Về tâm từ và rải tâm từ
Nghiên cứu về tâm từ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một trong những phương pháp thuần phục, rèn luyện tâm. Thực tập tâm từ và tứ vô lượng tâm giúp chúng ta tiến gần hơn trên con đường giải thoát. Vậy tâm từ là gì?
Tâm từ được hiểu qua kinh điển
Tâm từ được hiểu là không phải sự yêu thương xác thịt, thân thể, không phân biệt thân sơ mà sự thương yêu bao trùm cả vạn loại, không bờ bến, không hạn định.“Trạng thái cao thượng đầu tiên là tâm ‘từ’, tiếng Pāli là Mettā, Sanskrit là Maitri” [1]. Tâm từ như là điều hiển nhiên được nhận định dành cho người xuất gia hay thậm chí cả Phật tử tại gia khi am hiểu giáo lý. Ngay cả với Đức Thế Tôn, hội chúng cũng cho rằng mục đích Ngài xuất hiện ở đời không vì y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thành bại mà “với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp” [2]. Vậy từ tâm của Ngài được hiểu như thế nào?
Với người tại gia
Trong Kinh Pháp Cú có câu:
“Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu” [3].
Từ trong các mối quan hệ hàng ngày, đặc biệt là gia đình, từ tâm đóng vai trò cấp thiết giúp gia đình hạnh phúc, không bị đổ vỡ. Mỗi thành viên đều chứa đựng tâm yêu thương lẫn nhau, từ đó sẽ dễ dàng tha thứ lỗi lầm hay những khuyết điểm của nhau. Như Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy các thiếu nữ :“Đối với những người chồng nào, mẹ cha cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước, chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương” [4]. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Thế Tôn cũng đã khen ngợi Sàmàvati là vị trú tâm từ tối thắng trong các vị nữ đệ tử của Ngài [5]. Cho thấy, Đức Phật rất xem trọng sự tu tập tâm từ trong các hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia.
Với người xuất gia
Đức Phật luôn định hướng và đặc biệt lưu tâm đối với sự thực tập, hành trì của chư vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni về tâm từ trong đời sống hàng ngày. Khi vị Tỳ-kheo buộc tội vị khác trên tinh thần can gián lẫn nhau, giúp vị kia tốt hơn cũng phải quan sát rằng: “Ta có an lập từ tâm, không sân hận đối với các đồng phạm hạnh hay không?” [6]. Cho thấy, chỉ có từ tâm mới khiến chư vị sống trong Tăng đoàn hòa hợp như nước hòa với sữa. Cụ thể như trường hợp Đức Phật dạy:“Có hạng người thấp kém về giới, định, tuệ. Hạng người như vậy, này các Tỳ kheo, không nên gần gũi, không nên sống chung, không nên hầu hạ cúng dường, trừ khi vì lòng thương tưởng, vì lòng từ lân mẫn” [7]. Khi có lòng từ, hành giả sẽ nhìn sự việc rộng hơn vì nghĩ rằng không bao lâu nếu vị này tinh cần tu tập sẽ đạt được thắng trí. Cách để tu tập Thánh đệ tử, hiện pháp lạc trú, không bị đọa ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chấm dứt khổ đau, hành giả cần thực hành năm pháp hoàn hảo. Trong năm pháp này, Kinh Trung A-hàm cũng dạy rõ trong pháp thứ nhất là người tu phải có tâm từ luôn sẵn sàng đem đến lợi ích chúng hữu tình, không bao giờ khởi lên ý niệm cũng như hành động thân, khẩu về các việc giết hại chúng sanh [8].
Đức Phật là hình tượng rõ nét nhất và rải tâm từ bi
Cả cuộc đời Ngài từ khi hoằng truyền chánh pháp đến lúc nhập Niết bàn, tâm Ngài luôn tràn đầy lòng từ bi đối với chúng sanh. Ngài luôn cân nhắc lời nói khi thuyết giảng. Cụ thể trong kinh, Ngài nói rõ chỉ giảng những lời như sự thật, như chân lý, tương ứng với mục đích thì dù người nghe có ưa thích hay không, Ngài vẫn sẽ giảng thuyết. Điều này được Đức Như Lai khẳng định vì Ngài có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình [9]. Cho thấy, lòng từ của Ngài rộng lớn, vô biên, luôn đặt lợi ích an lạc, giải thoát cho chúng sanh lên trên hết. Điều này giống như hình ảnh minh họa có đứa nhỏ vô tình nuốt vật gì trong miệng, người cha sẽ tìm mọi cách như đưa tay vào móc ra dù có bị chảy máu, đây là vì lòng thương tưởng đứa trẻ. Cũng vậy, điều Ngài thuyết giảng dù chúng hữu tình không thích nghe và bực tức, khó chịu nhưng vì lợi ích sau này, Ngài vẫn sẽ thuyết.
Với tâm từ bi rộng lớn, Ngài đã cảm hóa rất nhiều đệ tử hữu duyên từ xuất gia đến tại gia, đủ các tầng lớp đệ tử khác nhau trong xã hội, từ vua chúa, quan lại đến giai cấp thấp ngoài rìa xã hội. Điển hình, đối với Angulimàla – tướng cướp hung hãn đã quy y Tam bảo, xuất gia nương tựa Ngài. Thế Tôn lại “nhiếp phục được người không thể nhiếp phục, làm cho an tịnh được người không thể an tịnh, làm cho tịch diệt được người không thể tịch diệt” [10]. Đặc biệt, Ngài đã giáo hóa với tâm từ, không gậy, kiếm. Lòng từ chan hòa đến khắp nơi mà Ngài du hành đặt chân đến để giáo hóa, tất cả đều chính do nhờ phước báo tu tập bồ tát hạnh của Ngài, được ghi chép ở Jataka, chuyện tiền thân Đức Phật trong Tiểu Bộ Kinh. Như câu chuyện nai chúa, chính là tiền thân Đức Phật với “đầy đủ kham nhẫn, hòa ái, từ bi” [11], sẵn sàng hy sinh thân mạng để xin vua tha mạng cho cả bầy nai. Cho thấy, không chỉ Đức Thế Tôn trong kiếp sống này đã tu tập từ tâm lập vô số công hạnh Bồ-tát trước khi thành quả vị Phật mà chư vị Phật trong nhiều kiếp trước cũng vậy. Điển hình sự toàn hảo về từ ái của Đức Bồ-tát Suvaṇṇasāma: “Sāmo yadā vane āsiṃ sakkena abhinimmito pavane sīhabyagghehiva mettāya-m-upanāmayiṃ”. (Vào lúc ta là Sāma ở trong khu rừng đã được (Chúa Trời) Sakka hóa hiện ra. Ở trong khu rừng lớn, ta đã rải tâm từ ái đến các loài sư tử và cọp) [12].
Tâm từ bi cùng với trí tuệ
Tâm từ vốn là căn bản, nền tảng trong đời sống hằng ngày. Như trong Kinh Hạt Muối [13], Đức Phật đã dạy sự khác nhau giữa bỏ một nắm hạt muối nghiệp vào trong chén đựng nước hay vào sông Hằng, tiêu biểu cho công đức mình tạo nhiều hay ít mà trở nên mặn hay không mặn, uống được hay không uống được. Hành giả tu tập ban rải tâm từ càng rộng lớn, phước lành đạt được cũng lớn dần, dẫn đến muội lược dần nghiệp xấu ác đã lỡ tạo trong kiếp này hay nhiều kiếp trước. Dù pháp môn niệm tâm từ đem đến quả báo lành lớn nhưng tâm từ phải luôn có mặt của trí tuệ nếu không chúng ta có thể có những hành động, ý nghĩ ngược lại với tâm từ. Có những trường hợp cho rằng thực hiện với mục đích thiện tốt nhưng chỉ đem lợi ích cho bản thân hay một số ít người nào đó, không phải vì số đông. Hoặc người thực hiện lòng từ đối với mọi người nhưng theo tà kiến ngoại đạo.
Trong cuộc sống, mọi người luôn cần quân bình giữa lý trí và tình cảm, đó cũng là sự đi đôi giữa trí óc và con tim. Hành giả cần tuệ tri nhận rõ những vị kỷ, hẹp hòi, nhỏ nhen cần buông bỏ, từ đó hướng tâm đến muôn loài, vạn vật. Cho nên, đạo Phật luôn được mệnh danh là đạo từ bi và trí tuệ. Người có trí sẽ thấy rõ thực tướng các pháp, thấy rõ hiện tượng vô thường, vô ngã. Họ nhìn nhận các vấn đề theo nhiều phương diện khác nhau nên không dễ dàng tin những sự việc chỉ thấy, nghe theo phiến diện. Trí tuệ thật sự khi thấy và hiểu biết với tâm mở rộng, khách quan, không theo cảm tính bản thân mà theo hiểu biết chơn chánh. Từ những điều này, hành giả thực tập tâm từ mới đạt được lợi ích chân thật, đồng thời có được đức tín can đảm, mềm dẻo, chịu đựng.
Lợi ích khi tu tập tâm từ
Thực hành rải tâm từ mang rất lợi ích thiết thực trong cuộc sống hiện tại. Trong Kinh Tăng Chi Bộ VI, Đức Phật đã chỉ ra mười một lợi ích chuyên hành trì tu tập tâm từ mà sau khi miên mật, tinh cần sẽ đạt được như: “ngủ an lạc; thức an lạc; không ác mộng; được loài người ngưỡng mộ; được phi nhân ái kính; được chư thiên bảo hộ; không bị lửa, thuốc độc, đao kiếm xúc chạm; được thiền định mau chóng, sắc mặt tươi sáng; khi mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp được sanh lên phạm thiên giới” [14]. Tâm từ là một trong những yếu tố thuộc các pháp tác thành hạnh Sa môn [15]. Là vị Sa-môn chân chánh và như thật, hành giả phải thọ trì và thực hành như giới hạnh, chánh niệm trong các căn, tiết chế tri túc trong ăn uống, luôn phòng hộ tâm, tỉnh thức giác ngộ trong từng sát na, đoạn trừ các triền cái, bốn tầng thiền-na, ba minh, bậc A-la-hán. Trong các pháp đoạn trừ các triền cái, hành giả phải từ bỏ sân hận, sống với lòng từ mẫn, thương xót tất cả chúng hữu tình, dần gột rửa hết sân hận. Nhờ đạt được tâm từ mẫn, không còn sân hận, hành giả dễ dàng đoạn trừ dần những pháp triền cái khác, tiến nhanh trên lộ trình tu tập. Từ đó, hành giả thọ nhận đồ cúng dường như thực phẩm, y phục, dược phẩm,… mới có kết quả, phước báu lớn cho chúng ta và người dâng cúng.
Ngoài ra, chính tâm từ cũng là nhân duyên tác động đến nghiệp quyết định nơi tái sanh thiện thú hay ác thú sau khi thân hoại mạng chung hay người liệt, kẻ ưu trong đời sau. Điều này được Đức Phật dạy người tu tập phải từ bỏ và tránh sát sanh, bỏ đao, gậy, kiếm, đồng thời phải biết tàm quý và đặc biệt có lòng từ, sống thương yêu, nghĩ đến hạnh phúc cho cả ba giới bốn loài, đặc biệt là chúng hữu tình [16]. Đức Phật nhấn mạnh: “Nếu có người thực hành từ tâm giải thoát rộng lớn vô lượng, khéo tu tập như vậy, chắc chắn chứng quả A-na-hàm, hoặc chứng cao hơn nữa” [17]. Từ đó, hành giả tu Phật nên lưu tâm đến sự tu tập, hành trì miên mật tâm từ để đạt được quả Thánh, vì công năng tâm từ rất lớn, định hướng rõ con đường cần hướng đến của người tu theo Phật. Qua Kinh Du Hành, người học Phật hiểu hơn về sáu pháp bất thối pháp khiến Phật pháp hưng thịnh, trường tồn hơn, trong đó có ba pháp vận dụng tâm từ. Đó là thân phải luôn hành động, ứng xử một cách từ ái, không bao giờ có ý niệm gây tổn hại chúng sanh; miệng nói lời ái ngữ, không bao giờ phát ra lời ác độc; ý luôn niệm niệm gắn với từ tâm [18]. Do vậy, hành giả càng chú trọng hơn về thân, khẩu, ý trong tu tập để khiến cho chánh pháp ngày càng trường tồn và đặc biệt luôn phát khởi và gìn giữ tâm từ trong ba nghiệp. Chánh pháp có cửu trụ ở Ta-bà hay không chính do mỗi cá nhân quyết định.
Đức Thiện Thệ cũng giảng về phước báu thù thắng sẽ đến với chính người hành trì khi chuyên tâm hành từ tâm. Người ấy, trong khoảnh khắc thời gian một mũi tên bắn đi, sẽ được sanh đến cõi Phạm Thiên [19]. Ở bản kinh khác, Đức Thế Tôn cũng dạy tương tự, đó là hành giả đạt được phước tối thắng khi nghĩ nhớ chúng sanh với tâm từ với khoảnh khắc vắt sữa bò [20]. Song song với lợi ích thực tập tâm từ, Đức Phật cũng nhấn mạnh trong Trường A-hàm, Kinh Tam Tụ về một pháp đưa đến cõi ác thú, đó là do tâm chưa bao giờ có nhân từ và chỉ luôn ôm ấp tâm niệm độc hại. Con người khi không có lòng từ, tình yêu thương đến đồng loại là con đường dễ nhất thẳng đến ác thú, ba cõi ác.
Điều kiện để hành trì, tu tập tâm từ bi
Để phát triển và hành trì miên mật tâm từ, hành giả cần dung hòa giữa từ bi và trí tuệ. Cần hiểu theo trí tuệ rồi mới thương bằng lòng từ. Hành giả cũng cần hiểu rõ bản thân về khả năng và năng lực chính mình, đồng thời đi đôi với điều này, người tu tập cũng cần am tường điểm yếu của mình. Đôi khi vì quá thương người theo cảm tính, dần dần hành giả đẩy người được giúp đỡ luôn dựa dẫm, không tự mình vươn lên và ngày càng nhiều những người chuyên sống dựa vào người khác, trong khi mình vẫn có khả năng.
Con đường tu tập tâm từ luôn phải song hành cùng tinh thần phụng sự, độ tha nếu không hành giả trở thành người nhu nhược, yếu đuối lấy từ bi che chắn khi đối diện chướng duyên. Tùy từng người tu mà có những cấp từ bi khác nhau. Tâm chưa đủ rộng lớn, bao dung thì không nên ngượng ép, điều này không đem đến lợi ích mà ngược lại tạo nên áp lực nặng nề lên chính mình. Vì vậy, mỗi hành giả cần luyện tập từng giờ, từng phút, từng ý niệm đến mỗi câu nói hành động đều toát lên từ bi, trí tuệ. Dù biết từ bi luôn có sẵn trong tâm mỗi người, nhất là những ai đã hướng đến con đường Thánh vị nhưng khi bắt đầu hành trì, áp dụng trong cuộc sống đòi hỏi nhiều thử thách. Chúng ta trên cuộc này đều có biệt nghiệp riêng, người hành trì và những người được hướng đến đều bị chi phối ít nhiều, để khiến họ thay đổi hành động của họ là điều không hề đơn giản khi họ chưa thực muốn đổi. Tâm từ bi của người hành trì có thể đạt đến mức độ nào đó nhưng không thể sánh như Đức Phật, người đã đạt cảnh giới cao tột. Khi không nhận định điều này, chúng ta dễ nhầm lẫn và dẫn đến rơi vào ảo tưởng. Để đạt được như Đức Phật cần nhiều yếu tố. Điển hình, khi đã có tâm từ nhưng điều quan trọng không thể thiếu đó chính là năng lực duy trì năng lượng từ bi đó không ngằn mé, không điều kiện vụ lợi, vượt không gian, thời gian, không thoái thất tâm ban đầu, điều này không hề đơn giản. Điều cần nhận rõ rằng chính bản thân chúng ta vẫn còn nhiều chướng ngại, niệm chấp thân ta, người thân thuộc, người ghét ta, người ta không thương vẫn luôn hiện hữu trong ý niệm khởi lên. Khi rải tâm từ luôn đòi hỏi phải giữ tâm Bồ đề, hai điều này phải luôn song hành, nếu không sự viêc trở nên vô nghĩa.
Điều kiện không thể thiếu khi hành tâm từ đó là tâm bi, tâm hỷ và tâm xả tức là sự kết hợp Tứ vô lượng tâm. Sự kết hợp này mới đem đến kết quả tốt đẹp trong các trường hợp trong cuộc sống khi rải tâm từ. Đức Thế Tôn dạy: “Với phương tiện nào chúng ta thỉnh thoảng đạt được và an trú hỷ do viễn ly sanh” [21]. Tâm tùy hỷ, vô cầu, vui với thành công người khác, hoan hỷ chơn chánh, không phải vì tài vật, đau khổ người khác hay tự cao về chiến thắng của mình. Niềm hoan hỷ sâu lắng, tận đáy lòng với thành tựu từ tu tập tâm từ cộng với niệm xả không còn vướng mắc. Khi còn những niệm chúng sanh trong tâm, thật khó thoát khỏi tam độc (tham, sân, si) chi phối khiến tâm ta không chỉ bị kẹt vào các niệm triền cái như nghi, mạn, kiêu mạn mà còn vướng chấp vào phước thiện đạt được do công phu, tu tập, kết quả đạt được do rải tâm từ. “Hoan hỷ chỉ có đến/ Với người tâm sầu muộn/ Sầu muộn chỉ có đến/ Với người tâm hoan hỷ…” [22]. Hành giả sống với niệm xả, không ôm ấp những hoan hỷ hay sầu muộn, cũng không hoài tưởng quá khứ, mơ tưởng tương lai. Chính tâm xả góp phần thành tựu tâm từ, chánh niệm, tỉnh giác, hiện tại lạc trú. Tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả là những tố chất căn bản tạo nên phẩm hạnh người tu Phật.
Kết luận
Rải tâm từ cũng là phương pháp tu tập, pháp môn hành trì của người con Phật, đặc biệt là hàng xuất gia. Đức Phật giảng dạy:“Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân” [23]. Sau khi giảng về phương pháp tu tâm từ, Đức Phật cũng giảng tương tự như vậy với tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Nhờ bốn tâm này kết hợp với nhau, sự tu tập dễ dàng thăng tiến, Bồ đề tâm ngày càng quảng đại, rộng lớn, muội lược tham, sân, si.
Tu tập tâm từ đối với người thân, người ta kính mến, sau đó hành giả thực tập rải tâm này hướng đến những nguời khác, đến chúng sinh, muôn loài. Dựa vào công phu chuyên nhất, huân tập trong từng sát na qua thân, khẩu, ý, từ đó mở rộng từ tâm, yêu thương, không sân hận để chuyển hóa hữu tình có duyên với chúng ta. Năng lực có được nhờ tâm từ rộng lớn có thể chuyển hóa chính người tu tập và cả chúng hữu tình được hướng đến, điều này hoàn toàn tương ứng với thuyết nhân quả nghiệp báo trong Phật giáo. Những nghiệp bất thiện mà chúng ta đã gây ra hay nghiệp bất thiện do mỗi chúng hữu tình đã gây tạo sẽ muội lược dần vì nghiệp báo vốn không phải là định mệnh. Do đó, công đức, phước báu nhờ ban rải tâm từ, mở rộng yêu thương, niệm lành có thể chuyển các nghiệp đã tạo theo hướng tốt hơn. Tâm từ luôn có mặt hiện hữu đối với chư Phật, Bồ-tát và từ bi cũng chính là nguồn cội của các pháp lành cần tu tập đối với tất cả đệ tử Phật dù là xuất gia hay tại gia. Giữ tâm luôn an vui, không cho khởi lên những niệm sân, hành giả rải tâm từ đến người khác ngay cả người ác ý với mình. Khi chính ta có từ bi mới ban rải đến người khác và như vậy họ mới cảm nhân được và chuyển hóa.
Chú thích:
[1] Nārada Mahā Thera – Phạm Kim Khánh (dịch), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr.423.
[2] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ II, Kinh Như Thế Nào, Nxb. Tôn giáo, 2013, tr.295.
[3] Thích Thiện Siêu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr.21.
[4] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Tăng Chi, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.18.
[5] Thích Hạnh Bình, Sđd, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.21.
[6] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ IV, chương 11, phẩm Tùy niệm, Kinh Từ, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.684.
[7] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi, chương 3, phẩm Người, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr.113.
[8] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Trung A hàm, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.162.
[9] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ I, Kinh Vương Tử Abhaya, Nxb. Tôn giáo, 2012, tr.484.
[10] Bhik. Samàdhipunno Định Phúc (biên soạn), Cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật, tập 2, Nxb. Hồng Đức, 2017, tr.87.
[11] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ, tập IV, Nxb. Tôn giáo, 1999, tr.49.
[12] Suttantapitake Khuddakanikāye, Buddhavamsapāli & Cariyāpitaka Pāli, Tạng Kinh – Tiểu Bô, Phật Sử và Hạnh Tạng, Venerable Kirama Wimalajothi, Giám Đốc Buddhist Cultural Centre, Nedimala, Dehiwala, SriLanka, tháng Nikini 2550 – 2006, tr.322.
[13] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.223.
[14] HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ IV, chương 11, phẩm Tùy niệm, Kinh Từ, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.684.
[15] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ I, Đại Kinh Xóm Ngựa, Nxb. Tôn giáo, 2012, tr.339.
[16] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Trung Bộ, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.98.
[17] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trung A-hàm, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.62.
[18] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong Kinh Trường A-hàm, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.16.
[19] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường A hàm, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.99.
[20] Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trung A hàm, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.91.
[21] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ II, chương 5, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.644.
[22] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ I, chương 2, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.124.
[23] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ I, Kinh Ví Dụ Tấm Vải, Nxb. Tôn giáo, 2018, tr.63.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ăn chuối xanh luộc có tốt cho sức khoẻ như lời đồn?
Sống an vui 20:11 21/12/2024Chuối xanh luộc là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích, vậy ăn chuối xanh luộc có tốt không?
Đừng để bản thân hối tiếc về một chuyến đến nhân gian làm người
Sống an vui 19:00 21/12/2024Trên thế gian này, người đối với mình có muôn hình vạn trạng: Có người thương - kẻ ghét; có người giúp đỡ - kẻ muốn lợi dụng; có người thích gặp - kẻ lại mong rời xa càng sớm càng tốt.
Nếu tôi là mây, tôi sẽ tan
Sống an vui 15:06 21/12/2024Nếu tôi là mây, tôi sẽ không mong giữ lấy hình dáng bồng bềnh của mình mãi mãi. Bởi tôi biết, vẻ đẹp của mây không chỉ nằm ở sự hiện diện trên trời cao, mà còn ở khả năng biến đổi không ngừng.
Nếu không có cái tôi thì mình còn lại gì?
Sống an vui 18:58 20/12/2024Nỗi đau dạy tôi vô ngã. Nó bào mòn cái “tôi” ích kỷ trong tôi, để trả tôi về với bản chất thật của mình là sự rỗng rang và tự do. Không còn ranh giới giữa tôi và cuộc đời. Tôi chỉ là một dòng sông chảy, lặng lẽ nhưng không ngừng.
Xem thêm