Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 06/02/2017, 12:36 PM

Tưởng niệm Tổ Phi Lai cổ tự Châu Đốc

Ngày đức Thế Tôn vào đại định Niết Bàn, cũng là buổi sư Tổ chùa Phi Lai thâu thần viên tịch. Để tưởng nhớ bậc tiền bố hữu công, chúng con xin đọc lại đôi dòng lược sử.

"Đường về thoang thoảng buổi hôm nay
Ơn Tổ, đức thầy cảnh Phi Lai
Kỷ niệm cho con nhiều tôn quý
Cùng nhau quy mạng trước liên đài."

Nhớ Tổ xưa, tên thật Nguyễn Văn Hiển, hiệu Chí Thiền, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 39.

Sông Thu Bồn thọ mạng khai sinh, đất Quảng Nam duyên lành kết trái. Cha làm quan sở tại, Nguyễn Công Thành chức Hộ Quốc Công, mẹ hiền thục cũng dòng thi lễ, mong sinh con nối dõi tông đường. Rồi một đêm, trời quang mây tạnh, mẹ Ngài thấy ánh sáng chói lòa, mùi hương thơm bay khắp gần xa, ngày thanh minh tháng hai Tân Dậu, Tổ ứng tích vào đời.

“Hạt Quảng Nam, Di Xuyên lưu dấu
Xã Diên Sơn, Thích tử lâm phàm.”

Rồi ngày tháng qua mau, nghiệp võ nghề văn đều thông thuộc, 18 tuổi vua ban chiếu chỉ, con công thần trọng dụng làm quan, chẳng bao lâu binh biến ngập tràn, thì lúc ấy mộng công hầu tan theo mây khói.
Tổ Phi Lai - Thích Chí Thiền (1861 - 1933)
Năm 1881, duyên lành hội đủ, âu ngày xưa đã trồng sẵn nhân mầu. 20 tuổi, từ Quảng Nam quyết chí vào Nam, đến chợ Lớn chùa Giác Viên xin thế phát. Sư Tổ thượng Hoằng hạ Ân hứa khả, cho kế thừa dòng Lâm Tế đời 39, pháp huý Như Hiển, hiệu Chí Thiền. Từ đó chuyên tâm tu học, phát nguyện vận thuỷ, ban sài, công phu, công quả, chuyên trì thần chú đại bi, nguyện cầu cho âm siêu dương thới. Nhờ lòng thành tha thiết, Tổ được đức Phật Lưu Ly hiện ra thọ ký trong lúc đóng chuông, từ đó Tổ càng tinh tiến quyết chí gắng tu.

Than ôi! 

Nhà có con hiếu, cha mẹ chẳng cho con trẻ ở không,
Đạo có bậc chân tu, thì Tổ Thầy thường giao quang gánh nặng.

Hàng ngày Tổ nguyện phát tâm sửa cầu bồi lộ, công tác đắp nền chùa Giác Viên, mỗi ngày một trăm xe đất, công việc đắp nền đã xong, Tổ liền xin thầy nhập thất ba năm, được thầy truyền trao tâm ấn.

Chẳng bao lâu Hòa thượng Giác Viên thân tâm bì quyện, hẹn ngày mùng 8 tháng 10 trực chỉ Tây quy. Năm Kỷ Hợi 1899 giờ Ngọ đúng kỳ, giao trọng trách trụ trì cho Tổ, từ nay lo truyền trì mạng mạch Phật Pháp, làm rạng danh long tượng của Thiền môn.

Năm Giáp Thìn 1904, hạt Gò Công bão lụt mưa chan, chịu thảm cảnh sóng tràn nước bủa, kẻ mất mạng không ai chôn cất, người sống còn thiếu chỗ dựa nương, nhân dân chịu khổ trăm đường, tai trời ách nước liệu phương thế nào. Tin vừa đến động lòng sư Tổ, Ngài bèn chở một thuyền gạo muối đến Gò Công, cấp phát cho dân chúng no lòng và tìm vớt 50 thi hài đem chôn cất. Tổ lập đàn tụng kinh 7 ngọ để cầu siêu cho những kẻ trầm oan.

Rồi Ngài đi thuyền đến Vàm Ốc len, thoáng đâu gió thổi sóng tràn, làm gãy cột buồm, thuyền muốn úp, mọi người kinh hồn run sợ. Trong giây lâu trời lặng sóng yên, nhìn thấy Tổ an nhiên niệm Phật. Đến đây, duyên hóa đạo của Ngài sáng tỏa, bước thảo hài dạo khắp nước non.

Một đêm, Tổ nằm mơ thấy ông lão dâng đồ tang phục, Ngài biết là điềm cốt nhục chia ly, vội về quê thăm viếng mẫu thân, thì bà cụ đã vãng sinh ngày rằm tháng chạp. Tổ ở lại quê nhà đến tuần chung thất, rồi từ giả hương lân trở lại chùa Giác Viên. Sắp xếp việc chùa xong xả, Tổ sửa soạn hành trang, một bình bát, ba mãnh pháp y, thẳng đường lên Châu Đốc, tìm non cao để ẩn dật tu hành.

Bấy giờ, núi Kỳ Hương, chùa Phi Lai, tri tôn Châu Đốc, tổng Thành Ý, làng Tư Tề, các hương lân sẵn chờ đón rước chỉnh tề, vì sơn thần ứng mộng mấy đêm nay, báo rằng sẽ có bậc chân tu đến núi này. Tổ vừa đến bao người mừng rỡ, biết là trụ trì tại cảnh Phi Lai, quỳ thỉnh Tổ về chùa an trú. Tổ chấp thuận ở đây tu niệm, đạo phong Ngài sáng chói nước non, hương giới đức gần xa quy ngưỡng.

Các pháp tử nay là HT.Thích Thiện Hoa, HT.Thích Thiện Minh, HT.Thích Trường Thạnh, HT.Thích Thiện Quang, HT.Thích Từ Nhơn,... bên Ni giới có sư trưởng chùa Bảo An, sư trưởng chùa Hải Ấn, sư trưởng chùa Kim Sơn, sư bác chùa Long Hòa, sư bác chùa Thiên Quang đều là những bậc pháp khí đại thừa, nối thạnh dòng Phật.

Năm Ất Sửu 1925, rằm tháng 9, chùa Từ Lập, Cao Miên, có tượng Phật bằng vàng. Cảm đức Tổ, báo mộng kêu Lục Cả đem tượng Phật ấy cúng dường cho Tổ.

Gặp năm thất mùa đói kém, dân chúng bị cơ hàn, Ngài phát nguyện làm chay 49 ngọ để cầu cho lúa thóc được mùa, nhân dân được cơm no áo ấm. Đêm năm canh, Tổ không an giấc, ngày sáu khắc lo trì tụng kinh văn, mới biết khổ hạnh chẳng ai bằng, chí nguyện độ sinh không kể xiết. Đến 49 ngày đàn tràng hoàn mãn, lúa tốt xanh đồng, người vật hân hoan vui vẻ.

Năm 1932, Tổ Khánh Hòa cổ suý phong trào chấn hưng Phật giáo, thành lập Hội Nam Kỳ nghiên cứu ra đời, Tổ cộng tác đóng 300 đồng vào quỹ và vận động phật tử chung lo ủng hộ.

Đến năm Mùi, hạt Châu Đốc bị thuỷ tai dữ dội, Tổ chèo thuyền cứu trợ vớt kẻ bị nạn tai. Quan Tham biện Xà Tón hết lời khen ngợi, cho khuê bài, phong chức Hòa thượng Phi Lai. Đạo đức Ngài, Miên Việt thảy quy y, lòng từ mẫn, vượn hầu, chim hồng hoàng luôn cung kính.

Xuân thu qua mãi, sương tuyết đổi dời, luật vô thường chẳng có chừa ai, dòng sinh tử đúng thời quy định, thân tứ đại một ngày thọ bịnh, nên Tổ sư an dưỡng tại thiền sàng, các đệ tử ân cần hầu hạ thuốc thang, hỏi thầy chừng nào về Phật, Tổ nói chờ Tam Thánh Liên Trì đến rước, đó là đúng giờ ngọ rằm tháng Hai. Một lát sau, Tổ chấp tay nói kệ như vầy:

"Nhứt niệm viên quang tội tánh không
Đẳng đồng pháp giới hàm thanh tịnh."

Rồi Ngài an nhiên thâu thần viên tịch.

Thật là:
Trọn đời cứu độ khách trần gian
Bổn nguyện xa xưa đã sẵn sàng,
Bồ tát lợi sinh lòng bi mẫn
Ngày về thẳng bước đến liên bang.

Ôi!
Một cành hoa báu
Hương thơm xúc cảm loài người
Năm cánh lá tươi
Màu sắc đậm đà ý Tổ

Từ nay:
Đất nước Như Lai tiêu dao muôn thuở
Vào nhà Từ Phụ, an nghỉ ngàn thu
Gia hộ chúng con đạo quả vuông tròn, chánh y song vận
Hôm nay nhớ Phật Niết Bàn
Mến thầy kính Tổ mở mang đạo mầu
Đèn thiền đuốc tuệ sáng lâu
Tông phong Tổ ấn năm châu soi cùng

Chí tâm đảnh lễ Nam Mô Phi Lai đường thượng, tự Lâm Tế Chánh Tông, tam thập cửu thế, thượng Chí hạ Thiền, huý Như Hiển, Nguyễn Công Hòa Thượng Tổ Sư.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Câu chuyện có thật về sự chủ động tái sinh

Tư liệu 14:16 19/04/2024

Khoảng một ngàn năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp ngày càng phát triển trong giới trí thức Ấn Độ. Một trong những luận sư xuất sắc thời đó là Chandra, người vừa có cái thư thả của bậc giác ngộ, lại có cái tài hùng biện và lý luận sắc sảo của một người trí thức.

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Thiện duyên của người mẹ cúng dàng 500 vị Bích Chi Phật

Tư liệu 06:58 16/04/2024

Theo kinh Ðại phương tiện Phật báo ân, vào thời quá khứ xa xưa có một người nữ, do một bất thiện nghiệp ở tiền kiếp đã sinh ra làm con của một con nai cái. Nhưng cũng nhờ những nghiệp nhân tốt đẹp khác, cô gái do nai sinh ra có một tướng mạo đoan chính, tính tình bao dung, hiền thiện.

Xem thêm