Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 24/05/2018, 09:40 AM

Vì hạnh phúc chư thiên và loài người

Đức Phật ra đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người vì thế có rất nhiều con đường đưa đến an lạc, giải thoát trong hiện tại, hạnh phúc và giải thoát trong tương lai.

Ai có lòng tin Như Lai, lòng tin ấy được an trí, có căn đế, an trú và chắc chắn, một lòng tin không bị lôi kéo bởi Sa môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một vị nào ở trên đời, vị ấy có thể nói: "Ta là con chính tông của Thế Tôn, sinh ra từ miệng, do Pháp sinh, do Pháp tạo ra, là con cháu thừa tự của Pháp". (Trường Bộ kinh: 27 Khởi thế nhân bổn)

Đức Phật ra đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người vì thế có rất nhiều con đường đưa đến an lạc, giải thoát trong hiện tại, hạnh phúc và giải thoát trong tương lai. Sau đây là những bài pháp trong cả hai nguồn kinh tạng Pali và Hán tạng cho thấy con đường đưa đến an lạc, thoát khổ đau rất dễ dàng, không tốn sức:

1) Tin bất động vào Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo) và Ngũ giới trong sạch (Thân và khẩu trong sạch) = Thánh quả dự lưu (Tu Đà Hàm).

Lợi ích của sơ quả là:
- Đã đoạn tận sinh vào địa ngục
- Đã đoạn tận sinh vào bàng sinh
- Đã đoạn tận sinh vào ngạ quỷ
- Đoạn tận ác sinh, không còn bị thối đọa.
- Quyết chắc chứng quả giác ngộ từ một đến bảy kiếp
- (Hưởng) Tuổi thọ, dung nhan, an lạc, danh xưng và tăng thượng

(Được xác quyết trong 100 bài kinh trong kinh Nikaya từ Tiểu bộ kinh, Tăng chi bộ kinh, Trung bộ kinh, Trường bộ kinh, cho đến Tương Ưng Bộ - Tương ưng dự lưu - Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Những ai có lòng tin kiên cố vào Tam Bảo và Ngũ giới trong sạch (không bị phá hoại bởi bất kể ai trên cõi đời này) hướng tâm lực về cõi Cực Lạc, chắc chắn được về Tây Phương Tịnh độ của Phật A Di Đà, tương ứng Trung phẩm Trung sanh, Trung phẩm Hạ sanh của Quán kinh hoặc tương ưng với kinh Bi Hoa: Ai có căn lành nào đem hồi hướng Tây Phương Cực Lạc thì sẽ được như nguyện).

Một minh chứng của những ai vào được thánh quả dự lưu chắc chắn sinh về thiện thú, thiên giới và nếu nguyện vãng sinh Tịnh độ chắc chắn được như ý nguyện cho dẫu chết bất đắc kỳ tử như trong kinh Phật tự thuyết của Tiểu bộ kinh (Pali) sau đây: 500 cung nữ của vua Ba Tư Nặc bị thiêu cháy trong cung đều được Thế Tôn tuyên bố đều được thánh quả dự lưu trở lên.

Pháp Tam quy ngũ giới là pháp dễ dàng thành tựu như trong kinh Tăng Nhất A Hàm mà Như Lai xác quyết. Hơn thế nữa trong Tương Ưng Dự Lưu thuộc Tương Ưng Bộ kinh và Đại Bát Niết Bàn kinh thuộc Trường Bộ kinh). Vì lòng bi mẫn, đức Thế Tôn ân cần nhắc đi nhắc lại trong nhiều bài kinh về bốn dự lưu phần này như sau đây:

"Tất cả những ai, này các Tỳ kheo, các ông có lòng từ mẫn, và những người mà các ông nghĩ cần phải nghe theo, những ai là bạn bè, hay thân hữu, hay bà con, hay cùng một huyết thống; tất cả những vị ấy, này các Tỳ kheo, cần phải được khuyến khích, phải được áp đặt, phải được an trú trong bốn Dự lưu phần: Tin Bất động vào Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo) và thành tựu các giới."

Trong một bài pháp của Tiểu bộ kinh, không thể không rơi lệ khi nghe lời tuyên bố hùng hồn của Thích Tôn như sau: "Này các Tỳ kheo – Không một cư sĩ nào, nam hay nữ đã quy y ba ngôi báu, những ngôi báu đầy đủ công đức tối thượng như vậy, phải tái sinh trongcác địa ngục v.v… Họ được thoát khỏi tái sinh vào đọa xứ, họ được tái sinh vào thế giới chư thiên và đắc thiền chứng lớn…" (Tiểu Bộ kinh, chương một, phẩm Apannaka, phần: Pháp tối thắng).

Vì thế những ai thành tâm quy y Tam Bảo phải vui lên như lễ hội trăng rằm.

2) Bố thí với hai bàn tay rộng mở đều được giải thoát từ Nikaya đến Hán Tạng như đoạn kinh 

Này Sàriputta (Xá Lợi Phất), có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau”, chỉ bố thí với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”.

Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm Chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này”.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Tế đàn, phần Bố thí, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.355) [8]

Điều có thể thấy qua bài kinh này là hành bố thí với tâm rộng lớn là phương tiện giải thoát cho những ai thực hành tâm từ bi vì kiếp lai sinh được sống an vui ở cõi trời sắc giới và khi nghiệp lực đoạn tận thì được quả vị Bất lai (A Na Hàm), không còn quay trở lại nhân gian và sẽ nếm hương vị giải thoát A La Hán trong thời gian không xa. Vì thế người con Phật nên bố thí với tâm rộng lớn như lời Phật dạy.

Đối với hành giả đại thừa hay tịnh độ nên lấy công đức bố thí như thế này hồi hướng Vô thượng Bồ đề hoặc Tây Phương Cực Lạc trụ xứ của đức Phật A Di Đà. Được vậy thì công đức sẽ viên mãn. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Phạm Hạnh (Hán tạng), đức Phật dạy về Bố thí là Huệ thí và ngay trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện kinh, bố thí với tâm rộng rãi sẽ được giải thoát như trong đoạn kinh sau:

"Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v..., gặp những người già yếu, tật bệnh và kẻ phụ nữ sinh đẻ, nếu trong một niệm mà đầy đủ lòng đại từ, đem thuốc men, đồ ăn thức uống, màn chiếu... bố thí cho, khiến cho họ được an vui, thì phước lợi đó không thể nghĩ bàn - trong một trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ trời Tịnh Cư, trong hai trăm kiếp thường được làm Thiên Chủ cõi Lục Dục Thiên và rốt ráo sẽ được thành Phật, vĩnh viễn không còn đọa vào ác đạo, thậm chí trong trăm ngàn đời, tai không hề nghe đến tiếng khổ.

Lại nữa, này Ðịa Tạng! Trong đời vị lai, như có các vị Quốc Vương cùng hàng Bà La Môn v.v..., có thể làm những việc bố thí như thế, sẽ được vô lượng phước lành. Nếu lại có thể đem hồi hướng, thì không kể là nhiều hay ít, rốt ráo đều sẽ thành Phật; huống gì là những quả báo Thích, Phạm, Chuyển luân! Vì thế, này Ðịa Tạng, ông nên khuyến hóa chúng sinh đều phải học theo như thế!"

3) Hạnh hiếu dưỡng cha mẹ

Rất nhiều kinh rải rác ở Tiểu Bộ kinh, Trung Bộ kinh, Tăng Chi Bộ kinh, đức Thích Tôn tán thán hạnh hiếu dưỡng cha mẹ tiêu biểu trong hai bài kinh sau:

"Những gia đình nào, trong ấy các con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên, được chấp nhận là đáng được cúng dường.
Mẹ cha gọi Phạm Thiên, 
Bậc Ðạo sư thời trước
Xứng đáng được cúng dường
Vì thương đến con cháu

Do vậy, bậc Hiền triết
Ðảnh lễ và tôn trọng
Dâng đồ ăn đồ uống
Vải mặc và giường nằm

Thoa bóp (cả thân mình) 
Tắm rửa cả tay chân
Với sở hành như vậy, 
Ðối với mẹ với cha

Ðời này người Hiền khen
Ðời sau hưởng Thiên lạc
(Tăng Chi Bộ chương 3 Ba Pháp, phẩm sứ giả của trời)

Người nào theo thường pháp
Nuôi dưỡng mẹ và cha
Chính nhờ công hạnh này
Đối với cha với mẹ

Vì vậy bậc hiền thánh
Trong đời này tán thán
Sau khi chết được sinh
Hưởng an lạc chư thiên.

(Tương Ưng Bộ I, phẩm Cư sĩ, phần Màtaposaka)

Trong khi đó người hiếu dưỡng cha mẹ mà chưa biết một tý gì về Tam Bảo mà giây phút lâm chung có thiện trí thức mách bảo hướng tâm về Cực Lạc thì liền được vãng sinh như đoạn kinh trong Quán kinh sau:

Nếu có thiện nam, thiện nữ hiếu dưỡng cha mẹ, làm việc nhơn từ thế gian. Người này lúc lâm chung, gặp thiện tri thức vì họ mà nói rộng những sự vui nơi quốc độ Phật A Di Ðà, cùng nói bốn mươi tám nguyện của Pháp Tạng Tỳ Kheo, nghe rồi liền chết.

Ví như khoảng thời gian tráng sĩ co duỗi chân tay, liền được vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Qua bảy ngày, gặp Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí Bồ Tát, nghe pháp hoan hỉ được quả Tu Ðà Hoàn. Qua một tiểu kiếp thành A La Hán. Ðây gọi là người Trung phẩm Hạ sanh vậy.“ (Quán Vô Lượng Thọ kinh)

Vì thế những ai có lòng hiếu thảo với cha mẹ thì hãy vui mừng lên. Phụng sự, chăm sóc cha mẹ là hạnh cao quý và lấy hạnh hiếu dưỡng cha mẹ mỗi ngày làm tư lương cho việc tái sinh về Tịnh độ.

4)
5)...
Vô vàng hạnh khác, thực hành không quá khó đều có thể sinh về Tịnh độ.

Sau đây là lời nhắn chủ của Thích Tôn cho hàng hậu thế, nhất là trong thời mạt pháp, rất nhiều lời tuyên bố đầy ngã chấp không có trong kinh điển chánh thống, không đáng tin cậy như đoạn kinh đức Phật quở trách Thiên Đế Thích trong bài kinh sau:

Những lời tuyên bố từ những Tỳ Kheo đã đạt được Thánh Quả giải thoát A La Hán, đoạn sạch Tham - Sân - Si, không còn khổ đau là đáng tin cậy.

Trong Tăng Chi Bộ kinh, Chương 3: Ba Pháp, Phẩm: Sứ giả của trời, đức Phật đã quở trách Thiên Đế Thích khi tuyên bố quả hành nghiệp thanh tịnh nửa tháng đầu trai giới cho chư thiên của cõi trời 33 (Đạo lợi) là sẽ được như ngài (làm Thiên Chủ ) vì Như Lai cho rằng lời tuyên bố này không thích đáng do Thiên Đế Thích chưa lìa tham sân si và chưa giải thoát, sinh, già, bệnh, tử, ưu, bi và khổ não.

Trong khi đó, với những văn tự và văn cú như thế này mà được tuyên bởi Tỳ Kheo A La Hán thì được Thế Tôn cho là thích đáng, đáng tin cậy như đoạn kinh sau:

Thuở xưa, này các Tỳ kheo, Thiên chủ Sakka (Thiên Đế Thích) đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi Trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy, nói lên bài kệ như sau:

Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.

Bài kệ ấy, này các Tỳ kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng, nói sai, không nói đúng. Vì cớ sao? Thiên chủ Sakka, này các Tỳ kheo, chưa ly tham, chưa ly sân, chưa ly si.

Còn vị Tỳ kheo, này các Tỳ kheo, là bậc A-la-hán, lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn tận, chánh trí giải thoát. Với vị Tỳ kheo ấy, này các Tỳ kheo, lời nói này mới là thích đáng.

Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.

Vì cớ sao? Vị Tỳ kheo ấy, này các Tỳ kheo, đã ly tham, đã ly sân, đã ly si.

Thuở xưa, này các Tỳ kheo, Thiên chủ Sakka đang thuyết giảng cho chư Thiên ở cõi Trời thứ Ba mươi ba, trong khi ấy nói lên bài kệ như sau:

Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.

Bài kệ ấy, này các Tỳ kheo, đã bị Thiên chủ Sakka hát sai, không hát đúng... Vì cớ sao? Ta nói rằng Thiên chủ Sakka, này các Tỳ kheo, chưa giải thoát khỏi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Còn vị Tỳ kheo, này các Tỳ kheo, là bậc A-la-hán... chánh trí giải thoát. Với vị Tỳ kheo ấy, này các Tỳ kheo, lời nói này mới là thích đáng:

Ngày mười bốn, ngày rằm
Ngày tám trong nửa tháng
Kể cả phần đặc biệt
Khéo đầy đủ cả tám
Theo làm lễ Bố-tát
Vị ấy giống như ta.

Vì cớ sao? Ta nói rằng, vị Tỳ kheo ấy, này các Tỳ kheo, đã thoát khỏi sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, giải thoát khỏi khổ đau. 

Vì thế, thời nay ai có thể đoạn tận tham sân si, đạt thánh quả A La Hán mà dám tuyên bố. Chính vì vậy trong bài kinh Bốn Đại Giáo Pháp của Đại bát Niết Bàn kinh thuộc Trường Bộ kinh Nikaya, đức Phật dạy:

Thế Tôn ở Bhoganagara tại đền Ananda, Ngài nói với các Tỳ kheo:

- Này các Tỳ kheo, Ta sẽ giảng bốn Đại giáo pháp, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Các Tỳ kheo ấy vâng lời Thế Tôn, Thế Tôn giảng như sau:

- Này các Tỳ kheo, có thể có Tỳ kheo nói: "Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư".

Này các Tỳ kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỳ kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật.

Khi đem so sánh với kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật thời các Ngươi có thể kết luận: Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo sai lầm. Và này các Tỳ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.

Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh". Này các Tỳ kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ nhất, các Ngươi hãy thọ trì.

- Này các Tỳ kheo, nếu có Tỳ kheo nói: "Tại trú xứ kia, có Tăng chúng ở với các vị Thượng tọa, với các Thủ chúng. Tôi tự thân nghe từ miệng Tăng chúng, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư". Này các Tỳ kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỳ kheo ấy.

Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật thời các Ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Và này các Tỳ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.

Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với luật, thời các ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn, và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh". Này các Tỳ kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ hai, các Ngươi hãy thọ trì.

- Này các Tỳ kheo, có thể có vị Tỳ kheo nói: "Tại trú xứ kia có nhiều Tỳ kheo Thượng tọa ở, những vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ miệng những vị Thượng tọa ấy, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư".

Này các Tỳ kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỳ kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật.

Khi đem so sánh với kinh, đối chiếu với Luật, và nếu không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo sai lầm". Và, này các Tỳ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng.

Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh". Này các Tỳ kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ ba, các Ngươi hãy thọ trì.

- Này các Tỳ kheo, có thể có Tỳ kheo nói: "Tại trú xứ kia, có một vị Thượng tọa, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Thượng tọa, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư".

Này các Tỳ kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỳ kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với kinh, đối chiếu với Luật.

Khi đem so sánh với kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo sai lầm".

Và này các Tỳ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với Luật, và nếu chúng phù hợp với kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: "Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỳ kheo ấy đã thọ giáo chân chính". Này các Tỳ kheo, như vậy là đại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.

- Này các Tỳ kheo, bốn đại giáo pháp này, các Ngươi hãy thọ trì.

Vì thế đức Thích Tôn xác quyết, "Đệ tự chính tông của Như Lai sinh ra từ miệng Như Lai, do Pháp sinh ra, do pháp tạo ra, là con cháu thừa tự Pháp."

Tâm Tịnh cẩn tập

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Xem thêm