Văn học Phật giáo Việt Nam - Một hướng tiếp cận
Tính đến nay, nền văn học Phật giáo đã có lịch sử trên 2000 năm với nhiều sự thăng trầm và biến động. Ngoài những tác phẩm văn học Phật giáo dân gian, văn học Phật giáo truyền miệng, với hàng vạn tác phẩm lớn nhỏ, phân làm 12 loại thể, hàm chứa những giá trị tuệ giác, nhân văn và nghệ thuật lớn.
Có thể khẳng định, văn học Phật giáo là một nền văn học lớn của văn học thế giới, có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hóa nhân loại.
Văn học Phật giáo Việt Nam là một bộ phận của nền văn học Phật giáo thế giới, đồng thời cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn học Việt Nam; là một trong những ngọn nguồn, mạch chính khơi nguồn cho nền văn học viết, văn học bác học Việt Nam, với cảm hứng giải thoát là cảm hứng đặc trưng. Quan điểm này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chú khẳng định một cách dứt khoát: “Văn học Phật giáo là ngọn nguồn của văn học bác học, văn học viết Việt Nam”. (Nguyễn Công Lý - Đoàn Lê Giang chủ biên (2016), Văn học Phật giáo Việt Nam - thành tựu và định hướng nghiên cứu, NXB.KHXH, tr.27).
Ở Việt Nam, Phật giáo đã có mặt từ rất sớm và đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước hơn 2.000 năm qua. Từ khi được truyền vào xứ sở ta, Phật giáo đã được bản địa hóa và liên tục bản địa hóa ở Việt Nam, trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Việt. Văn hóa Phật giáo là một bộ phận không thể chia cắt của văn hóa Việt Nam. Phật giáo Việt Nam không chỉ mang trong mình những tinh hoa mang tính phổ quát của Phật giáo thế giới mà còn mang tính dân tộc của người Việt Nam. Thực tế lịch sử đã chứng minh một cách sinh động Phật giáo đã dung hòa, nâng đỡ, góp phần xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam có tầm vóc với những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ nghi, lễ hội cho đến kiến trúc, điêu khắc; từ lịch sử, tôn giáo, văn học cho đến hội họa, âm nhạc, thiền đạo… Trong đó có thể thấy được văn học Phật giáo là lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu lớn, đã gắn bó mật thiết và nâng đỡ đời sống tinh thần của con người Việt Nam hơn 2.000 năm qua.
Văn học Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ thứ II, nếu tính từ tác phẩm Lý hoặc luận của Thiền sư Mâu Bác viết khoảng những năm 196-198. Trong thế kỷ thứ III, có kinh Pháp hoa tam muội do Thiền sư Đạo Thanh dịch; Lục độ tập kinh, Lục độ yếu mục, Nê-hoàn phạm bối, Cựu tạp thí dụ kinh… do Thiền sư Tăng Hội biên dịch, biên soạn… Như vậy, đến đầu thế kỷ XXI, văn học Phật giáo Việt Nam đã trải qua ngót 2.000 năm và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Với bề dày lịch sử như thế, từ đầu thế kỷ XX đến nay, cùng với quá trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà, văn học Phật giáo Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu văn học nói chung, văn học Phật giáo nói riêng chú ý, đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Các hướng nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay
Theo các nhà nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam có uy tín hiện nay như Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Nguyễn Huệ Chi, Huỳnh Như Phương, Đoàn Thu Vân, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Công Lý, Nguyễn Hữu Sơn, Đoàn Lê Giang, Nguyễn Phạm Hùng…, các công trình nghiên cứu từ trước đến nay thường được triển khai theo mấy hướng sau đây:
Một là hướng nghiên cứu văn học Phật giáo từ góc độ mỹ học thiền. “Dĩ thiền luận thi” đã có truyền thống lâu đời ở phương Đông, điển hình là tác phẩm Văn tâm điêu long của Thiền sư Tuệ Địa, tục danh Lưu Hiệp. Nghiên cứu văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng từ góc độ mỹ học thiền, triết lý thiền là một hướng khả quan, nhiều triển vọng, mở ra một chân trời vô hạn cho các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhất là các nhà nghiên cứu là thiền sư, Tăng sĩ Phật giáo, trong đó có chúng tôi. Chúng tôi tạm gọi đây là hướng nghiên cứu mỹ học thiền.
Hai là hướng nghiên cứu tác phẩm văn học Phật giáo. Hướng này tập trung và tổng hợp được trí tuệ của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều tuyệt tác, nhiều tác phẩm tiêu biểu văn học Phật giáo Việt Nam được nghiên cứu và giới thiệu một cách kỹ lưỡng, đạt được nhiều kết quả khả quan.
Ba là hướng nghiên cứu tác gia văn học Phật giáo. Cũng như hướng nghiên cứu tác phẩm văn học, hướng này được chú ý khá sớm. Nhiều tác gia tiêu biểu của nền văn học Phật giáo Việt Nam được nghiên cứu và giới thiệu trong bối cảnh chung với các tác gia văn học cổ-trung đại Việt Nam. Hướng nghiên cứu này cũng đã đạt được nhiều thành tựu khả quan.
Bốn là hướng nghiên cứu văn bản văn học Phật giáo. Có thể nói đây là một hướng đạt được nhiều thành tựu khả quan. Song song với việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam thời cổ-trung đại, nhất là các tác phẩm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm thời Lý-Trần, các tác phẩm văn học Phật giáo được quan tâm nghiên cứu, giới thiệu một cách đặc biệt. Thành tựu nổi bật theo hướng này có thể kể đến nhà nghiên cứu Lê Mạnh Thát.
Năm là hướng nghiên cứu diện mạo và đặc điểm văn học Phật giáo. Hướng này được các nhà nghiên cứu triển khai từ những năm đầu của nửa sau thế kỷ XX, nhằm xác định những đặc trưng riêng của văn học Phật giáo trong một thời kỳ, một giai đoạn lịch sử nhất định. Một trong những gương mặt khá tiêu biểu cho hướng này là Nguyễn Công Lý.
Sáu là hướng nghiên cứu ngôn ngữ và thể loại văn học Phật giáo. Hướng này gần đây được chú ý nhiều hơn, tập trung đi sâu vào khám phá những giá trị nghệ thuật của văn học Phật giáo Việt Nam, những đóng góp về mặt hình thức nghệ thuật của văn học Phật giáo vào sự phát triển của nghệ thuật ngôn từ cho nền văn học Việt Nam. Nguyễn Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Sơn là những nhà nghiên cứu khá ấn tượng của hướng nghiên cứu này.
Bảy là hướng nghiên cứu văn học sử Phật giáo. Đây là một trong những hướng được các nhà nghiên cứu chú ý rất sớm từ nửa đầu thế kỷ XX, lúc ấy văn học Phật giáo Việt Nam chưa được nhìn nhận như một nền văn học, một dòng văn học, một bộ phận văn học riêng biệt, nên chưa đạt được nhiều kết quả đáng kể. Cho đến nay, hướng nghiên cứu văn học sử đối với văn học Phật giáo Việt Nam chưa được đầy đủ và toàn diện, còn rất nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết, chưa chỉ ra được sự vận động, phát triển, biến đổi của bản thân nó qua lịch sử, chưa chú ý đến tính thống nhất và toàn vẹn của văn học Phật giáo Việt Nam.
Từ sự khái quát về các hướng nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay kể trên, chúng ta có thể thấy được tuy mỗi hướng đều có thế mạnh riêng, sở trường riêng và đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng đều là những nghiên cứu được tiến hành trong trạng thái “tĩnh”, nghiên cứu từng phần, từng bộ phận tách rời nhau, những hiện tượng biệt lập với nhau, nhất là chưa xem văn học Phật giáo Việt Nam như là một đối tượng nghiên cứu độc lập nên sự thiếu sót và phiến diện là khó tránh khỏi.
Hiện nay, với điều kiện khá thuận lợi về nhiều mặt, chúng ta có thể nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Hiện có nhiều công trình nghiên cứu có số lượng lớn, quy mô rộng, hình thức đa dạng, phong phú. Lực lượng tri thức trong Phật giáo và ngoài Phật giáo tham gia nghiên cứu ngày càng đông đảo và chuyên nghiệp. Văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng trở thành một đối tượng nghiên cứu độc lập của ngành nghiên cứu văn học. Phạm vi nghiên cứu ngày càng được mở rộng hơn, đa dạng hơn từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật; từ các tác gia, tác phẩm cụ thể cho đến các khuynh hướng, các giai đoạn văn học, các vấn đề lý thuyết, lý luận. Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu cấp quốc gia, các luận án, luận văn được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu văn học Phật giáo ngày càng nhiều hơn, chất lượng hơn.
Vấn đề khái niệm văn học Phật giáo Việt Nam
Nhiều nhà nghiên cứu, từ những góc nhìn khác nhau, đã đưa ra khái niệm về văn học Phật giáo khác nhau; và cho đến nay, chưa có một định nghĩa đầy đủ và hoàn chỉnh về văn học Phật giáo được tất cả các nhà nghiên cứu chấp nhận.
Tuệ Sỹ cho rằng: “Sơ khởi văn học Phật giáo không từ chối vai trò truyền đạo của nó. Tức là chân lý của tôn giáo này, tùy từng trường hợp được phô diễn tự do trong mọi thể tài văn học, và coi văn học chỉ như một phương tiện thứ yếu không quan trọng bằng nội dung. Nhưng chân lý ở đây mang tính cách nội tại và cá biệt nơi mỗi người, do đó, sự phô diễn của nó cũng bắt đầu như sự bắt đầu của một tác phẩm văn học. Nghĩa là, khởi đi từ cảm hứng bộc phát trước một thế giới của kinh nghiệm tâm linh Phật giáo. Hơn nữa, trên khía cạnh tôn giáo, chân lý được chứng ngộ là phản ánh một thế giới sống động. Trên phương diện diễn đạt của văn học là cảm hứng tự phát của một tình tự cá biệt. Do đó, lấy tính Không làm chất, lấy thế giới trùng trùng vô tận làm văn. Văn và chất phản chiếu lẫn nhau tạo thành thế giới toàn diện của văn học Phật giáo”. (Tuệ Sỹ, Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo/ thuvienhoasen.org).
Theo quan niệm Nguyễn Phạm Hùng, văn học Phật giáo là:
- Một dòng văn học có đặc điểm riêng về nội dung và nghệ thuật, nhưng không khép kín tự thân trong trong đời sống Phật giáo mà có mối quan hệ mật thiết, thậm chí có khi hòa hỗn với các dòng/bộ phận văn học khác và với cuộc sống trần thế.
- Một dòng văn học không chỉ được hiểu như sự thể hiện giáo lý, phát biểu cho giáo lý, hay tương ứng với giáo lý, nhận thức giáo lý, hay cuộc sống tu hành mà gắn bó máu thịt với những vấn đề của cuộc sống con người mang tính lịch sử cụ thể.
- Một dòng văn học thuộc cả về văn chương bình dân lẫn văn chương bác học, cung đình, phản ánh đời sống tâm hồn, đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp xã hội trong những hoàn cảnh cụ thể.
- Một dòng văn học không chỉ phi ngã, mà còn hữu ngã, phản ánh đời sống tâm hồn, tư tưởng tình cảm của con người với những đặc điểm riêng về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
Với cách hiểu như trên, tác giả đã đưa ra khái niệm: “Văn học Phật giáo là khái niệm chỉ toàn bộ những tác phẩm văn học viết về đời sống Phật giáo, hay mang cảm hứng Phật giáo khi phản ánh cuộc sống hiện thực. Những đặc điểm Phật giáo là yếu tố chi phối quan trọng nhất đối với toàn bộ quá trình sáng tạo văn học, từ lực lượng sáng tác (Thiền sư, người am hiểu yêu mến đạo Phật) đến mục đích sáng tác (ngộ đạo, thể nghiệm, truyền đạo hay bộc lộ thái độ, tâm trạng, tình cảm, Phật giáo đối với cuộc đời);từ nội dung tư tưởng (chủ đề, đề tài, cảm hứng sáng tác) đến các hình thức nghệ thuật (trong việc lựa chọn, sử dụng ngôn ngữ Phật giáo, các thể loại và biện pháp nghệ thuật có yếu tố Phật giáo thích hợp); từ quá trình mã hóa đến quá trình giải mã nghệ thuật của văn học Phật giáo”. (Nguyễn Phạm Hùng, Văn học Phật giáo Việt Nam, NXB.ĐHQG, 2015, tr.50).
Liên quan đến vấn đề khái niệm văn học Phật giáo, Nguyễn Công Lý cho rằng: “Về nội dung những tác phẩm văn học Phật giáo phải trực tiếp hay gián tiếp thể hiện tư tưởng giáo lý nhà Phật, đề cập đến Phật hay có liên quan đến nhà chùa. Có khi những tác phẩm đó mang nội dung bài xích Phật giáo, chống lại nhà chùa nhưng vẫn được nhà chùa chấp nhận. Về hình thức tồn tại, những tác phẩm này hiện còn trên bia đá, chuông đồng, trên các bản ván, các bộ thực lục, ngữ lục, thiền phả… Về hình thức thể loại, đây là những tác phẩm mang tính chức năng lễ nghi tôn giáo là chủ yếu và được nhà chùa sử dụng nhiều như kệ, thơ thiền, ngữ lục, tụng cổ, niệm tụng kệ, luận thuyết triết lý, bi, minh, ký, truyện. Về ngôn ngữ thể hiện, những tác phẩm trên, ít nhiều đã sử dụng các thuật ngữ, những khái niệm của nhà Phật. Về tác giả, không chỉ riêng là sáng tác của các Thiền sư, mà còn của vua, chúa, quý tộc quan lại, nhà Nho có tu thiền, chịu ảnh hưởng đạo Phật và ít nhiều những tác phẩm đó mang cảm quan thiền học” (Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý Trần - diện mạo và đặc điểm, NXB.ĐHQG, 2003, tr.106).
Kế thừa thành tựu của những nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi cho rằng:
Văn học Phật giáo là một khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những tác phẩm văn học viết về đời sống nhân sinh mang cảm quan Phật giáo khi phản ánh hiện thực cuộc sống, nó phát khởi từ trái tim từ bi, soi sáng bằng tuệ giác, hướng đến mục đích giác ngộ cuối cùng.
Như vậy, văn học Phật giáo Việt Nam là một khái niệm chỉ toàn bộ các tác phẩm văn học Phật giáo, viết về đời sống nhân sinh, mang cảm hứng Phật giáo với đặc chất giải thoát khi phản ánh mọi mặt của cuộc sống hiện thực do người Việt Nam sáng tác trong suốt 2.000 năm qua.
Phân kỳ văn học Phật giáo Việt Nam
Trong các bộ lịch sử văn học Việt Nam từ trước đến nay, phần văn học viết Việt Nam thường chỉ bắt đầu từ cái mốc nửa đầu thế kỷ thứ X, còn phần văn học viết Việt Nam trước thế kỷ thứ X không được nói đến. Phải chăng, do văn học thời kỳ này chủ yếu là của nhà chùa, tức thuộc văn học Phật giáo. Một minh chứng xác thực là, trong bộ Tổng tập văn học Việt Nam chọn bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt làm năm 1077 làm tác phẩm đầu tiên (tr.215, NXB.KHXH, 1997).
Chúng tôi cũng thống nhất với một số nhà nghiên cứu văn học Phật giáo đi trước như Nguyễn Công Lý, Thích Phước Đạt trong cách phân kỳ văn học Phật giáo Việt Nam như sau:
Văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X
Văn học Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này thường được gọi là văn học Phật giáo Việt Nam thời Bắc thuộc. Kế thừa những thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng ta có thể thấy các tác giả và tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ này như: Thiền sư Mâu Bác có tác phẩm Lý hoặc luận; Thiền sư Tăng Hội có Lục độ yếu mục, Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh, Nê hoàn phạm bối...; Thiền sư Đạo Thanh dịch kinh Pháp hoa tam muội; Chí Hàm có tác phẩm Triệt tâm ký; Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu với cuộc tranh luận về Phật pháp qua Sáu bức thư; Đạo Cao có Tá âm, Tá âm tự, Đạo Cao pháp sư tập; Pháp Hiền có bài kệ truyền pháp; Đại Thừa Đăng có tác phẩm Thương Đạo Hy pháp sư; thi kệ và ngữ lục của Thiền sư Thanh Biện, Định Không, Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong, La Quý An...
Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần
Trước đây, văn học Phật giáo Việt Nam giai đoạn này thường được gọi là văn học Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV. Cụ thể, đây là một khái niệm dùng để chỉ một thời đại lịch sử gần năm trăm năm tính từ khi vua Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán giành lại độc lập năm 938, trải qua các triều đại: Ngô (939-965), Đinh (968-980), Tiền Lê (981-1009), Lý (1009-1225), Trần (1225-1400), Hồ (1400-1407), Hậu Trần (1407-1413), trong đó hai triều đại Lý và Trần tồn tại dài lâu, viết nên những trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.
Thời này có nhiều tác gia và tác phẩm lớn, tiêu biểu như tác phẩm Quốc tộ của Pháp Thuận, Cáo tật thị chúng của Mãn Giác, Thị tịch của Vạn Hạnh, Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu, Khóa hư lục của Trần Thái Tông, Thượng Sĩ ngữ lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ, Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Trần Nhân Tông, Thị tịch của Pháp Loa, Vịnh Vân Yên tự phú, Diên hựu tự của Huyền Quang, Đề Gia Lâm tự của Trần Quang Triều…
Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê - Nguyễn
Trước đây các nhà nghiên cứu thường gọi giai đoạn này là văn học Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Đây là một khái niệm dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử kéo dài hơn năm trăm năm, tính từ khi Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn vào năm 1416 cho đến cuối thế kỷ XIX, trải qua các triều đại: Hậu Lê sơ (1428-1527), Mạc (1527-1592 và 1592-1667 ở Cao Bằng), Lê Trung Hưng (1533-1788), Tây Sơn (1789-1802), Nguyễn (1802-1945).
Các tác gia Thiền sư với các tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này là: Minh Châu Hương Hải có Toàn tập Minh Châu Hương Hải; Chân Nguyên có Chân Nguyên Thiền sư toàn tập, Thiền tông bản hạnh; Toàn Nhật có Toàn Nhật Quang Đài toàn tập, Hứa Sử truyện vãn; Hải Lượng Ngô Thì Nhậm cùng các đạo hữu có Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh; Thi kệ, ngữ lục của các Thiền sư Thiền Liễu Quán, Nguyên Thiều, v.v… Các tác gia thế tục như Nguyễn Trãi với một số bài viết về Phật giáo trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập; tác gia Lê Thánh Tông với Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Thánh Tông di thảo, Hồng Đức quốc âm thi tập; tác gia Nguyễn Bỉnh Khiêm với Bạch Vân thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Tác gia Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Du với Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài; Nguyễn Công Trứ với Vịnh Phật, Chu Mạnh Trinh với Hương sơn phong cảnh ca, Nguyễn Khuyến với Vịnh sư…
Văn học Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại (Thế kỷ XX-XXI)
Như chúng ta đã biết cuối thế kỷ XIX, nhất là ba mươi năm đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam đang trong tiến trình hiện đại hóa văn học, từ phạm trù văn học trung đại chuyển sang phạm trù văn học hiện đại. Thời kỳ này có nhiều tác gia, nhiều tác phẩm lớn, rất cần có nhiều nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện hơn.
Các tác gia Thiền sư tiêu biểu trong giai đoạn này là Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ, Thích Minh Châu, Thiện Chiếu, Trí Hải, Bích Liên, Liên Tôn, Tố Liên, Viên Thành, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát… Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Phật giáo hiện đại là tác phẩm Đường xưa mây trắng của Thích Nhất Hạnh.
Các tác gia thế tục như Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố Dương Bá Trạc, Nguyễn Trọng Thuật, Lê Đình Thám, Bùi Kỷ, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Võ Đình Cường, Đoàn Trung Còn, Thiều Chửu, Bùi Giáng, Vũ Hoàng Chương, Huỳnh Như Phương…
Một vấn đề không thể không nhắc đến là không ít người nghĩ rằng, nền văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng, hình như chẳng dính dáng gì đến con đường đạt đến chân lý, thành tựu trí tuệ giác ngộ, vượt thoát mọi nỗi khổ đau trong kiếp sống nhân sinh, luân hồi vô tận. Đôi khi nói còn là nguyên nhân dẫn dắt con người theo tình thường mê đắm khổ đau.
Như chúng ta biết, Phật giáo Thiền tông quan niệm “Ngôn ngữ đạo đoạn”, mọi ý nghĩa của ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ nghệ thuật không vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm, đương nhiên không thể diễn tả trọn vẹn chân lý tuyệt đối được. Đúng là ngôn ngữ và biểu tượng trong tính ước lệ của nó, mãi mãi không thể là bản thân của chân lý tuyệt đối đích thực, nhưng có thể từ ngay nơi ngôn ngữ và biểu tượng mà thể nhập chân lý, nương nơi ngôn ngữ và biểu tượng mà trực nhận ra sự thật. Đây chính là cơ sở lý thuyết của văn học Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng. Thực tế đã chứng minh, những lời dạy của Đức Phật được ghi chép lại trong kho tàng văn học kinh điển Phật giáo cũng như “ngón tay chỉ trăng” chứ không phải bản thân mặt trăng vậy.
Hình như “Các tác phẩm văn học Phật giáo đều lưu xuất từ thể tâm vi diệu, biểu hiện thành muôn hình vạn trạng hình tượng, khơi nguồn diệu dụng của tuệ giác, hóa thân thành ngôn ngữ, hình tượng, tạo nên một thế giới văn chương muôn màu muôn vẻ, vô cùng, vô tận, vi diệu và kỳ bí đầy sức tươi mới và hấp dẫn của thế giới văn học Phật giáo”. [Thích Hạnh Tuệ (2018), Văn học Phật giáo Việt Nam - một hướng tiếp cận, NXB.KHXH].
Và như thế, cánh cửa “không cửa” của thế giới văn học Phật giáo luôn chào đón tất cả mọi người bước vào khám phá.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Tư liệu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Tư liệu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Tư liệu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Chuyện vãng sanh của thân phụ Sư cô Huệ Tâm ở Biên Hòa
Tư liệu 13:20 29/10/2024Tôi thấy công đức niệm Phật thậm thâm vi diệu. Cha mẹ tôi thuở sanh tiền là một thương gia ở chợ Biên Hòa, công việc rất bận rộn, ông bà chỉ dành ít thời gian để đi chùa, phần lớn là niệm Phật và bố thí. Hơn 60 năm, đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng niệm Phật cho đến khi ngủ quên.
Xem thêm