Tuệ Trung Thượng Sĩ: Tình thương và sự bao dung
Tạo hóa đã ban tặng cho loài người nhiều đức tính tốt đẹp, trong đó có tình yêu thương và sự bao dung. Hơn nữa, bài học đầu đời mà con người nhận được đó là tình yêu thương và sự từ bi của ông bà, cha mẹ và người thân.
Đặt vấn đề
Tạo hóa đã ban tặng cho loài người nhiều đức tính tốt đẹp, trong đó có tình yêu thương và sự bao dung. Hơn nữa, bài học đầu đời mà con người nhận được đó là tình yêu thương và sự từ bi của ông bà, cha mẹ và người thân. Cha mẹ là những người đã nuôi nấng, chăm sóc chúng ta từ những chất liệu đó. Nếu thiếu những chất liệu này con người khi lớn lên sẽ khó đạt được sự phát triển hoàn hảo cả về thể chất lẫn tâm hồn. Nếu con người không muốn rơi vào đau khổ, nếu xã hội muốn tồn tại và phát triển tốt đẹp, cần phải gìn giữ và bảo trì những chất liệu đó. Tình thương và sự bao dung chính là những yếu tố nòng cốt, là chất liệu sống thực sự, là bản thể, chân tâm sẵn có trong mỗi người. Nhưng khi lớn lên, bước vào xã hội, có biết bao người đã đánh mất đi những chất liệu này để chạy theo ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống. Họ bị lu mờ bởi vật chất và danh vọng nên tình thương và sự bao dung dần bị nguội lạnh. Vì bản ngã, họ bỏ mặc mọi thứ xung quanh, sống vô cảm và dửng dưng trước tha nhân. Họ chỉ sống trong mưu cầu vật chất cá nhân mà dần quên đi tiếng nói sẻ chia với người thân, gia đình, bạn bè và xã hội. Lâu dần, trở thành con người cá nhân, ích kỷ, ganh đua và đố kị, cuối cùng dẫn đến sự đau khổ và thất bại. Còn với Tuệ Trung, ông là con người “lấy bất biến ứng vạn biến”, không chạy theo cái vạn biến mà luôn nắm giữ cái bất biến để không bị rơi vào vòng luẩn quẩn khổ đau của cuộc đời. Tư tưởng này của ông cũng là một trong những nền tảng giá trị đạo đức để hình thành nên nhân cách một con người.
Trong xã hội ngày nay, nếu con người chỉ hoàn thành trách nhiệm với công việc thôi thì chưa đủ, mà cần thiết là trách nhiệm hình thành từ chính tâm của mỗi người. Biết yêu thương và tha thứ cho người khác chính là đã dành cho mình một lối đi riêng trong cuộc đời, là bao dung cho chính bản thân. Vì vậy, Tuệ Trung đã học cách yêu thương và tha thứ để quên đi những lỗi lầm người khác gây ra cho mình và gia đình. Chỉ có tình thương và sự bao dung, Tuệ Trung mới có thể rũ bỏ mối hận thù xưa, mở rộng vòng tay nâng đỡ Trần Nhân Tông trở thành một bậc Thánh nhân của nước ta. Ông được cho là “ngọn đèn tổ của Phật hoàng, lấy tâm truyền tâm” [2].
1. Tuệ Trung và tình yêu thương
Trong giáo lý nhà Phật, muốn nuôi dưỡng chất liệu tình thương, chúng ta phải sử dụng con mắt trí tuệ để thấy rõ thân phận con người. Nhưng trước tiên, muốn thương yêu người, ta nên bắt đầu từ chính ta. “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ, không thể đạt được từ ai khác” [3]. Tuệ Trung khuyên con người cần trở về với chính bản thể để nhận diện nỗi khổ, niềm đau trong tâm thức. Khi đã giác ngộ và hiểu rõ nỗi khổ thì lúc đó con người sẽ biết cách cảm thông và chia sẻ với những nỗi đau của người khác, biết cách yêu thương chính bản thân và tha nhân hơn. Điều này được nhắc đến trong cuốn Việt Nam – Quốc gia của tình thương: “Khi chúng ta có được thành tựu ở sự thấu hiểu bản thân, tức là khi bạn bắt đầu có một thân thể khỏe mạnh, một tình cảm cân bằng, một trí tuệ sáng suốt, một tâm linh mạnh mẽ … lúc đó chúng ta mới thực sự có cảm hứng và động lực thấu hiểu người khác” [4].
Một trong những nguyên nhân khiến chúng ta mãi đóng chặt cánh cửa tình thương là do bị tham – sân – si che đậy. Một khi chúng ta, nhờ tu tập, biết dùng trí tuệ để soi sáng, tham – sân – si sẽ dần tan biến. Từ đó cánh cửa tình thương sẽ được mở ra. Với Tuệ Trung “Tham, sân, si và chín loài chúng sinh hữu tình hư dối không thật không làm ngăn ngại che mờ Ngài được. Giống như mặt trời trong hư không tỏa ánh sáng khắp bầu trời, không gì che đậy được” [5]. Bằng tình yêu thương, ông không muốn con người bị sa lầy vào những tội lỗi của trần gian, nên khuyên con người hãy soi xét và rũ bỏ hết những bụi bặm còn vương vào tâm thức, có như thế mới tìm lại được bản thể của chính mình trong đó có chất liệu tình thương:
“Xăm xăm cất bước vào bụi đời
Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi…
Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ rộn xuân đài” [6].
Khi thấy con người luôn sống trong sự dằn vặt, đau khổ của sinh tử, Tuệ Trung đã khuyên nhủ để xoa dịu nỗi đau:
“Sinh tử xưa nay tự tính không
Thân huyễn hóa này rồi sẽ diệt
Phiền não Bồ đề thầm tiêu mòn
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt [7].
Ông cho rằng, cuộc sống là một tiến trình vận hành không ngừng, trong đó, mọi chúng sinh đều biến chuyển qua nhiều hình thức sống, nên nó vô thường và không trường tồn. Vì hiểu điều đó, ông khuyên con người hãy chọn cho mình một con đường đi riêng để hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, đừng cố bám víu vào sinh tử mà hãy đánh thức hạnh phúc đang tiềm ẩn ngay trong chính mình. Muốn làm được điều đó, con người hãy biết yêu thương và đùm bọc nhau trong những giờ phút còn được sống bên nhau. Đạt được điều này thì tham lam, đố kị và hận thù sẽ dần tan biến, nhường chỗ cho tình thương phát triển. Tình thương chân thật chỉ phát xuất từ tận đáy lòng của người hiểu đạo mà thôi.
Tình yêu thương của Tuệ Trung còn thể hiện ở sự hy sinh và cống hiến cho nước nhà: “khi lớn lên vì việc nước mà phải đi làm quan rồi đánh giặc” [8]. Dù ngộ đạo từ sớm, nhưng lúc đất nước cần, Tuệ Trung sẵn sàng ra tay phò vua giúp nước, làm tròn bổn phận một công dân có trách nhiệm. Mang hạnh nguyện của Bồ-tát, ông dấn thân vì dân, vì nước, đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm để bảo vệ non sông. Nhưng đến khi đất nước thanh bình, ông đã bỏ lại tất cả của cải, công danh, để quay về đối diện với trần thế bằng tình yêu thương và sự sẻ chia: “Ngài lui về phong ấp Tịnh Bang, hòa ánh sáng lẫn với thế tục, Ngài cùng mọi người chưa từng chống trái, nên hay làm hưng thịnh hạt giống Chánh pháp, dạy dỗ được hàng sơ cơ, người đến hỏi han, Ngài đều chỉ dạy cương yếu, khiến họ trụ tâm” [9].
Là người tu hành sống giữa đời thường, nhưng ông như một đóa sen nở trên biển lửa đỏ rực, nguyện sống giữa lòng thế tục, giữa chốn đau khổ để cảm hóa chúng sinh: “Cho hay Phật sống trần gian đấy/Sen nở trên lò rực lửa hồng” [10]. Ông cho rằng khi đã giác ngộ thì phải hòa mình vào lòng thế tục như một Bồ-tát sống, đem ánh sáng và trí tuệ để soi sáng những mê lầm của chúng sinh, từ đó mà biết cách phòng ngừa và ngăn chặn. Chính vì cảm phục tình yêu thương của Tuệ Trung dành cho mình, vua Trần Nhân Tông đã bộc bạch: “Thượng Sĩ sống giữa lòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm; trong mọi cuộc tiếp xúc Thượng sĩ luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường hợp phiền nghịch. Do đó, Ngài có thể làm tiếp nối được hạt giống Chánh pháp, dìu dắt được những kẻ mới học. Ai đến tham cứu tìm học với Ngài cũng được Ngài chỉ dẫn sơ lược cho thấy phần cương yếu của đạo Pháp khiến tâm họ có chỗ nương tựa” [11].
Đối với Thượng Sĩ, việc tu hành và hoằng pháp cần hướng đến đời thường, hòa vào các hoạt động hàng ngày với bà con, để xóa bỏ những định kiến và khuôn mẫu về người tu hành. Ông chỉ dẫn cho con người một con đường tu hành giác ngộ ngay giữa lòng thế tục, ngay ở chính cuộc đời ông. Có thể gọi Tuệ Trung là một bậc cư sĩ, một Thiền gia giác ngộ kiệt xuất, có tình thương bao la với gia đình, học trò và xã hội.
2. Tuệ Trung Thượng sĩ và sự bao dung
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) là một Thiền gia, cư sĩ Phật tử lỗi lạc. Ông là huynh đệ đồng tu của Trần Thái Tông và là thầy dạy của Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Ông sớm giác ngộ đạo Phật và nhận ra chân tính của trần gian, nên đã chọn một cuộc sống rất nhẹ nhàng cùng với tâm hồn khoáng đạt và tràn ngập tình yêu thương với nhân loại: “Tuệ Trung là một con người có khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Lúc nhỏ, ông đã tỏ ra có phẩm chất cao sáng, thuần hậu” [12].
Đại Việt sử kí toàn thư, bản kỷ, quyển 5, tờ 9b và 10a-b có chép lại câu chuyện như sau: “Vua Lý Huệ Tông lấy vợ là em ruột của Trần Thừa và là em họ của Trần Thủ Độ. Bà sinh ra hai công chúa là Thuận Thiên và Phật Kim. Thời đó, Trần Thủ Độ nắm quyền chính trong triều đình nên đã thu xếp để Thuận Thiên lấy anh là Trần Liễu và Phật Kim lấy em là Trần Cảnh, Trần Liễu và Trần Cảnh đều là con của Trần Thừa. Khi Phật Kim lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông. Do mãi vẫn không có con nối dõi cho nhà Trần, nên Trần Thủ Độ đã truất ngôi hoàng hậu của Lý Chiêu Hoàng và thay chị là Thuận Thiên, vợ Trần Liễu lúc đó đang mang thai ba tháng vào vị trí hoàng hậu. Trần Liễu uất ức, đã nổi giận và đã từng nhiều lần lập kế trả thù nhưng mọi sự không thành.”
Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là con trưởng của Trần Liễu. Tuy sinh ra và lớn lên giữa những rối ren của thời đại và sự hận thù của dòng tộc, nhưng ông không hề bị ảnh hưởng hay bị lôi cuốn theo. Ông luôn tự nhắc nhở bản thân phải giữ gìn và phát huy những đức tính vốn có trong con người, đó là tình thương và sự từ bi:“Trong lò đỏ rực một hoa sen” [13]. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông vẫn luôn sống như một đóa sen để tỏa ngát cho đời. Được theo học Phật từ nhỏ, Tuệ Trung rất thấu hiểu đạo lý làm người, thay vì trả thù mối hận xưa cho cha mình, ông lại rũ bỏ hết quá khứ để sống một đời an nhiên và tự tại. Ông cho rằng, nếu còn mắc kẹt vào những kiến chấp hay ý niệm về “ngã” và “pháp”, sẽ không thể nào tìm về với pháp giới chân như, về với bản thể của chính mình. “Tìm nguồn thì không có cội, nếu bám vào cội thì đâu có nguồn. Cho nên ông dạy con người muốn thấy triệt được cội nguồn thì đừng có tìm, đừng có bám. Tìm bám thì không thấu triệt được cội nguồn vì còn chấp” [14]. Muốn không bị phiền não và đau khổ, hãy dứt bỏ mọi ý niệm chấp chặt cá nhân, rũ bỏ hết những bụi bặm còn vương trong tâm thức để được thanh thản. Nếu chấp nhận tha thứ, hãy quên đi những điều không nên nhớ, hãy sử dụng chất liệu yêu thương và sự bao dung để khỏa lấp nỗi đau của chính mình. Tha thứ chính là mở ra cho mình một con đường đi riêng nhẹ nhàng và tươi sáng hơn, đó là sự lựa chọn sáng suốt của mỗi người: “Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được” [15]. Tuệ Trung đã học cách thấu hiểu và bằng cái nhìn tuệ giác, ông cho rằng tâm mỗi người đều có Phật.
“Trong cây vốn có lửa
Có lửa, lửa lại sanh
Nếu bảo cây không lửa
Cọ xát làm gì sanh” [16].
Nếu con người biết tu dưỡng đạo đức, mọi phiền não sẽ dần tan biến, nhường chỗ cho tình yêu thương và sự bao dung. Hai chất liệu này chính là tính Phật, là bản nhiên vốn có của mỗi người “Bản thể như nhiên tự rỗng lặng” [17]. Bản thể là thứ tự nhiên, là chân tâm của mỗi người.
Tuệ Trung đã đi vào lòng thế tục cùng với giá trị của tình yêu thương và sự bao dung, ông hòa mình với nhân loại để hoán đổi mọi tăm tối của cuộc đời, đồng thời chia sẻ và cảm thông nỗi đau mà họ đang gặp phải. Thật tuyệt vời nếu trên thế giới, con người luôn nuôi dưỡng chân tâm của mình với chất liệu yêu thương và bao dung để tô vẽ cho đời những sắc màu hạnh phúc và bình yên. Tình yêu thương và sự bao dung chính là những phẩm chất đạo đức, là nhân cách cao quý mà ai cũng cần có và phát huy.
Kết luận
Tình yêu thương và sự bao dung luôn là nhu cầu đạo đức không thể thiếu trong mỗi người. Chúng là những chất liệu hết sức quan trọng để gắn kết con người lại với nhau, là sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn và buồn đau mỗi khi gục ngã. Không chỉ vậy, tình thương và sự bao dung còn giúp ta sở hữu tinh thần lạc quan, yêu đời và yêu người. Một nụ cười mang hơi thở của tình thương cũng tiếp thêm động lực cho con người sống và sống tốt hơn. Khởi đầu và cho đến khi kết thúc sự sống, nếu thiếu đi chất liệu tình thương và sự bao dung, cuộc đời sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Yêu thương và được yêu thương luôn là ước mơ, quyền lợi của mỗi người, nên hãy để thế giới xung quanh ta được tỏa sáng bằng tình yêu thương và sự từ bi, để con người và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Xã hội nào khai thác tốt hai mảng chất liệu này sẽ trở nên lành mạnh và phát triển. Cuối cùng, giá trị cuộc sống này sẽ quý giá hơn biết bao khi: “Mỗi chúng ta mang trong tâm thức mình một hạt mầm Tình thương, chỉ cần chúng ta đủ tĩnh lặng nội tâm để nghĩ về nó, quan tâm đến nó và tạo môi trường cho nó phát triển thì hạt nhân này sẽ lớn lên mang cho ta sự kết nụ của tâm hồn và thành tựu của hương sắc và hoa trái” [18].
Chú thích:
[2] Thích Thanh Từ (1996), Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải, Nxb. TP Hồ Chí Minh, tr.264.
[3] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý-Trần, tập II, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[4] Hà Huy Thanh (2018), Việt Nam – Quốc gia của tình thương, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
[5] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.149.
[6] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý- Trần, tập II, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[7] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.162.
[8] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.74.
[9] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.29.
[10] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.137.
[11] Lê Mạnh Thát (2010), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
[12] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.39.
[13] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.137.
[14] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.107.
[15] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.61.
[16] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.32.
[17] Thích Thanh Từ (1996), Sđd, tr.136.
[18] Hà Huy Thanh (2018), Việt Nam – Quốc gia của tình thương, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm