Thứ, 22/08/2022, 10:06 AM

Ý nghĩa Đại Giới Đàn Cam Lộ Giác Đạo 2022

Giới luật chính là mạng mạch của Phật pháp, thể tánh của Tăng-già, bến lành nơi bể khổ, thềm bậc để lên chốn giải thoát an vui.

Giáo pháp của Đức Như Lai vang rền từ trước cho đến ngày nay, trước sau đều nhờ giới luật. Chúng sanh nhờ đó mà được mưa pháp thấm nhuần, Tam bảo ngày một hưng long là do chúng Tăng hành trì giới luật.

Phật giáo Gia Lai nay hội đủ duyên lành, được sự cho phép của Hội đồng Trị sự và Ban Tăng sự TW cùng với các cấp chính quyền tỉnh, trang nghiêm khải kiến Đại Giới Đàn Cam Lộ Giác Đạo, diễn ra từ ngày 31/08/2022 – 05/09/2022 (nhằm ngày 05/08 – 10/08, năm Nhâm Dần), tại chùa Minh Thành, số 348 Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây thật là một thắng duyên to lớn cho hết thảy bốn chúng Tăng Ni, mười phương tín thí. Giới đàn thêm một lần nữa được tổ chức, là thêm nhân duyên thù thắng để tất cả những người con Phật có cơ hội bày tỏ lòng tôn kính vô biên đối với giới pháp Phật chế.

Gia Lai xứ sở Tây Nguyên, núi rừng hùng vĩ, cảnh trí u tịch thâm trầm, khí hậu quanh năm mát mẻ. Đời sống nhân dân chân chất thanh bình, lòng người mộ kính Tam bảo. Phật giáo dấn thân trong khắp thôn làng gần gũi chúng dân, mong cho giáo pháp từ bi phổ lợi đến nơi nơi ân triêm pháp nhũ. Tăng bảo là hình tượng hiện thân của Đức Như Lai đến với mọi người. Cho nên, Tăng chúng trong đời sống hằng ngày, giới thể phải nghiêm tu, phạm hạnh phải vẹn toàn. Được như thế mới mong ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh tròn đầy như trăng sáng, làm gương mẫu cho đời. Thế nên, vâng theo lời Phật, tiếp nối truyền thống Tăng-già, thể theo nghi thức Phật giáo Bắc truyền mà lập đàn truyền giới.

Hòa thượng Tôn sư thượng Giác hạ Đạo

Hòa thượng Tôn sư thượng Giác hạ Đạo

Nay lấy Cam Lộ để đặt tên cho giới đàn. Ghép tên chung với Hòa thượng Tôn sư thượng Giác hạ Đạo, thành nên Đại giới đàn Cam Lộ Giác Đạo. Vì giới được ví như Cam Lộ. Giới giữ thân không tạo nghiệp ác làm nền móng cho định nảy sinh. Giới định hòa chung thành Cam Lộ dưỡng nuôi mầm trí huệ trong hành trình đi đến Niết-bàn giải thoát. Cam Lộ giới định là hợp chất dinh dưỡng tối ưu nếu như thiếu hợp chất Cam Lộ thì hành trình này coi như chung kết. Cho nên gọi giới là Cam Lộ.

Giác Đạo là pháp hiệu của Tôn sư. Bậc đã hun đúc cho bao lớp đệ tử chúng con nên vóc nên hình, dìu dắt chúng con trang nghiêm giới thân huệ mạng. Cung kính tưởng niệm ân sư, cũng là pháp đền đáp Tứ trọng ân của người con Phật. Giới đàn Phật giáo Việt Nam thường ghép tên chung với các bậc Tổ sư cao đức, đó là một truyền thống tốt đẹp của nếp sống ẩm thủy tư nguyên. Pháp hiệu Tôn sư khiến chúng con liên tưởng đến con đường Thánh đạo Tám ngành, “Đạo” đế là Tam vô lậu học. “Giác” là khai trí bừng tâm, y theo nẻo chánh.

Tôn sư thế tánh Trần danh Giới, xuất thế năm Bính Thìn (1916), tại thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, thuộc dòng dõi tôn thất nhà Trần. Thân phụ là cụ ông tánh Trần danh Quý. Thân mẫu là cụ bà tánh Đào Thị danh Lối. Dòng họ Trần vốn túc duyên với Phật pháp từ thuở Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai mở Thiền phái Trúc Lâm. Cho nên, truyền thống tu hành cứu nhơn độ thế luôn là truyền thống của dòng họ. Từ thuở thiếu thời, bằng tình thương lớn, Ngài đã sớm thiện xảo Y Phương Minh điều chế thuốc thang cứu giúp cho mọi tầng lớp người dân gặp cơn bệnh hoạn.

– Năm 1942, căn duyên tròn đủ, Ngài đảnh lễ cầu xin xuất gia với Đại lão Hoà thượng thượng Huệ hạ Tấn tại chùa Minh Hòa, An Khê và được ban pháp danh là Nhựt Định. Một năm sau, Hoà thượng được Bổn sư cho thọ giới Sa-di. Sau 5 năm hạ thủ công phu, lập công bồi đức. Vào năm 1947, Hoà thượng được bổn sư cho vào Nam thọ cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Long Thiền, Biên Hoà, Đồng Nai và truyền cho pháp tự là Thiện Tường, pháp hiệu Giác Đạo. Thế là, duyên Phật pháp từ đây đầy đủ, chí độ đời giờ đã viên thành. Ngài một bát ba y dấn thân muôn nẻo, đem đạo Bồ đề gieo rải khắp nơi.

– Năm 1955, Hoà thượng khai sơn chùa Minh Quang thuộc thôn An Điền Bắc, Cửu An, An Khê. Thảo am mưa nắng sớm kinh chiều kệ, rừng thiền đông hạ luyện thuốc độ đời.

– Năm 1963, hạnh đức trang nghiêm, tứ chúng quy ngưỡng, Hoà thượng được cung thỉnh làm Tôn chứng Tăng-già tại Đại giới đàn chùa Minh Tịnh, thành phố Quy Nhơn, ngôi vị Đệ nhất Tôn chứng. Cũng trong năm đó, Hoà thượng lên Cao Nguyên hành đạo, khai sơn khải kiến chùa Minh Quang – Pleiku để làm chốn nơi truyền pháp hoá đạo.

– Năm 1969, Hoà thượng được suy cử làm Phó Tăng Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam tỉnh Pleiku. Đồng thời trong thời gian này, ban tổ chức giới đàn tỉnh Phú Yên đã cung thỉnh Hoà thượng làm Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn chùa Nghĩa Phú – Phú Yên.

– Năm 1970, Hoà thượng được suy cử làm Tăng Trưởng Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam tỉnh Pleiku, đương nhiệm cho đến năm 1981. Vì tứ chúng quy ngưỡng tu hành ngày một thêm đông, Ngài đã khai sơn chùa Minh Thành – Pleiku, chùa Minh Châu – Mang Yang. 

– Năm 1972, Ngài được cung thỉnh làm Yết-ma A-xà-lê tại Đại giới đàn chùa Sùng Đức, Chợ Lớn, Sài Gòn.

– Năm 1980, Hội đồng Viện Tăng Thống và Hội đồng Viện Hoằng Đạo Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam xét công đức tu hành và sự nghiệp hành đạo của Ngài đã tấn phong lên hàng giáo phẩm Hoà thượng. Năm ấy Hoà thượng được 65 tuổi.

– Phật xưa độ di mẫu Kiều Đàm dòng họ Thích nữ nam trọn vẹn, theo truyền thống Phật đà, hóa độ chúng sanh tâm không phân biệt. Năm 1993, Hòa thượng khai sơn chùa Minh Lâm làm ni viện cho ni chúng tu hành.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thiên hạ âu ca tiếng hát hòa bình. Cội tùng già trong nắng sương cũng đến hồi hưu tức, lão thiền ông cũng đến độ vấn thiền, Hoà thượng bèn giao lại các công việc giáo hội cho sơn môn, chuyên tâm vào niệm Phật hành thiền, làm thuốc để trị bệnh cứu giúp dân lành, tiếp Tăng độ chúng. Từ đây, “Tòng lâm xưng Long Tượng, Thế pháp tụng Thần Y”, tứ chúng bốn phương cúi đầu quy y bậc thạc đức, ba miền Nam Trung Bắc đâu cũng nghe tiếng bậc Y sư.

Duyên hợp rồi tan, trăng tròn lại khuyết, hóa độ nhân gian đã đến kỳ ký tất, duyên ở Ta-bà đã đến lúc chung quy. Tháng 6 năm Kỷ Mão (1999), Hòa thượng lâm bệnh, đến ngày 16 tháng 7 thì thuận thế vô thường, xả báo an tường, thâu thần thị tịch. Hòa thượng một đời dấn thân vì đạo, một kiếp hưng giáo Đại thừa, nay quảy dép về Tây, nhưng pháp thân thường trụ, ân tình Hòa thượng dân Gia Lai ghi nhớ, đức tu của Ngài tứ chúng mông huân.

Chùa Minh Thành là nơi Tôn sư đã khai sơn lập tự, tiếp Tăng độ chúng. Nay hội đủ thắng duyên khải kiến Đại giới đàn với Tôn hiệu của Ngài, y theo lời Phật “Dĩ Giới Vi Sư”, tôn kính Ba-la-đề-mộc-xoa như dòng Cam Lộ dưỡng nuôi huệ mạng, ngõ hầu tiếp nối di nguyện của Đức Như Lai, tận tâm dốc sức báo đền thâm ân Tổ đức. Như di ngôn của Phật trước lúc Niết-bàn, giới pháp đã trở thành người thầy dẫn đạo: “Này các thầy Tỳ-kheo, sau khi ta diệt độ, nên cung kính tôn trọng Ba-la-đề-mộc-xoa, như tối tăm gặp ánh sáng, kẻ nghèo được của báu. Phải biết đó là bậc thầy của các vị, ta có ở thế cũng không khác như vậy”.

Đại giới đàn Cam Lộ Giác Đạo được hình thành trên tinh thần như thế, quy kính kim ngôn, giữ gìn như ma ni pháp bảo. Là nơi tuyển người làm Phật, giữ gìn mạng mạch Thế Tôn truyền trao, hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức. Giới đàn lấy sự thanh tịnh của giới thể làm chánh nhân, sự hòa hợp của Tăng-già làm phước điền, y theo luật tạng truyền giới làm tiêu tướng, đại nhân đại phước kết thành đại giới trường, một niệm chí thành “Y Vô Thượng Giác”.

Ban Kiến Đàn

Đại Giới Đàn Cam Lộ Giác Đạo, tỉnh Gia Lai 2022

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Công năng của thần chú Vô Lượng Thọ

Kiến thức 16:17 23/12/2024

Phật tử thực tập pháp môn tu Tịnh thì niệm Phật khi nào đạt chánh niệm, hoặc tu từ một đến 03 năm, có thể phát tâm gia hạnh thêm một vài pháp môn khác như là Mật, hay Thiền, chừng đó tâm không bị rối loạn.

Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm

Kiến thức 10:11 23/12/2024

Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.

Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?

Kiến thức 06:10 23/12/2024

Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Xem thêm