Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 07/11/2024, 09:53 AM

Ý nghĩa của việc tu tập tâm từ

Trong kinh Tương Ưng, một lần nữa Đức Phật đã khẳng định rằng nếu ai tu tập làm cho tâm từ bi phát triển, vị ấy sẽ sống trong chánh niệm an lạc và xóa bỏ mọi thù hận có mặt nơi tự thân.

Đức Phật đã dạy rằng, nếu chúng ta tu tập tâm từ làm cho sung mãn thì sẽ không bị các loài phi nhân não hại, mà còn phò trợ:

Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây lao có lưỡi sắc bén. Rồi một người đến và nói: "Với tay hay với nắm tay, tôi sẽ bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, tôi sẽ đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, tôi sẽ uốn cong nó lại". Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể với tay hay nắm tay bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, uốn cong nó lại không?

Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao? Bạch Thế Tôn, không dễ gì, với tay hay nắm tay bẻ gập đôi lưỡi sắc bén của cây lao này, đánh phía cạnh cho nó quặp dài lại, uống cong nó lại, mà không khiến cho người ấy mệt nhọc và bị não hại.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi một ai (vị Tỷ-kheo) tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện, thời một phi nhân nào nghĩ rằng, có thể đánh ngã một tâm như vậy, kẻ phi nhân ấy ở đây sẽ mệt nhọc và bị não hại.

(Kinh Tương Ưng II, chương 9, phần Cây lao)

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Mặt khác, tu tập tâm từ sẽ làm cho thân tâm an trú trong sự an lạc:

Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích. Thế nào là tám?

Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không thấy ác mộng, được người ái mộ, được phi nhân ái mộ, được chư Thiên hộ trì, lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại, nếu không thông đạt thượng vị, đạt được Phạm Thiên giới. Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích này.

(Kinh Tăng Chi III, chương 8, phẩm Từ, phần Từ)

Ðức Phật được biết như một người đã bỏ trượng (Nihita danda: bỏ đao trượng), một người đã bỏ vũ khí (Nihita satta: bỏ đao kiếm). Vũ khí duy nhất Ngài xử dụng một cách thành công là vũ khí từ bi. Ngài đã tự trang bị cho mình với vũ khí chân thật và từ bi này. Ngài điều phục những kẻ tàn ác như dạ xoa Àlavaka, tướng cướp Angulimàla và voi say Nalàgiri, cũng như rất nhiều trường hợp hãm hại Ngài khác, bằng sức mạnh của lòng từ bi này. Đức Phật cũng dạy hàng đệ tử cần thể hiện lòng từ bi trong cuộc sống, không tin rằng hận thù có thể thắng được hận thù. Ngài nói một cách dứt khoát:

“Với hận diệt hận thù,

Ðời này không có được,

Không hận diệt hận thù,

Là định luật ngàn thu”.  (KPC 5)

Xưa nay định luật ngàn thu

Hận thù đối đáp hận thù khó phai

Từ bi dập tắt hận ngay

Ấy là diệu dược đại tài  xưa sau”.

Trong kinh Tương Ưng, một lần nữa Đức Phật đã khẳng định rằng nếu ai tu tập làm cho tâm từ bi phát triển, vị ấy sẽ sống trong chánh niệm an lạc và xóa bỏ mọi thù hận có mặt nơi tự thân.

Có một Dạ-xoa Manibhadda nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay, thường chánh niệm,

Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.

Có niệm, mai đẹp hơn,

Hận thù được giải thoát.

Có niệm, mai đẹp hơn,

(Thế Tôn):

Hận thù chưa giải thoát.

Với ai trọn ngày đêm,

Tâm ý lạc, bất hại,

Từ tâm mọi hữu tình,

Vị ấy không thù hận.

(Kinh Tương Ưng I, chương 10, phần Manibhadda)

"Nếu ta muốn phát triển một lòng từ được xem là vĩ đại thực sự, rửa sạch mọi tham muốn chấp giữ và sở hữu, lòng từ trong sạch cực kỳ đó phải không bị ô nhiễm với bất kỳ dục vọng nào, lòng từ đó không trông đợi chút lợi lạc vật chất nào, nghĩa là một hành động từ ái không vụ lợi, lòng từ đó phải vững chắc nhưng không chấp giữ, bất động mà không ràng buộc, dịu dàng và điềm tĩnh, rắn chắc và có thể xuyên thấu được như kim cương nhưng không tác hại, giúp đỡ nhưng không can thiệp, một tình thương mát mẻ, tiếp thêm sinh lực cho mọi người, cho nhiều hơn nhận, trang nghiêm mà không kiêu mạn, mềm mỏng nhưng không uỷ mị, lòng từ mà chỉ đưa ta đến đỉnh cao của sự thành tựu tinh khiết, trong một con đường như vậy chắc chắn không thể có chút sân hận nào nữa".

Ví như, này các Tỷ-kheo, những gia đình nào có nhiều phụ nữ và ít đàn ông, thời những gia đình ấy rất dễ bị các đạo tặc, trộm ghè não hại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không tu tập từ tâm giải thoát, không làm cho sung mãn, thời vị ấy dễ bị phi nhân não hại.

Ví như, này các Tỷ-kheo, những gia đình nào có ít phụ nữ và nhiều đàn ông, thời gia đình ấy khó bị các đạo tặc, trộm ghè não hại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, thời vị ấy rất khó bị phi nhân não hại.

(Kinh Tương Ưng II, chương 9, phần Gia đình)

Ai tu tập từ tâm

Vô lượng thường ức niệm

Các kiết sử yếu dần

Thấy được sanh y diệt

Với tâm không ác độc

Từ mẫn mọi chúng sanh

Do vậy, vị ấy thành

Bậc thuần nhất chí thiện

Với tâm ý từ mẫn

Ðối với mọi chúng sanh

Bậc Thánh khéo thực hiện 

Nhiều công đức tốt lành

Sau khi đã chinh phục

Rất đông đảo loài người

Các ẩn sĩ vua chúa

Theo nghi lễ tế tự

Lễ tế ngựa tế người 

Lễ uống nước thắng trận

Lễ ném cầu may rủi

Lễ rút lui khóa cửa

Không được phần mười sáu

Bậc khéo tu từ tâm

Như ánh sáng mặt trăng

Ðối với các quần sao

Không giết, không bảo giết

Không thắng, không bảo thắng

Từ tâm mọi chúng sanh

Không hận thù với ai.

(Kinh Tăng Chi III, chương 8, phẩm Từ, phần Từ)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm