Vì sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lấy vợ, sinh con?
Một trong những điều "đặc biệt" xung quanh cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là trước khi chứng đắc thành chánh đẳng giác, khi đó Ngài là Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã cưới một người vợ xinh đẹp và có một con trai với bà, công chúa Da Du Đà La. Việc này hiểu như thế nào?
Kinh sách Phật giáo giải thích
Theo kinh sách Phật giáo, Da Du Đà La là người vợ trong nhiều kiếp của Thái tử Tất Đạt Đa. Vào thời Nhiên Đăng Cổ Phật, Đức Phật Thích Ca là một nhà tu khổ hạnh có tên là Thiện Tuệ (Sumedha). Sau quãng thời gian dài nỗ lực tu hành, Bồ tát Thiện Tuệ được Phật Nhiên Đăng thọ ký cho thành Phật. Lúc ấy, công chúa Da Du Đà La là một thiếu nữ dòng quyền quý, tên là Sumita. Khi được biết rằng Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Bồ tát Thiện Tuệ thành Phật, tên là Cồ Đàm, bộ tộc Thích Ca vào những kiếp sau, nàng Sumita bèn cắt tóc, phát nguyện sẽ làm thê tử của Cồ Đàm, để hết lòng giúp chồng chứng đắc Phật quả.
Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (trước khi thành Phật) cưới Công chúa Da Du Đà La làm vợ
Chuyện kể rằng:
Cách đây 25 thế kỷ, lúc mới đản sinh, Thái tử Tất Đạt Đa đã hiển lộ những điều kỳ diệu hơn người. Có lời tiên tri rằng Thái tử có thể là một bậc Chuyển luân Thánh vương, nhưng nếu Ngài xuất gia sẽ thành đạo giải thoát và làm Thầy của tất cả chúng sinh.
Đức vua Tịnh Phạn (cha của Thái tử Tất Đạt Đa) lo sợ việc Ngài xuất gia sẽ khiến cho ngai vàng sau này không có người kế vị, nên vua cho xây lâu đài, cung điện, tuyển chọn mỹ nữ, và cưới công chúa Da Du Đà La cho Thái tử, để mong ràng buộc chàng bằng hạnh phúc ngũ dục của thế gian.
Nguyên Công chúa Da Du Đà La là con gái vua Thiện Giác nước Ba-la-nại. Công chúa Da Du Đà La là người xinh đẹp, dịu dàng, thông minh và đức hạnh. Nàng có mái tóc đen bóng mượt buông dài xuống tới chân. Vua Tịnh Phạn tin tưởng rằng vị công chúa đẹp tuyệt trần này sẽ khiến cho Thái tử lưu luyến và không thể nào rời bỏ hoàng cung.
Rồi sau đó không lâu, công chúa Da Du Đà La sinh hoàng nam La Hầu La, cuộc sống trong hoàng cung lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Riêng Thái tử Tất Đạt Đa thì niềm vui không trọn vẹn, bởi cái già, bệnh, chết, việc giết chóc lẫn nhau để giành lấy sự tồn sinh giả tạm của muôn loài mà Ngài chứng kiến tận mắt tại bốn cổng kinh thành đã khiến cho Ngài ưu tư suy nghĩ nhiều đêm.
Rồi với một quyết định đầy trí tuệ, Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã ra đi mắt không nhìn lại, bỏ hết sau lưng mọi lạc thú của trần gian, cùng người hầu Xa-nặc và chú ngựa Kiền Trắc. Thái tử dừng lại bên dòng sông A-nô-ma rồi tự cắt tóc xuất gia.
Nói về Da Du Đà La, từ khi Thái tử Tất Đạt Đa quyết chí ra đi cầu đạo, bà vẫn giữ được sự bình tĩnh trong nỗi đau trống vắng. Bà dành trọn tình thương yêu để chăm lo cho La Hầu La nhưng vẫn luôn nhớ đến Thái tử với một niềm hãnh diện. Bà thầm hiểu được chí nguyện cao cả của Thái tử, nên tự hứa với lòng là sẽ nuôi nấng con thật tốt, sống một đời mẫu mực để xứng đáng với chồng. Mặc dù vậy, với chút tâm niệm nhi nữ thường tình, đôi khi bà cũng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ tới đời sổng khổ hạnh của Thái tử nơi núi rừng hoang vắng, nóng lạnh đói khát không người chăm sóc.
Ngày tháng trôi qua, từ khi Thái tử xuất gia tầm đạo đã hơn sáu năm, nơi hoàng cung công chúa Da Du Đà La cũng tự nguyện sống đời giản dị, không xa hoa lộng lẫy, không cài trâm chuỗi ngọc, không lụa là trang sức điểm tô, theo nếp sống trai giới, giữ gìn Phạm hạnh.
Khi vua Tịnh Phạn biết con mình đã thành Phật thì phái hết người này đến người khác thỉnh Đức Thế Tôn trở về thành Ca-tỳ-la-vệ. Đức Phật chấp thuận và khi Ngài về tới nơi, tất cả mọi người ùa ra đường, hân hoan cung nghênh Ngài. Chỉ có công chúa Da Du Đà La ở lại trong phòng của mình. Nàng thầm nghĩ rằng: “Nếu ta còn chút đức hạnh nào thì chính Đức Phật sẽ tới nơi đây”.
Khi Đức Phật thọ thực xong, Ngài đi vào phòng của công chúa với hai đại đệ tử theo hầu. Ngài ngồi trên chiếc ghế kê sẵn và nói: “Hãy để công chúa đỉnh lễ ta theo như ý nàng muốn”. Công chúa Da Du Đà La tiến lên đến gần đức Phật, chụm hai chân, quỳ xuống đặt đầu lên chân Ngài mà khóc. Rồi vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ba Xà Ba Đề kể hết đức hạnh của con dâu cho Đức Phật nghe: “Khi nàng hay tin Thế Tôn đã đắp y vàng, nàng cũng đắp y vàng, Thế Tôn bỏ hết các vòng hoa và đồ trang sức, nàng cũng bỏ hết mọi thứ và chỉ nằm ngồi dưới đất. Khi Thế Tôn đã xuất gia, nàng liền trở thành cô phụ và từ chối mọi tặng vật mà các vương tử khác gửi đến nàng. Lòng nàng bao giờ cũng trung thành với Thế Tôn”.
Sau khi công chúa đỉnh lễ Ngài, Ngài đã thuyết giảng chuyện bản sinh Candakinnara để nói về mối liên hệ giữa Ngài và công chúa trong tiền kiếp. Ngài đã khen ngợi công chúa:
“Này Da Du Đà La! Không phải chỉ trong kiếp sống cuối cùng của Như Lai mà trong tiền kiếp, nàng đã bảo vệ, ngưỡng mộ và trung thành với Như Lai. Như Lai biết nàng đã rất vất vả. Sự hy sinh cao quý của nàng, Như Lai thấu hiểu, vậy nàng cũng nên hoan hỷ vì tất cả chúng sinh”.
Rồi Đức Phật thuyết pháp cho tất cả mọi người cùng nghe. Da Du Đà La nghe pháp và cũng khao khát được xuất gia như Phật.
Khi duyên lành đến, bà tìm đến tịnh xá thỉnh cầu Đức Thế Tôn cho được xuất gia. Và cuối cùng bà cũng được toại nguyện khi Đức Thế Tôn chấp thuận cho người nữ xuất gia theo sự khẩn cầu tha thiết của di mẫu Kiều Đàm Di. Trong hàng tín nữ, bà Da Du Đà La đứng đầu những vị đã chứng đắc đại thần thông (Maha Abhinna). Bà trụ thế 78 năm và đắc quả A-la-hán ngay trong một đời.
Trong Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh phẩm Trì, Đức Phật huyền ký rằng ở đời sau trong pháp hội của trăm nghìn muôn ức đức Phật, Da Du Đà La sẽ thành Phật.
Kinh sách cũng nói rõ, trải qua vô lượng kiếp trước, dưới nhiều hình thức tái sinh, công chúa đã từng là thê tử của Đức Phật: từ đôi chim bồ câu, thiên nga hay quạ, cho đến đôi vợ chồng vương giả trong cung điện hay trên cõi Thiên…., bao giờ nàng cũng ở bên cạnh Đức Phật trong suốt cuộc sống ấy với đức tính thủy chung cao đẹp. Nàng đã thực hiện lời nguyện cao cả là hỗ trợ chồng trong mọi cảnh đời trên con đường tìm cầu chân lý qua mọi nẻo luân hồi. Tấm gương về đức hy sinh cao cả, lòng chung thủy và cảm thông sâu sắc của công chúa Da Du Đà La đáng để cho chúng ta noi theo. Vì hạnh phúc của nhân loại, bà đã không bám víu, theo đuổi hạnh phúc của riêng mình. Hơn thế nữa, khi được gặp Phật pháp, bà đã nhanh chóng tiếp nhận, nương theo sự chỉ dạy của Đức Thế Tôn mà bỏ phàm làm thánh. Bà xứng đáng là bậc long tượng trong hàng ni giới!
Theo tư liệu của Bảo tháp Mandala Tây Thiên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nói về Tứ niệm xứ
Phật giáo thường thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Không có kiểu học bình yên trong tháp ngà
Phật giáo thường thức 09:40 02/11/2024Hỏi: Thưa Thầy ý nghĩa thật sự của cuộc đời đầy thăng trầm đau khổ này là gì?
Bài học nhân sinh từ những cơn bão
Phật giáo thường thức 09:00 02/11/2024Bão tố dạy ta về sự vô thường - một bài học căn bản mà ta vẫn thường quên trong cuộc sống hằng ngày. Đời sống là một chuỗi những đổi thay liên tục, không có gì là vĩnh cửu, không có gì là bất biến.
Học cách Phật dạy con
Phật giáo thường thức 13:52 01/11/2024Khi Phật thành đạo, có dịp về thăm Vua cha thì La-Hầu-La đã lên bảy tuổi. Và ngay dịp đó, La Hầu La cũng xin theo Phật, xuất gia.
Xem thêm