Ý nghĩa ngày lễ húy kỵ - ngày đám giỗ
Húy kỵ là chỉ cho ngày mà thầy tổ, cha mẹ, người thân thương, bạn bè… của chúng ta qua đời. Vào thời xưa, khi gặp ngày này thì người ta cấm kỵ tất cả những cuộc vui như: Uống rượu, sát sinh, ca múa hát xướng,... cho nên mới gọi như thế.
- Húy kỵ:
Lễ húy kỵ, còn gọi là kỵ nhật, húy nhật, mệnh nhật, kỵ thần, húy thần, kỵ thần, đám giỗ, giỗ quải, đám quải, dọn đám giỗ.
Theo “Lễ ký tế nghĩa” chép: “Người quân tử có cái hiếu xót xa trọn đời đó chính là ngày giỗ kỵ”.
Trịnh Huyền nói: “Kỵ nhật, tức là ngày kỷ niệm đau buồn mà người thân qua đời”.
Thời chế độ phong kiến, ngày sinh nhật, ngày qua đời của Vua, Hoàng hậu, thì gọi chung là ngày kỵ.
Chữ Húy theo tiếng tính từ có nghĩa là kiêng cữ, tránh không nói hoặc viết ra, cho nên mới nói: chữ húy, ẩn húy, tên húy, phạm húy.
Như húy danh là tên phải kiêng cữ, ngày xưa đi thi phải thuộc làu hết húy danh của vua để tránh, nếu phạm húy thì sẽ bị đánh rớt, bị phạt. Trong sách Thiền uyển kế đăng lục có câu: Chu Mục Vương chi tự (寺), tức là Chu Mục Vương chi thời (時), chữ thời khắc thiếu bộ nhật (日), là do kỵ húy vua Tự Đức, vì ông hiệu là Phúc Thì (Thời). Đây là bản khắc vào triều Nguyễn đời vua Tự Đức nên phải như thế.
Còn chữ Kỵ là kiêng cữ, giỗ chạp, đám kỵ, kỵ cơm, giỗ. Kỵ nhật tức là ngày giỗ, ngày cúng cơm người mất mỗi năm, thường thì tính theo Âm lịch.
Như vậy Húy kỵ theo tiếng động từ có nghĩa là kiêng cữ. Húy nhật là ngày giỗ kỵ cúng cơm.
- Ngày tiên thường và chánh kỵ:
Trong việc cúng vào ngày giỗ thì bao gồm 2 lễ quan trọng: Lễ Tiên thường (先嘗) lễ cúng vào ngày trước người chết qua đời một hôm, lễ Chính kỵ (正忌) chính là ngày mất.
Tiên thường còn được gọi là ngày Cáo giỗ, tức giỗ trước 1 ngày người qua đời. Trong ngày này, con cháu cúng cáo giỗ để mời người đã khuất hôm sau về hưởng giỗ.
Khi cúng, gia chủ cần phải cúng để mời người được hưởng giỗ trước, tiếp theo mới đến mời gia tiên nội ngoại từ bậc cao nhất đến thấp nhất và cáo thỉnh gia thần cùng về đây để dự tiệc giỗ.
Đối với thế tục, trước chánh kỵ một ngày, thì có lễ thỉnh cửu huyền, tiên linh; còn trong nghi lễ Phật giáo thì có nghi thỉnh giác linh, thỉnh tổ sư. Vào ngày này gọi là ngày Tiên thường nghĩa là nếm trước, nếm thử, tức lễ cúng sơ sơ trước ngày giỗ một hôm, như chúng ta thường nghe: Cúng tiên thường, lễ tiên thường, hôm nay là lễ tiên thường của thầy tôi, cha mẹ… chúng tôi, mai là ngày chánh kỵ mời các vị đến tham dự.
Vào ngày này thì những người quen biết hoặc đã từng thọ ân, vì nhớ tưởng đến người đã qua đời, đến để truy niệm, thông thường người Việt Nam ta gọi là ngày giỗ, ngày kỵ.
Tại sao gọi là kỵ? Chữ kỵ có nghĩa là tránh né kiêng kỵ, vì vào ngày này những người thân thuộc tránh những cuộc vui chơi, tập trung lại một chỗ để tụng kinh lễ Phật tu phước, tổ chức pháp hội, chẩn tế trai tăng… để hồi hướng công đức cho người quá vãng, nương nhờ công đức đạo lực này mà đạo phẩm thêm cao.
Ngày kỵ một tháng sau khi người qua đời thì gọi là Nguyệt kỵ, sau 35 ngày gọi là Tiểu luyện kỵ, sau 49 ngày gọi là Đại luyện kỵ.
Ngày kỵ đúng theo ngày tháng mà người qua đời gọi là chánh kỵ, có khi gọi là tường nguyệt, tường nguyệt mệnh nhật.
Hôm trước của ngày chánh kỵ gọi là Túc kỵ. Ngày chánh kỵ tròn một năm gọi là Tiểu tường kỵ. Ngày chánh kỵ đúng hai năm gọi là Đại tường kỵ, tam hồi kỵ,… những danh từ đại tường, tiểu tường,… đã ghi chép rất rõ trong sách Lễ ký. Tuy nhiên những từ này đều mượn dùng từ trong thuật ngữ của các Nho gia”
Ngoài ra, cứ 7 ngày thiết lập một trai tuần, đến 49 ngày gọi là trung ấm pháp yếu, còn gọi là: tuần tứ cửu, tuần định nghiệp, tuần chung thất,… đúng 100 ngày thiết trai hội gọi là tuần bách nhật.
Nghi thức thiết trai tụng kinh vào ngày kỵ đã có từ thời đức Phật, trong kinh điển Phật giáo cũng đề cập rất nhiều về pháp sự này.
Kinh phạm võng, quyển hạ chép: “Khi cha mẹ, anh em, hòa thượng, a xà lê qua đời, trong vòng 21 ngày đến 49 ngày nên đọc tụng Kinh, Luật đại thừa”.
Thích Thị Yếu Lãm chép: “Ngày 15 tháng 2 Âm lịch là ngày Phật Niết Bàn, tăng tục ở khắp nơi có lập hội để cúng dường, tức là có công việc gì vào ngày đó phải nên tránh kỵ. Theo lễ ở thế tục thì người quân tử có cái hiếu trọn đời, nghĩa là ngày kỵ vậy. Lại gọi là ngày không vui, vì không nên hưởng thụ cái vui, có khi gọi là húy nhật, hoặc viễn nhật. Hàng Thích tử khi có thầy qua đời thì nên gọi là ngày quy tịch, bởi họ Thích không có kỵ húy.
Đám giỗ là đáo lệ cúng hằng năm, đúng ngày chết của một người nào đó, còn gọi là: ăn đám giỗ, dọn đám giỗ.
Người Việt Nam ta, cúng giỗ còn gọi là cúng quải, là tên gọi chung cho các cuộc cúng cơm thầy tổ, ông bà, cha mẹ,… kể từ sau khi mãn tang.
Giỗ là một buổi lễ, theo nghi thức phong tục tập quán của người Việt, nhằm tưởng nhớ đến những người đã khuất. Giỗ được tổ chức cúng vào đúng ngày người mất theo Âm lịch.
Ý nghĩa của giỗ là để nhắc nhở con cháu về những đạo đức đẹp của người đi trước, gắn kết tình cảm các thành viên trong một gia đình, dòng họ, làng xóm, đôi khi trong cùng ngành nghề.
Cúng giỗ là ngày bày tỏ tấm lòng thương xót, sự nhớ tưởng của người đang sống với người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với Tổ tiên. Trong đạo Phật cũng vậy, khi giỗ thầy Tổ, đây cũng là dịp nêu cao lòng hiếu kính biết ơn sâu sắc.
Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ linh đình, mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự giỗ. Nhà nghèo thì chỉ cần nhang đèn bông trái, vài món ăn giản dị cúng người mất cũng được rồi.
- Giỗ đầu, giỗ hết, giỗ thường:
Đây là 3 giỗ quan trọng trong nghi lễ thờ cúng:
Giỗ Đầu gọi là Tiểu tường (chữ Hán: 小祥), là ngày giỗ đầu tiên, sau thời gian người mất đúng một năm, nằm trong kỳ tang chế, là một ngày giỗ vẫn còn bi ai, sầu thảm. Thời gian một năm vẫn chưa đủ để làm khuây khỏa những nỗi đau buồn, xót xa trong lòng của những người thân. Trong ngày Giỗ đầu, những người thọ tang vẫn mặc đồ tang phục.
Giỗ Hết gọi là Đại tường (chữ Hán: 大祥), là ngày giỗ sau thời gian người mất hai năm, vẫn nằm trong kỳ tang chế. Thời gian hai năm cũng vẫn chưa đủ để hàn gắn những vết thương trong lòng những người còn sống. Trong lễ này, người ta vẫn tổ chức trang nghiêm, những người thọ tang vẫn mặc đồ tang phục.
Giỗ Thường còn gọi là ngày Kiết kỵ (chữ Hán: 吉忌), là ngày giỗ sau thời gian người mất từ ba năm trở đi. Kiết Kỵ nghĩa là Giỗ lành. Trong lễ giỗ này, con cháu chỉ mặc đồ thường phục, lúc này sự bi ai, sầu thảm, đã nguôi ngoai, là dịp để con cháu sum họp để tưởng nhớ người đã khuất.
Theo nghi tiết thế gian, ngày giỗ thường được duy trì đến hết năm đời. Sau năm đời, vong linh người quá cố kể như đã được siêu thoát, đầu thai hóa kiếp trở lại, nên không cần thiết phải cúng giỗ nữa mà nạp chung vào kỳ xuân tế. Cúng giỗ tùy theo hoàn cảnh khả năng, không nhất thiết phải quá linh đình cầu kỳ, nhà nghèo chỉ cần giữ đạo hiếu với tổ tiên là được.
Còn trong Thiền môn đặc biệt nhất là những chốn Tổ đình, mỗi một năm có rất nhiều lễ giỗ, thậm chí một tháng có tới 6 lễ giỗ, như vậy rồi làm sao? Thường trong Tông môn họp lại chọn ngày giỗ của vị khai sơn hoặc vị Tổ nào đó mà kỵ chung hết, trường hợp này gọi là Hiệp kỵ. Như Tổ đình chùa Hội Phước – Nha Mân, hằng năm Hiệp kỵ Chư vị tiền bối Tổ sư vào ngày giỗ Tổ khai sơn tức mùng 3 tháng 3 Âm lịch. Có nơi thì cứ xoay vần năm này giỗ vị A lớn, năm sau đổi lại vị B…, cứ xoay vần như thế cho đến hết, rồi trở lại như ban đầu. Tuy nhiên, đây là một sự tùy nghi thống nhất của Chư sơn trong tông môn.
Nhìn chung ngày giỗ kỵ thầy tổ, ông bà cha mẹ đối với những người tin Phật, thì mỗi người thân quen dù xa hay gần, bận bịu cách mấy đi nữa cũng nán lại mọi công việc, sắm sửa lễ vật ít nhiều mang dâng lên bàn thờ người đã quá vãng, thắp hương, lễ lạy… có khi phải đến trước vài ngày để bao sái, sắp đặt trang nghiêm từ đường,… gọi là bày tỏ chút lòng thành kính tưởng niệm người đã quá vãng mà ta từng thọ ân tiếp nối.
Đồng thời vào ngày này cũng là dịp mọi người trong thân tộc họ hàng, thầy trò, tình huynh nghĩa đệ gặp nhau đông đủ, trau đổi những kinh nghiệm tu tập, cuộc sống đời thường, ôn lại công hạnh của người quá vãng… tinh thần ấy gọi là hiếu kính, tri ân báo ân, hoài niệm người đã khuất trong ngày giỗ kỵ.
"Phù sinh kiếp sống có bao lâu
Kẻ ở người đi vạn nỗi sầu
Thăng trầm tội phước nào ai biết
Thoáng chốc ngày qua trải mấy thâu".
Thích Thiện Phước
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Phật giáo thường thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Phật giáo thường thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Phật giáo thường thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Phật giáo thường thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm