Ý nghĩa của Y Ca-thi-na
Ca-thi-na hay Ca-hi-na là phiên âm từ chữ Phạn “Kathina”, dịch nghĩa là “Công đức y” hay “Thưởng thiện y”; tức là chiếc y chứa công đức, chiếc y tưởng thưởng những việc thiện.
Hằng năm, cứ vào mỗi mùa an cư, một số thầy Tỳ-kheo từ các nơi trở về Thành Xá Vệ thăm viếng đức Thế Tôn. Trên đường đi, họ gặp phải những cơn mưa dầm, đường sá lầy lội, 3 y bị thấm nước, nên khi đến nơi, tất cả đều bị ướt sũng và mệt mỏi. Biết rõ tình cảnh vất vả ấy, nên xong khi các thầy đảnh lễ Phật xong, đức Phật bèn chế định việc thọ y Ca-thi-na cho các Tỳ-kheo. Các bộ luật đều nhất trí đều này. Riêng bộ luật Ngũ Phần còn nói rõ trường hợp trưởng lão A Na Luật, vì tuổi già sức yếu, mang 3 y đi đường xa, gặp trời mưa ướt nên càng mệt nhọc nhiều hơn, Phật thấy thế thương xót nên chế định việc này. Vậy, thế nào là y Ca-thi-na?
Ca-thi-na hay Ca-hi-na là phiên âm từ chữ Phạn “Kathina”, dịch nghĩa là “Công đức y” hay “Thưởng thiện y”; tức là chiếc y chứa công đức, chiếc y tưởng thưởng những việc thiện. Bởi lẽ, trải qua 3 tháng an cư, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni đã nỗ lực tu học, gặt hái được nhiều thành quả cao quý, xứng đáng được hưởng một quyền lợi nhất định. Những quyền lợi này theo luật quy định gồm có 5 việc:
1. Súc trường y: Người 3 y pháp định, các Tỳ-kheo được phép cất y dư quá 10 ngày mà không phạm tội.
2. Ly y túc: Tỳ-kheo được phép rời y ngủ một chỗ khác (vì theo luật Phật chế, Tỳ-kheo thường ngày phải đem theo 3 y và bát bên mình, như chim mang theo đôi cánh, không được lìa y ngủ một chỗ khác).
3. Biệt chúng thực: Được phép cho thọ thực từng nhóm từ bốn người trở lên (vì luật không cho phép Tỳ-kheo từ 4 người trở lên tách ra khỏi chúng, đi khất thực về ăn riêng).
4. Triển chuyển thực: Được phép thọ trai nhiều lần tại nhiều nhà đàn việt khác nhau, miễn là không quá Ngọ.
5. Thực tiền thực hậu bất chúc Tỳ-kheo khả dĩ nhập tụ lạc: Trước hoặc sau bữa ăn có thể đi vào thôn xóm mà không cần báo cho các Tỳ-kheo khác biết (vì luật quy định trước giờ ăn các Tỳ-kheo không được đi vào thôn xóm mà không báo cho người khác biết).
Năm điểm trên đây Phật chế định cho Tăng đoàn, đó là quyền lợi đặc biệt dành cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni. Nếu như vị nào không đủ tư cách thọ y công đức, không hưởng được các quyền lợi do y đem lại thì thực là một thiệt thòi lớn. Ngày nay chư Tăng thuộc hệ thống Nam Tống còn giữ được truyền thống thọ y công đức này một cách rất nghiêm túc và long trọng. Nhưng chư Tăng thuộc hệ Bắc truyền dường như không có truyền thống thọ y công đức, nên đối với việc này không xem là quan trọng.
Thế thì, phải chăn Tỳ-kheo nào sau khi an cư xong cũng được hưởng quyền lợi của Y Ca-thi-na? Không. Vì năm hạng người sau đây không được hưởng quyền lợi của y Ca-thi-na:
1) Người không có tuổi hạ: Vì khi nhập hạ, vị này là Sa-di, đến giữa mùa hạ mới thọ giới Cụ túc, chưa có tuổi hạ nên không được thọ y công đức.
2) Người phá an cư: Vì an cư không đúng quy định, hoặc không an cư.
3) Người hậu an cư: theo truyền thống Bắc truyền thọ an cư từ 17 tháng 4 âm lịch đến 16 tháng 5 ân lịch là hậu an cư; theo truyền thống Nam tông, thọ an cư từ ngày 17 tháng 6 âm lịch đến ngày 16 tháng 7 âm lịch là hậu an cư. Những người này không được chia sẻ sự ưu đãi của y công đức.
4) Người bị tẫn xuất: Vì vi phạm giới luật nên Tăng chúng làm yết ma đuổi ra khỏi Tăng đoàn.
5) Người đang hành biệt trú: Do phạm giới nên Tăng chúng làm Yết-ma cho ở riêng một chỗ. (1)
Ngoài năm hạng người bị chế tài kể trên, các Tỳ-kheo khác đã chu toàn phận sự an cư một cách viên mãn đều được quyền hưởng công đức của y Ca-thi-na, và thời gian tác pháp để thọ trì y này là một tháng, bắt đầu từ 16 tháng 7 Âm lịch đến 15 tháng 8 Âm lịch. Trong thời gian này, nếu Tăng chúng nhận được y ngày nào thì tác pháp thọ trì ngày ấy. Nếu chỉ nhận được vải, thì cũng phải tập trung nhiều người may cho xong và thọ trì trong vòng một ngày. Về thời hiệu của y thì bắt đầu từ ngày 16 tháng 7 âm lịch đến ngày 15 tháng 12 âm lịch là chấm dứt. Thế còn trách nhiệm giữ gìn y thì Tăng chúng phải là Yết ma trao cho một Tỳ-kheo hội đủ 5 đức tính sau đây:
1. Không Thiên vị;
2. Không nóng giận;
3. Không si mê;
4. Không sợ hãi;
5. Biết thể thức thọ y Ca-thi-na.
Vì bản thân y Ca-thi-na mang tính chất tượng trưng, nên sau khi nhận trách nhiệm, vị này phải đem cất tại một chỗ trang trọng, rắc hoa lên cúng dường và bảo quản cẩn thận. Ngoài ra, về hiệu lực của y thì luật Ngũ Phần (2) nêu ra tám trường hợp khiến y mất hiệu lực như sau:
1. Thời cánh: Thời gian chấm dứt hiệu lực của y, tức 15 tháng 12 âm lịch;
2. Thất y: Y bị mất;
3. Văn thất: Khi ra ngoài trú xứ mà nghe tin y đã bị mất;
4. Viễn khứ: Rời khỏi trú xứ di chuyển đến một nơi khác;
5. Vọng đoạn: Đi tới chỗ có hy vọng tìm được y, nhưng đến đó tìm không có;
6. Y xuất giới: Vì một lý do nào đó mà chiếc y ấy đã bị đem ra khỏi đại giới;
7. Nhân xuất giới: Người ra ngoài đại giới mà nghe tin Tăng đã tuyên bố chấm dứt hiệu lực của y;
8. Bạch nhị Yết ma xả: Tăng chúng tác pháp bạch nhị Yết ma xả y.
Tuy nhiên, trong thời gian 5 tháng thời hiệu của y, nếu Tăng chúng thấy cần, có thể tác pháp yết-ma tuyên bố chấm dứt hiệu lực của y bất cứ lúc nào. Hoặc để đến ngày cuối cùng (15/12) mới xả, hoặc đến ngày cuối cùng mà chư Tăng không tuyên bố xả, thì mặc nhiên y cũng sẽ hết hiệu lực. Sau khi y đã hết hiệu lực. đương nhiên vị Tỳ kheo có công bảo quản lâu nay được quyền sử dụng. Thế nhưng, theo luật Thiện kiến, thì chư Tăng nên đem cho vị Tỳ kheo nào mặc y rách. Nếu có nhiều người mặc y rách thì nên cho vị Tỳ kheo nào cao tuổi nhất. Nếu không có người cao tuổi thì phải cho người nhiều tuổi hạ nhất, chứ không được đem cho người mà Tăng chúng không mấy tín nhiệm. Điều đó chứng tỏ y Ca-thi-na có một giá trị rất cao quý và thiêng liêng.
Tóm lại, vấn đề thọ y Ca-thi-na ngoài những lý do nêu trên, còn là hình thức khẳng định công đức của chư Tăng sau ba tháng hạ. Vì trong ba tháng an cư, chư Tăng đã thúc liễm thân tâm, nghiêm trì giới luật, đạt được nhiều tiến bộ trên bước đường tu học; do đó, đáng được tưởng thưởng và khích lệ. Vậy, nếu chư Tăng Bắc truyền khôi phục lại truyền thống thọ y công đức này thì thực là một việc làm rất có ý nghĩa. Thiết nghĩ đây cũng là một trong những công tác quang hứng giới luật vậy.
Chú thích:
1. Ngũ Phần Luật, Đ.22, tr 135C
2. Ngũ Phần Luật, Đ.22, tr 135C
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đem tâm đời mà làm việc đạo
Phật giáo thường thức 20:32 27/01/2025Người đem tâm Đời (danh, lợi, sân, si v.v...) mà làm việc Đạo (làm các Phật sự) thì việc Đạo biến thành việc Đời.
Phật giáo là gì?
Phật giáo thường thức 15:16 27/01/2025Phật giáo dịch từ chữ Buddhasāsana: nghĩa là: lời giáo huấn của Ðức Phật, bằng ngôn ngữ Pāḷi, có ba loại:
Thân tâm thường an lạc
Phật giáo thường thức 13:30 27/01/2025Đề tài nói chuyện hôm nay là "Thân tâm thường an lạc". Như đã giới thiệu ở phần dẫn nhập, đây là câu chúc thiện lành, chúng ta thường nghe các Phật tử chúc lẫn nhau khi Xuân về Tết đến.
Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn
Phật giáo thường thức 09:00 27/01/2025Hỏi: Ân đức giáo hóa vô thượng chúng sanh của Đức Thế Tôn được biết đến ra sao?
Xem thêm