Ý nghĩa thí dụ lương y trong kinh Pháp hoa

Phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, kinh Pháp hoa , Đức Phật đưa thí dụ ông lương y chữa bệnh cho các cuồng tử, Ngài bảo rằng các cuồng tử này uống lầm thuốc độc làm mất bản tâm. Chúng ta suy nghĩ sâu hơn để xem Đức Phật muốn nói gì.

Tất cả mọi người ở trên chân tánh, trên bản tánh sáng suốt gọi là Phật tánh thì Phật và mình đồng nhau, nghĩa là mình có khả năng thành Phật. Cho nên, Đức Phật nói Phật là Phật đã thành và tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành. Vì trên chân tánh đồng nhau, là Phật, tâm, chúng sanh, tam vô sai biệt. Tuy Phật, tâm, chúng sanh là ba, nhưng ba điều này là một. Và từ một này hiện làm ba, tức chân tánh, Phật là một mà hiện ra làm chúng sanh.

Ý này sám Quy mạng gọi là tự di chân tánh, uổng nhập mê lưu, nghĩa là uống lầm thuốc độc, tự bỏ chân tánh sáng suốt của mình mà đi vào dòng sanh tử. Và mình mang thân chúng sanh rồi là mình thấy biết theo chúng sanh, nghĩ theo chúng sanh, hiểu theo chúng sanh và sống theo chúng sanh. Thí dụ mang thân của trời thì mình sống như chư thiên, mang thân con người, mình sống như con người, mang thân súc vật, mình sống như súc vật. 

Đức Phật nói từ trên chân tánh là từ thế giới không có thân này mà mình sanh vô loài người, mang thân người thì mình phải sống theo con người. Là con người, mình có năm giác quan và thấy biết theo năm giác quan của mình, mà những cái khác mình không biết. Thế giới của Phật, thế giới của Bồ-tát, thế giới của chư thiên, thế giới của thánh thần mình không biết, không biết gì hết, chỉ biết trong thế giới con người thôi.

Phật đưa thí dụ lương y để mình nhận biết được trước kia vì mình mất bản tâm nên không biết sử dụng pháp của Phật.

Cho nên, đa số người ta cứ nghĩ con người phải như vậy, thậm chí Phật nói trời, người, a-tu-la cứ tưởng Phật Thích Ca là con người sanh ra trong cung dòng họ Thích, rồi Ngài đi tu thành Phật và Niết-bàn là chết. Người chỉ biết vậy thôi vì thấy đó là sự thật. Tất cả mọi người sanh trên cuộc đời, làm đủ thứ chuyện, cuối cùng cũng chết. Phật cũng là con người nên Phật cũng chết. Loài người chỉ thấy tới chừng đó. 

Tuy nhiên, thấy xa hơn một chút thì người có niềm tin thấy bằng niềm tin, mình không thấy được Đức Phật nhưng mình tin có Phật, mình không thấy quỷ thần nhưng mình tin có quỷ thần. Vì thấy bằng niềm tin, nên thấy tượng Phật, mình lạy. Người không có niềm tin thấy tượng Phật coi như bình thường, hay coi đó là một tác phẩm, thậm chí người tệ ác đập phá tượng Phật. 

Người thấy bằng niềm tin là bắt đầu mở cánh cửa của tôn giáo, bên trong họ có tính tôn giáo. Không có niềm tin vì họ không có tính tôn giáo, họ chỉ thấy con người, quyền lợi của con người, với họ chừng đó đủ rồi và chết là hết. Phật nói trời, người, a-tu-la thấy vậy nhưng không phải như vậy. 

Không phải Phật mới xuất thân từ cung dòng họ Thích và mới tu thành Phật trong kiếp này. Tất cả những người có niềm tin, tất cả hệ phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông đều thấy giống nhau điều này. Phật giáo Nam tông cũng khẳng định rằng không phải Phật Thích Ca là con người mới tu thành Phật, mà Phật Thích Ca là Phật hiện lại, gọi là thị hiện đản sanh, cho nên chỉ có một con người duy nhất như vậy. Và theo Phật giáo Nam tông, tuy Đức Phật Thích Ca vào Niết-bàn nhưng giáo pháp của Ngài còn thì coi như Phật Thích Ca còn ở đây, nên không có Đức Phật thứ hai nào ra đời. Bao giờ giáo pháp của Phật Thích Ca hết, không còn ai tin Phật nữa, Phật Di Lặc mới ra đời. 

Và Phật giáo Nam tông cũng thấy trước Phật Thích Ca còn có Phật Ca Diếp và sau Phật Thích Ca có Phật Di Lặc. Tất cả các Đức Phật này ở trong thế giới Phật, chờ đúng thời tiết nhân duyên, các Ngài mới xuất hiện trên cuộc đời. Cho nên, điều quan trọng nhất ở đây Đức Phật mới dạy pháp chung cho cả Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền rằng người nào thấy được nhân duyên là người đó thấy được pháp thì họ là Phật. 

Còn mình chưa thấy được thời tiết nhân duyên tới, Phật mới ra đời, không phải lúc nào Phật cũng ra đời. Vì vậy, phẩm Như Lai thọ lượng, Đức Phật nói rõ hơn rằng nếu lúc nào cũng có Phật, ai cũng thấy Phật, họ sẽ xem thường. Phật cho biết sở dĩ Ngài không ra đời để cho tất cả mọi người có lòng khát ngưỡng thì họ mới tu. Những người có căn lành khát ngưỡng, họ tu cũng sẽ thấy Phật.

Mặc dù Phật hiện hữu ở đây, nhưng tất cả mọi người không thấy được, mới nói không có Phật. Còn những người thấy bằng niềm tin, họ nghĩ có Phật hộ niệm, có Phật che chở, khiến mình thoát hết tất cả mọi ách nạn để mình tu đắc đạo được.

Từ hồi nhỏ, trong lòng tôi cứ nghĩ tới Phật mà không biết Phật ở đâu, tôi đi hết chùa này sang chùa khác tìm Phật. Điều này phát xuất từ niềm tin. Phật nói trong kinh Hoa nghiêm rằng niềm tin là mẹ sanh ra tất cả công đức lành.

Mình chỉ mới thấy Phật bằng niềm tin, thì kinh Hoa nghiêm dạy phải tu thiền Tứ niệm xứ cho tâm mình thanh tịnh dần. Tâm thanh tịnh, trí sẽ sáng ra, mình mới thấy Phật. Ý này phẩm Như Lai thọ lượng, Đức Phật nói rõ những đứa con không mất bản tâm thấy thuốc của cha nó cho, nó tin và uống thì hết bệnh. Đó là ai? Là những người sanh cùng thời với Đức Phật, nói rõ là 1.250 vị A-la-hán sanh trên cuộc đời này, khi họ thấy Phật, nghe Phật nói, họ tin và tu hành đều đắc Thánh quả. Đây là những người không mất bản tâm, sử dụng ngay thuốc này thì họ liền sáng mắt, họ liền đắc đạo, họ liền thấy Phật. Thấy Phật là thấy gì?

Những người không mất bản tâm thấy có vị Phật ẩn bên trong thân của thái tử Sĩ Đạt Ta, bên trong thân của Sa-môn Cù Đàm. Vì họ dùng bản tâm sáng suốt của họ mà thấy bản tâm sáng suốt của thái tử Sĩ Đạt Ta, cho nên họ thấy Phật. Điển hình như tiên A Tư Đà thấy Phật bên trong thái tử mới sanh ba ngày thôi, nên ngài sụp xuống lạy. Còn Xá Lợi Phất nhìn thấy Đức Phật bên trong Sa-môn Cù Đàm, nên Phật tánh ngài liền sáng lên, khiến ngài đắc quả A-la-hán. Vì vậy, kinh Pháp hoa gọi 1.250 La-hán thời Đức Phật là những người không mất bản tâm. Không mất bản tâm là gì?

Đức Phật dạy trên quá trình tu, nếu là người đắc Sơ quả rồi thì họ cũng không mất bản tâm, cho nên nhiều lắm trải qua bảy lần sanh tử nữa, họ cũng đắc quả La-hán. Những người từ Sơ quả tiến tu lên Tư-đà-hàm, họ chỉ cần thực tập thêm Tứ chánh cần và chứng được Tứ như ý túc, họ liền chứng được nhị quả. Chứng được nhị quả thì họ có sanh thân trên cuộc đời này, họ cũng phải đi tu và cũng đắc đạo.

Còn những người tu bắt chước, những người tu vì quyền lợi làm sao đắc quả, vì họ là những người tu giả, khi vui thì tu, khi buồn thì bỏ, cực khổ liền bỏ. Năm 1963, khi Phật giáo bị đàn áp, tôi thấy rõ ở chùa Ấn Quang, chỉ sau một đêm, sáng dậy thấy họ trốn mất hết, vì họ không phải tu thiệt, thấy nguy hiểm tới, thấy sẽ đàn áp, sẽ chết. Chỉ có những người không sợ chết ở lại. Mình quyết tâm tu thì sống cũng tu, chết cũng tu. Lúc đó tôi mới ngoài hai mươi tuổi nhưng đã nghĩ như vậy, nhất định tu để về Phật. Những người không mất bản tâm có niềm tin vững chắc như vậy mà họ tiến tu. Khó khổ mấy, cũng vượt qua để đi lên thì những người này được Phật hộ niệm. Còn những người sợ khó, sợ khổ, muốn hưởng quyền lợi, họ đâu được gì. 

Các vị hành Bồ-tát đạo rồi, ở trong hàng Tam hiền là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và hàng thập địa Bồ-tát tái sanh lại cuộc đời, họ cũng không mất bản tâm. Cho nên khi họ gặp Phật, thấy Phật, nghe Phật nói, họ chứng liền, vì đạo quả này họ đã có sẵn.

Những người không mất bản tâm là từ Sơ quả Thanh văn cho đến Tứ quả A-la-hán và từ thập trụ cho đến thập địa Bồ-tát. Những người này tái sanh trên cuộc đời, Đức Phật cũng tái sanh trên cuộc đời, họ gặp Đức Phật, họ đắc đạo dễ dàng. Riêng tôi đi tu cũng vậy, tôi nghe người tụng kinh, chỉ một lần là tôi tự thuộc, vì đời trước tôi đã tu rồi, đã tụng kinh rồi, đã thuộc rồi, 

Tất cả các vị Thánh tăng và chư Bồ-tát từ thập trụ đến thập địa không mất bản tâm, cho nên ông lương y đưa thuốc liền uống và được khỏe mạnh liền thì những người này sáng mắt rồi. Mặc dù họ còn mang thân tứ đại, nhưng họ làm chủ được sanh, già, bệnh, chết.

Thí dụ ngài Xá Lợi Phất nghe Phật nói còn ba tháng nữa Phật vào Niết-bàn ở thành Tỳ Da Ly. Ngài không muốn thấy Phật Niết-bàn, nên xin Phật cho ngài vào Niết-bàn trước. Kế đó, ngài trở lại Ma Kiệt Đà thăm mẹ, lúc đó mẹ ngài đã hơn 100 tuổi, ngài thuyết pháp cho mẹ nghe xong thì mẹ ngài tịch. Bà con, làng xóm tập hợp tới đám tang cũng được ngài ban bố pháp âm. Thuyết pháp xong, ngài vào phòng, đóng cửa lại, nhập diệt. Điều này cho thấy những người đắc đạo muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Người chưa đắc đạo không làm chủ được cái chết. Các Thánh La-hán chọn cái chết của họ, họ đã chuẩn bị cái chết, nên dù họ còn sống nhưng họ chủ động cái chết, chủ động sanh, già, bệnh, chết. 

Hiện hữu trên cuộc đời, Xá Lợi Phất nghĩ rằng ngài đi theo Phật để trợ hóa cho Phật, mà Phật vào Niết-bàn, ngài ở đây làm gì, cho nên ngài đi vào Niết-bàn, là hạng người thứ nhất.

Hạng người thứ hai mất bản tâm, tức những đứa con mất bản tâm là những người theo đạo Phật, nhưng vì mất bản tâm nên bị lục trần làm ô nhiễm, đó là lục căn lục trần vọng tác vô biên chi tội. Trong lòng mình nghĩ đủ thứ chuyện, muốn làm đủ thứ chuyện, cho nên tội lỗi mình tạo vô biên. Vì mất bản tâm nên cuộc đời dạy mình cái gì, mình làm cái đó.

Thật vậy, mới sanh ra, mình đâu biết gì, nhưng theo thời gian, mình lớn lên, gọi là lớn khôn. Nghĩ theo người thế gian, nói mình khôn, nhưng nghĩ theo Thánh hiền là dại. Tại sao tạo những tội lỗi như vậy để khổ mà khôn cái gì? Người khôn đâu có ai làm bậy để khổ sở. Người khôn không có khổ. Người khôn làm chuyện của người khôn, không làm chuyện của người dại. Người ta thường nói đời dạy khôn cho mình, nhưng tôi nói đời dạy ngu cho mình, cho nên mình nghe theo mà làm bậy, mình thọ quả báo khổ khiến mình cứ trôi lăn trong sanh tử, khổ sở vô cùng tận. Từ bao nhiêu kiếp rồi, cứ sanh ra rồi đời dạy mình những điều sai trái để tạo thêm tội ác nữa, rồi khổ nữa, rồi tái sanh nữa, khổ sở nữa. 

Vì vậy, Đức Phật nói những đứa con này mất bản tâm, vì ở trong sanh tử luân hồi lâu đời lâu kiếp, nên không còn biết được thế giới của chư Phật. Ai nói gì, mình cũng không tin. Nếu còn bản tâm thì nghe Phật nói, mình tin và thực tập có kết quả.

Bấy giờ, Phật coi như vị đại lương y muốn cứu những đứa con này, Ngài nhập Niết-bàn. Nghĩa là Ngài nói với những đứa con này rằng Ta tuổi đã lớn, sắp chết, thuốc của Ta để ở đây. Nay Ta có việc phải đi qua nước khác. Nếu khi nào các con lấy thuốc uống sẽ lành mạnh, hết khổ sở. Nói chính xác là tất cả những cái khổ trên cuộc đời này, nếu lấy thuốc của Phật cho mà uống sẽ lành bệnh, tức trị được cái nghiệp mình thì hết khổ. 

Vì thế, pháp của Phật rửa sạch lòng trần của mình, rửa sạch nghiệp của mình. Nghiệp đầu tiên là gì? Đức Phật nói đó là nghiệp ham muốn. Người ta khổ nhiều nhất vì ham muốn, ham danh, ham lợi, ham ăn, ham ngủ... Tất cả những cái ham đưa mình tới cái khổ. Không tham thì không khổ. Không tham là sống với cái mình có, sống với cái phước của mình, không đòi hỏi thêm. Còn tham là muốn vượt trên cái mình có thì phải khổ. Vì phước mình có là khả năng mình có, làm được tới đó thì làm tới đó, sống tới đó là vừa, nhưng vì lòng tham không ngừng ngay chỗ này, muốn hơn một chút nữa. Do lòng tham thúc giục, mình tìm mọi cách để thăng quan tiến chức, để kiếm được nhiều tiền… và lòng tham đã dẫn mình đi vô chỗ khổ. Bây giờ cắt bỏ lòng tham sẽ thấy an lành, hết khổ.

Người tu không lệ thuộc cuộc sống vật chất, họ có nguồn vui là thiền thực và pháp thực. Khi đói, ngồi thiền quên đói, quên ăn là thiền thực, ăn thiền. Pháp thực là mình tụng kinh, lạy Phật, đọc sách, nghiên cứu, mình cũng quên đói. Vì vậy, nếu sử dụng pháp của Phật sẽ bỏ được tất cả cái khổ của trần gian.

Có người sợ bỏ rồi mất, không có gì, nhưng điều này, Phật khuyên mình bỏ nghiệp tham thôi. Bỏ nghiệp tham rồi, phước của mình tới chỗ nào, tài sản của mình tới chỗ nào, nó còn nguyên đó, có mất đâu. Cho nên bỏ hết nhưng không mất. Giống như ông Cấp Cô Độc, bố thí hết, nhưng về nhà, tiền của có lại như cũ, vì ông tạo phước mà. Phước tự sanh ra phước, phước của mình tới mức nào thì mình hưởng tới mức đó. Thậm chí phước mình cao mà mình hưởng ít thì thặng dư còn nguyên, không mất đâu. 

Như phước của Đức Phật làm Chuyển luân thánh vương, nếu Ngài không đi tu, Ngài làm vua, nhưng làm vua thì hưởng hết phước. Ngài đi tu, phước của Ngài lại tạo thêm phước. Vì thế, thực tế Ngài không làm vua nước của Ngài, lúc đó Ấn Độ có mười sáu ông vua nhưng tám ông vua cai trị tám nước lớn đều rất kính trọng Phật, nên phước của Phật lớn lên mà không mất. Ý này được Phật nói trong phẩm Như Lai thọ lượng rằng xưa Ta tu hành đạo Bồ-tát, cảm thành thọ mạng đến nay chưa hết, mà phước còn lớn thêm. Hưởng phước thì phước hết, nhưng tạo phước thì phước thêm nữa và lấy phước đó mà mình tu phước thì phước tự sanh ra phước. Ngược lại, tạo nghiệp thì nghiệp tự sanh ra nghiệp. Vì vậy, mình khắc phục nghiệp để tu phước thì phước mình vẫn lớn thêm. 

Những đứa con mất bản tâm chỉ có ý niệm duy nhất là nương vào người cha; nói rõ là những đứa con hư cứ nghĩ mình có thể hưởng phước của cha mẹ mình, tài sản cha mẹ để lại, anh em chia nhau mà hưởng, thậm chí giành nhau, giết nhau. Những đứa con hư trong đạo là những người tu hành chỉ muốn hưởng phước báu thì đọa, càng muốn hưởng càng mất. 

Người cha bảo các đứa con hư rằng tụi con phải lấy thuốc này mà uống. Những thuốc này là tất cả những phương pháp tu hành của Đức Phật để lại. Ai muốn làm người giàu có thì tu tam quy ngũ giới. Ai muốn lên trời, tu thập thiện nghiệp đạo. Ai muốn ra khỏi sanh tử luân hồi, tu 37 Trợ đạo phẩm. Ai muốn làm Phật phải tu Bồ-tát pháp. Đó là năm loại thuốc mà Đức Phật để lại cho loài người.

Nếu tâm mình tỉnh ngộ, mình thấy xưa kia Đức Phật cũng nhờ thành tựu trọn vẹn các pháp tu này mà Ngài thành Phật. Cho nên mình theo Phật cũng phải thể nghiệm các pháp tu này trong cuộc sống để gặt hái được kết quả tốt đẹp. Không ỷ lại vào Phật nữa. Mình tin những pháp mà Phật đã dạy và thực tập để cắt cái nghiệp mình, cắt cho đến Phật nói không còn lệ thuộc cuộc sống nữa, có gì ăn đó. Không cần ăn ngon mặc đẹp, chỉ cần ăn để sống. Nếu quý vị thực hành đến mức đó sẽ thấy đâu cần đòi hỏi vật chất nhiều quá.

Khi tôi sang Ấn Độ, gặp các anh Ấn nghèo cháy túi, nhưng họ không lao đầu vào công việc để kiếm nhiều tiền. Họ nói hai ngày mới ăn một lần, nên họ làm một ngày, nghỉ một ngày để họ sống với cái tu hành của họ. Các Phật tử đi theo tôi đã cho anh làm thuê với thầy Huyền Diệu ở chùa Việt Nam Phật Quốc mười đô. Anh này liền xin thầy Huyền Diệu cho anh nghỉ mười ngày, ăn hết mười đô mới đi làm nữa. Nghèo thiệt là nghèo, nhưng anh thực hạnh phúc. Còn mình ăn nhiều quá, phải kiếm cái ăn và phải kiếm tiền để ăn mới khổ.

Tu pháp Phật, được giải thoát đầu tiên là không lệ thuộc ăn, mặc, ở. Sống dưới mức mình có, được hạnh phúc liền. Một ngày mình kiếm được một đô, chỉ xài nửa đô thì thấy sướng, nhưng xài ba đô phải làm để trả nợ thì khổ thôi. Phật nói tu tới mức độ nào thì giải thoát mức đó. Và tu được 37 Trợ đạo phẩm, ra khỏi sanh tử luân hồi thì ở cảnh giới này, mình rất tự do, tự tại, vì nhãn quan mình thấy biết rất rộng, mình thấy được thế giới của chư thiên, của chư Phật là các loại hình thế giới đặc biệt.

Khi uống thuốc rồi, được sáng mắt, Phật nói người cha hiện thân lại cho các con thấy. Hiện giờ mình mù mắt, nên có Đức Phật bên cạnh mà mình không thấy. Nhưng có thấy được Phật là thấy bằng niềm tin như mình ngồi tụng kinh, thấy Phật xoa đầu thọ ký cho mình. Khi gặp tai nạn thấy Bồ-tát Quan Âm cứu mình. Tại mình tin nên thấy vậy, chứ chưa phải thấy thiệt. 

Nhưng mình sáng mắt, hết nghiệp sẽ thấy được sự thật của mọi việc, của trời đất. Cho nên, tất cả các pháp môn tu của Đức Phật đưa ra cho mình nhằm mục tiêu giúp mình đắc Thánh quả, ra khỏi sanh tử luân hồi.

Phật nói ở trong sanh tử này, vì nghiệp của mình nên mình thấy sanh tử, nhưng thực chất không có sanh tử, vì chân tánh của mình đâu có sanh tử, cái nghiệp mới sanh tử. Con người vẫn là con người mình. Nhưng lúc mình mang thân tứ đại ngũ uẩn vô, mình nói mình là con người. Nhưng bỏ thân này, nghiệp mình nặng quá, đọa làm súc sanh thì mình nói mình là súc sanh. Nếu mình tạo tội ác nhiều nữa, mình đọa địa ngục thì mình nghĩ mình là tội nhân ở địa ngục. Tất cả những thay đổi như vậy trong sanh tử luân hồi cũng đều phát xuất từ con người thực bên trong, nhưng khi thì mang thân người, lúc mang thân súc sanh, lại có khi mang thân chư thiên…, mang các loại hình khác nhau, nhưng con người thực vẫn là một. Vì vậy, khi đi tu, Phật dạy việc đầu tiên là mình tìm con người thực của mình.

Vì Phật đi tu, Ngài cũng nghĩ khi chưa sanh ra, Ta là ai, mà sanh ra rồi, mang thân người vô thì ai là Ta và khi bỏ thân này, Ta là ai? Đức Phật chỉ nghĩ bao nhiêu đó thôi mà Ngài tu thành Phật, thì mình cũng nghĩ bắt chước Ngài rằng khi mang thân tứ đại ngũ uẩn, thân này phải là mình không? Thân này không phải là mình thì mình là ai? Mình là cái nghiệp. 

Thật vậy, vì nghiệp báo mà mình phải mang thân này thì thân này là nghiệp, không phải là mình. Mình là con người thực bên trong. Vì vậy, Phật nói bỏ cái nghiệp này xuống, bỏ cái thân này xuống là mình không có thân tứ đại nữa, thì còn cái nghiệp và mang cái nghiệp đi đầu thai. Nếu mình tu được ngũ giới tam quy, mình sẽ đầu thai làm người trở lại, tức là mang cái nghiệp ngũ giới tam quy đi thọ sanh làm người. Tuy đó là nghiệp, nhưng là thiện nghiệp. Vì thế, chưa thành Phật, chưa đắc La-hán, phải nhớ giữ thiện nghiệp để sanh vô chỗ thiện. 

Và nếu mình tạo mười nghiệp thiện sẽ lấy mười nghiệp thiện này làm mình, mình sẽ sanh lên trời. Còn nếu mình đang ở trong loài người mà tạo mười nghiệp ác, lấy mười nghiệp ác này làm mình thì thân ác nghiệp này phải sanh vô đường ác. 

Lấy thiện nghiệp làm mình và tu lần lần đi vô cái cao thì chân tánh là mình. Chân tánh là con người thực bên trong không có thiện nghiệp, không có ác nghiệp, thì cũng không có thiên đường và địa ngục. Vì không tạo mười điều lành, quý vị không có lên thiên đường, không tạo mười điều ác, không xuống địa ngục.

Tóm lại, Phật đưa thí dụ lương y để mình nhận biết được trước kia vì mình mất bản tâm nên không biết sử dụng pháp của Phật. Nhưng bây giờ không có Phật, mình đọc kinh, nhận ra được đây là thuốc, là đại lương dược mà Đức Phật để lại, nên mình cố gắng uống thuốc. Từng bước, mình uống thuốc nào, tu pháp nào, thì tu tới đâu mình giải thoát tới đó, lần lần sạch nghiệp, ra khỏi sanh tử luân hồi, lên Niết-bàn.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ý nghĩa thí dụ lương y trong kinh Pháp hoa

Phật giáo thường thức 09:25 05/01/2025

Phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, kinh Pháp hoa , Đức Phật đưa thí dụ ông lương y chữa bệnh cho các cuồng tử, Ngài bảo rằng các cuồng tử này uống lầm thuốc độc làm mất bản tâm. Chúng ta suy nghĩ sâu hơn để xem Đức Phật muốn nói gì.

Làm sao để tích phước và tu phước?

Phật giáo thường thức 08:00 05/01/2025

Hỏi: Thưa Thầy, làm sao để tích phước và tu phước?

Vì sao Ma Ba-tuần phá Phật nhưng lại làm vua cõi trời?

Phật giáo thường thức 07:03 05/01/2025

Trong 6 tầng trời Dục giới (Tứ thiên vương, Đao lợi, Dạ ma, Đâu suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại) thì Tha hóa tự tại là cõi trời cao nhất, chư thiên ở đây có phước báo về các phương diện như dung sắc, thọ mạng, sức mạnh lớn nhất.

Trợ niệm có cần sái tịnh không?

Phật giáo thường thức 19:56 04/01/2025

Hỏi: Trong quá trình trợ niệm liệu có cần phải sái tịnh không? Nếu cần thì khi nào làm mới phù hợp? Nếu người bệnh đã dứt hơi thở thì liệu có cần làm sái tịnh tiếp không?

Xem thêm