Tâm từ bi là linh dược
Lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi không phải là lắng nghe để phân tích hay để tìm biết chuyện gì đã xảy ra. Ta lắng nghe trước hết là để cho người kia bớt khổ, để cho người kia có cơ hội bộc bạch tâm tư và cảm nhận rằng ít ra là có người đã hiểu mình.
Lắng nghe sâu là lắng nghe mà có thể giúp ta thắp sáng tâm từ bi suốt thời gian người kia đang nói, thời gian này có thể là nửa giờ hay bốn mươi lăm phút. Trong khoảng thời gian đó ta chỉ có một ý muốn duy nhất là lắng nghe để cho người kia có cơ hội nói ra và bớt khổ. Đây là mục đích duy nhất. Phân tích, tìm hiểu những gì đã xẩy ra chỉ là kết quả thứ yếu, chỉ là phó sản (by product), của sự lắng nghe. Trước hết là phải lắng nghe với tâm từ bi.
Nếu tâm từ bi được duy trì trong suốt thời gian lắng nghe thì sân hận, bực dọc không thể phát hiện. Nếu không thì những gì người ấy nói ra sẽ khiến cho bạn bực dọc, sân hận và khổ đau. Chỉ cần tâm từ bi thôi, bạn cũng đã được che chở để khỏi bị bực dọc, sân hận và khổ đau.
Vậy thì bạn muốn hành xử như một Bậc Đại Nhân trong khi lắng nghe vì bạn biết rằng người kia đang vô cùng đau khổ và đang cần bạn giang tay cứu độ. Nhưng bạn phải được trang bị để làm công việc đó.
Khi những người lính cứu hỏa đi chữa cháy họ phải có những dụng cụ thích hợp: thang leo, vòi xịt nước và áo chống hơi nóng. Họ phải biết cách tự phòng vệ và biết cách dập tắt lửa. Khi lắng nghe một người đang đau khổ thì bạn đang bước vào một vùng lửa cháy. Vùng lửa khổ đau, sân hận đang đốt cháy bên trong người mà bạn đang nghe. Nếu bạn không có đầy đủ dụng cụ thì bạn chẳng giúp được gì mà lại có thể là nạn nhân vì lửa giận của người kia. Vì vậy bạn cần phải có dụng cụ.
Chánh niệm - Trái tim của thiền tập
Dụng cụ của bạn là tâm từ bi được nuôi dưỡng và duy trì bằng hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm chế tác năng lượng chánh niệm. Hơi thở chánh niệm giúp bạn giữ vững ước muốn căn bản là giúp người kia bộc lộ tâm tư. Khi người kia nói, có thể là lời nói của người ấy sẽ đầy chua cay, lên án, và phán xét. Lời nói của người ấy có thể sẽ chạm đến khổ đau của chính bạn. Nhưng nếu bạn giữ sáng tâm từ bi, nếu bạn thực tập hơi thở chánh niệm, bạn sẽ được bảo hộ. Bạn có thể ngồi nghe hàng giờ mà không đau khổ. Tâm từ bi sẽ nuôi dưỡng bạn, bạn biết rằng mình đang giúp cho người kia bớt khổ. Bạn hãy hành xử như một vị Bồ Tát. Bạn sẽ là một nhà tâm lý trị liệu tài ba hạng nhất.
Tâm từ bi phát xuất từ hạnh phúc và hiểu biết. Khi tâm từ bi và hiểu biết được thắp sáng thì bạn sẽ được an toàn. Những gì người ấy nói ra không thể làm cho bạn khổ và bạn có thể lắng nghe sâu sắc. Bạn lắng nghe thật sự. Khi bạn không có khả năng lắng nghe với tâm từ bi thì bạn không nên giả vờ đang lắng nghe. Người kia sẽ nhận ra ngay là bạn chỉ có đầy khái niệm về khổ đau nhưng bạn không thật sự hiểu họ. Khi có hiểu biết thì bạn có thể lắng nghe với tâm từ bi, bạn có thể lắng nghe sâu sắc, và phẩm chất của sự lắng nghe ấy là hoa trái của sự tu tập của bạn.
Nuôi dưỡng tự thân
Tiếp xúc với đau khổ giúp nuôi dưỡng tâm từ bi và nhận diện hạnh phúc khi hạnh phúc có mặt. Nếu không tiếp xúc được với đau khổ thì không biết hạnh phúc đích thực là gì. Vậy thì sự thực tập của chúng ta là tiếp xúc với đau khổ. Nhưng khả năng của mỗi chúng ta có giới hạn. Chúng ta không thể làm quá sức mình.
Vì vậy cho nên phải biết tự chăm sóc. Nếu lắng nghe quá nhiều nỗi khổ, niềm đau, giận hờn, bực bội của người khác thì sẽ bị ảnh hưởng không tốt, vì ta chỉ tiếp xúc với khổ đau mà không có cơ hội tiếp xúc với những yếu tố tích cực. Như thế sẽ mất thăng bằng. Vậy thì trong cuộc sống hằng ngày ta phải thực tập như thế nào để có thể tiếp xúc với những gì tươi mát như trời xanh, mây trắng, chim hót, em bé, bất cứ gì có thể đem lại tươi mát, chữa trị và nuôi dưỡng ở trong ta và chung quanh ta.
Đôi khi ta bơ vơ lạc hướng trong đau khổ, lo âu. Hãy để cho bạn bè cứu giúp ta. Họ có thể nói, “Này bạn, mời bạn nhìn bầu trời sáng nay. Tuy sương mù nhưng cảnh đẹp biết bao! Thiên đường ở ngay đây. Sao không trở về với hiện tại để thưởng thức cảnh đẹp trước mắt?” Bạn có tăng thân bao quanh, có sư anh, sư chị, có những người có khả năng sống hạnh phúc bao quanh. Tăng thân cứu bạn, giúp bạn tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc đời. Đây là thực tập nuôi dưỡng, một thực tập rất quan trọng.
Thi kệ thực tập chánh niệm: Thức dậy
Chúng ta phải sống sâu sắc mỗi ngày trong vui vẻ, bình an, trong tình thương, bởi vì thời gian qua mau. Mỗi buổi sáng tôi thắp một nén hương, dâng lên Bụt và tự hứa rằng tôi sẽ sống sâu sắc từng giây, từng phút trong ngày. Chính nhờ thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm mà tôi có thể tận hưởng từng giây, từng phút trong cuộc sống hằng ngày. Hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm là hai người bạn giúp tôi an trú trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, để có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm sẵn đó của cuộc đời.
Chúng ta cần tiếp nhận sự nuôi dưỡng tươi mát. Nghe chuông là một thực tập nuôi dưỡng và dễ chịu. Tại Làng Mai, mỗi khi có tiếng điện thoại, hay tiếng chuông chúng tôi có cơ hội dừng lại, ngưng làm việc, ngưng nói năng, ngưng suy nghĩ. Đây là những tiếng chuông chánh niệm. Khi nghe chuông ta thư giãn thân tâm và trở về với hơi thở. Chúng ta ý thức rằng mình đang còn sống và có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm sẵn có đó cho ta. Chúng ta dừng lại một cách tự nhiên, trong niềm vui, không quan trọng, không gò ép. Thở vào, thở ra ba lần trong niềm vui vì biết là ta đang còn sống. Khi dừng lại, ta phục hồi bình an trong ta và ta có tự do. Công việc ta đang làm trở nên vui thích hơn, bạn bè chung quanh ta trở nên có thật hơn.
Phép thực tập dừng lại và theo dõi hơi thở theo tiếng chuông là một ví dụ về phương pháp thực tập giúp ta tiếp xúc với gì tươi đẹp, nuôi dưỡng trong cuộc sống hằng ngày. Ta có thể thực tập một mình nhưng nếu có tăng thân thì sự thực tập sẽ dễ hơn.
Trích trong sách "Giận" - Thiền sư Thích Nhất Hạnh
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hãy nhẹ nhàng với bản thân, hãy tin rằng bạn xứng đáng
Sống an vui 17:30 22/12/2024Bóng tối lớn nhất không phải là những gì ta đối diện bên ngoài, mà là cách ta nhìn nhận chính mình trong tấm gương của cuộc đời. Nó không đến từ thế giới xung quanh, mà từ những lời tự trách, những suy nghĩ tiêu cực, và những nghi ngờ sâu kín mà ta nuôi dưỡng trong tâm trí.
Uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày có lợi ra sao?
Sống an vui 16:03 22/12/2024Nước táo đỏ và kỷ tử là thức uống tốt cho sức khoẻ được nhiều người yêu thích, dưới đây là 4 lợi ích của việc uống nước táo đỏ và kỷ tử mỗi ngày.
Chuyển hóa năng lượng tắc nghẽn bằng trọn vẹn nhận biết
Sống an vui 07:45 22/12/2024Để chuyển hóa năng lượng, ta không cần phải làm điều gì quá lớn lao, ta chỉ cần thường xuyên trở về với sự nhận biết và an trú trong nó. Điều này có thể giống như một quá trình đơn giản, nhưng lại là chìa khóa để mở ra những thay đổi lớn lao.
Thân bệnh, tâm không bệnh
Sống an vui 07:40 22/12/2024Một khi thân bệnh mà tâm không bệnh, thì dù thân bệnh nặng cũng không vì vậy mà khổ...
Xem thêm