai lầm. Đức Phật quyết định ăn uống lại bằng việc khất thực mỗi ngày một bữa. Ngài cũng bắt đầu tắm giặt và vận động để có sức khoẻ.

Thân tâm khoẻ và sáng lại, Đức Phật đi đến một gốc cây, hồi tưởng lại trạng thái tâm vắng lặng, an ổn lúc chín tuổi ngồi yên dưới cây Hồng táo ở quê nhà, khi vua cha làm lễ hạ điền. Đức Phật nhanh chóng đi vào trạng thái tâm an ổn và vắng lặng. Tâm không dao động, có niềm vui và sự mãn nguyện đầy đủ. Một trạng thái tâm không có tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và hoài nghi. Đức Phật nghĩ: Đây có thể là con đường!

Từ trạng thái tâm không dao động, có hỷ, có lạc, có nội tĩnh và vắng mặt tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối và hoài nghi đó, Đức Phật tiếp tục đi tới. Ngài đi đến trạng thái tâm thứ hai vắng lặng sâu hơn, chỉ có nội tĩnh, hân hoan và mãn nguyện.

Tiếp tục Ngài đi đến trạng thái tâm thứ ba chỉ có nội tĩnh và mãn nguyện. Vẫn không dừng lại, vì thấy còn mãn nguyện là vẫn còn chướng ngại, Đức Phật tiếp tục đi vào trạng thái tâm thứ tư. Một trạng thái vi tế, vắng lặng, nội tĩnh và đầy uy lực. Ngài an trú trong trạng thái tâm nội tĩnh, vắng lặng, vi tế và đầy uy lực này rất lâu, không thấy một cấu uế hay nguyên nhân cấu uế nào có thể xả bỏ thêm nữa.

Dùng uy lực của tâm nội tĩnh, vi tế và vắng lặng này, Ngài hồi tưởng quá khứ của mình, nhân quả của người và nguyên nhân khổ đau cũng như con đường chấm dứt khổ đau thật sự. Ngài lấy lại được ký ức hình ảnh, ký ức cảm xúc, cũng như khám phá bằng tuệ giác tự chứng: khát ái là nguyên nhân của khổ. Khổ có mặt là do khát ái có mặt. Khát ái không có, giải thoát có mặt. Chánh kiến và chánh tư duy sẽ đưa đến giải thoát si mê nhận thức (giải thoát tuệ). Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định sẽ đưa đến giải thoát bất ổn tâm tư (giải thoát tâm).

Thấy được sự thật quá khứ của mình, luân hồi được khẳng định; thấy được sự thật nhân quả của người, nghiệp báo được khẳng định; khám phá bằng tuệ giác tự chứng sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ và con đường đưa đến chấm dứt khổ, cũng như trạng thái giải thoát siêu việt khi nguyên nhân của khổ không còn, Đức Phật biết mình thật sự giải thoát. Ngài từ đó gọi mình là Buddha, người trọn vẹn tỉnh thức.

Bốn trạng thái tâm Đức Phật trải qua được gọi là bốn tầng thiền (Jhana): Sơ thiền, Nhị thiền, tam thiền và Tứ thiền. Ba sự thật Đức Phật khám phá được Ngài gọi là Tam minh: Túc mệnh minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.

Hành trình của một vị Phật (Buddha) như thế đi từ Sơ thiền đến Tứ thiền, Tứ thiền đến Tam minh và Tam minh đến giải thoát. Hành trình này đã được chính Đức Phật kể lại cho du sĩ Aggivessana trong Đại kinh Saccaka[1].

2.Tầm quan trọng của Jhanas

Jhanas hay bốn tầng thiền sắc giới được ghi nhận trong Kinh tạng (Sutta pitaka) là kém siêu việt hơn bốn thiền vô sắc (arupajhana). Người ta phải đi qua Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền rồi mới đi tới Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ngay chính Đức Phật giây phút Niết-bàn, Ngài cũng tuần tự như thế thuận và nghịch nhập Sơ thiền cho đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sau đó mới vào Diệt thọ tưởng định và Niết-bàn.

Tại sao Arupajhana (thiền vô sắc) siêu việt hơn Jhana (thiền sắc giới), đều không còn năm triền cái chi phối, đều có uy lực của nội tĩnh và vắng lặng (nhất tâm và xả) như Tứ thiền, nhưng không đưa Đức Phật đến thành tựu Tam minh và trọn vẹn giải thoát?

Tại vì trong thiền vô sắc không có gì ngoại trừ tưởng[2] của ý thức. Cảm thọ không còn trong thiền vô sắc. Năm thức đã đóng lại và ý thức cũng bị khoá chặt trong trong tưởng của chính nó. Không vô biên xứ định không gì ngoài không gian vô biên tự biết ở ý thức. Thức vô biên xứ định không gì ngoài tâm thức vô biên tự biết ở ý thức. Vô sở hữu xứ định không gì ngoài ý thức tự biết không có gì. Phi tưởng phi tưởng xứ định không gì ngoài vi tế, vắng lặng, phi có phi không của ý thức tự biết. Trong khi minh trí (Tam minh) cần tác ý hướng tâm. Túc mệnh minh và Thiên nhãn minh cần ý thức hồi tưởng để thấy. Lậu tận minh cần ý thức minh sát để chứng. Chỉ có Tứ thiền đủ điều kiện. Ý thức vắng lặng, vi tế, không dao động, nội tĩnh, không hỷ ưu trước các cảm thọ của Tứ thiền đã cho phép hồi tưởng và minh sát được thực thi. Tam minh thành tựu từ đó. Buddha, bậc tỉnh thức trọn vẹn, bậc giác ngộ viên mãn, ra đời từ đó.

Không có Jhana, các tầng thiền, không chỉ không có Buddha, mà còn không có cả A-la-hán và Bất Lai [3]  cũng không có. Đức Phật đã không chỉ trực tiếp giáo giới cho Malunkyaputta sự thật này, mà còn khẳng định với Ananda là không thể nào đạt được quả thánh Bất Lai (nói gì đến hoàn toàn giác ngộ) nếu không có các tầng thiền, cũng giống như không thể nào cắt vào lõi cây mà trước đó không cắt qua phần vỏ cây và gỗ giác.[4]

3.Từ hơi thở đến Jhana

Vị trí của Jhana tất yếu là không thể thay thế trên con đường trọn vẹn giải thoát của một Đức Phật, bao gồm cả vị Bất lai. Đức Phật nói một Tỳ-kheo nếu mong muốn chứng và trú Thiền thứ nhất, thứ hai, thứ ba hay thứ tư, thì định niệm hơi thở vô, hơi thở ra cần phải khéo tác ý (tu tập). Đức Phật cũng cho biết khi chưa thành tựu Chánh đẳng giác, trước khi giác ngộ, nhờ trú nhiều với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, mà thân và con mắt không có mệt nhọc, tâm được thoát khỏi phiền não, không có chấp thủ.[5]

Một Phật tử nghiêm túc trong tu học cần phải bắt đầu từ những lời dạy đúng đắn và thiết thực về Jhana và về định niệm hơi thở này. Sự an ổn thân tâm, cũng như thành tựu các Thánh quả sẽ không thể có nếu như Chánh định (Jhana) vắng mặt. Con đường Bát Chánh đạo sẽ không còn là con đường giải thoát nữa khi Chánh định không có. Minh chứng đẹp nhất cho tầm quan trọng của Chánh định (Jhana) là lời khẳng định của Đức Phật: “Tu tập Ðịnh (Jhana) đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn cho Tuệ”[6]. Ngoài khẳng định vị trí Chánh định, Đức Phật còn bi mẫn giáo giới cho một người Phật tử có niềm tin: “Này Cunda, đây là những gốc cây, đây là những ngôi nhà trống; Này Cunda, hãy Thiền định, chớ có phóng dật, chớ có hối tiếc về sau.”[7]

Nhuận Đạt

-----------

[1] Trung Bộ Kinh (MN 36).

[2] 想 (Sanskrit: saṃjñā; Pali: saññā): Trạng thái cảm giác, tự chủ và tự biết mình.

[3] Quả Bất lai còn gọi quả A-na-hàm hay quả thánh thứ ba, là quả vị đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử (Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục và Sân). Bậc Bất lai không bị tái sanh vào cõi Dục nữa, các vị ấy sẽ tu tập và chứng đạt Niết-bàn từ Tịnh cư thiên. 

[4] Trung Bộ Kinh, Đại Kinh Malunkya 64.

[5] Kinh Ngọn Đèn, Tương Ưng Bộ (SN 54).

[6] Trường Bộ Kinh,  Kinh Đại Bát-Niết-bàn, 16.

[7] Trung Bộ Kinh, Kinh Đoạn Giảm, 8.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Nghiệp nhân của cõi súc sanh là gì?

Kiến thức 18:50 21/09/2024

Ngu si là nghiệp nhân của cõi súc sanh. Khác biệt của ngu si nhiều đến vô số, chủng loại của súc sanh, quả báo của súc sanh ngàn vạn lần khác biệt, bạn không thể không biết.

Đọc tụng Kinh tốt nhất là đọc ra tiếng

Kiến thức 16:54 21/09/2024

Đọc tụng Kinh tốt nhất là ra tiếng, công đức đọc ra tiếng lớn hơn nhiều so với đọc không ra tiếng. Công đức đọc ra tiếng ở đâu vậy?

Ý nghĩa của chân ngôn thần chú trong việc chữa lành

Kiến thức 15:29 20/09/2024

Chân ngôn là một đơn âm hoặc chuỗi âm thanh đầy năng lực, những âm thanh này chứa đựng hàng loạt sóng âm ba và năng lượng. Khi trì tụng, chân ngôn không chỉ giúp tiêu trừ bệnh tật, phiền não, nghiệp chướng mà còn có năng lực kết nối, hợp nhất tâm chúng ta với những tầng tâm thức cao hơn. 

Người trí tuệ đem phước báo cả đời tu được hưởng vào lúc nào?

Kiến thức 15:00 20/09/2024

Người thông minh nhất, người trí tuệ nhất thì đem phước báo cả đời của họ tu được hưởng vào lúc nào?

Xem thêm